Tuesday, October 12, 2010

HỌ ĐANG BẢO VỆ CÁI GÌ ? (Joyce Anne Nguyen)

Joyce Anne Nguyen
13/10/2010 | 1:02 sáng

Viết tặng bạn HM, dù có thể là, như mọi khi, bạn HM sẽ không đọc.

Hôm qua tôi chat với 1 thằng bạn ở Việt Nam trước đây khá thân. Nói 1 hồi, khi tôi hỏi, nó bảo nó nghĩ tôi là thứ phản quốc. Thực ra điều đó chẳng đau, tôi đã mất rất nhiều bạn (hoặc tưởng lầm là bạn) khi bắt đầu viết về chính trị. Điều khiến tôi muốn đập đầu vào tường là nó, mặc dù là học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong, cùng trường với tôi, không biết tư bản là gì và chủ nghĩa xã hội là gì, và nghĩ là hiện nay có Ấn Độ và các nước Đông Âu theo chế độ cộng sản. Về ý thứ 2 tôi tin là chẳng mấy người nghĩ thế, nhưng về ý thứ nhất tôi không ngạc nhiên.

Chủ nghĩa xã hội là gì? Năm lớp 10 tôi có học qua chủ nghĩa Marx trong giờ Giáo dục Công dân, rất cao siêu, mơ hồ và khó nuốt, những duy vật, duy vật biện chứng… Học sinh không hứng thú, và chỉ nghe được tư bản thối nát, chủ nghĩa xã hội đẹp đẽ, chứ mấy chủ nghĩa đó như thế nào và đẹp đẽ hoặc thối nát ra sao thì chẳng biết. Tôi vẫn còn nhớ giáo viên của tôi đã từng nói trước lớp, các nước tư bản nhìn bên ngoài giàu mạnh thế thôi chứ bên trong mục ruỗng cả rồi, chỉ có chúng ta đang đi đúng đường, các nước tư bản sẽ từ từ tiến lên thành nước cộng sản đúng theo thuyết Marx, và các nước cộng sản trước đây cũng sẽ quay về. Đó là ý kiến, là quan điểm. Không phải kiến thức. Hiện tại trong chương trình IB tôi đang học ở đây, có môn Theory of Knowlege nói về kiến thức, các vấn đề của kiến thức, dạy cách đặt nghi vấn, nghi ngờ những điều giáo viên hoặc sách vở nói, lật lại vấn đề, nhìn các khía cạnh khác, phản bác, tìm bằng chứng, phê phán… 1 điều mà giáo dục Việt Nam không có (và không dám có). Khi tôi viết những dòng này hiển nhiên sẽ có nhiều người muốn phản bác, bảo tôi phản động và suốt ngày bơi móc chê bai nước nhà, nhưng chuyện ấy gác lại nói sau.

Tôi muốn nói chút ít về chủ nghĩa xã hội. Có rất nhiều người ủng hộ con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa của Đảng, nhưng họ nói thế chỉ đơn giản do Đảng nói thế, nhà nước nói thế, thầy cô nói thế, mọi người xung quanh nói thế. Những người chống đối, chà đạp lên chủ nghĩa xã hội mang định kiến kiểu khác, do nhà nước đàn áp tự do dân chủ và nhân quyền. Thực tế, bản thân cái chủ nghĩa chẳng có gì sai. Nó là 1 chủ nghĩa, 1 hệ tư tưởng, thế thôi. Karl Marx khi nghĩ ra cái chủ nghĩa đó, ông hình dung tới 1 xã hội đại đồng, bình đẳng, không phân biệt giai cấp. Chỉ thiếu sót khi quên nghĩ đến những mặt hạn chế của nó, chẳng hạn, nỗ lực tạo bình đẳng gây ra sự cào bằng làm giảm tính cạnh tranh và trì kéo sự phát triển của nền kinh tế, chỉ khi thực hiện các nước Đông Âu mới thấy, theo nghĩa nào đó, đấy là 1 chủ nghĩa không tưởng, nên chế độ cộng sản sụp đổ ở 1 loạt các nước này và cả ở Liên Xô, nơi khai sinh ra nó. Nhưng thực ra việc lựa chọn chế độ hay mô hình xã hội không thể có 1 lý tưởng chung nhất sử dụng ở tất cả mọi nơi, mà phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố của các nước. Chẳng hạn, Na Uy là 1 nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa. Dân số thấp 4.8 triệu người, có sẵn dầu, không cần cạnh tranh (mà nếu mọi người đều đua nhau kiếm các nghề bác sỹ, luật sư, kỹ sư… thì không đủ người làm việc khác như thợ sơn, thợ điện…), nhà nước có thể chu cấp tất cả bình đẳng, với giáo dục và y tế miễn phí, tiền trợ cấp cho trẻ em tới khi 18 tuổi, cho người thất nghiệp, tàn tật, nghỉ bệnh, người già…, xã hội không phân biệt giai cấp, khoảng cách giàu  nghèo rất thấp, người có lương cao phải đóng thuế cao. Khi học trong giờ Sử nghe giáo viên nói các lãnh đạo của Na Uy đang có ý định tiến lên chủ nghĩa cộng sản, ban đầu tôi thấy ngứa ngáy, nhưng năm nay tôi có học kinh tế, phân biệt giữa planned economy và free-market economy, nên bây giờ tôi thay đổi suy nghĩ, có thể Na Uy làm được. Điều quan trọng là Na Uy là 1 nước dân chủ, đa đảng, bầu cử tự do, năm ngoái tôi có nghe ông Peter Gitmark, dân biểu của Đảng Bảo thủ ở Na Uy, nói chuyện trong 1 buổi họp mặt với cộng đồng người Việt, nhưng cuối cùng Đảng thắng cử là Đảng Lao động. Mỗi quốc gia chọn mô hình phù hợp với nước mình, chỉ có thế mới có thể phát triển được.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: còn Việt Nam? Nếu tìm hiểu 1 cách đầy đủ và nghiêm túc, ai cũng có thể thấy được nền kinh tế của nước ta hoàn toàn không theo chủ nghĩa xã hội. Có tư hữu, khoảng cách lớn giữa giàu và nghèo, không có trợ cấp, không chịu sự ảnh hưởng của nhà nước nhiều trong kinh tế… Những người được/bị gọi là Việt Cộng hiện giờ chẳng phải là cộng sản.

Những người bênh vực Đảng và không ngừng lặp lại rằng nước ta đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta ưu việt, họ đang bảo vệ cái gì?

Và cả trong nhiều tình huống khác như dạo gần đây trên mạng mọi người thường bàn chuyện Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Nhiều người Hà Nội cứ nghe Hà Nội bị đả kích là đả kích lại ngay. À, tất nhiên tôi biết năm nào miền trung cũng có lũ lụt. À, tất nhiên tôi cũng biết chẳng mấy khi có cái lễ để ăn mừng. À, tất nhiên tôi biết người Hà Nội có quyền tự hào về 1000 năm. Nhưng nếu bạn nói, cùng là đồng bào với nhau sao lại đả kích dân Hà Nội, sao lại nói bên chết cứ chết bên chơi cứ chơi, nói như thế là xúc phạm lòng tự hào dân tộc, thế thì tôi hỏi lại, cùng là đồng bào với nhau sao cái đại lễ của dân Hà Nội được trút 1/10 GDP thế, nước ta có giàu có gì cho cam. Trung Quốc rình rang Olympic đã bị lên án và tẩy chay, nhưng thử hỏi ban lãnh đạo Trung Quốc có dám đốt 1/10 GDP cho lễ lạc linh đình thế không. Lòng tự hào dân tộc, đúng, chúng ta nên tự hào là người Việt Nam, nhưng nếu không có 1 chút xấu hổ nào khi dân nước ngoài hỏi ôi các bác nước nhỏ mà vung tiền kinh thế, tôi sẽ nghi ngờ cái lòng tự hào đó. Bảo vệ cái gì? Nói thế chắc chắn không phải bảo vệ cái đúng, cũng không phải bảo vệ người dân 1 nước, và càng không phải bảo vệ lòng tự hào dân tộc. Vậy là bảo vệ cái gì? Cả những bài hát dịch sang tiếng Anh, 1 thứ tiếng Anh phát âm rùng rợn và dịch khiếp khủng ai cũng thấy, tôi cũng thấy nhiều người vào bênh vực, nói ít ra được ý tốt. Tôi không cần biết ý tưởng ra sao. Tỷ như chuyện viết sách, cùng 1 ý tưởng 1 nhà văn tầm cỡ được đánh giá cao và 1 người viết kiểu văn chương 3 xu bán đầy ngoài chợ dĩ nhiên ra 2 sản phẩm khác nhau, vụ dịch này cũng vậy, khi khả năng không có thì đừng làm hoặc đưa người khác làm, việc gì phải cố làm rồi đưa lên báo giới thiệu hoành tráng và đem đi phổ biến khắp nơi với ý định giới thiệu âm nhạc và văn hóa Việt Nam ra với thế giới nhân dịp đại lễ 1000 năm và đồng thời hun đúc thêm lòng tự hào dân tộc, mà rút cuộc mớ kết quả đó nếu đưa cho người nước ngoài xem được có lẽ người Việt Nam nhục nhã không ngóc đầu nổi (xin nhớ là những đoạn clips đó được đưa lên youtube, trang web chia sẻ videos lớn nhất hiện nay và nếu không được rút xuống thì có thể đi khắp thế giới- chú thích thêm: tất cả vẫn còn nằm ngay đó). Vậy những người bênh vực đang bênh vực cái gì? Tôi chẳng rõ.


Ngay cả những người đấu tranh dân chủ cũng có khuynh hướng chống cái- gì- đó- mà- tôi- chẳng- biết- là- cái- gì. Với phe đối lập. Chẳng hạn chuyện ông Lý Tống xịt hơi cay vào mặt ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng. Tôi không cần biết Đàm Vĩnh Hưng phát biểu gì và làm gì, tôi cũng không quan tâm ông Lý Tống yêu dân chủ như thế nào, việc xịt hơi cay không đem lại ích lợi cho phong trào đấu tranh dân chủ, chẳng thay đổi được thực trạng nhân quyền, mặt khác lại tự hạ thấp chính mình. Nếu tôi không thích người nào đó, tôi không chơi bẩn hay đại loại, việc gì phải tấn công đối phương để đối phương có cái quyền trở thành nạn nhân và lu loa về mình? Hoặc, tấn công cả những người có cùng quan điểm chính trị, nhưng có thể khác phương pháp, hoặc có mâu thuẫn, hoặc cũng có thể chẳng có nguyên nhân nào cụ thể cả. Bên Trung Quốc khi giải Nobel Hòa bình được trao cho Lưu Hiểu Ba, không chỉ ban lãnh đạo và những người dân Trung Quốc ủng hộ nhà nước Trung Quốc nổi giận và phản đối, cả 1 số người bất đồng chính kiến cũng biểu tình bảo không xứng đáng. Giải Nobel trên thực tế được trao cho Lưu Hiểu Ba nhưng xét rộng ra không chỉ cho 1 cá nhân ông Lưu Hiểu Ba mà còn được tặng chung cho những người đấu tranh nhân quyền ở Trung Quốc, như 1 sự cổ vũ và ghi nhận nỗ lực của những người đấu tranh và 1 lời nhắc nhở về thực trạng nhân quyền ở Trung Quốc. Đọc tin đó trên The New York Times tôi không ngạc nhiên, vì dựa trên sự không đoàn kết lâu nay tôi thấy, nếu giải Nobel được trao cho 1 người bất đồng chính kiến ở Việt Nam, tình hình cũng sẽ tương tự. Những người đó thực ra đấu tranh cho cái gì và chống cái gì? 1 người thực sự muốn thay đổi, có dân chủ, và khắc phục tình trạng nhân quyền, chống lại Đảng độc tài bưng bít thông tin, không cần danh vọng hay giải thưởng cho việc mình làm. Mỗi khi thấy người đấu tranh dân chủ đả kích nhau, nói xấu nhau, tôi lại muốn hỏi, họ đang chống cái gì. Và khi đấu tranh, như họ tự nhận, đó có phải là thực sự đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ hay chỉ vì tiếng tăm lợi ích cá nhân?

Tôi xin phép vòng lại ý lúc nãy đang nói dở. 1 cách tự nhiên và đầy bản năng, sẽ có người muốn đập lại những luận điểm của tôi bằng luận điệu quen thuộc. Yêu nước là làm đất nước phát triển chứ không phải ngồi đó moi móc chửi bới nước nhà. Xã hội nào cũng có vấn đề. Nước ta đang phát triển rất tốt đẹp. Có những điểm nhất định nào đó nhưng ta cần có niềm tin vào Đảng. Nước ta có dân chủ, nhưng các quốc gia có chế độ khác nhau nên màu sắc của dân chủ cũng khác nhau. Nhân quyền của nước ta khác. Blah blah blah. Tôi nghe nhiều rồi, và cũng trả lời nhiều rồi, chẳng muốn lặp lại nữa, chỉ muốn hỏi lại: Bạn đang bảo vệ cái gì và chống lại cái gì? Và vì sao?

Tái bút: tôi cũng biết có những đả kích nhằm vào tôi, nói tôi làm như thể mình hiểu biết hơn người khác, hoặc đặt nghi vấn tuổi tác của tôi, chẳng thành vấn đề, đối với tôi, việc học không giới hạn trong chương trình phổ thông. 1 người, dù có học ở Phần Lan- nền giáo dục được đánh giá là tốt nhất thế giới, mà chỉ học những gì có trong trường lớp và sách giáo khoa cũng là không biết gì. Nhưng kiểu đả kích tầm phào ấy, là chống lại tôi hay thực ra đang chống lại chính người đả kích? Và họ đả kích tôi vì có vẻ như tôi chống lại cái họ đang bênh vực, nhưng họ đang bênh vực cái gì?

12/10/2010
© 2010 Joyce Anne Nguyen
© 2010 talawas
.
.
.

No comments: