Thursday, October 21, 2010

ĐỐI THOẠI NHÂN QUYỀN VIỆT - MỸ QUA ĐỀ NGHỊ CỦA DB LORETTA SANCHEZ

Việt Hà, phóng viên RFA
2010-10-20

Đối thoại nhân quyền giữa Hoa Kỳ và Việt Nam lần thứ 15 sắp diễn ra. Đây là cuộc đối thoại được tổ chức thường niên giữa hai Bộ Ngoại giao hai nước.
Sự kiện này diễn ra giữa lúc tình hình nhân quyền Việt Nam đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ, đặc biệt liên quan đến các vấn đề về tự do báo chí và tôn giáo.
Nhân dịp này Việt Hà của đài chúng tôi có bài phỏng vấn bà dân biểu Loretta Sanchez về cuộc đối thoại lần này. Bà Loretta Sanchez là người đã nhiều năm lên tiếng về vấn đề dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.

Mỹ ưu tiên quyền con người

Việt Hà: Thưa bà, liên quan đến cuộc đối thoại nhân quyền sắp tới giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, bà có lời khuyên nào dành cho phái đoàn Mỹ trước khi nói chuyện với  Việt Nam?

DB Loretta Sanchez: Trước tiên tôi muốn đề nghị là họ nên gửi vào quan chức cấp cao nhất có thể của Bộ Ngoại Giao tham gia đàm phán lần này. Theo tôi việc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tham gia đàm phán có thể chỉ rõ cho Việt Nam thấy là vấn đề quyền con người là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ. Tôi tin là phía Hoa Kỳ có thể dùng các thông tin từ Hội đồng Quyền con người của Liên Hiệp Quốc và cơ chế kiểm điểm định kỳ về quyền con người ở Liên Hiệp Quốc (UPR). Tôi sẽ cố gắng đẩy mạnh việc này vì rõ ràng là có rất nhiều thông tin trong đó về những sai trái đang diễn ra tại Việt Nam.
Điều quan trọng là chúng ta phải nhìn vào các vấn đề quyền con người để cho Việt Nam thấy họ phải cam kết với điều 69 trong hiến pháp và điều 19 trong ICCPR (Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị), đảm bảo quyền tự do báo chí phải được tôn trọng, điều mà đến giờ chúng ta biết là họ đã không làm. Có hai điểm mà tôi muốn họ phải đẩy mạnh trong đàm phán lần này là tự do báo chí, nhất là tự do internet. Và điểm thứ hai là tự do tôn giáo, và đây điểm cơ bản nhất liên quan đến  công giáo, đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, và những nhóm tôn giáo khác nữa.

Việt Hà: Theo bà, bằng cách nào những lời khuyên này của bà có thể thực sự được tiếp nhận và tạo hiệu quả tối đa trong đối thoại lần này?

DB Loretta Sanchez: Tôi hiểu là chính phủ Hoa Kỳ đã rất bực mình lần trước. Tôi đã nói với chính phủ Mỹ là không nên bình thường hóa quan hệ thương mại với Việt Nam hay để Việt Nam trở thành thành viên của WTO, vì ở trong một giới hạn nhất định khi chúng ta làm như vậy thì đã không tạo được sức ép lên vấn đề quyền con người ở Việt Nam và nó đã trở nên tồi tệ hơn.
Tuy nhiên chúng ta vẫn có một số những công cụ có thể sử dụng ví dụ như những trợ giúp phi nhân đạo mà chúng ta đang cung cấp cho họ, chúng ta có thể giúp họ trong những việc liên quan đến việc soạn luật hoặc những quy định cho phép người dân có quyền được bày tỏ ý kiến của mình. Thực tế sẽ có một cuộc đối thoại đặc biệt với Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, cụ thể là với Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell vào ngày mai và chúng tôi sẽ nói chuyện với ông ấy về Việt Nam, với sự tham gia của những người lãnh đạo cộng đồng tại đây về những gì đang diễn ra, và đề nghị với ông ấy về điều gì có thể làm.

Tiếp tục đấu tranh vì nhân quyền

Việt Hà: Trong suốt 14 năm qua bà đã luôn lên tiếng đấu tranh cho vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Nhìn lại quá trình đó, bà thấy những điều gì mà bà đã đạt được mà bà cảm thấy hài lòng nhất?

DB Loretta Sanchez: Chúng tôi đã làm được rất nhiều, thứ nhất là nhóm quan tâm đặc biệt ở Hạ viện để thảo luận về các vấn đề này, rồi tiếng nói lương tâm nơi chúng tôi có thể giúp được những người bị cầm tù được thả. Theo tôi cái đáng nhớ nhất là việc tôi đã đến Việt Nam và gặp gỡ những người bất đồng chính kiến, và nhất là gặp gỡ Hòa thượng Thích Quảng Độ, và tôi đã tạo được một nơi mà 6 người bất đồng chính kiến chưa từng được gặp nhau trước kia đã có thể gặp nhau và có thể cùng nhau làm việc, điều này hết sức quan trọng. Tôi cũng muốn nói đến vấn đề kiểm duyệt internet. Tôi đã có quan hệ rất tốt với những công ty cung cấp dịch vụ như Google, Yahoo, AOL. Chúng tôi cùng làm việc với nhau rất chặt chẽ để internet không bị đóng hoặc sử dụng theo một cách tiêu cực như đã xảy ra ở Trung Quốc. Tất cả các vấn đề đó rất quan trọng và tôi rất tự hào về những việc làm đó.
Việt Hà:
Nếu như bà có thể làm lại từ đầu thì bà có thay đổi chiến thuật hay không và nếu có thì bà sẽ thay đổi những gì?
DB Loretta Sanchez:
Tôi nghĩ với thực tế là tôi đã có thể đến Việt Nam 3 lần và bị từ chối 5 lần cho thấy là việc làm chúng tôi thực hiện là rất hiệu quả, chính phủ Việt Nam khó chịu khi thấy chúng tôi có thể nói chuyện với bất kỳ chính phủ Mỹ nào, dù là Cộng Hòa hay Dân Chủ, và chúng tôi vẫn tiếp tục đẩy mạnh vấn đề quyền con người. Tôi nghĩ nếu tôi có thể thay đổi điều gì đó thì tôi sẽ tập trung sự chú của các đồng nghiệp của tôi tại Hạ viện nhiều hơn nữa vào những gì đang xảy ra tại Việt Nam, vì thực sự họ không biết nên họ không bỏ phiếu trong khi xem xét đến mối quan tâm của quốc gia trong mối quan hệ với vấn đề về quyền con người. Tôi sẽ tiếp tục tạo sức ép và đưa lời khuyên đối với Bộ Ngoại giao Mỹ, sử dụng mối quan hệ của tôi với Ngoại trưởng Hillary Clinton tiếp tục đấu tranh và để cho các đồng nghiệp của tôi hiểu hơn về tầm quan trọng của vấn đề này.

Việt Hà: Tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong những năm gần đây bị coi là đã xấu đi. Trong khi đó chính quyền Hoa Kỳ cũng phải đau đầu rất nhiều về các vấn đề nội địa. Bà có cảm thấy lạc quan vào kết quả sắp tới của cuộc đối thoại giữa hai bên?

DB Loretta Sanchez:
Tôi nghĩ là Ngọai trưởng Mỹ chú ý đến các vấn đề này và bà đã làm được rất nhiều điều trên thế giới này giữa lúc Hoa Kỳ còn nhiều vấn đề cần quan tâm ở ngay trong nước. Bộ Ngoại Giao Mỹ vẫn tiếp tục đẩy mạnh các vấn đề ở Trung Đông giữa Palestine và Israel, giữa Nga và Georgia, rồi Nga với châu Âu, Bắc Hàn và Nam Hàn. Có rất nhiều diễn tiến đang xảy ra trên thế giới giữa lúc Hoa Kỳ có những khó khăn ngay trong nước nhưng chúng tôi vẫn cố gắng để tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế để đưa vấn đề đi đúng hướng và vì thế chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm như vậy Việt Nam
Việt Hà
: Xin cảm ơn bà đã dành cho đài chúng tôi buổi phỏng vấn này.
.
Theo dòng thời sự:


Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: