Tuesday, October 26, 2010

ĐÌNH CÔNG và BIỂU TÌNH TẠI PHÁP

Nguyễn Hoài Vân
Monday, October 25, 2010

Nước Pháp lại bị tê liệt bởi một phong trào quần chúng đấu tranh rất mãnh liệt chống lại đạo luật cải tổ quy chế hưu trí đang sắp được Quốc hội thông qua.
Khó khăn quan trọng nhất đối với người dân là việc di chuyển. Đi làm, đi học, chợ búa, buôn bán, đều trở thành vô cùng khó khăn. Các phương tiện chuyên chở công cộng như xe lửa, xe điện, xe buýt đều bị thao túng bởi các nghiệp đoàn rất cứng rắn. Thêm vào đó, các nghiệp đoàn này đã thành công trong việc huy động công nhân của các xưởng biến chế dầu hỏa và các kho dự trữ xăng dầu tham gia đình công. Kết quả là các trạm xăng bị khô cạn, xe cộ cá nhân cũng không còn sử dụng được nữa. Con người thời đại bất thần ý thức rằng cuộc sống của mình không thể thiếu... xăng ! Các nhà xã hội học thì tự hỏi « vì cớ làm sao », và tìm những điểm tương đồng với cuộc nổi loạn năm 1968, trong khi các nhà chính trị bày tỏ nỗi ngờ vực về mức độ chấp nhận dân chủ nghị trường trong dân chúng.

Thật vậy, có thể tự hỏi người dân có thực sự chấp nhận dân chủ nghị trường hay không, khi vị Tổng Thống vừa được bầu lên với tỷ lệ cao nhất của đệ ngũ cộng hòa, phải đối đầu với 70 % dư luận chống đối, và chính quyền của ông gần như không còn được đa số người dân coi như « chính thống » nữa ! Quyền làm chủ đất nước của những người được nhân dân bầu lên cách đây ba năm bị chính nhân dân phủ nhận, qua trưng cầu dân ý và qua một phong trào đấu tranh vô cùng gay gắt. Tức là thùng phiếu không còn được coi trọng. Thùng phiếu giao cho chính quyền Sarkozy quản lý đất nước đến năm 2012. Nhưng đối với những người chống đối ông, điều ấy không còn giá trị. Họ phủ nhận quyền định đoạt tương lai đất nước của vị Tổng Thống đương nhiệm đã được nhân dân bầu lên. Đó chính là then chốt của vấn đề. Nó cho thấy vấn đề hưu trí chỉ là một cái cớ để quy tụ những thành phần chống đối Tổng Thống Sarkozy trong một cuộc đấu tranh.

Ai cũng có thể nhận thấy là kế hoạch quân bình quỹ hưu trí của Pháp quốc vô cùng nhẹ nhàng đối với các nước khác, như Anh Quốc mấy hôm nay, hay như Tây Ban Nha, Đức, v.v... Chính sách « thắt lưng buộc bụng » của Anh Quốc vừa được quyết định, tiên liệu bỏ bớt khoảng 500 ngàn công chức, trong khi đó tại Pháp một kế hoạch tương tự chỉ dự trù không thay thế khoảng 50 ngàn công nhân viên nhà nước nghỉ hưu... Tại Anh, tuổi nghỉ hưu là 66, so với 62 tại Pháp ! Thế nhưng tại Anh, không thấy một phong trào quần chúng đấu tranh nào đáng kể. Vì sao ? Vì, như vừa nói, người dân Pháp không chống đạo luật về hưu trí, mà họ chống lại chính quyền Sarkozy, chống lại quốc hội với đa số theo phe ông, chống lại toàn bộ «chính thể » Sarkozy. Vào giữa tuần tới, đạo luật hưu trí sẽ được hai viện quốc hội thông qua, và dự trù ban hành vào giữa tháng 11. Hiến pháp cho phép điều ấy. Pháp chế dân chủ đại nghị cho phép điều ấy. Nhưng người dân không chấp nhận.

Thành phần đối lập hoàn toàn chia rẽ trong việc giải đáp bài toán hưu trí. Nhưng ai cũng biết cần phải có một sự cải tổ sâu rộng. Vấn đề là một phần quan trọng dân chúng không chấp nhận được rằng « chính thể» Sarkozy có quyền làm việc này. Có thể khi đảng Xã Hội, hay một liên minh tả phái nào đó lên nắm chính quyền, họ sẽ có những kế hoạch đòi hỏi nhiều hy sinh hơn. Nhưng người ta có vẻ dễ ưng thuận trước một chính quyền chống lại Tổng Thống Sarkozy hơn là tặng một món quà cho vị Tổng Thống năng động này.

Một vấn đề khác là sự tham gia của các thành phần trẻ, sinh viên, và nhất là học sinh. Nhiều người không khỏi nhớ lại cuộc nổi loạn năm 1968. Cuộc nổi loạn này đã đạt được cường độ to lớn của nó nhờ vào sự tham gia của giới sinh viên. Lần này có thêm rất nhiều học sinh tham gia biểu tình. Khi số thợ thuyền và công nhân viên bắt đầu giảm sút trong các đoàn biểu tình, thì học sinh và sinh viên đã bù đắp vào sự khiếm khuyết ấy. Tại sao sinh viên học sinh lại xuất hiện trong một cuộc đấu tranh hoàn toàn đi ngược lại với quyền lợi của mình ? Tất cả những gì các quỹ hưu trí thu gặt được, bằng cách kéo dài thời gian làm việc, tăng đóng góp, hay bất cứ cách nào khác, đều là những món tiền dành cho những người trẻ này trong tương lai. Quỹ hưu trí thất thu, mang đầy nợ nần, là điều tệ hại nhất có thể xảy đến cho giới trẻ. Thế mà họ vẫn nhảy vào cuộc đấu tranh. Tại sao ? Có hai câu trả lời có thể chấp nhận được.

Thứ nhất, những người trẻ không còn tin tưởng vào chính trị nữa. Chính trị là dự phóng tương lai. Những người trẻ này không cần biết đến tương lai, họ không có một chương trình, một chủ đích chính trị, một dự phóng nào cho xã hội cả. Họ chỉ xông vào một cuộc đấu tranh như tham gia một lễ hội khổng lồ, một cuộc chơi hào hứng...

Thứ hai, người trẻ không nhìn thấy được một giải pháp cho tương lai của mình. Vào năm 1968, họ có đủ điều kiện để hội nhập vào xã hội, vào đời sống công nghiệp, nhưng họ không muốn điều ấy. Họ muốn làm cách mạng, muốn thay đổi toàn bộ cấu trúc của xã hội. Ngày nay, họ không muốn thay đổi xã hội. Ngược lại, họ muốn hội nhập vào xã hội, muốn tham gia vào đời sống công nghiệp. Nhưng xã hội không có đủ chỗ cho nhiều người trong số họ.

Nước Pháp đang cố gắng thực hiện một cuộc cải tổ để tiết kiệm một số tiền không thể thiếu được cho tương lai của mình. Nhưng cho đến bây giờ cuộc cải tổ ấy làm cho nước Pháp mất rất nhiều tiền, vì kinh tế trì trệ, sản xuất suy giảm, dịch vụ buôn bán bị cản trở, chưa kể đến những phá hoại gây nên bởi các thành phần quá khích (như một trường trung học hoàn toàn bị thiêu hủy ở Le Mans). Tổng Thống Sarkozy không có cách nào khác hơn là lì lợm chịu đựng. Nhượng bộ chỉ làm cho luật hưu trí mất đi hiệu quả của nó mà không chắc có thể làm lùi bước những người biểu tình. Với kỳ nghỉ lễ Các Thánh vừa bắt đầu, đám trẻ sẽ quay về với gia đình cha mẹ, công nhân, thợ thuyền sẽ lo đi nghỉ, và cuộc đấu tranh nhiều hy vọng sẽ lắng dịu. Tuy nhiên vẫn còn những điểm nóng là các xưởng biến chế dầu hỏa và các kho dự trữ xăng. Cho đến tối nay, một phần lớn cây xăng ở nơi tôi ở vẫn thiếu xăng, và không có dấu hiệu chi cho biết tình trạng sẽ khá hơn.

Thêm vào đó, không ai biết được sau kỳ nghỉ lễ các Thánh, chuyện gì sẽ xảy ra ?
Nguyễn Hoài Vân

24 tháng 10 – 2010
.
.
.

No comments: