Tuesday, October 26, 2010

ĐỌC TỪ MỘT CHI TIẾT NHỎ (LS Võ Hưng Thanh)

VÕ HƯNG THANH
26/10/2010        

Báo Tuổi trẻ trong mẫu tin ngày thứ hai 25/10/2010 có chạy tít “Tuần làm việc thứ 2 của Quốc hội góp ý dự thảo văn kiện trình đại hội Đảng”. Đây là điều quá thông thường từ lâu nay nên có thể rất ít người để ý. Nhưng chính chữ “trình” cho thấy rất đậm nét Quốc hội chỉ là một cơ quan nằm dưới Đảng.

Đây cũng là thực tế hay sự thật từ bấy lâu nay, nhưng nay được báo Tuổi trẻ nêu ra bằng một động từ rất rõ ràng, điều ấy có thể lại làm nhiều người thấy ngồ ngộ. Điều này đặt ra sự khác nhau giữa thực tế và nguyên lý. Thực tế này hoàn toàn không thể phủ nhận, có thể nó đã có từ cách đây hơn 60 năm, nhưng nguyên lý đó là nguyên lý của cơ chế nào, nguyên lý một cơ chế đặc thù hay nguyên lý dân chủ phổ biến theo truyền thống lại là chuyện khác.

Mẫu tin viết “Hôm nay (25-10), Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ hai với nhiều nội dung, trong đó có nội dung đang được dư luận chờ đợi là góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XI. Ngoài hơn 90 % đại biểu Quốc hội góp ý cho văn kiện đồng thời với tư cách vừa là đảng viên, vừa là người đại diện cho cử tri, sự chú ý của dư luận cũng sẽ được dành cho gần 10 % đại biều là người ngoài Đảng”.

Đây là điều chắc nhiều người cũng ít để ý đến, bởi đã cói thới quen coi đó chỉ là lẽ đương nhiên. Nhưng nếu có người tỉ mỉ, sẽ không khỏi thắc mắc, khái niệm “vừa là đảng viên, vừa là người đại diện cho cử tri”, đúng ra là thế nào.

Khi nào biết đại biểu đó đại diện cho vế nào trong hai vế trên cũng là một điều lạ. Bởi là đảng viên, tất trước nhất và cơ bản nhất vẫn phải là đại diện cho bản thân đảng viên của mình, sau đó là đại diện cho tính đảng của mình, tức đại diện cho Đảng về mặt bản thân, rồi sau rót hay ngoài ra mới đại diện cho cử tri. Điều này không thể nói khác hay giải thích khác, bởi nó là ý nghĩa của vấn đề nguyên tắc có thể áp dụng cho bất kỳ thực tế hay phạm vi nào mà ai cũng biết. Thế mà tỷ lệ này là 90 % phàn trăm trong Quốc hội, thì việc góp ý cho văn kiện cũng hoàn toàn đồng nghĩa như sự góp ý bên trong của nội bộ Đảng mà khó có thể như sự góp ý của Quốc hội như danh nghĩa của Quốc hội hiểu theo nghĩa tự nhiên, khách quan, đẩy đủ và cổ điển của nó. Cho nên ý nghĩa của khái niệm trình cho thấy rõ ràng nguồn gốc, nguyên do, và tính chất thực tế của nó. Thế nên, 10 % đại biểu ngoải Đảng thật sự chỉ là vùng đệm, tức các thành phần thuộc tôn giáo, trí thức, nhân sĩ, mà đặc điểm nguồn gốc của họ không không cho phép là đảng viên, tức không muốn và cũng không thể nào được phép vào Đảng cộng sản được.

Bởi rõ ràng là đảng viên thì phải theo kỹ luật Đảng, tức trung thành với đường lối đã có sẵn và dân chủ tập trung. Nguyên tắc đảng viên bầu lên lãnh đạo cho mình qua từng hệ thống cấp ủy là điều khách quan. Cuối cùng cấp ủy cao nhất bầu ra Bộ Chính trị, tức là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa các kỳ Đại hội. Điều đó cũng có nghĩa khi Quốc hội trình đóng góp ý kiến của mình cho Đảng, thực tế cũng là trình cho Bộ Chính trị.

Nhưng những nhân sự của Bộ Chính trị, thông thường cũng là những đại biểu của Quốc hội, có mặt trong Cơ quan quyền lực về nguyên tắc là Quốc hội. Tức họ cũng vừa là đại diện cho cử tri, vừa đại diện quyền lực của Đảng, mà cũng vừa là những người nắm quyền duy nhất và thật sự trong Quốc hội, để toàn bộ mọi quyết định gì quan trọng của Quốc hội cũng phải được thông qua hay cho phép của Bộ Chính trị, như thực tế là cơ quan quyền lực cao nhất trong xã hội và trong cả nước. Đây thực sự là cơ chế hoàn toàn đặc biệt mà chỉ ở những nước XHCN mới có trong thực tế.

Mẫu tin cũng viết “Thời gian còn lại, Quốc hội sẽ thảo luận các dự án luật gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân, Luật viên chức”. Ý nghĩa của ba Luật này rất quan trọng, nhất là hai Luật đầu, nhưng nếu nó cũng chỉ đưa đến 90 % là đảng viên làm đại biểu thì đâu cũng vào đó. Đồng thời Luật viên chức, cũng chỉ là luật có liên quan, bao hàm, hay áp dụng của hai Luật trước, càng cho thấy tính cách nhất quán của nguyên lý Đảng lãnh đạo mà mọi người đều hiểu.

Bởi vậy mà có số đảng viên mới lạm dụng khái niệm “đảng ta” để nói trong dân, trong xã hội, mặc dù khái niệm này, hay cách xưng hô này chỉ được phép nói trong nội bộ Đảng. Vậy mà có người ngoài Đảng cũng có thói quen xưng hô như thế, cho thấy ý thức cơ hội hay sự phỉnh nịnh của nhiều cá nhân không phải luôn thật sự không có.

Một sự kiện kinh tế nổi bật nhất gần đây và cho tới hiện nay là vụ Vinashin. Nhớ nhiều năm trước, báo chí quảng bá các năng lực của Vinashin rất đáng gờm. Tới khi vụ việc vỡ ra, hiện tại người ta mới biết số nợ của Vinashin bằng với tiền đóng thuế của 1.000 doanh nghiệp trong suốt 3 năm. Cụ thể số nợ này không dưới 86.000 tỷ đồng. Nhưng cũng có thông tin nói nợ gộp của Vinashin lên đến 120.000 tỷ đồng, tức chia đều ra thì mỗi người dân VN phải gánh nợ cho Vinashin khoảng 1,5 triệu đồng. Tuy vậy, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng vẫn cho biết tháng 11 sẽ có một Vinashin mới (Tuổi trẻ 23/10).

Điều này cũng có người nói, mặc dầu mọi người cũng đều biết, thì khi quyền lực đã vào tay ai, tự người đó rất khó từ bỏ. Cho nên cấp phó, cấp dưới, làm sao kiến nghị được để cấp trên xem xét lại ý nghĩa quyền hành của mình. Đối với Vinashin cũng như đối với mọi cơ chế khác nhau trong xã hội cũng vậy. Đó chỉ là điều hoàn toàn tự nhiên đối với tâm lý chung của con người, trừ khi đó là một vị thánh. Nhưng trong cõi đời thường, có dễ gì tìm đâu ra các vị thánh. Bởi thế mà cơ chế dân chủ, cơ chế có kiểm soát, có chế không cho tập trung mọi quyền về một chỗ, chính là điều mà loài người đã thấy từ lâu, và đó cũng là ý nghĩa, cơ sở hay mục đích của sự phân quyền thật sự mà trên thế giới từ cả bao thế kỷ nay đều biết.

Bởi vậy, ở VN quả là một cơ chế rất đặc thù. Cơ chế này do một quá trình dài lịch sử thời chiến và ý hướng đấu tranh cách mạng mang lại. Ngày nay đã thời bình, đã thời kỳ toàn cầu hóa, đã thời kỳ hội nhập, nhưng cơ chế này vẫn hoàn toàn không thay đổi. Cho nên Quốc hội thực tế không phải là cơ quan quyền lực cao nhất, mà chính là Bộ Chính trị. Mặc dầu đại biểu Quốc hội do dân bầu, cơ quan Bộ Chính trị do cấp cao nhất của cơ chế Đảng lựa chọn, nhưng quyền lực của cái trước hoàn toàn do cái sau chi phối. Đó là điều mà từ lâu nay đã trở thành nguyên tắc bắt biến, đến đổi hầu như mọi người như không còn để ý đến, không còn có ý kiến, nhất là các đại biểu Quốc hội, hay nói chung kể cả Quốc hội cũng vậy.

Cho nên, phân quyền ở đây chỉ còn là sự phân công, phân nhiệm. Lập pháp là của Quốc hội, hành pháp và tư pháp là của Chính phủ, tức là của nhà nước, theo đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, còn nhân dân thì chỉ có làm chủ. Bởi vậy, ý nghĩa của bầu cử đại biểu quốc hội cũng chỉ là dân bầu những đại biểu đã được lựa chọn hay giới thiệu trước. Đó cũng là ý nghĩa tại sao 90 % đại biểu Quốc hội là đảng viên như đã thấy, và tại sao trong sự thảo luận của Quốc hội phần lớn chỉ là thống nhất và nhất trí.

Đó cũng là ý nghĩa tại sao phần lớn người dân trở thành thụ động trước tất cả mọi việc. Bởi nói cho cùng, phần lớn người dân đều thuộc tâng lớp bình dân, chỉ an phận, mục đích chính là làm ăn kinh tế, mọi việc nước việc dân đã có những người khác lo tất cả rồi. Tuy thành phần trí thức chỉ là thiểu số, nhưng trong thiểu số đó thì đã từ lâu phần đông đã được đào tạo bài bản theo một hướng nhất định, nhất là trí thức khoa học xã hội và nhân văn, tức số đông có lịch sử đào tạo từ Liên xô cũ, Trung quốc, và từ các nước đông Âu trước kia, hay ít nhất cũng xuất thân từ trong giai đoạn lịch sử cách mạng đã có, có nghĩa họ đều là những trí thức đỏ theo đúng nghĩa, còn trí thức trắng hay không màu là hoàn toàn rất ít.

Đây là điều hoàn toàn thực tế, nên xã hội đã thành nếp, mọi sự suy nghĩ đều đã thành nếp, và kể cả hoạt động của Quốc hội cũng đã thành nếp. Thành nếp đến nổi mọi người không thể nói khác, vì nói khác cũng không có chỗ để nói, chỉ có thể nói riêng, nói lén, cho dầu đó là cách nói không chính đáng, không ngay thẳng, nhưng mọi người như thế đều phải tự chấp nhận. Đây quả thật cũng là một biệt lệ, một đặc thù của một xã hội, bởi báo chí chỉ còn là báo chí chính thức của nhà nước, tức mọi nhiệm vụ phân công, phân nhiệm cũng đã thực sự quá rõ ràng.

Do vậy, khi đào tạo thu hút những lớp đảng viên mới, có gì khẳng định được hoàn toàn loại bỏ hết mọi phần tử cơ hội. Đó là chưa nói đến chính sách, chương trình và phương thức đào tạo trong ngành giáo dục chủ yếu là mang mục đích và nhấn mạnh về chính trị ưu tiên hàng đầu hơn là theo ý nghĩa văn hóa hay xã hội nói chung. Đây cũng là điều mà về mặt phương pháp luận dạy và học đã khiến nền giáo dục có nhiều hiệu quả tiêu cực, bởi nó phần lớn chỉ nặng về tính hình thức và tính phong trào mà dư luận đã ca thánh và nhiều bài báo gần đây đã mổ xẻ, phân tích. Các trách nhiệm này thuộc về ai hay chỉ thuộc về cái vòng luẩn quẩn. Tức đầu ra để giải quyết mâu thuẫn hay giải quyết trên cơ sở thật sự khách quan, hiệu quả và khoa học, như hoàn toàn chưa có. Bởi vậy, về lâu về dài nguyên lý quản lý xã hội theo kiểu sống lâu lên lão là cả một nguy cơ cho phát triển. Đó là điều mà nhiều người có thấy nhưng không dám nói, bởi nói ra sợ bứt dây động rừng, sợ phạm húy, sợ đi ngược lại nguyên tắc, tức có nghĩa chỉ nhằm cầu an, tiêu cực, và để tránh mọi nguy hiểm của sự bị nghi ngờ và chụp mũ.

Trong tính cách như thế thì hiệu quả xã hội nói chung quả rất khó. Mỗi người phần lớn chỉ như những ốc đảo, sống theo quán tính, mà họ nghĩ đó là sự khôn ngoan nhất. Mọi sự khôn ngoan mà thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm, quả thật là điều hết sức ghê gớm, nếu quả nó đúng như thế.

Cho nên, đây có thể cũng chỉ là một bài viết đặc thù. Viết chơi mà không mong có được tác dụng hữu ích nào. Bởi vì nó chỉ được viết trong vòng hạn chế, riêng tư, và cũng mang đầy tính chất bất chợt và ngẫu hứng. Tính chất bất chợt đó là qua một mẫu tin nhỏ do báo Tuổi trẻ đăng lên như đã nói. Đó chính là nguồn cảm hứng cho bài viết, bởi vì chính bài báo đã cho thấy cơ quan quyền lực thật sự nằm đâu, không phải nằm ở Quốc hội, vì cả ý kiến đóng góp của Quốc hội cũng phải trình cho Cơ quan Quyền lực đó.

Ai cũng biết, tổng số đảng viên hiện nay trong cả nước là 3 triêu người, trong khi đó toàn dân số trên 85 triệu người. Tức hình dung số đảng viên là màu đỏ, còn số còn lại là màu trắng hay không màu, thì tỷ lệ rất loãng, về màu sắc và về cả số lượng cũng vậy. Ngoài ra, cho vậy các nhân sự của Bộ Chính trị cũng không phải tồn tại vĩnh viễn, mà có thể thay đổi qua những kỳ Đại hội nhất định. Cho nên lấy cái không thường xuyên chi phối cả cái thường xuyên của xã hội mà không theo một nguyên lý khoa học hay pháp lý nào một cách rõ ràng, cụ thể, có thể hiểu được, cũng là một điều mang tính biệt lệ mà ít người muốn nói đến hay dám nói đến.

Tất nhiên, những người có thẩm quyền nói đến điều này trước tiên không ai khác hơn là các đại biểu quốc hội. Nhưng Quốc hội gồm 90 % là đảng viên, phải tuân thủ kỷ luật và nguyên tắc dân chủ tập trung, thế thì còn làm sao để có thể nói được. Đó chính là điều nghịch lý mà mọi người đều phải chấp nhận, ít ra cũng là trong quãng thời gian lịch sử dài đã có. Nên nói chung đây vẫn chỉ là vấn đề nguyên lý và thực tế.
Chọn thực tế hay chọn nguyên lý, cái nào là quan trọng nhất và cái nào làm nền tảng thật sự khách quan cho cái nào mới là điều đáng nói nhất. Đó cũng là ý nghĩa của nguyên tắc lãnh đạo. Bởi lãnh đạo có thể mang nghĩa đứng trước, đi đầu; mang nghĩa đi sau, thúc đẩy; mang nghĩa chủ quan theo ý thức, ý chí, nhận thức của mình; hoặc mang ý nghĩa khách quan chỉ là dựa vào yêu cầu hoàn toàn thực tế khách quan để linh hoạt, sáng tạo và hướng dẫn mọi người phù hợp theo chính các yêu cầu thực tế khách quan đó. Điều đó cũng cho thấy chính yếu tố đứng sau và theo sát yêu cầu thực tế, là yếu tố lãnh đạo hợp lý nhất.

Chẳng hạn, trước khi có chủ thuyết Mác Lênin, trước khi có cơ chế XHCN thì xã hội và dân tộc vốn đã có, Thăng Long Hà nội đã có từ ngàn năm, dân tộc ta cũng đã từng oanh liệt thắng được Nguyên Mông. Cho nên cái khác của giai đoạn thời đại vừa qua là cái khác của ý nghĩa cách mạng trong mục đích bao cấp đã từng có. Và cái khác ngày nay là cái khác của sự đổi mới, của mục đích kinh tế thị trường, của giai đoạn hội nhập và toàn cầu hóa đang nhất thiết phải xảy ra và tiến tới, mà ai ai cũng biết.

Từ những ý nghĩa như thế, tưởng có thể kết luận được bài viết ngoại lệ này, qua chính cảm hứng từ ý nghĩa của danh từ hay của của động từ mà báo Tuổi trẻ đã nêu ra. Đây chẳng qua cũng chỉ là việc đọc từ một chi tiết nhỏ để hiểu được rộng ra mọi vấn đề và mọi ý nghĩa bao quát, sâu xa hơn. Đây chỉ là vấn đề về ngôn ngữ, về khoa học hay lý thuyết, về thực tiển hay về nguyên lý xã hội, về hiệu quả trong thực tế, hay về chính ý nghĩa năng lực nhận thức chung của toàn xã hội, xin để tất cả mọi người cùng suy ngẫm.    

VÕ HƯNG THANH
26/10/2010   
.
.
.    

No comments: