Sunday, October 3, 2010

NGHỀ CHÀI XÁC NGƯỜI TRÊN CÁC DÒNG SÔNG TRUNG QUỐC

Kent Ewing
Trần Ngọc Cư dịch
03/10/2010 | 2:00 sáng

Hồng Kông – Trong tất cả những người làm các nghề bị nhiều ngộ nhận và bị miệt thị một cách oan ức trên thế gian, chắc chắn những kẻ chài xác người (corpse fishers) tại Trung Quốc hiện nay đứng gần đầu sổ. Từ thuở xa xưa, người dân quê từng làm cái nghĩa vụ rùng rợn là vớt những xác người trôi sông – những nạn nhân chết đuối, tự sát và bị hãm hại – rồi giao lại cho thân nhân của kẻ xấu số. Ngày trước, theo đạo lý cổ truyền, những kẻ làm dịch vụ công ích rợn người này được gia đình nạn nhân rất mực tri ân.

Nhưng, hiện nay, khi Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới, một việc được xã hội ngày trước coi như là nghĩa vụ đã trở thành một thứ doanh thương đang phất lên đối với một số người làm nghề vớt xác trên sông, gây phẫn nộ cho những gia đình phải trả những món tiền quá lớn để được lãnh xác thân nhân đem về, đồng thời khiến báo đài phương Tây đưa ra những báo động về cái nghề rùng rợn này. Phải nhìn nhận là, phương Tây khó cưỡng lại sự cám dỗ là cần phải lên tiếng. Chắc chắn, đây là biểu tượng tuyệt vời nói lên mặt trái tồi tệ của việc Trung Quốc chạy theo chủ nghĩa tư bản: Thậm chí những xác người vô danh trôi trên các dòng sông Trung Quốc đã trở thành một món hàng đắt đỏ.

Bản tin mới nhất tố cáo cái nghề hắc ám này đã được hãng tin McClatchy-Tribune xuất bản và được báo chí tiếng Anh đăng tải đồng loạt khắp thế giới. Được đăng kèm với những tấm hình ghê rợn ghi lại những xác chết đã trương lên và nổi bồng bềnh trên dòng Hoàng Hà, xác chết được những người săn xác dùng dây buộc vào bờ sông chờ bán, bài báo chủ yếu tập trung vào một người tên là Wei Jinpeng.
Wei làm chủ một vườn lê cho đến năm 2003, là lúc anh nhận ra rằng đi săn xác người trên sông có thể làm tăng vọt mức thu nhập của mình. Hiện nay mỗi năm Wei kiếm được chừng 80 đến 100 xác. Địa điểm săn xác mà anh thích nhất nằm cách xa thành phố Lanzhou, thủ phủ tỉnh Gansu (Cam Túc) ở tây bắc Trung Quốc, 30 cây số vì đó là hợp lưu của một đập thủy điện và một khúc quanh của con sông, khiến cho các xác chết dễ trồi lên mặt nước. Xác người thì gồm cả nam, phụ, lão, ấu; có người bị trói; có người bị nhét giẻ vào mồm; một số, đặc biệt là xác các thiếu nữ – hẳn là công nhân từ vùng quê đến kiếm sống tại Lanzhou – thì không bao giờ được ai nhìn nhận và vì thế anh phải trả lại cho dòng nước cuốn đi.
Đối với các xác được nhìn nhận, Wei đặt ra một hệ thống giá cả phù hợp với mức thu nhập của khách hàng. Khi một nông dân đến nhận xác, anh sẽ đòi một số tiền tương đương với 75 đôla Mỹ; đối với một người có công ăn việc làm, anh đòi khoảng 300 đôla, và khi một công ty đứng ra chi trả, anh sẽ đòi đến 450 đôla.

Có nguồn tin cho rằng các tay chài khác lại đòi một lệ phí 45 đôla chỉ để cho thân nhân nhìn mặt (theo lề thói nghề nghiệp, xác chết phải được xoay mặt xuống nước để giữ được những nét đặc biệt cần thiết cho sự nhận diện) và nếu thân nhân nào muốn nhận xác về thì phải trả một số tiền gần 900 đôla.

Bài báo của hãng tin McClatchy-Tribune có lẽ đã giúp người đọc nhớ đến bức ảnh được giải thưởng của Zhang Yi, “Giữ xác đòi tiền chuộc”, một bức ảnh đã được phát tán tràn lan trên Internet sau khi nó được chụp vào tháng Mười năm ngoái. Bức ảnh diễn tả cảnh một người săn xác không chịu giao xác chết cho thân nhân của một trong ba sinh viên đã hi sinh tính mạng trong khi ra sức cứu các trẻ em sắp chết đuối trên sông Dương Tử thuộc tỉnh Hồ Bắc. Tin tức cho biết ông chài đợi thu góp được hơn 5.000 đôla – cùng với hàng ngàn lời nguyền rủa trên báo đài – mới chịu giao xác chết của ba sinh viên kia cho thân nhân của họ.

Đây là những câu chuyện rùng rợn về lòng tham và sự khai thác hèn hạ những đau khổ của kẻ khác. Người ta dễ tìm thấy biểu hiện trong những truyện kể này một tấn tuồng đạo lý đen tối về sự kiện Trung Quốc đã đánh mất linh hồn, trong đó những thợ săn xác người tượng trưng cho cái lòng tham đầy bệnh hoạn mới nảy sinh của quốc gia này. Nhưng những tin tức này mới chỉ là một phần của pho truyện to lớn hơn nhiều, về những gì đã đạt được và những gì đã mất mát trong 30 năm Trung Quốc ào ạt phát triển kinh tế.

Kẻ ác trong vở tuồng to lớn này không phải là Wei hay bất cứ đồng nghiệp nào của anh trong nghề đi săn xác chết, một dịch vụ vẫn còn rất cần thiết trên các dòng sông của Trung Quốc. Dẫu sao, nếu họ không chịu lôi các xác chết ra khỏi các dòng thủy vận quốc gia, thì biết lấy ai để làm việc đó? Xin đừng nói đến cảnh sát địa phương, những người này chỉ muốn khoanh tay đứng nhìn những thương vong trên sông nước của Trung Quốc thế kỷ 21. Và chính phủ trung ương chỉ quyết định ra tay hành động khi nào một con sông không còn chảy được và bốc mình xú uế vì những xác người.

Với số xác chết ngày một gia tăng cho công việc tìm kiếm, những người Trung Quốc làm cái nghề đầy tử khí trên sông và thường bị nguyền rủa này, lại rất ăn nên làm ra được. Băng đảng tội ác là một trong những thành phần hưởng lợi lớn trong sự vươn dậy kinh tế của Trung Quốc, và những dòng sông của quốc gia này đã làm chứng cho sự kiện đó: xác người bị trói và bị bịt miệng là một phần quan trọng trong nghề một kẻ săn xác trung bình.

Cuộc tảo thanh rộng lớn nhắm vào các hành động hội kín tại Trùng Khánh ở tây nam Trung Quốc – do ông Bo Xilai, bí thư thành ủy đầy uy tín của thành phố rộng lớn này, lãnh đạo – mới chỉ là một gợi ý về tình trạng băng đảng đầy rẫy khắp đất nước Trung Hoa. Chiến dịch của ông Bo Xilai, bắt đầu từ tháng Sáu 2009, đến nay đã cho vào khám 2.000 người – gồm cả những chính trị gia địa phương từng được những tên băng đảng đầu sỏ mua chuộc. Thật ra, tất cả bí thư đảng ủy khắp Trung Quốc cũng có thể bắt chước gương can đảm và uy tín của ông Bo Xilai để phát động những chiến dịch tương tự và đạt được những thành quả tương tự. Nhưng điều đáng tiếc là, hầu hết các kẻ có chức quyền đều nhắm mắt trước nguyên trạng tham nhũng và đồng lõa với tội ác.

Thông tin về những người săn xác chết cũng nhắc nhở rằng 26% số vụ tự tử trên toàn thế giới đã diễn ra tại Trung Quốc và tự tử là nguyên nhân hàng đầu đưa đến tử vong của phụ nữ nông thôn Trung Quốc. Đây chính là những phụ nữ mà xác của họ – vừa vô danh vừa vô thừa nhận – đã được anh Wei cuối cùng phải cắt dây để trả về huyệt lạnh của dòng trường giang quanh co Hoàng Hà.

Như vậy rõ ràng là, những bài báo khá hãi hùng về những người bán xác chết trên các dòng sông Trung Quốc gián tiếp nói lên những vấn đề to lớn và phức tạp hơn nhiều. Tại sao lại có nhiều xác chết để kiếm tìm như vậy? Và tại sao, phần lớn quan chức chính phủ lại làm ngơ trước những căng thẳng và tệ trạng tham nhũng do việc tăng trưởng kinh tế ở tốc độ chóng mặt, vốn đã đưa Trung Quốc vào đội ngũ của các nước hàng đầu?

Mặc dù thực sự không được Phương Tây biết đến, nhưng một phim tư liệu do người Trung Quốc làm ra và mới được phát hành đã trình bày một hình ảnh đáng nghĩ ngợi về những người sống bằng nghề nhặt xác chết dọc theo các dòng sông Trung Quốc. Cuốn phim dài 52 phút của đạo diễn Zhou Yu, có tựa đề Bờ bên kia, đã mô tả sự chuyển biến của tục lệ vớt xác người cổ truyền từ một nghĩa vụ công cộng thành một doanh nghiệp tư nhân có mục đích lợi nhuận.

“Vớt xác người trên sông là nghĩa vụ tự nguyện của dân chài thời xưa”, đạo diễn Zhou đã nói với Global Times [của Nhân dân Nhật báo]. “Họ trả lại xác người chết cho thân nhân như làm một việc nghĩa. Thời đó đã qua rồi, và bây giờ đám hậu sinh đã triển khai nghĩa vụ đó thành nghề buôn bán”.

Mặc dù phim tư liệu này phản ánh sự phẫn nộ ngày một gia tăng của dân chúng đối với việc kinh doanh xác người, nhưng nhiều khán giả cũng có thể thắc mắc tại sao không một bộ ngành nào của chính phủ chịu đứng ra làm một việc gì để cải thiện tình trạng này.

Một khán giả ở buổi chiếu phim tại Khu nghệ thuật 798 thuộc thủ đô Bắc Kinh được trích dẫn đã phát biểu về những người chài xác chết như sau: “Tôi cảm thấy khó chịu khi thấy họ chài những xác người như vớt những chiếc hộp ra khỏi dòng nước; nhưng dẫu sao, họ cũng chỉ là những người dân bình dị cố gắng kiếm kế sinh nhai. Ví như một ngày kia tôi cần đến họ để tìm xác một thân nhân, tôi cũng sẽ biết ơn họ, dù sau đó phải trả tiền”.

Kent Ewing là một nhà giáo và nhà văn, hiện làm việc tại Hồng Kông.
Nguồn: “High times for China’s corpse fishers”, Asia Times Online, 24.9.2010.
Bản tiếng Việt © 2010 Trần Ngọc Cư
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

----------------------------

.
.
.

No comments: