Wednesday, October 20, 2010

DÂN KHÍ SUY và XÃ HỘI LẠNH LÙNG

Nguyễn Anh Tuấn
20/10/2010

Chủ nghĩa nhân văn luôn bắt đầu từ sự trân quý những phận người nhỏ bé trước khi đi đến những bến bờ lớn lao hơn.
Sẽ đến một lúc, tính nhân văn trở thành chỉ số để đánh giá sự phát triển của xã hội loài người nếu chúng ta đồng ý với nhau rằng xã hội phát triển cũng chỉ để “người” hơn.
Những sự kiện liên tiếp xảy ra vừa qua cần được  xem như một cái tát thật đau để cho xã hội chúng ta tỉnh ra và tìm về đúng với những chân giá trị của mình.

Chúng ta gọi nhau là đồng bào. Nhưng chúng ta hội hè, trong lúc đồng bào của chúng ta vật lộn với lũ dữ, khóc than vì mất người thân. Mà hội hè cực lớn. Khuôn mặt cảm thương lúc trao quà cứu trợ hẳn cũng sẽ nhanh chóng trở lại hứng khởi, hân hoan cho hợp với không khí lễ hội đang tưng bừng. Và lũ đang lên, và đồng bào đang chết. Một phút mặc niệm cho đồng bào lũ lụt dẫu có vẫn là chưa đủ. Nhưng nào có đâu. Ai đó có góp ý, chỉ nên để lại phần lễ thôi, bỏ hết phần hội đi. Sẽ mất vui, nhưng lúc như thế nên vui chăng? Và có vui được chăng?

Bốn người chết vì chuẩn bị cho Đại lễ. Đại diện chính quyền nói”không ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh”. Một lệnh hủy bắn pháo hoa theo sau một lệnh nhập bù pháo hoa. Xã hội vẫn không ngớt rộn ràng. Trong số 200. 000 người đổ về Mỹ Đình xem đêm pháo hoa bế mạc 10-10, có mấy ai nhớ đến 4 người đã chết. Một lời tri ân chính thức là quá khó sao? Sợ niềm vui không trọn vẹn hay là sự khiếm khuyết của tâm hồn?

Và cũng trong những ngày hân hoan của Đại lễ, 9 ngư dân – 9 người đồng bào của chúng ta – bị Trung Quốc giam giữ. Dường như chúng ta quên hẳn họ. Tình đồng bào của chúng ta sẽ thể hiện lúc nào nữa đây nếu không  phải là những lúc khốn khó như thế này? Con số 9 người vẫn là quá ít hay là bởi chúng ta không quen biết họ? Có phải chúng ta phó mặc hết cho Chính phủ để quên đi trách nhiệm, tình đồng bào của chúng ta? Nhưng lại không có một nhà chức trách nào tiếp xúc với 9 người này từ lúc họ bị bắt giữ đến lúc họ được thả. Đến bao giờ, dù chỉ là một phận người Việt Nam bị chà đạp cũng được toàn dân tộc này hướng về và dõi theo?

Chúng ta nói với nhau quá nhiều từ “nhân dân”trong những diễn văn để quên mất những phận người. Quên rồi sao mỗi vui buồn, đau khổ của thân phận người Việt góp lại chính là nỗi niềm của nhân dân.
4 người chết trong đó có 1 người Việt là nỗi đau của nhân dân. Chứ không phải chỉ là chi phí đáng tiếc cho Đại lễ.
9  ngư dân Việt chưa về đến nhà là nỗi đau của nhân dân. Chứ không phải là phương tiện để thể hiện một thái độ ngoại giao.

Đến khi nào xã hội biết cộng hưởng với những nỗi buồn niềm vui của mỗi thân phận thì xã hội đó mới được gọi là phát triển.
Đến khi nào mỗi người dân Việt Nam hiểu được rằng sự xúc phạm của ngoại quốc đến bất kỳ người đồng bào nào của mình cũng đồng nghĩa là sự xúc phạm đến thể diện quốc gia mình, đến lòng tự tôn dân tộc mình và đến cả danh dự, lòng tự trọng của bản thân mình. Khi đó, dân tộc này mới lớn lên được.

Bàng quan, thờ ơ là bệnh của một dân tộc mà dân khí đang suy. Và những sự kiện trên là những chỉ dấu đáng ngại.

N.A.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
.
.
.
Trần Lệ Quyên
20/10/2010

Tối qua (18/10/2010), trong gần một tiếng đồng hồ VTV1 truyền những hình ảnh lũ lụt tang thương ở miền Trung đến cho đồng bào cả cùng biết và chia sẻ, chúng tôi đã thật sự thất vọng bởi ngoài một số cán bộ lãnh đạo tỉnh đang lặn lội dưới trời mưa rét để lo cứu dân thì tịnh không thấy bất kỳ một đồng chí lãnh đạo Trung ương nào xuất hiện trên màn hình.
Có lẽ các đồng chí đó đang rất bận. Mà quả là các đồng chí ấy bận thật. Các đồng chí ấy đang phải chia nhau đi chỉ đạo các đại hội đảng bộ các tỉnh tràn ngập cờ hoa, những nụ cười tươi và những tràng vỗ tay nồng nhiệt.
Nhưng ngay sau loạt bản tin về cảnh lũ lụt thì chúng tôi không phải tiếp tục thất vọng nữa: biên tập viên VTV1 đọc điện thăm hỏi của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Thật tuyệt vời. Trong lúc bận như thế mà đồng chí Tổng Bí thư vẫn dành thời gian quý báu của mình đánh điện thăm hỏi các cấp uỷ đảng, chính quyền, đồng bào, chiến sĩ các tỉnh miền Trung bị lũ lụt. Lời văn trong bức điện thật tình cảm, ân cần và sâu sắc.
Chỉ tiếc mỗi điều là khi biên tập viên VTV1 đọc điện của Tổng Bí thư thì các đồng chí cấp uỷ đảng và chính quyền ở địa phương đang bận đi chỉ đạo cứu dân nên không ai biết gì về bức điện. Và các chiến sĩ thì cũng đang gồng mình chở mỳ tôm đến chia sẻ cho dân và cứu dân thoát khỏi những nơi nguy hiểm nên cũng hoàn toàn không biết gì về chuyện Tổng Bí thư gửi điện. Còn đồng bào thì đang bị đói, bị rét và lo bị lũ cuốn trôi nên không còn tâm trí nào để nghĩ đến những chuyện khác. Vả lại, dù đồng bào có thiết tha mong mỏi được nghe nội dung bức điện thăm hỏi của Tổng Bí thư đến mấy nhưng toàn vùng đang bị mất điện, nhà cửa còn bị ngập đến tận nóc huống hồ là ti vi, thì làm sao mà nghe biên tập viên của VTV1 đọc bức điện đó được? Đúng là hoạ vô đơn chí.
Thật tiếc vô cùng cho bà con miền Trung ruột thịt bởi nếu được nghe những lời thăm hỏi thăm ân cần và chỉ đạo sát sao như thế của Tổng Bí thư, bà con chắc sẽ rất xúc động và thấy ấm lòng mà tạm quên đi cái đói, cái rét và nỗi lo ngày mai không biết sống bằng gì. Tôi chợt nhận ra rằng đôi khi, vật chất thật khó có thể so sánh được với tinh thần. Thì đấy, chỉ một bức điện ngắn như thế của Tổng Bí thư mà có giá trị hơn hẳn mấy gói mỳ tôm. Nếu các đồng chí lãnh đạo trung ương khác, ai cũng noi theo Tổng Bí thư, nhất loạt đánh điện vào miền Trung hỏi thăm nhân dân thì bà con có phải đã nhận được những món quà tinh thần giá trị bằng hàng trăm gói mỳ tôm hay không.
Viết đến đây, tôi lại chợt nhận thêm ra rằng cái ông Tổng thống Chi Lê Sebastian Pinera đúng là không ra làm sao bởi trong suốt quá trình giải cứu các thợ mỏ, việc gì ông cứ phải luôn túc trực tại hiện trường như thế! Chả lẽ ông không còn việc gì khác để làm ư? Không có ông thì người ta vẫn cứ giải thoát được hết các thợ mỏ. Thà rằng ông cứ yên vị ở văn phòng Tổng thống tại thủ đô mà lo những việc quan trọng khác. Hay nếu rỗi rãi hơn thì ông có thể lo việc nhà, thí dụ chạy cho thằng con trai ông một chức vụ nào cỡ như Trưởng tỉnh chẳng hạn. Ông đến nơi đang giải cứu thợ mỏ, vừa tốn kém chi phí xe cộ hoặc máy bay đi lại cho ngân sách trung ương, vừa tốn kém cho quỹ địa phương (vốn đã rất eo hẹp) bởi có mặt ông, chính quyền tỉnh lại phải cắt cử người lo cơm nước cho ông. Hơn nữa, nếu có nhà đầu tư nước ngoài nào muốn đếp văn phòng tổng thống gặp ông để xin chữ ký tắt cho dự án đầu tư của họ thì biết đằng nào mà tìm.
Để kết thúc bài viết tràn đầy cảm xúc về Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, tôi xin dành một lời khuyên cho ngài Tổng thống Chi Lê Sebastian Pinera: “Hãy tiếp tục noi gương Việt Nam (vì thực ra từ ngày chúng tôi đánh thắng Pháp và Mỹ đến nay, chúng tôi luôn tự lấy đảng và đất nước mình ra làm tấm gương cho toàn thể thế giới thứ ba noi theo), lần sau nếu có những sự cố tương tự xảy ra với nhân dân Chi Lê, Tổng thống chỉ cần đánh một bức điện hỏi thăm là đủ. Những thợ mỏ Chi Lê khi đó không thể đọc được điện của Ngài bởi họ đang ở độ sâu 700 mét trong lòng đất tối như hũ nút. Nhưng khi về nhà có điện đóm đang hoàng, họ sẽ giở điện của Ngài ra đọc. Và tôi tuyệt đối tin rằng họ sẽ thấy ấm lòng lên rất nhiều, giống như đồng bào quê hương tôi đã coi bức điện thăm hỏi của Tổng Bí thư có giá trị hơn mấy lần gói mỳ tôm.
T. L. Q.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
.
.
.

No comments: