Thứ tư 20 Tháng Mười 2010
Ông Tập Cận Bình là người có nhiều khả năng trở thành lãnh đạo số một của Trung Quốc trong hai năm tới. Thế nhưng, giới phân tích lại có ít thông tin cho phép dự đoán đường hướng, cách thức lãnh đạo của nhân vật này. Về đại thể, mọi người chỉ biết, ông Tập Cận Bình thuộc loại con dòng cháu giống, ủng hộ mạnh mẽ cải cách kinh tế, nhưng không ai rõ quan điểm cải tổ chính trị của ông ra sao.
Tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ năm, bế mạc hôm thứ hai, 18/10 vừa qua, ông Tập Cận Bình, năm nay 57 tuổi, đã được bầu làm phó chủ tịch Quân Uỷ Trung ương. Theo thông lệ, việc bổ nhiệm này được coi là bước chuẩn bị cho việc đưa ông Tập Cận Bình lên thay chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào năm 2013. Xin nhắc lại, đây cũng chính là con đường mà ông Hồ Cẩm Đào đã trải qua, lên giữ chức tổng bí thư Đảng năm 2002 và trở thành chủ tịch nước năm 2003.
Tên tuổi của ông Tập Cận Bình được người dân Trung Quốc biết đến khi ông được điều về làm bí thư Thành Ủy Thượng Hải, năm 2007, sau khi người tiền nhiệm tại thành phố này là ông Trần Lương Vũ bị kết án tù do tham nhũng. Chỉ vài tháng sau, ông đã được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước đó, ông Tập Cận Bình lãnh đạo các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến, được coi là những vùng năng động, mở cửa về kinh tế, phát triển về xuất khẩu.
Chính vì thế, giới quan sát cho rằng ông Tập Cận Bình là người tán thành kinh tế thị trường, không ngần ngại đề cập đến cải tổ kinh tế nhân danh tầng lớp trung lưu và khu vực tư nhân.
Theo chuyên gia Willy Lam, thuộc đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, được AFP trích dẫn, thì ông Tập Cận Bình đã có cơ hội tiếp xúc nhiều với giới đầu tư ngoại quốc và điều này có thể giúp gạt bỏ những cản trở, hạn chế đối với các hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc.
Về tính cách của ông Tập Cận Bình, một số nhà quan sát cho rằng ông là một nhà lãnh đạo khéo léo, luôn tìm kiếm đồng thuận chung, tránh tạo ra những kẻ đối đầu trong nội bộ.
Cho đến nay, đa số người dân Trung Quốc biết đến ông Tập Cận Bình như là một chính trị gia tẻ nhạt, không có sức lôi cuốn. Ông thường xuất hiện bên cạnh chủ tịch Hồ Cẩm Đào và là chồng một ca sĩ nổi tiếng.
Sự thăng tiến của ông Tập Cận Bình cũng một phần nhờ vào vị thế ông là con một nhà lão thành cách mạng Trung Quốc. Ông thuộc loại « Hoàng tử đỏ » hay nói theo kiểu Việt Nam là loại 4 C – con cháu các cụ. Nhóm 4 C này hiện đang giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy chính trị và kinh tế của Trung Quốc.
Với những thông tin hiện có, các nhà quan sát nhận định, ông Tập Cận Bình là một chính trị gia bảo thủ ôn hòa. Mặc dù đang giữ chức giám đốc Trường Đảng Trung ương, ông Tập Cận Bình đã tránh không để bị dán nhãn là người ủng hộ hoặc chống cải tổ chính trị. Do vậy, ít có hy vọng là ông Tập Cận Bình sẽ tạo ra những đổi mới mạnh mẽ hoặc đoạn tuyệt với hệ thống cứng nhắc hiện nay.
Trên tờ Christian Science Monitor, giáo sư Hoàng Tịnh, chuyên gia về Trung Quốc, ở trường đại học Quốc gia Singapore, cho rằng, cũng giống như một số nhân vật lãnh đạo cùng thế hệ, ông Tập Cận Bình cảm nhận thấy là mình có trọng trách phải tiếp tục duy trì chế độ mà thế hệ cha anh đã để lại. Tuy nhiên, Trung Quốc đang bước vào một thời kỳ rất khó chỉ có thể phát triển kinh tế mà không tiến hành cải cách chính trị và đây chính là thách thức lớn nhất đối với khả năng lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.
.
.
.
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
19.10.2010
Hôm thứ Hai Phó Chủ tịch Tập Cận Bình vừa được đề bạt vào chức vụ phó chủ tịch Quân uỷ Trung ương, một vị trí chủ chốt được xem như là nấc thang cuối cùng để đạt đến vị trí đỉnh của Trung Quốc vào năm 2013.
Nhân vật chắc chắn sẽ trở thành chủ tịch tương lai của Trung Quốc đã chứng tỏ mình là người ủng hộ mạnh mẽ quá trình cải cách kinh tế thị trường, nhưng ông cũng đã tránh xa cuộc tranh luận đang lớn dần về những cải cách chính trị, dẫn đến sự hoài nghi về những ý định tương lai của mình.
Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, 57 tuổi, đã tăng cường cơ hội được kế vị Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào năm 2013 khi ông được thăng chức trong tối thứ Hai vào một vị trí quan trọng được xem như nấc thang cuối cùng để đạt đến đỉnh cao quyền lực.
Là con trai của vị cựu thủ tướng, một anh hùng cách mạng, ông Tập là một "tiểu hoàng đế" nổi tiếng với những những quan hệ gia đình và chính trị đã giúp ông vươn lên những vị trí trong đảng Cộng sản đang nắm quyền.
Một người tạo dựng sự đồng thuận đầy hiệu quả
Ông Tập đã tạo ra cho mình một danh tiếng của một nhà quản lý hiệu quả và một người tạo dựng sự đồng thuận tài tình, người đã tìm cách không tạo ra những đối thủ đáng kể, các nhà quan sát cho biết. Mặc dù ông đã trải qua sự nghiệp của mình tại những tỉnh giàu có nhất ở miền đông Trung Quốc, ông cũng đã nổi tiếng trong cả nước qua việc giám sát những sự kiện nổi tiếng như Giải Olympic Bắc Kinh 2008 và qua cuộc hôn nhân với một ca sĩ nhạc dân tộc nổi tiếng.
Ông Tập đã được đề bạt chức phó chủ tịch Quân uỷ Trung ương trong hội nghị toàn thể của Đảng vào hôm thứ Hai. Chủ tịch Hồ cũng đã được đề bạt vào vị trí này trước khi ông được đề cử vào vị trí hàng đầu của đảng vào năm 2002 và vào chức chủ tịch nước vào năm 2003.
Ông Tập đã tạo được thanh danh cho mình như một đảng viên đầy triển vọng tại những tỉnh miền duyên hải Phúc Kiến và Chiết Giang "ở đó ông đã làm tốt việc khuyến khích kinh tế thị trường và dễ dàng với giới doanh nhân" Li Cheng, một viện sĩ kỳ cựu thuộc Học viện Brookings tại Washington .
Năm 2007 ông được điều đến Thượng Hải như một người giải quyết khó khăn, để điều hành thành phố lớn nhất nước sau khi vị cựu lãnh đạo đảng tại đây bị sa thải vì tội tham nhũng. Chỉ vài tháng sau ông đã được đề cử vào Uỷ ban Thường vụ gồm chín người của Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia.
Những quan hệ gia đình của "tiểu hoàng đế"
Là con trai của một nhà cách mạng kỳ cựu, ông Tập đã hưởng được nhiều đặc ân. Ngay sau khi tốt nghiệp trường Đại học Thanh Hoa nổi tiếng, nơi ông theo học ngành Hoá học Hữu cơ, ông đã trở thành thư ký của Bộ trưởng Quốc phòng; ông đà làm việc tại những khu vực giàu có nhất trong nước và đã được thăng tiến vào Uỷ ban Thường vụ với một tốc độ nhanh lạ thường.
Những quan hệ gia đình cũng đã là những trở ngại cho ông. Cha của ông từng bị Mao Trạch Đông thanh trừng vào năm 1963 và đã trải qua 16 năm tù; Tập Cận Bình lúc trẻ đã bị điều đến một ngôi làng hẻo lánh ở miền Đông bắc Trung Quốc để làm việc đồng áng trong vài năm (ông từng bỏ trốn và bị công an bắt giữ).
"Ông đã có những kinh nghiệm đầu đời về khó khăn của cuộc sống và sự dã man của nền chính trị Cộng sản thời xưa," Hoang Jing, một chuyên gia về những vấn đề thuộc giới lãnh đạo Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore nói.
Lý lịch gia đình của ông Tập đôi khi cũng trở thành những trở ngại cho sự nghiệp chính trị của ông. Ông đã đạt được số phiếu ít nhất trong số các cử tri được đề bạt vào các chức vụ uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng vào năm 1997. "Người ta không thích những ông vua con... vì họ không được thử thách nhiều," Dr. Li nói.
Quan điểm chính trị?
Là người đứng đầu của Học viên Trung ương Đảng, ông Tập đã có tiếng nói của một người bảo thủ ôn hoà trong những vấn đề chính trị, nhưng ông đã tránh công khai tự nhận mình là về phe cải cách hoặc là người chống lại việc giải phóng chính trị trong nước.
Nhưng ông đã gây sự chú ý của quốc tế cho bản thân với một phát biểu đầu năm nay trong mộc chuyến viếng thăm Mexico , khi ông đã chế giễu việc "những người ngoại quốc phưỡn bụng rỗi việc không có gì tốt hơn là chỏ mũi vào chúng ta".
"Trước hết, Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng; thứ hai Trung Quốc không xuất khẩu nghèo đói; thứ ba Trung Quốc không đến để gây nhức đầu cho quí vị," ông đã nói với cử toạ người Mễ một cách cay độc. "Còn gì để nói nữa đâu?"
Cũng như một số những người trong thế hệ lãnh đạo của ông, những người sẽ vận hành Trung Quốc trong vài năm nữa, ông Tập có "một quyết tâm cao về nhiệm vụ làm cho guồng máy tiếp tục hoạt động" Giáo sư Huang nói. "Cha ông của họ thuộc về thế hệ tạo ra cách mạng. Điều này có nghĩa là họ có thể cứng rắn hơn trong việc đối phó với nạn tham nhũng " vốn đang huỷ hoại cuộc sống chính trị và kinh tế của Trung Quốc.
Trong cùng lúc đó, Giáo sư Huang tiên đoán, ông Tập và những đồng sự lãnh đạo của mình sẽ gặp phải khó khăn trong việc chia sẻ sự giàu có của Trung Quốc cho các công dân của mình một cách đồng đều nếu không có cải cách chính trị. Thử thách lớn nhất của vị chủ tịch tương lai, ông nói, sẽ là "tạo ra được sự quân bằng giữa việc cải cách và việc giữ nguyên guồng máy."
----------------------------
Tập Cận Bình và thế hệ lãnh đạo thứ 5 Trung Quốc (bee.net.vn)
Tập Cận Bình – Nhà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc (bayvut.com.au)
.
.
.
No comments:
Post a Comment