Friday, October 1, 2010

HÀ NỘI DƯỚI MẮT KÝ GIẢ PHÁP JEAN CLAUDE POMONTI

Tường An, thông tín viên RFA
2010-10-01

Hà Nội với Hồ Hoàn Kiếm, với 36 phố phường, với bích đào Nhật Tân, với hoa sữa là thành phố của ngàn năm văn vật.
Hà Nội không chỉ là một nơi gắn bó với người dân ở đó mà còn ghi lại sâu đậm trong lòng những người khách đã ghé qua Hà Nội. Ký giả  Pháp Jean Claude Pomonti đến Hà Nội lần đầu tiên năm 1987 và sau đó ông đã trở lại nhiều lần để rồi ngày 24 tháng 9 năm 2010 vừa qua, ông đã ra mắt tại Paris một quyển sách mà ông viết về Hà Nội, quyển sách có tên: “Hà Nội, regards” (Hà Nội, những cái nhìn... – nhà xuất bản La Frémellerie). Thông tín viên Tường An có mặt trong buổi ra mắt sách và gửi đến quý vị bài tường trình sau đây:
.
Những cây nấm hối hả mọc
Dưới ánh đèn vàng ấm cúng của một nhà hàng nhỏ trong quận 13, Paris, khoảng 50 người khách, đa số là người Pháp đã đến tham dự buổi ra mắt quyển sách “Hà Nội, regards” của ký giả Jean Claude Pomonti do nhà xuất bản La Frémillerie tổ chức.

Ông Jean Claude Pomonti là phóng viên của tờ Le Monde tại Đông Nam Á từ năm 1968 đến 1974. Trong khoảng thời gian đó ông cũng có dạy môn sử địa  trong vòng 2 năm tại trường Jean Jacques Roussel. Ông đã được giải thưởng Albert-Londres năm 1973 bởi những bài phóng sự về chiến tranh Việt Nam.
Từ giã Việt Nam năm 1974, ông đã trở lại Việt Nam năm 1987. Ông rất yêu mến Việt Nam và đã viết nhiều sách về con người và đất nước này:
“Tôi đã viết rất nhiều sách, đặc biệt tôi đã viết về tướng Phạm Xuân Ẩn, 1 gián điệp thượng thặng trong thời chiến, một nhân vật mà tôi quen rất thân khi anh ta núp dưới danh nghĩa ký giả cho tập san Times. Tôi gặp ông ấy rất thường xuyên để hoàn thành quyển sách về ông ta.
Tôi đã từng sống tại Sài Gòn và tôi biết rõ Miền Nam Việt Nam. Tôi đã đi rất nhiều nơi ở Miền Nam Việt Nam vào những năm gần đây. Tôi cũng có viết nhiều sách khác về Việt Nam, mà cuốn đầu tiên được xuất bản đầu năm 1970.”

Từ một Hà Nội của 80.000 dân vào những năm 1867 cho đến một Hà Nội của 6 triệu 3 trăm ngàn dân vào năm 2008. Ký giả Pomonti ví Hà Nội như những cây nấm hối hả mọc sau cơn mưa. Hà Nội bây giờ không còn là Hà Nội cổ kính của Thạch Lam, Vũ Bằng trong thập niên 40. Hà Nội bây giờ chen chút những ngôi nhà cao tầng, những biệt thự mới mẽ. Tuy nhiên đâu đó trên những con đường nhỏ, những cổ thành còn sót lại, những dãy phố được che chở bởi những hàng cây cổ thụ, vẫn còn giữ lại chút nào đó nét duyên dáng, lãng mạng của một Hà Nội trong ký ức.
“Hà Nội ngày nay hoàn toàn khác biệt với Hà Nội qua các sách vở ấy. Trừ vài nơi ở trung tâm Hà Nội, di tích cổ thành hay khu phố đã có tên là khu cư trú của người Pháp ngày xưa hãy còn giữ được đặc thái của Hà Nội, còn thì Hà Nội ngày nay là một thành phố mênh mông. Từ 2008, diện tích của Hà Nội đã tăng gấp 3 lần. Hà Nội hiện là một thành phố với 2 sắc diện: Vùng canh tân đang được xây cất và vùng thành cổ, còn giữ những nét của Hà Nội xưa kia.”
Những nét vô cùng duyên dáng của Hà Nội chính là ở khu trung tâm thành phố. Hồ Hoàn Kiếm, với những cây cổ thụ hàng trăm năm, với Hồ Tây… Chính khu trung tâm của Hà Nội mới là Hà Nội. Các vùng tân lập mới được xây cất chung quanh trung tâm không có điểm gì đặc sắc.
.
Nét tương phản của Hà Nội
Quyển sách gồm 129 trang, 6 chương và phần phụ lục ghi lại tất cả những ngày tháng quan trọng trong lịch sử Việt Nam bắt đầu từ năm 1939 khi Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ của Tàu đến năm 2010, đánh dấu 1.000 năm từ Thăng Long thành đến Hà Nội ngày nay.
Từ Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Văn Vĩnh đến Bùi Xuân Phái, Nguyễn Huy Thiệp, Trịnh Công Sơn  đã được ký giả Pomonti lướt qua cộng với 14 hình ảnh của nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet  cho thấy hai góc tương phản của Hà Nội: một cổ kính, thơ mộng, một phơi bày, hoành tráng…

Chương đầu tiên được bắt đầu bằng một đoạn văn trong ‘Hà Nội 36 phố phường’ của nhà văn Thạch Lam: “Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố có nhiều vẻ đẹp, vì Hà Nội đẹp thật (chúng ta chỉ còn tìm những vẻ đẹp ấy ra), và cũng vì chúng ta yêu mến. Yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội, cũng như người Parisien chính hiệu yêu mến Paris...”
“Đối với tôi, Hà Nội là một trong những thành phố hấp dẫn nhất. Các khu phố cũ trong trung tâm Hà Nội rất đẹp. Nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm của Hà Nội, tôi nghĩ rằng đây là cơ hội tốt nhất để nói về Hà Nội. Hà Nội là một thành phố rất hấp dẫn, nhưng không dễ gì tìm hiểu . Phải dành thật nhiều thời gian, bách bộ nơi mọi non cùng ngõ hẻm, nhìn các chùa chiền, quan sát những nơi tiềm ẩn… Những cái đã làm nên dáng mỹ miều của Hà Nội muôn thuở…”

Ông đã đi nhiều và gặp nhiều người, trong suốt quyển sách nhiều cái tên được nhắc đến như: Nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhà nghiên cứu sử Đào Hùng, nhà văn Nguyễn Bỉnh Phương, đạo diễn Trần Văn Thủy… Hà Nội không chỉ quyến rũ ông ở cái đẹp của phố phường mà còn ghi dấu trong ông bởi những con người mà ông đã gặp:
“Các kỷ niệm đẹp nhất của tôi chắc hẳn là ở con người Việt Nam. Các giao tiếp, gặp gỡ của tôi với những con người đầy những đặc tính rất hấp dẫn ấy, đó là những kỷ niệm đẹp nhất của tôi.”

Theo nhà văn Nguyễn Việt Hà, trang 86, ngày nay “người Hà Nội” đúng nghĩa không còn nữa. “Người Hà Nội” và  “Người ở Hà Nội” là một cuộc tranh luận không đoạn kết.

“Hà Nội regards” trang 108, nhà văn Bảo Ninh nói: Khi đi lính, tôi không cảm nhớ Hà Nội, nhưng bây giờ, vào Sài Gòn 1 tuần tôi đã nhớ Hà Nội, đến Huế 3 ngày, tôi đã cảm thấy nỗi buồn xâm chiếm…. Tôi không thể nào xa Hà Nội, nhưng đó không phải là tình yêu mà là một cái gì quen thuộc. Khi nghĩ về Hà Nội, người ta chỉ mơ tưởng về một Hà Nội của thuở ấu thời. Hà Nội bây giờ đã bị xô dạt về một nẻo mà phải mươi mười năm nữa chúng ta mới biết Hà nội của chúng ta sẽ đi về đâu?

Ký giả Pomonti đã từng phỏng vấn nhà báo Bùi Tín năm 1973 tại Sài Gòn. Trong dịp ra mắt sách vừa qua, Nhà báo Bùi Tín cũng đã gặp lại cố nhân sau 37 năm. Ông Bùi Tín nhận xét về quyển sách này như sau:
“Ông cũng lựa một số bài cũ của Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân… Cũng là một con người có tâm hồn đồng điệu, đồng cảm với Việt Nam, Những cỏ cây xanh, có hồ nhiều, rồi con người thanh lịch… Ông có nêu rõ cái hiện đại của Hà Nội như nhà cửa đông đúc, cái tuổi trẻ năng động hơn trước nhiều. Trước kia nhịp độ nó chậm rãi, bây giờ thì nhanh hơn và hòa nhập với thế giới hơn.”

Được hỏi ông đã chọn Việt Nam hay Việt Nam đã chọn ông như một người bạn đồng hành trong suốt một thời gian dài trước và sau chiến tranh, câu trả lời của ông là: cả hai. Ông đã đi khắp các nẻo đường của Sài Gòn, Huế, Hà Nội. Nhưng Hà Nội vẫn là nơi lôi cuốn ông rất nhiều. Nghe nhạc Trịnh Công Sơn, đọc thơ bà Huyện Thanh Quan, tìm hiểu lich sử, văn hóa Việt Nam qua Đông Kinh Nghĩa Thục, qua truyện Kiều… Thế nhưng, câu tục ngữ dân gian mà ký giả Jean Claude Pomonti tâm đắc nhất vẫn là câu:
“Nhà báo nói láo ăn tiền.”
.
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: