Wednesday, October 6, 2010

KHÔNG BẤT NGỜ KHI HỌC SINH ĐEO CẶP BỊ GÃY XƯƠNG

GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn
6-10-2010

Theo GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn, trưởng nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHGQHN, chương trình giáo dục tiểu học của nước ta quá nặng, số lượng sách quá nhiều, nên ông không bất ngờ khi biết tin một học sinh đeo cặp nặng bị gãy xương.

Tin liên quan

- Thưa giáo sư, gần đây dư luận xôn xao về việc một học sinh lớp 4 tại huyện Hóc Môn (TP.HCM) bị gãy xương do đeo cặp quá nặng. Ông có bất ngờ khi biết thông tin này?
GS Nguyễn Xuân Hãn : Tôi không bất ngờ khi học sinh bị gãy xương do phải đeo cặp nặng, vì số lượng sách quá nhiều. Theo số liệu điều tra ở Công ty phát hành sách Hà Nội năm 2008, học sinh lớp 1 có 59 cuốn sách tham khảo và 20 cuốn sách giáo khoa bắt buộc phải mua. Nếu cứ chồng những cuốn sách này, có thể chiều cao của chồng sách xấp xỉ chiều cao của học sinh lớp 1! Trong khi đó mấy năm nay sách lại càng được ra lò nhiều hơn, riêng sách tham khảo học sinh lớp 4 đã là 147 cuốn. Lợi nhuận thu được từ sách rất lớn nên người ta đua nhau ra sách.

- Ông đánh giá thế nào về sách giáo khoa ở nước ta hiện nay?
GS Nguyễn Xuân Hãn : So với các nước Anh, Đức, Nga, Mỹ, Pháp và Trung Quốc thì chương trình giáo dục của ta quá nặng, nhiều nội dung trong sách giáo khoa cách trình bày không liền mạch, ngôn ngữ sử dụng trừu tượng xa cuộc sống, khó học, khó nhớ.
Học sinh ở nhiều nước, đặc biệt là những nước giàu có được cung cấp miễn phí sách giáo khoa chuẩn mực và chất lượng. Việt Nam còn nghèo nhưng người dân năm nào cũng phải bỏ hàng trăm triệu USD mua sách học thiếu chuẩn mực cho con.
Ngày trước, vào những năm mới giải phóng miền Bắc, những người thầy chỉ vừa học hết đại học hai năm, thậm chí là học hết lớp 10 (hệ 10 năm), những người giỏi cũng vẫn có thể dạy cho một học sinh lớp 10 một cách bình thường. Làm được điều đó là do có một bộ sách giáo khoa chuẩn, chất lượng, ổn định phù hợp với Việt Nam và chuẩn mực với quốc tế.

- Ông có thể đưa ra các dẫn chứng cụ thể cho việc hiện nay sách giáo khoa của chúng ta đang sử dụng một thứ ngôn ngữ trừu tượng, xa với cuộc sống, khó học khó nhớ?
GS Nguyễn Xuân Hãn : Đó là các khái niệm như tập hợp, véc- tơ, hàm số… Tôi có hỏi các sinh viên, học viên cao học: “Thế nào là hàm số, hãy lấy ví dụ để người dân bình thường hiểu được?”, rất tiếc không ai có thể trả lời được.

- Còn những bất cập nào mà ông thấy cần "lên tiếng"?
GS Nguyễn Xuân Hãn : Ngoài việc chương trình sách giáo khoa không ổn định, thiếu cập nhật và không theo chuẩn thế giới, ở bậc phổ thông thì bội thực, còn bậc đại học thì đói sách phải học chay. Nghịch lý này hơn 20 năm đổi mới vẫn là một thách thức!
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên chỗ thừa chỗ thiếu, chưa có chuẩn, riêng bậc đại học giảng viên thiếu nghiêm trọng.
Kể từ năm 1987 đến nay số lượng sinh viên tăng 13 lần nhưng giảng viên tăng có 3 lần, khoảng trống này không có cách nào giải quyết được. Ngoài ra, môi trường học tập ở các trường phổ thông và các trường đại học là không có. Điều này là hoàn toàn trái ngược với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hầu hết các trường phổ thông ở thành phố đều không có một sân chơi đủ rộng cho học sinh, còn các tỉnh xa có nơi 50% số trường lớp chưa được kiên cố hóa, còn tạm bợ.

- Theo ông, hiện nay trên thế giới có những triết lý nào để phát triển giáo dục?
GS Nguyễn Xuân Hãn :
Giáo dục thế giới, theo tôi được chia ra làm 3 loại triết lý phát triển: Giáo dục của dân, do dân và vì dân: Các nước lựa chọn triết lý này đương nhiên phải tổ chức nền giáo dục, y tế miễn phí. Điều này không có nghĩa là dân không sẵn sàng đóng góp với nhà nước để cùng lo cho con mình thành người hữu ích, nhưng học phí không mang tính áp đặt.Giáo dục được xem là lợi ích công: Là nền giáo dục cung cấp cơ hội học tập bình đẳng cho lớp trẻ không phân biệt giàu nghèo. Sự chênh lệch giàu nghèo trong giáo dục được "giải" ở bên ngoài giáo dục, bằng các sắc thuế do nhà nước điều tiết, như thuế thu nhập hay các thuế khác.Giáo dục là hàng hóa: Đây là triết lý mới, ra đời từ năm 1994, hiện chỉ có 4 nước chấp nhận triết lý này để xuất khẩu giáo dục của mình sang nước nghèo chứ không hẳn họ áp dụng triết lý này vào nước họ. Các khái niệm trong triết lý này gồm: tư nhân hóa, thị trường hóa, tự do hóa toàn bộ hệ thống giáo dục.

- Vậy còn việc thu học phí ở các nước trên thế giới thì như thế nào, thưa ông?GS Nguyễn Xuân Hãn : Ở nhiều nước việc miễn học phí ở bậc học phổ thông đang là xu thế, có nơi miễn giảm học phí cho sinh viên. Ví dụ như Trung Quốc sinh viên từ nông thôn và miền núi phải đóng ít và nhiều sinh viên được miễn học phí.Nhìn người mà ngẫm đến ta nếu học phí ở nước ta cứ tiếp tục tăng, giáo dục Việt Nam vô tình đang đi tiên phong vào triết lý giáo dục là hàng hóa.
Nhân đây, xin dẫn lại câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước khi đi xa: “Chúng ta có ít tiền, nhưng ít tiền không sợ, miễn là biết cách làm, ít tiền không làm được thì nhiều tiền sẽ hỏng hơn.”
- Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh (Thực hiện)
.
.
.

No comments: