Saturday, October 16, 2010

NHÀ XUẤT BẢN VĂN MỚI (Nguyễn Hưng Quốc)

Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Sáu, 15 tháng 10 2010

Tin liên hệ

Các cuốn sách bằng tiếng Việt của tôi, trừ cuốn đầu tiên, Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam (1988) do Quê Mẹ ở Paris xuất bản, đều do một trong hai nhà xuất bản ở California ấn hành: Văn Nghệ và Văn Mới.
Với cả hai, tôi có thật nhiều kỷ niệm.

Nhiều nhất là với Từ Mẫn Võ Thắng Tiết của nhà Văn Nghệ. Tôi chưa thấy ai yêu sách, quý sách và đối xử với giới văn nghệ một cách chân tình và nhiệt tình như ông. Có cảm tưởng cứ hễ gặp sách hay là ông in, bất kể lời hay lỗ. Có những cuốn sách (một số do tôi giới thiệu) ông biết gần như chắc chắn là lỗ; lỗ vì sách dày, giá thành đắt; lỗ vì viết cao, khó đến với quần chúng; vậy mà ông vẫn in. Khi tôi nhắc ông về nguy cơ lỗ vốn, ông cười hà hà một cách vô cùng thoải mái; “Được in sách hay là vui rồi mà anh!” Nhớ đến tiếng cười ấy, có lần tôi đã gọi ông là “Ông Bụt Sách”. http://www1.voanews.com/vietnamese/news/a-19-2009-09-08-voa35-81436322.html

Sau khi nhà xuất bản Văn Nghệ ngừng hoạt động, có sách mới, tôi điện thoại cho anh Nguyễn Khoa Kha, giám đốc nhà Văn Mới, cũng ở California, đề nghị in. Anh đồng ý ngay. Sau đó, một số bạn bè và người quen của tôi, có sách mới, nhờ tôi giới thiệu, anh cũng đồng ý. Dù anh thừa biết việc in ấn và phát hành sách ở hải ngoại càng lúc càng khó khăn. Sách in 500 cuốn: bán mãi vẫn còn thừa. Có khi in 300 cuốn: vẫn thừa. Không cần thông thạo thị trường, chỉ cần tính nhẩm, sau khi trừ tiền in và chi phí phát hành, kể cả tiền cước phí, với số lượng như thế, anh không thể có lãi được.

Mà hình như, cũng giống Từ Mẫn Võ Thắng Tiết, anh cũng không quan tâm mấy đến chuyện lời lỗ. Tôi nghe nhiều người kể, trong một số hội chợ Tết ở California, để góp phần quảng bá sách báo bằng tiếng Việt ở hải ngoại, một số người trong Ban tổ chức dành riêng cho nhà Văn Mới một gian hàng để bày sách, anh cũng ít khi đến. Hỏi lý do, anh đáp: bận. Tôi đoán sự bận bịu chỉ là một phần nhỏ. Phần chính có thể anh thấy ngại việc buôn bán.

Có nhà in và lập nhà xuất bản mà lại ngại ngùng chuyện buôn bán ư? Tôi đoán một số người sẽ thắc mắc như thế. Tôi không biết nhiều về Nguyễn Khoa Kha ngoài một lần gặp duy nhất, thoáng qua, thật nhanh, ở Cali và một số lần chuyện trò qua điện thoại, nhưng tôi tin là anh ngại ngùng thật. Ở anh có vẻ gì của một nghệ sĩ hơn là một nhà kinh doanh. Tôi từng có kinh nghiệm trực tiếp về điều đó. Đề nghị in sách thì anh làm ngay. Rất sốt sắng và nhanh chóng. Nhưng khi tôi cần mua ít sách của chính tôi, nói đến việc trả tiền thì anh lại cứ lần khân.

Năm ngoái, trương mục riêng của tôi ở đại học có một số tiền, chủ yếu là tiền trợ cấp các dự án nghiên cứu mà tôi thực hiện. Tôi định trích một ít để mua lại sách của tôi do Văn Mới xuất bản. Sách thì anh đi gửi ngay. Gửi bằng máy bay từ Mỹ qua Úc nên cước phí rất đắt. Thế nhưng khi tôi xin các chi tiết ngân hàng của nhà Văn Mới để đại học của tôi thanh toán thì anh lại hẹn lần hẹn lữa. Tôi điện thoại nhắc nhở không biết bao nhiêu lần. Vẫn cứ hẹn.
Hẹn đến tận bây giờ. Hơn một năm rồi.
Có người nào buôn bán như thế chứ?

Nhưng có lẽ phải có một tính cách nghệ sĩ và phi-thương mại như vậy, anh mới duy trì được nhà Văn Mới, một trong những nhà xuất bản văn nghệ mạnh nhất ở hải ngoại (đến nay đã in được khoảng 120 đầu sách!) và không chừng là nhà xuất bản văn nghệ có tính thương mại duy nhất còn hoạt động đều đặn trong điều kiện độc giả càng ngày càng ít ỏi và thờ ơ như lúc này.
Duy nhất?

Vâng. Duy nhất.
Ít nhất là trong lãnh vực văn học. Bạn đọc có thể nhìn thấy ở bìa một số cuốn sách văn học (xin lưu ý: tôi không bàn đến các loại sách khác) có ghi tên nhà xuất bản này nọ. Nhưng hầu như tất cả đều thuộc một trong hai trường hợp: Thứ nhất, đó chỉ là cái tên “ma” do tác giả tự đặt ra khi xuất bản sách của chính họ; và thứ hai, nếu là nhà xuất bản thật, thì cũng chỉ in thật hoạ hoằn, vài ba năm mới in một cuốn; in cho vui trong một trường hợp đặc biệt nào đó (như trường hợp nhà Người Việt in Tuyển tập Võ Phiến năm 2006 và Thế Kỷ 21 in cuốn Cuối cùng, cũng của Võ Phiến, năm 2009).

Văn Mới là nhà xuất bản văn nghệ thương mại duy nhất còn hoạt động ở hải ngoại. Mỗi năm vẫn in đều đặn năm mười cuốn sách.
Không có Văn Mới, tôi không biết sinh hoạt văn học hải ngoại hiện nay sẽ hiu hắt đến chừng nào.

SÁCH NGUYỄN HƯNG QUỐC DO VĂN MỚI XUẤT BẢN:
VĂN HOÁ VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM202 trang. 12 Mỹ kim
SỐNG VỚI CHỮ202 trang. Giá 12 Mỹ kim
THƠ CON CÓC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC358 trang. Giá 17 Mỹ kim
MẤY VẤN ĐỀ PHÊ BÌNH VÀ LÝ THUYẾT VĂN HỌC388 trang. Giá 17 Mỹ kim
VĂN HỌC VIỆT NAM THỜI TOÀN CẦU HOÁ300 trang. Giá 14 Mỹ kim
ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC CỦA NHÀ VĂN MỚI:
P.O.Box 287,
Gardena, CA 90248
USA

Phone: (1) (310) 366 6867
Email:
kimanquan@yahoo.com
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ
.
.
.

No comments: