Wednesday, October 13, 2010

NHÂN SĨ TRUNG QUỐC GỬI THƯ ĐÒI TỰ DO BÁO CHÍ (BBC)

BBC
Cập nhật: 11:33 GMT - thứ tư, 13 tháng 10, 2010

Một nhóm 23 nhân sĩ, trí thức và cựu quan chức cao cấp, gồm cả thư ký cũ của cố lãnh tụ Mao Trạch Đông, gửi thư ngỏ đề nghị Quốc hội bỏ chế độ kiểm duyệt "lỗi thời" ở Trung Quốc.

Sau khi nhà trí thức Lưu Hiểu Ba được trao Nobel Hòa bình vì các hoạt động thúc đẩy nhân quyền, lá thư là một nỗ lực tiếp theo nhắc đến tình hình kiểm duyệt hà khắc tại Trung Quốc, theo bản tin hôm 13/10 của AP.
Trong bản đăng tải trên mạng Internet, lá thư cho rằng các quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận có trong Hiến pháp 1982 của Trung Quốc liên tục bị hạn chế bởi hệ thống luật và cả các lệ của Đảng.
Gọi hệ thống này là "dân chủ giả hiệu", lá thư khẳng định cách kiểm duyệt ở Trung Quốc là "một scandal trong lịch sử dân chủ loài người".
Đặc biệt là trong số những người ký tên vào lá thư có rất nhiều các cựu quan chức cao cấp của các ngành lập pháp, tuyên giáo của Đảng, quân đội cùng các giáo sư đại học.

Lãnh đạo bằng luật
Giáo sư đã nghỉ hưu từ Đại học Giao thông Thượng Hải, ông Vương Vĩnh Thành, một trong số người ký lá thư, nói rằng ông được khích lệ bởi cuộc đấu tranh của một nhà báo Trung Quốc viết về tham nhũng trong các vụ lấy đất của dân để xây đập nước thời gian gần đây.
Ông cũng nói Trung Quốc cần có định hướng nhà nước pháp quyền:
"Điều chúng tôi muốn làm là có hành động thúc đẩy đất nước về hướng được lãnh đạo bởi luật pháp."
Trả lời hãng thông tấn nước ngoài qua điện thoại, GS Vương giải thích lý do lên tiếng:
"Nếu hiến pháp bị vi phạm thì chính quyền không còn tính chính danh và người dân phải dũng cảm thực hiện các quyền của mình."

Sau tin nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba được giải Nobel Hòa bình, lá thư là một sự kiện nữa nêu ra vấn đề hạn chế tự do ngôn luận và các quyền dân sự ở Trung Quốc.
Thực ra, những tác giả của lá thư đã tập hợp ý tưởng vài ngày trước khi giải Nobel Hòa bình năm nay được công bố.
Tuy vậy, họ đã không ghi ý kiến về ông Lưu Hiểu Ba vào thư để tránh không bị chính quyền cản trở việc lưu truyền thư.
Chính quyền Trung Quốc trước sau như một gọi ông Lưu là "tên tội phạm" và lên án việc tặng Nobel Hòa bình cho ông.
Về phía mình, các tác giả bức thư kêu gọi Quốc hội Trung Quốc bỏ hạn chế áp đặt vào ngành xuất bản và cho áp dụng chế độ giám sát sau khi ấn bản đã ra - post-facto review - như các nước tiến bộ khác đã làm từ lâu nay.
Lá thư viết:
"Hệ thống kiểm duyệt tin tức và xuất bản của chúng ta đi sau nước Anh 315 năm, và sau nước Pháp 129 năm".
Kiểm duyệt tại Trung Quốc ngày càng trở nên khắc nghiệt tới mức truyền thông nước này phải cắt bỏ cả những câu nói về cải tổ chính trị trong diễn văn của Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Các phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc khi công du nước ngoài hay các ý kiến từ bên ngoài về Trung Quốc cũng thường xuyên bị cắt xén.
Thư nêu ra câu nói trên đài CNN hôm 03/10 năm nay của ông Ôn Gia Bảo bị truyền thông Trung Quốc bỏ đi, rằng "Tự do ngôn luận là một phần không tách rời của dân tộc Trung Hoa, được ghi trong Hiến pháp Trung Quốc".
Lá thư nhận định "Kể cả Thủ tướng quốc vụ viện ở nước này cũng không được hưởng tự do ngôn luận".

Tước quyền Ban Tuyên giáo?
Một vấn đề khác là hệ thống kiểm soát báo chí, xuất bản ở Trung Quốc nằm trong tay nhiều ban ngành chồng chéo nhau, và cơ quan quyền lực cao nhất vẫn là Ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng Cộng sản.
Các quan chức của Ban thường xuyên chỉ đạo các tổng biên tập, chủ bút rằng chủ đề gì là "cấm kỵ" nhưng vì họ thường nhắn qua điện thoại nên không có văn bản nào để lại dấu vết để xem lệnh cấm có hợp pháp hay không.
Lá thư gọi cách kiểm duyệt này là "bàn tay đen", vượt cả quyền của Chủ tịch nước và Thủ tướng Trung Quốc.
Thư cũng nói các quan chức kiểm duyệt Trung Quốc có quyền sa thải các tổng biên tập, ra lệnh bắt nhà báo, khiến ngành kiểm duyệt "có tiếng xấu ghê gớm trong Đảng và xã hội".
Ngành này cũng trở thành công cụ "hỗ trợ các quan chức tham nhũng để bịt miệng dân".
Nay, lá thư kiến nghị cần chuyển ngay thẩm quyền khỏi ngành kiểm duyệt và đổi tên ngành này sao cho phù hợp với trào lưu toàn cầu.
Bản thân các quan chức kiểm duyệt "cần nỗ lực để phục hồi danh tiếng".
Trong số người ký tên có cả ông Lý Nhuệ, hiện đã trên 90 tuổi, và từng làm thư ký cho lãnh tụ Mao Trạch Đông và ông Hồ Tích Vĩ, cựu tổng biên tập tờ Nhân dân Nhật báo.
Ngoài ra, các ông như Lý Phổ, cựu phó tổng giám đốc Tân Hoa Xã; Đỗ Quang, cựu giáo sư Trường Đảng; Chu Phái Chương, cựu trưởng ban Tin tức của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng; Chu Chiêu Minh, cựu phó chính ủy Quân khu Quảng Châu; Tân Tử Lăng, cựu giám đốc tại Đại học Quốc phòng...có tên trong danh sách ký vào thư.
Vì vị trí cao và uy tín từng có trong hệ thống của họ, lời văn của lá thư không có giọng cầu xin mà rất mạnh mẽ và dứt khoát yêu cầu cải tổ tận gốc rễ cơ quan tuyên truyền và kiểm duyệt của đảng cầm quyền.

Hiện chưa thấy chính quyền có phản ứng gì và tin về lá thư chủ yếu được lan truyền trên mạng Internet như  ở địa chỉ này.
.
.
.

No comments: