Monday, October 18, 2010

NHỮNG NGƯỜI XA LẠ KỲ LẠ (Linda Lê)


Trong buổi nói chuyện với độc giả ngày 13/10 tại L’Espace  (Hà Nội), nhà văn gốc Việt viết bằng tiếng Pháp Linda Lê cho rằng, đóng góp của các nhà văn không quốc tịch đối với mảnh đất mà họ chọn để sống là ở chỗ họ đã nhằm tới tính phổ cập bằng cách tẩy rửa điều tiên nghiệm, bằng cách chống lại những định kiến về mỗi dân tộc, về người da trắng, da đen, người châu Á, về những người nhập cư đã đồng hóa hay biệt lập.
Hôm nay tôi không tự ban cho mình quyền phát biểu nhân danh những người làm cầu nối giữa phương Đông và phương Tây, cũng không nhân danh những người mơ mộng đại diện cho sự lai trộn những nền văn hóa. Họ chẳng hề cần đến tôi để tố cáo tư tưởng hẹp hòi và lên tiếng cáo buộc hành vi chối bỏ mình là người có gốc gác từ nơi nào khác, hành vi chối bỏ này làm nảy sinh mù quáng và cuồng tín.
Chúng ta chỉ hết nhỏ mọn khi theo những tư tưởng nhân đạo, khi thoát ra khỏi ngục tù chính là nơi ẩn náu của thói cho mình làm trung tâm này để mở lòng cho cái mà Maurice Blanchot gọi là sự vô biên của tính khác biệt. Nhiệm vụ của những người cầm bút là đánh thức trong mỗi người thú vui được chui ra khỏi cái vỏ của chính mình, lĩnh hội được thế giới đa phức và vạch ra một con đường đến với đồng loại, khi người ta không còn là một vị khách không mời mà đến để trở thành người nắm giữ một điều bí ẩn cần làm sáng tỏ, khi người ta không còn là một chướng ngại vật trên con đường mình đi mà trở thành người được trao gửi những gì có thể.
Văn học chỉ có ý nghĩa khi nó tấn công vào những ý tưởng có sẵn, khi nó lôi ra từ đáy những con tim điều không thể thấu hiểu, khi nó tạo sức bật cho phép vượt quá những giới hạn của thân phận chúng ta. Những viễn cảnh chưa từng thấy mà nó vẽ ra trùm lên lời hứa về một tính siêu nghiệm: ý thức được giới hạn của mình, chúng ta tìm cách nâng chúng ta lên cao hơn tầm chính mình bằng cách đón tiếp người khác lạ, chúng ta đi tìm một sự thẩm thấu lẫn nhau giữa triết học và các định kiến về người đối diện với ta. Chúng ta biết rằng sự giàu có của chúng ta đến từ khả năng hướng tới Người Khác và chấp nhận người lạ trong con người chúng ta. Không những còn lâu mới có thể làm lung lay những nền tảng tự vệ của chúng ta, sự chuyển động xoay chiều này làm cho chúng ta miễn dịch với những bản năng xấu và làm tăng khả năng gắn kết của chúng ta. Chúng ta chỉ là tất cả khi chúng ta là một tập hợp của những ảnh hưởng đa dạng, một nơi quy tụ biết bao tương phản, một căn phòng cộng hưởng âm thanh vang lên những lời nói đa nghĩa nhất.
Do những rào cản giữa người với người đôi khi gần như không thể vượt qua nổi, điều cốt tử là phải cố lật đổ chúng bằng cách tóm lấy những bất đồng để biến xung đột gây hận thù thành một phương tiện chống lại chủ nghĩa bè phái. Do các học thuyết của chúng ta chỉ có nền tảng khi chúng ta tổng hợp những đề xuất mâu thuẫn nhau để làm trụ cột cho chúng, cần phải xem xét kỹ lưỡng những nơi sâu kín trong con người chúng ta, ở đó cùng tồn tại một kẻ bảo thủ thiển cận, tuyên chiến với những gì đe dọa tính thống nhất của nó, và một người tiên phong, nóng lòng được mở mang tầm nhìn của mình và hồi sinh khi uống trong bồn nước tuôn ra những điều tương phản. Do mức độ hoàn thiện của chúng ta phụ thuộc vào khả năng ngăn chặn nỗi ám ảnh kẻ thù bên ngoài của chúng ta, điều quan trọng hàng đầu là phải tính đến kẻ thù bên trong chính là sự khép mình này. Do những định kiến vốn dai dẳng, điều thiết yếu là phải vượt lên những thành kiến bằng cách tăng bội lòng tin: người đối thoại với chúng ta, dù anh ta từ đâu đến, đóng vai trò khích lệ chúng ta, anh ta ngăn cản chúng ta cứ ù lỳ trong một tư tưởng quốc dân chủ nghĩa xô-vanh và ghép bất kỳ ai không giống chúng ta vào tội có bộ mặt đáng ghét, anh ta ngăn chúng ta loại bỏ tất cả mọi kiều dân như thể người ta là một kẻ xâm lược, giúp ta không gục ngã trước những ảo ảnh bài ngoại gây ra nỗi sợ sâu thẳm sự đổ bộ của những người man rợ. Do một khuôn mặt bí hiểm là một cuốn sách cần giải mã, điều quan trọng là không gạt ra một bên điều không giải thích nổi, điều không ngờ đến, điều khác thường. Do những người ngang hàng với chúng ta, bất chấp màu da, chỉ ngang hàng với chúng ta khi chúng ta không loại bỏ họ ra khỏi trái đất của chúng ta, chúng ta phải không được nhượng bộ trước thái độ coi dân tộc mình là trung tâm, không được áp đặt những chuẩn mực của chúng ta như những tiêu chí duy nhất, phải không sợ sự du nhập những khái niệm cách tân, sự di chuyển tự do của những kho dự trữ chuyển hóa.
Do các nền văn minh của chúng ta đều có ngày tận thế, chúng ta có trách nhiệm phải suy ngẫm về sự đóng góp của các nhà văn không quốc tịch đối với mảnh đất mà họ chọn để sống. Họ đã phá hủy những rào cản, xóa nhòa ranh giới giữa những đặc điểm của một cộng đồng với những nét đặc thù của một tập thể nhỏ. Họ đã nhằm tới tính phổ cập bằng cách tẩy rửa điều tiên nghiệm, bằng cách chống lại những định kiến về mỗi dân tộc, về người da trắng, da đen, người châu Á, về những người nhập cư đã đồng hóa hay biệt lập. Họ đã ngợi ca những gì mà Robert Antelme gọi là “cuộc phiêu lưu phi thường khi coi người khác hơn chính bản thân mình”. Để thăm dò những góc tối của tâm hồn con người, họ hóa thành những điều tra viên không biên giới, với mảnh đất điều tra rộng rãi: không suy xét qua loa, không kết luận vội vàng, họ thể hiện những sắc thái trong đánh giá của họ, họ hoàn thiện được chân dung phức tạp của những hành khách lén lút, bị tống lên con thuyền kỳ cục chính là cuộc sống giữa xã hội này, với hành lý duy nhất là khát khao tri thức, với tấm hộ chiếu duy nhất là lòng quyết tâm phá vỡ xiềng xích, tức là thoát ra khỏi một sự cắm rễ quá sâu vào lòng đất mẹ ảnh hưởng xấu đến sự thăng hoa và phát triển trí tuệ. Quốc tế ca của những kẻ phản đảng lấy khẩu hiệu là tuyên ngôn của Benjamin Fondane, người Ru-ma-ni gốc Do thái từng chọn viết bằng tiếng Pháp và đã từng hô to: “Chúng ta không thuộc về nước nào/ mảnh đất của chúng ta chính là thứ chao đảo/ chỗ náu mình của chúng ta chính là chuyển động tròng trành”. Bài “Ca khúc người di cư” của ông là một tập giản yếu về sự nhổ rễ, khi mà, bất chấp uy lực của một giống nòi tổ tiên, chúng ta tung ra những sợi dây buộc kết liên chúng ta lại với nhau, khi chúng ta chỉ có một mình, một mình trong bóng đêm của chính chúng ta, khi chúng ta gieo và gặt người, khi chúng ta nói “ngôn ngữ của một sự thèm muốn bánh mỳ, hủy hoại/ âu yếm, mật, mơ mộng, sức mạnh”, khi chúng ta gọi cơn giông ập xuống chúng ta và khi tiếng than vãn của chúng ra lăn ra khỏi lịch sử.
Tôi, với những mối liên hệ với nước Việt Nam còn lỏng lẻo, tôi không có tham vọng đứng lên phất cờ cho những người xa xứ bị giằng xé giữa tiếc nuối quê hương và ham muốn khám phá ra những vùng miền mới, giữa sự cần thiết không thuộc về một cộng đồng nào, để bảo vệ bản sắc của mình, và ham muốn sống cộng sinh với bộ tộc mà họ là thành viên. Tôi tránh làm sứ giả của những người lưu đày, bởi lẽ tôi là một kẻ bội phản đã quên đi tiếng mẹ đẻ của mình và đã lấy tiếng Pháp để kể lại những nỗi gian truân của những nhân vật mơ hồ, hai mặt, luôn ở giữa dòng, bị xô đẩy chỗ này chỗ khác, quay về với quá khứ nhưng lại lo phải gạt bỏ những mối hiểm nguy của sự hoài niệm.
Theo tôi, tất cả các tác phẩm nghệ thuật đều phải là một mưu phản, vừa là một trò tà ma nhằm thắng những con quỷ bên trong đe dọa lý trí của tôi và một âm mưu chống lại những thế lực đen tối khích lệ người ta cam chịu. Tất cả mọi tác phẩm đều phải là một chuyến du lãng trong những vùng đất chưa khai phá, một bước vượt qua những biên giới ngăn cách cái thực và giấc mơ, sự tầm thường và chủ nghĩa lý tưởng, người khác và chính ta. Tất cả mọi tác phẩm đều phải mang hơi hướng chính trị, với nghĩa là nó đặt ra câu hỏi về vị trí của cá nhân trong số những người ngang hàng với anh ta, về sự đóng góp của anh ta vào việc giữ gìn một số giá trị tinh thần, như là tình huynh đệ hay tính nhân đạo, về sự thích nghi của anh ta, khó khăn hay không, với hoàn cảnh, theo những thay đổi thất thường của bánh xe Vận mệnh tạo thuận lợi cho một vài người được ân sủng, gây thiệt thòi cho đám người còn lại. Vì vậy, tất cả mọi tác phẩm, do được hoàn thành trong bóng tối, đều tỏ ra nổi loạn: nó không để cho độc giả được nghỉ ngơi, độc giả buộc phải nghi ngờ những nguyên tắc của mình, tự hỏi liệu việc anh ta hòa nhập vào một thực thể xã hội có ảnh hưởng đến sự khác biệt của anh ta hay không, liệu anh ta có hy sinh cho những quy ước để tạo cho mình một lối thoát hiểm khi anh ta bị cắt các nguồn thu nhập hay không. Liệu việc chạy theo trào lưu có phải là một lực kết tụ mà, dù muốn hay không, anh ta cũng phải quy phục? Liệu anh ta có phải là người chỉ đơn giản thực hiện một bản nhạc do một nhà chức trách soạn thảo sẵn cho? Liệu mối lo chiếm được một địa vị trong một môi trường có lấn lướt sự chuyển dịch chậm chạp của anh ta tới một sự tiến triển tinh thần? Liệu anh ta có chạy theo những ảo tưởng là sự phồn thịnh vật chất, thành công, vinh quang hay không? Liệu anh ta có đánh đổi điều không thể xử lý được trong con người anh ta này lấy một cảm giác thuộc về cái gì đó hão huyền? Liệu sự quan sát những lề thói có buộc anh ta phải co móng vuốt lại đến nỗi không còn là người nói đến những vấn đề nhạy cảm nữa mà là một người chỉ đâu đánh đấy? Liệu anh ta đã rời nơi không là nơi nào, nơi ở của anh ta vào thời anh ta mãn nguyện vì không có người bảo lãnh cũng chẳng có tổ quốc dán chặt vào đế giày của anh ta, để thả neo ở một bến cảng nơi anh ta sẽ luôn ghé chân qua? Liệu nỗi đau mà anh ta phải chịu đựng có là sự mất mát những điểm mốc, khi việc đánh mất bản sắc không đi kèm một sự kết dính hoàn toàn với những quy ước được đặt ra bởi một nhóm người mà anh ta tìm cách gia nhập? Liệu anh ta có còn chút nhiệt tình nào đó khi anh ta vốn đã chán chường, tập trung vào chính bản thân mình, và tuy thế vẫn tan ra thành bụi, không còn khả năng tập hợp những mảnh vỡ của chính con người anh ta?
Sự giải thoát của anh ta nằm trong cái Ngoại lai, giống như Victor Segalen định nghĩa. Cái Ngoại lai đó không đồng nghĩa với ham thích vẻ duyên dáng của những vùng nhiệt đới, mà đồng nghĩa với sự ngất ngây của chủ thể khi cảm nhận sự Đa dạng, khi diễn ra “phản ứng mạnh và lạ lùng trước cú sốc của một cá tính mạnh với một khách quan mà nó nhận thấy và thưởng thức khoảng cách”. Những điều không hài hòa trở nên sự hài hòa của Đa dạng. Cảm giác về Ngoại lai, khái niệm về khác biệt, tương đương với hiểu biết một thứ ở bên ngoài chính mình, không thể siết chặt trong lòng. Nhờ nhận biết sự Khác biệt, nhân cách của chúng ta, vốn đã co hẹp hơn, đông đảo hơn, được làm giàu lên. Quyền lực của Ngoại lai là một năng lượng tạo thêm sinh khí: nó trao cho những người sở hữu một cá tính mạnh quyền lực tạo ra thứ khác. Và Victor Segalen nói thêm: “Chính nhờ Khác biệt, và trong Đa dạng mà cuộc sống được tán dương.”
Nét đẹp của sự Đa dạng này là điểm cốt yếu để lập luận cho một nền văn học liên văn hóa, nơi kết giao những cách tư duy khác nhau, nơi chất chồng những tài liệu tham khảo về các di sản từ mọi miền trên hành tinh, nơi hòa trộn những tấm lòng kính trọng dành cho các tác giả bốn phương mà không hề tạo ra tính không đồng nhất, trái lại, nó tạo ra một tổng thể liên kết, được tạo ra bởi những yếu tố nhìn bề ngoài thì không tương thích với nhau nhưng lại quyết định một sự kết hợp hiệu quả những phản đề. Cuộc gặp gỡ những người bảo vệ một nền nghệ thuật lai không phải là một điều cực chẳng đã của toàn cầu hóa, khi những môn đồ của mở cửa không phải là những tên ma cô dẫn dắt đến cái ngoại lai, thích vẻ hào nhoáng, trộn thành một mớ hỗn tạp những thứ vay mượn chỗ này chỗ khác, làm cho tất cả các loại nước sốt phù hợp với những thành phần thực phẩm nhặt ra bất kỳ, miễn sao chúng là chỉ số của một sự thèm khát cái mới.
Mối nguy khi cưỡi ngựa đi trên hai thế giới, đó là khi không phải là thịt cũng chẳng là cá, là ở lại nơi tờ mờ để khỏi bị xếp loại. Cái được cấy ghép, như một loài cây sống dai dẳng, vốn sống được ở nơi đất lạ, cố gắng không bị xếp vào danh mục thống kê, nhất là khi vũ trụ của nó là lưỡng cực, khi tâm hồn nó nổi bồng bềnh vô định giữa những khoảng rộng riêng biệt, giữa phương Đông và phương Tây. Không chối bỏ gốc gác của mình, nó phân đôi, đến nỗi nó ở vào một tình trạng mập mờ, đặc biệt là khi nó đã từ bỏ ngôn ngữ quê hương của nó để làm chủ hơn nữa ngôn ngữ của đất nước nơi nó sinh sống.
Tôi là một trong những trường hợp kiểu này. Thời niên thiếu của tôi ở Việt Nam, tôi đã học tiếng Pháp từ rất sớm. Tôi đắm mình trong những tác phẩm cổ điển của đất nước hình lục lăng, trong nghiên cứu những người viết Từ điển bách khoa toàn thư thế kỷ Ánh sáng. Tôi ngập trong thơ của Victor Hugo, của Verlaine, Rimbaud. Tôi thấy gần gũi với những vở bi kịch của Racine. Tôi đam mê Xưng tội của Rousseau, những cuộc lao dốc xuống địa ngục của Nerval, cách mạng văn học được những nhà siêu thực khởi xướng, những giáo hoàng của Tiểu thuyết mới. Thẩm thấu tất cả các nguồn cảm hứng, tôi tích lũy những khám phá của tôi, tôi mở rộng phạm vi kiến thức của mình, tất cả những kiến thức này đều có liên quan đến những phát minh của những nhà sáng tạo gan dạ châu Âu. Trạng thái tinh thần của tôi cảm nhận thấy sự kết hợp lưỡng cực tạo thành tòa án lương tâm của tôi: tôi bị giằng co giữa lòng chung thủy với phương Đông, mà cha tôi là đại diện, và sự cám dỗ của phương Tây, mà mẹ tôi - người bạn của nước Pháp - là hiện thân. Những ấn phẩm từ Paris luôn lôi cuốn tôi. Tôi đã thường khoe khoang rằng mình nắm vững các chủ đề của những nhà sáng tác nổi nhất, rằng mình đã sàng lọc các văn bản của những nhà viết văn xuôi tứ xứ, họ mời chúng ta đi dạo ở những nơi rất xa xôi. Tôi tự cho là mình có thể điều khiển công cụ của tôi, tiếng Pháp, tốt hơn cả người bản xứ, và trả giá bằng việc từ bỏ dùng tiếng Việt. Vậy là tôi đã đốt cháy những con tàu của tôi, tôi tự cấm mình quay trở lại, nhưng với cảm giác ngất ngây là mình trở thành một người theo thuyết biến hình, thay đổi trang phục và đóng nhiều vai: vai một công dân tương lai của thế giới, vai một người chở đò có triển vọng, hành động để thống nhất, vai một thợ thủ công tiềm năng làm cho các dân tộc xích lại gần nhau, đồng thời cũng là một kẻ xúi giục nổi loạn ngẫu nhiên khi đề cập đến những điều làm người khác khó chịu, chẳng hạn bằng cách nhắc lại luận đề của André Gide theo đó những nghệ sỹ lớn là những sản phẩm lai tạo và là kết quả của việc bật rễ và cấy ghép. Xa lạ với chính họ, đôi khi xa lạ với những người đồng hương với mình, họ biến những nỗi bàng hoàng của họ thành những điểm mạnh để nhào trộn ngôn từ. Giữ lại tất cả những tỉ lệ, và không so sánh mình với họ, tôi ý thức được rằng mình là một người lai, trung gian giữa người lưu đày bị gò ép theo một nền giáo dục ưu tiên cho những sản phẩm đến từ nơi khác, người tị nạn từ chối khu biệt cư và người phụ nữ phương Đông mất phương hướng, bị chia rẽ giữa khát khao giải phóng mình khỏi tất cả những rào cản và ước muốn được giữ gìn những mối quan hệ tình cảm với nơi mình sinh ra. Tôi chỉ có thể tìm thấy tính thống nhất của tôi khi tôi viết, khi tôi lục tìm trong những kỷ niệm của mình để khôi phục lại những nỗi đau và những nỗi ngất ngây từng cảm nhận, khi tôi di trú từ một không gian tưởng tượng đến một không gian khác, khi tôi luôn hướng về phía trước để tìm kiếm những cách diễn đạt riêng của mình.
Tôi đã khát khao hoàn thiện những tác phẩm hư cấu ở đó nổi bật lên sự rối loạn của những người lo lắng và những người không được thỏa mãn, không có trục trung tâm, không có khả năng chinh phục, che giấu qua loa những thiếu vắng của họ, nhưng theo cách của họ, họ là những nhân tố lật đổ. Điên rồ, hoài nghi, buồn bã, tang tóc, lưỡng nhân, thậm chí là đa nhân cách, ngự trị bởi những bóng ma, tàn tật vì sáng suốt quá mức, ít nhất quán với chính bản thân họ, ít đồng điệu với thời đại của họ, họ là những chuyên gia tránh né, chuồn lủi, tung ra những dấu vết giả, lấp đầy hố ngăn cách giữa cái thực và cái hư ảo. Được tạo hóa phú cho một thiên hướng hướng ngã không phải là không thể dung hòa được với lòng trắc ẩn, một xu hướng phẫu tích, thuận lợi cho việc đặt lại vấn đề, họ tham gia tích cực vào cuộc tranh cãi, họ châm ngòi cho những niềm tin của chúng ta, họ làm khuấy đảo trạng thái cân bằng trí tuệ của chúng ta. Nếu như họ tự nghe bệnh cho mình, đó là để giải phẫu những điều gây hại cho chúng ta. Nếu họ nhìn ra đằng sau, đó là để thay đổi chính họ được tốt hơn mà thậm chí vẫn là những người xa lạ trọn đời. Nếu họ bám rễ vào một nơi nào đó, họ chỉ gắn bó vì tự do của họ. Nếu họ là minh chứng cho một ý tưởng, đó chỉ có thể là ý tưởng về một sự lạ lùng căn bản mà Baudelaire nói rằng nó là gia vị không thể thiếu của mọi vẻ đẹp.
Lưu vong, quấy rày, không chính thống, họ nêu lên những vấn đề không đúng lúc, như là sự sống sót với tư cách là những mẫu người bị lưu đày biệt xứ bỏ nơi đó mà trở về, nói không với tinh thần cố định, đối lập với sự độc tài của điều bình thường, vi phạm những cấm kỵ xã hội, ly khai trong một thế giới thu nhỏ đã quy tắc hóa, kháng cự lại tất cả các dạng áp bức. Họ sống với một sự lưu đày vĩnh cửu, ngay cả khi họ không rời bỏ đất nước họ. Họ chỉ tìm thấy nơi trú chân ở tính nước đôi và tính bất khả quy của họ. Họ có thể báo trước việc gia nhập đội ngũ bằng cách nhắc lại lời cảnh báo của Armand Robin: “Ở mọi thời đại, tôi sẽ là một người nước ngoài xa lạ/ Tôi sẽ giành những tháng ngày của mình để xóa bỏ đời tôi”.
Đồng thời với việc viết văn, tôi đã ngợi ca trong các tiểu luận của mình những tác giả là những người soi đường, những người nổi dậy, những người bảo vệ một sự lưu vong nội tại. Tôi chia sẻ với họ những câu hỏi của họ về khả năng tồn tại của các quan niệm của chúng ta, khi chúng ta bám lấy chủ nghĩa bá quyền, về tính thích đáng của những quan niệm của chúng ta, khi chúng ta châm ngòi cho những cuộc tranh cãi chỉ mang tính địa phương, về cơ sở cho những tiên đề của chúng ta, khi chúng ta tuyên bố rằng địa ngục là những người khác, về sự co hẹp lý trí của chúng ta, khi chúng ta giới hạn chân trời của chúng ta bằng cách chỉ cọ sát vào những gì gần gũi với chúng ta, về sự hão huyền của quan điểm của chúng ta, khi chúng ta luôn ưu tiên cho chị em gái chúng ta hơn là anh em họ chúng ta, ưu tiên cho anh em họ chúng ta hơn là hàng xóm của chúng ta, ưu tiên cho hàng xóm của chúng ta hơn là cho một người không quen biết.
Thu hút cái lạ là một trong những đòi hỏi cấp bách của sáng tạo. Cần phải lạc bước trong một mớ bòng bong những điều bối rối và những mối kinh hãi gây ra bởi sự đối đầu giữa bản thân mình và Người khác này - một ẩn số cần làm sáng tỏ, miễn là người ta sẵn sàng phá vỡ vỏ bọc của mình. Cần phải quên đi chính mình để sinh ra những người cô đơn vị tha, những thương binh tình yêu, những người chỉ có một mình đi tìm nửa kia của mình, những người sầu não mà nhu cầu an ủi không thể thỏa mãn nổi, những con người bị giày vò bởi sự phân thân, những người bị ruồng bỏ, bị xua đuổi khỏi thiên đường xanh, những quái vật ích kỷ, không mở lòng cho những gì sẽ đến với chúng, những con chim phượng tái sinh từ tro bụi, những người độc đáo không định nghĩa nổi, những người hành hương, những con chim bay qua.
Cần phải làm cho mình xa lạ với chính mình để đạt được một nền văn học không bị nô lệ hóa. Nếu nó không nhằm làm một phương tiện giải trí đơn thuần không có tầm ảnh hưởng, tất cả các tác phẩm thực sự thúc đẩy chúng ta tìm hiểu kỹ càng hơn những chiều sâu trong con người chúng ta, không phải để chiều ý chúng ta với thái độ coi mình là trung tâm mà là để cởi nút cho mớ bòng bong những điều ghê tởm kéo theo hiện tượng không thể liên hệ với nhau. Thoát ra khỏi những định kiến về người đối lập hoàn toàn với chúng ta, chúng ta thoát ra khỏi chính chúng ta, chúng ta làm một chuyến đi đưa chúng ta xa rời những diễn ngôn tối giản và những lời khát quát hóa thành biểu đồ, chúng ta tiến bước trước người khác, khi anh ta không còn là một điều trừu tượng gây khó chịu xung quanh kết tinh những mối thù hận, những sự phát vãng, mà trở thành chất xúc tác cho một tầm nhìn của Prométhée, cho một sự tôn thờ tất cả những gì là của con người, mà không phân biệt quốc tịch, tôn giáo hay đẳng cấp. Liệu đó có phải là một điều không tưởng không thể thực hiện nổi? Một sự xây dựng tinh thần không có cơ sở? Tôi thích tin rằng tương lai của nhân loại dựa trên những nhà nhân văn, giống người này không phải là đang trên đà tuyệt chủng, bất chấp các lý thuyết độc hại lại nổi lên trên sự bất bình đẳng các giống nòi. Di sản mà chúng ta nhận được từ họ đặt ra giả thiết rằng chúng ta không trơ ỳ trước những gì chúng ta không hiểu nổi, rằng chúng ta tiến bộ nhờ trừ tận gốc những định kiến của chúng ta. Điều quan trọng là làm thế nào để không phủ nhận sự khác biệt, không thiết lập mối quan hệ giữa một kẻ thống trị và một người bị thống trị, giữa một dân tộc thượng đẳng và một dân tộc nguyên sơ được bổ sung những cái gọi là điều hay của nền văn minh.
Sáng tạo bao hàm trau dồi cái lạ tuyệt tối của mình, nét hoang dã nội hàm của mình. Nó tạo thuận lợi cho việc giải mã những bí ẩn về cái hợp lý, ưu thế của điều được tiết lộ, sự đăng quang của pháp thuật, thể hiện những hiện tượng huyền bí, sự trỗi dậy của cái kỳ lạ, sự xuất hiện những quỹ đạo lạc đường, tận dụng sự bất quy tắc của tất cả các giác quan, bày tỏ lòng say đắm, liên kết những điều trái ngược, mộng thức và quay trở lại với lý trí lạnh lùng, khai thác khả năng đi quá giới hạn, làm điều ngông cuồng, lui tới những vùng hết sức nhạy cảm, tổ quốc thực sự của những người sáng mắt, đánh thức khả năng mê hoặc, chú trọng thiên hướng chơi trò phá đám, làm người sao chép lại thực tế khác, truyền một nguyên tắc sống mới vào cơ quan không quyền hạn là văn học này khi nó chỉ được nuôi dưỡng bởi những sự thực làm yên lòng.
Những người lưu đày không thể hòa giải với những tư tưởng hạn chế, lạ lẫm trong chính đất nước của họ, những người đã quen với chạy trốn ra khỏi vỏ kén bao bọc, những người hành động riêng lẻ không xếp mình vào hàng ngũ nào hết, những trường hợp ngoại lệ gần với sự bất bình thường, những người phá hủy những tư tưởng ngự trị, những người xóa bỏ lòng cố chấp dịch họa, những kẻ thù của những hóa thạch cổ mà với họ thì biên giới giữa các quốc gia không có khe hở, những người khai tâm được trợ giúp bởi sự tò mò không mệt mỏi đối với những tác phẩm ủ men cho sự nổi dậy, những người thân ngoại thích những cuộc hội ngộ với những người đi thử nghiệm xa xôi, những người theo thuyết chiết trung lạc lõng trong những bè đảng không thu nạp những cách tân, những người theo chủ nghĩa quốc tế tham vọng thực hiện một sự hỗn hợp, hòa trộn nhiều nền văn hóa, họ ở tiền đồn của thời hiện đại, họ có thể nói, như Armand Robin: “Trái tim con người, tôi muốn học nó bằng tiếng Nga, tiếng Ả rập, tiếng Trung./ Cho chuyến du lịch mà tôi tiến hành từ bạn đến tôi/ Tôi muốn thị thực/ Ba mươi thứ tiếng, ba mươi khoa học.”
Ly khai, đi ngược dòng, nhưng đón tiếp cởi mở người khác biệt với họ, họ là những gương mặt tượng trưng của một nghệ thuật, nghệ thuật này sẽ là nơi thống nhất tư tưởng nhân loại, theo ngôn từ của Victor Hugo. Họ là người cần thiết đối với chúng ta để không mặc cho ý nghĩ của chúng ta già cỗi đi vì thù địch những đám người tha hương. Họ dẫn dắt chúng ta trong những cuộc trao đổi của chúng ta, để cho chúng ta không sống trong chiếc bình khép kín, để chúng ta không thể không tiếp cận được với lòng thiện cảm, mà vẫn không phải là những người bị mắc lừa vì thực hiện bình đẳng.
Tôi kết luận những gì đã nêu liên quan đến những người bị lưu đày với câu trích dẫn của Marina Tsvetaieva, nhà thơ Nga có số phận bi thảm. Tị nạn ở Pháp, bà đã viết vào ngày 6 tháng Bảy 1926 cho Rainer Maria Rilke: “Goethe nói ở đâu đó rằng người ta không thể thực hiện được điều gì vĩ đại bằng tiếng nước ngoài – điều đó với tôi luôn có vẻ sai. (...) Viết những bài thơ, đó là dịch, từ tiếng mẹ đẻ sang một thứ tiếng khác, cho dù đó là tiếng Pháp hay tiếng Đức. Không có ngôn ngữ nào là tiếng mẹ đẻ cả. Viết thơ chính là viết theo cái gì đó. Vì vậy mà tôi không hiểu tại sao người ta lại nói đến những nhà thơ Pháp hay Nga, vân vân. Một nhà thơ có thể viết bằng tiếng Pháp, anh ta không thể là một nhà thơ Pháp. Thật lố bịch. (...) Người ta trở thành nhà thơ (nếu thực sự người ta có thể trở thành, không phải ai cũng đã là nhà thơ!) không phải để trở thành người Pháp, Nga, v.v., mà để trở thành tất cả. Hoặc là: người ta là nhà thơ bởi vì người ta không phải là người Pháp. Quốc tịch là thải loại và kết nhập. Orphée làm nổ tung quốc tịch, hay mở rộng nó đến nỗi tất cả mọi người (hiện tại và quá khứ) đều bao hàm trong đó.
Trần Văn Công dịch
-----------------------------------

Linda Lê là một trong các nhà văn nữ hàng đầu tại nước Pháp ngày nay. Sinh năm 1963 tại Đà Lạt, Linda Lê sang Pháp năm 1977, theo mẹ có quốc tịch Pháp, trong khi cha ở lại Việt Nam; sự chia lìa này là một đau khổ khôn nguôi cho cô.

Linda Lê thành danh năm 1992 với tập truyện Les Évangiles du Crime (Phúc âm Tội ác). Từ đây, các tác phẩm của cô luôn luôn được đón nhận nồng nhiệt: Calomnies (Vu khống, 1993), Les Dits d'un Idiot (Lời Tên Khùng, 1995), và nhất là bộ ba Les Trois Parques (Ba Nữ thần Số mệnh, 1997), Voix (Tiếng nói, 1998), và Lettre morte (Thư chết, 1999).

Cũng năm 1999, Linda Lê thu thập các bài báo, các bài đề tựa đã viết, thành tập Tu écriras sur le bonheur (Ngươi sẽ viết về hạnh phúc), gồm các bình luận về 38 nhà văn, từ Kôbô Abê đến Franz Werfel, qua Ingeborg Bachmann, Henry James, Marina Tsvétaéva... Các tác phẩm khác của cô mang nhan đề Les Aubes (Những buổi Rạng đông), truyện dài, năm 2000; Marina Tsvétaéva, phê bình văn học, Autres Jeux avec le feu (Lại chơi với lửa), tập truyện ngắn, năm 2002; Personne (Người), truyện dài, năm 2003; Kriss (kịch), năm 2004; Conte de l’amour bifrons (Truyện cuộc tình hai mặt), truyện dài ; Le Complexe de Caliban (Mặc cảm Caliban), gồm nhiều tiểu luận, năm 2005; và In Memoriam (Tưởng niệm), truyện dài, năm 2007.


Tác phẩm của Linda Lê đã được dịch sang tiếng Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha và tiếng Việt.
.
.
.

No comments: