Nguyễn Vạn Phú
Wednesday, October 27, 2010
Định không viết nhưng cuối cùng cũng phải viết vài dòng, chủ yếu là cho các bạn phóng viên trẻ. Bản tin “Phó thủ tướng giảng bài trực tuyến” đăng trên VnExpress được trang web Topica - Cử nhân trực tuyến đăng lại nên có thể tin rằng phóng viên tường thuật chính xác nội dung bài giảng của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Topica là nơi tổ chức buổi giảng này, mang tựa đề “Ngăn ngừa nguy cơ khủng hoàng tài chính ở Việt Nam
”. Vấn đề là khi viết tin, nếu thấy nguồn tin nói chưa chính xác thì phải làm sao?
Ví dụ, tin viết: “Cho rằng, nền kinh tế Mỹ bị khủng hoảng một phần là do thâm hụt ngoại thương, ông [Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân] phân tích, trước khi khủng hoảng, nợ của Mỹ gần bằng 100% GDP”.
Phóng viên có thể ghi ngay sau đó, theo [bất kỳ nguồn nào], nợ chính phủ Mỹ năm 2006 hay 2007 chỉ bằng khoảng 65% GDP nước này, xem như để nói lại cho rõ giùm Phó Thủ tướng. Mức này những năm trước đó tăng chậm (năm 2003 cũng ở khoảng 62-63%, chỉ sau khủng hoảng nó mới tăng nhanh do chính phủ Mỹ tiêu tiền giải cứu nền kinh tế). Cái đồng hồ nợ của Mỹ nổi tiếng ấy, đến năm nay nó cũng mới chỉ vào khoảng 13.600 tỷ đô-la, so với GDP của Mỹ chừng 14.600 tỷ đô-la, nợ của Mỹ chưa đến 100%. Mà thâm hụt ngoại thương thì có liên quan gì đến nợ của Mỹ nhỉ? Chỗ này thì phóng viên khó lòng làm được gì nhiều cho bản tin của mình. Và nợ của Mỹ là tính đúng, tính đủ cả những khoản như những nghĩa vụ nợ của các quỹ hưu trí, bảo hiểm y tế...
Đến câu tiếp đó: “Sau khi đề cập tới khoản vay nước ngoài của Mỹ tăng từ hơn 100 tỷ USD (1997) lên 800 tỷ USD (2007) khiến nước này lâm vào khủng hoảng….”.
Phóng viên có thể áp dụng cách trên, ghi rõ đến giữa năm 2009, nợ nước ngoài của Mỹ vào năm 2007 là 13.427 tỷ đô-la, theo chính số liệu của Bộ Tài chính Mỹ. Con số này nó lớn hơn con số Phó Thủ tướng đưa ra nhiều lần lắm.
Sau cùng là câu này: “Nguyên nhân cuối cùng dẫn tới khủng hoảng của Mỹ chính là thị trường tài chính phát triển quy mô lớn nhưng lại được giám sát, đánh giá rủi ro thiếu khách quan. Theo Phó thủ tướng, bài học ở đây chính là muốn đánh giá rủi ro của một quốc gia, không chỉ để người nước ngoài đánh giá mà chính mình phải đánh giá và đủ độ tin cậy.”
Phóng viên có thể kiểm tra thông tin nền để nói rằng ba hãng đánh giá tín dụng lớn nhất thế giới mà các tập đoàn của Mỹ cũng đang sử dụng là Fitch Rating, Moody’s và Standard & Poor’s đều là của Mỹ cả. Tức là Mỹ cũng dùng người nước mình để đánh giá đó chứ, đâu phải họ để nước ngoài nào đâu.
Cuối tin cũng nên bổ sung thông tin nền là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và không phụ trách lãnh vực kinh tế-tài chính trong Chính phủ.
.
.
.
No comments:
Post a Comment