Tuesday, October 19, 2010

“CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU” TRƯỚC NGUY CƠ BIẾN THÀNH …BỘT ĐÁ

Đổi năm trăm triệu năm lấy một nhát… búa tạ 
Đỗ Doãn Hoàng
Monday, 18. October 2010, 14:20:25
http://my.opera.com/dodoanhoang/blog/show.dml/19450982

Nhiều di sản ở “công viên địa chất toàn cầu” trước nguy cơ biến thành… bột đá:
“Đá núi tật nguyn vết so thi gian”

 
Tiếng đàn môi bên bờ rào đá. Không chỉ riêng ở cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), nơi vừa được nhân loại tiến bộ vinh danh là Công viên địa chất toàn cầu (tổ vào tháng 10/2010, tại Hy Lạp; đây cũng là công viên địa chất đầu tiên ở Việt Nam); mà ở nhiều miền đá khác ở nước ta, “sống trên đá chết vùi trong đá”, bà con có tập quán sử dụng đá, đập đá, nghiền đá làm đủ thứ công trình, phần việc… cũng là dễ hiểu. Đá và các công trình kỳ vĩ từ đá, những bờ rào, những ngôi nhà, bản làng và tường thành đá xếp mênh mông kia đã trở thành “điểm đến”, thành một phần giá trị độc đáo của Công viên địa chất toàn cầu. Và, nhiều người sẽ nghĩ: từ thượng cổ vẫn thế, đến nay, nếu vẫn “như từ thượng cổ” thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên và lo lắng, bởi sức người nhỏ bé trọi vào miền đá rộng đến mức chỉ đi ngang qua mỗi bề đã đến cả trăm cây số đường chim bay, biết bao giờ mới “mòn” được núi. Trong kế hoạch du lịch công viên địa chất nay mai, người ta hoàn toàn có thể trình diễn nghệ thuật đập đá thủ công, xếp đá làm nhà, làm bờ tường thẳng tắp cong veo phục vụ khách du, đó vẫn là điều UNESCO không hề cấm đoán.
Tuy nhiên, có một sự thật khác là: chưa bao giờ hệ thống máy móc hiện đại được huy động để phá đá, nghiền đá nhiều như bây giờ. Người ta phá đá công nghiệp để “giải phóng mặt bằng” xây dựng nhiều lỵ sở, thị tứ, thị trấn, khu dân cư; người ta xây dựng tới 3 cái thủy điện trên dòng sông Nho Quế ghềnh thác nhất Việt Nam đang vắt mình xuyên qua di sản địa chất cao nguyên đá kia, nước dâng lên sẽ chôn lấp nhiều phần rừng, núi non, hang động đẹp bậc nhất của cao nguyên cao nhất Việt Nam này; đấy là chưa kể hàng vạn hàng triệu tấn bột đá sẽ được nghiền phục vụ xây dựng, nhiều dãy núi, bờ sông, bản làng sẽ bị biến mất để lấy mặt bằng, mở đường, làm hồ chứa, nâng bước cho các tổ máy, cỗ lớn máy chưa từng thấy vào với các bản làng, dòng sông biên giới. Ví dụ, Thủy điện Nho Quế 3, là công trình lớn nhất từng được biết tới trong lịch sử tỉnh Hà Giang. Điều đáng sợ là: để thuận lợi cho việc gọt đẽo, tàn sát các dãy đá kỳ quan, các ngọn núi thắng cảnh thành công trình, bột đá, người ta bao giờ cũng nghiên cứu “chọc tiết” các thế giới đá ở gần đường giao thông nhất, thuận cho việc vận chuyển nhất. Và, đó cũng chính là “điểm ngoạn mục” (thăm ngắm) của du khách khi đến với công viên địa chất toàn cầu. Trở lại Hà Giang trong mấy năm gần đây, chúng tôi luôn có cảm giác đi trong những dãy núi đá tật nguyền là vì thế.
Đẽo đá tai mèo đem bán hay để đó rồi cả thế giới phải đến “mua”?
Tình trạng phá đá làm xấu xí, xâm hại, giết chết nhiều giá trị của Công viên địa chất toàn cầu, cao nguyên đá Hà Giang nghiêm trọng đến mức: người viết bài này, sau quá trình điền dã, phỏng vấn, chụp ảnh công phu, đã ngại đưa vấn đề ra, khi mà UNESCO còn đang xét duyệt hồ sơ xếp hạng “công viên địa chất toàn cầu” cho cao nguyên Đồng Văn. Nói như vậy, cũng cho thấy một bài toán đáng sợ hơn: thảm trạng đã diễn ra từ khá lâu, nó ngày càng nhức nhối, bất chấp nhiều nhà khoa học đã chính thức lên tiếng cảnh báo, xót thương.
Thật ra thì từ trước khi cao nguyên đá được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, trong quá trình hội thảo, lập hồ sơ, nghiên cứu, thăm thú, vài năm qua, tỉnh Hà Giang cũng đã có những kế hoạch tuyên truyền, vận động bà con đừng phá đá với tốc độ “tằm ăn rỗi” nữa. TSKH Vũ Cao Minh (Viện Địa chất), một trong những người đi tiên phong và cực kỳ tâm huyết với ý tưởng tôn vinh miền đá Đồng Văn thành công viên địa chất toàn cầu đã sống nhiều tháng ròng rã ở khắp các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc (4 huyện, nơi công viên địa chất trùm lên) nhớ lại: “Lúc uống rượu ngô, bà con bảo, cán bộ ơi, sống trên đá chết vùi trong đá. Nơi này chỉ có đẽo đá, đập đá ra để bán mà ăn thôi, chứ biết làm gì. Tôi bảo, bà con ạ, đập đá thì vất vả, bán chẳng được bao nhiêu tiền, phải khênh đá đi để bán, bán xong cục nào là mất luôn cục đó. Thế nhưng, nếu bà con để nguyên thế giới đá tuyệt đẹp này ở đó, thì sẽ là di sản vô giá, sẽ là công viên địa chất để cả thế giới đến xem, ngàn đời sau, bà con và con cháu mình cứ ngồi đó mà… thoát nghèo, nhờ người ta đem tiền đến… tiêu. Đỉnh Mã Pí Lèng là một trong những đệ nhất hùng quan của Việt Nam, các vách đá vôi ở Tu Sản thuộc vào các vách đá vôi cao nhất thế giới. Quý hóa lắm”. Ông Minh là người lãng mạn nhưng rất thiết thực, ông là người đã sáng tạo ra hệ thống hồ treo đã và đang tích nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, “giải khát” cho cả cao nguyên đá. Và, nay, khi UNESCO công nhận cao nguyên Đồng Văn là công viên địa chất toàn cầu, một lần nữa, đã chứng minh lời “phủ dụ” của ông với bà con 4 huyện vùng cao núi đá Hà Giang kia là đúng. Nhưng, tiếc thay, lời khuyên với cán bộ, lãnh đạo và bà con Hà Giang, rằng đừng phá đá ở cao nguyên đá thì hình như chẳng ai thèm nghe. Để đến nỗi, chính TSKH Vũ Cao Minh đã phải viết nhiều tham luận, bài viết, nhiều lần trả lời phỏng vấn báo chí về thảm kịch biến di sản thành… bột đá, đá cục trắng hếu “tang thương” như hiện nay.

Quan điểm bảo vệ di sản cũng còn… đầy bất cập
Ông Ma Ngọc Giang, Giám đốc Ban Quản lý Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn bảo: cao nguyên đá rộng tới hơn 2.347km2, với 230.000 người, thuộc 17 dân tộc anh em sinh sống. Khi trở thành công viên địa chất toàn cầu, chính sự khô khát, khắc nghiệt và hiểm trở của miền đá kia, sẽ mở ra một con đường thoát nghèo tuyệt vời cho bà con, thông qua việc “khai thác” khách du lịch, những người muốn tìm hiểu, học tập, khám phá và chiêm ngưỡng di sản độc đáo này. Một triển vọng lớn, với những kế hoạch “làm du lịch” tuyệt vời đã được vẽ ra. Cao nguyên đá, từ nhiều năm trước khi được UNESCO vinh danh là công viên địa chất toàn cầu, nó vẫn là điểm đến cực kỳ quyến rũ đối với khách trong và ngoài nước. Vì thế, không ai là không tin tưởng vào tương lai của du lịch cao nguyên đá Đồng Văn. Tuy nhiên, việc xâm hại di sản vẫn hằng ngày hằng giờ diễn ra ngay trước mắt du khách, đặc biệt là các dự án khổng lồ làm biến mất nhiều cảnh quan địa mạo như 3 cái thủy điện đang được rầm rộ thi công trên sông Nho Quế (thủy điện lớn nhất có mức vốn đầu tư trước thuế là 2.131 tỷ đồng, công suất 110MW, sẽ phát điện vào quý 2 năm 2011) , khiến người ta xót xa cho di sản. Đặc biệt đáng sợ là việc lơ là, buông lỏng quản lý hiện nay, khiến cho niềm tin vào việc một mai khắc phục được tình trạng nghiền các kỳ quan thành bột đá là rất… mong manh (xem chùm ảnh nghiền cả núi bột đá, “san lấp” sông Nho Quế làm thủy điện).
Kế hoạch nâng cao nhận thức bảo vệ di sản địa chất cho cộng đồng 230.000 người sống ở khu vực cao nguyên Đồng Văn đang được cơ quan chức năng triển khai làm 3 giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015 là một minh chứng cho nhận định trên. Các “phát ngôn” được đưa ra rất quyết liệt trên… giấy tờ, tuy nhiên, khi chúng tôi đi dọc mấy trăm cây số cảnh quan mỹ miều đang bị đẽo gọt không thương tiếc của 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc tỉnh Hà Giang, lúc được hỏi, hầu hết bà con đều… chưa nghe thấy “tuyên truyền bảo vệ” bao giờ. Việc bảo vệ di sản địa chất này là cấp thiết, nhưng các hoang mạc đá tuyệt đẹp ở Cán Chu Phìn, Lũng Pù hay dọc đường từ thị xã lên Mèo Vạc vẫn bị phá trước mắt du khách. Chúng tôi đi ngay trên tỉnh lộ xuyên cao nguyên đá, hệ thống máy khai thác và nghiền đá vẫn hoạt động nườm nượp, bà con vô tư trả lời là chúng tôi là “phá đá như thế này nhiều năm rồi, có ai nhắc nhở gì đâu, bỏ nghề thì lấy gì mà ăn!”. Ngay bản thân ông Giang, Giám đốc Ban Quản lý cũng nói thẳng với nhà báo về quan điểm của “đơn vị chủ nhà” xung quanh việc khai thác đá tràn lan ở công viên địa chất toàn cầu: “Nếu (tổ chức cá nhân) xin khai thác (đá) thì vẫn được (cấp phép) nhưng phải theo quy hoạch, trước mắt là xa đường giao thông, các điểm khai thác phải cách đường giao thông 2 km để tránh làm ảnh hưởng đến mỹ quan của công viên – khi khách du lịch nhìn vào”. Đây là một quan điểm rất mập mờ và thiếu khoa học, bởi xa đường 2km, thì không có nghĩa là một trái núi trắng hếu, như cái “rằm” nhức buốt trong mắt người chiêm ngưỡng công viên địa chất sẽ bị… che khuất. Vả lại, 2km xa đường tỉnh lộ, nhưng ở vị trí đó, núi đá là một kỳ quan kiểu như Núi Cô Tiên nức tiếng cả thế giới thì cũng được phá sao? Quan điểm của các nhà khoa học là phải cấm triệt để, hoặc phải có ban bệ xét duyệt cấp phép khai thác đá thật nghiêm khắc, ai ký thì người đó chịu trách nhiệm cụ thể, thì may ra mới bảo vệ được di sản địa chất triệu năm tuổi, hễ ứng xử thiếu hiểu biết là nó… biến mất kia!

Vi phạm nối tiếp vi phạm
Tạm gác điều bất cập kể trên qua một bên. Ngay cả khi chúng ta thống nhất cho khai thác đá ở xa xa đường du khách ngắm kỳ quan cao nuyên đá (2km), thì tỉnh Hà Giang vẫn mắc quá nhiều sai lầm trong quản lý di sản này, điều này được chứng chính bằng cuộc khảo sát của chúng tôi vào cuối tháng 9 năm 2010 (1 tháng trước khi UNESCO chính thức vinh danh cao nguyên đá là Công viên địa chất toàn cầu). Ngay sát đường Hạnh Phúc (con đường lớn nhất, duy nhất xuyên suốt cao nguyên Đồng Văn), chúng tôi vẫn gặp cảnh phá đá rầm rầm. Thậm chí, ngay gần UBND xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc), nơi được báo cáo là đã họp dân và thống nhất quan điểm bảo vệ di sản địa chất toàn cầu rồi, người ta vẫn tưng bừng đẽo đá. Trận địa đá bị phá tan hoang, trắng lốp. Nơi đây đã được các nhà địa chất mạo cực kỳ chú ý, với các rừng đá, hoang mạc đá, đàn thú đá hình thù kỳ dị. Đá được phá bằng máy, vận chuyển bằng ô tô, đá bị nghiền đóng thành gạch xếp chất ngất ven đường, ngay trong khuôn viên của trường tiểu học xã, không thể nói là không ai nhìn thấy. Ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú, điểm tột Bắc Việt Nam, chúng tôi chứng kiến cảnh ngang nhiên phá đá, nghiền đá, vận chuyển bằng ô tô nhả khói đen kịt. Ngay gần thị trấn Đồng Văn, cách tỉnh lộ 4D khoảng 100m, chúng tôi gặp các khai trường phá đá mênh mông, máy nghiền đá mắc điện 3 pha, bà con bảo, tao phá đá thế này nhiều năm rồi, bỏ nghề thì lấy gì mà sống. Đoàn khảo sát của chúng tôi choáng váng khi thấy các rừng thú đá, hoang mạc đá, rừng hoa đá xám đen mà tất cả đều được… viền trắng hoặc có phần chóp mũi mỗi hình thù đều màu trắng như đeo khăn tang. Lại gần, thì ôi thôi, các “kỳ hoa dị thảo”, “muôn loài hội tụ” bằng đá năm ngoái mình vừa chụp ảnh, năm nay đã bị đẽo sạch. Có lẽ, nhiều bức ảnh lưu trong hồ sơ đề nghị công nhận “công viên địa chất toàn cầu” cho cao nguyên đá, bây giờ mà so lại thì cảnh vật bị biến dạng khá nhiều. Bà con rất hồn nhiên, đá khối hàng triệu tấn từ thuở tạo sơn thì khó đẽo, đá ở xa đường thì khó khênh về, thế là họ cứ tìm các chỏm chóp nhô lên, xinh xẻo, vừa một vác vai, lại thò ra rất tiện tay… để ghè đẽo. Thế là họ “chặt”. “Bãi hải cẩu đá”, và “rừng hoa đá” là món mà người đẽo đá thích nhất, vừa tay nhất, mỗi cái mõm, cái chân hải cẩu, mỗi cánh hoa đá là đủ để hai người khênh ra, khênh về làm vật liệu. Thế là tất cả đều bị loang lổ, vỡ đổ, sứt mẻ, đá xám ngoét khắp vùng biên cương, bây giờ đều… trắng lốp. Cái màu trắng của đá núi tật nguyền đó, chúng tôi đã trắc nghiệm, 10 năm sau đi qua, nó vẫn trơ khấc xấu xí thế. Đường đi Khau Vai, Lũng Pù, Cán Chu Phìn, sang Đồng Văn, về Sà Phìn, ngược Lũng Cú, chỗ nào cũng tan hoang.

Có một bài học buồn bã thế này: không ai lên công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn mà không mê mải với “Cổng trời Quản Bạ”. “Đứng trên cổng trời Quản Bạ/ Tưởng mình cưỡi gió ngắm trần gian”, từ Quản Bạ, phóng tầm mắt sẽ gặp Núi Cô Tiên – Cặp Vú Cô Tiên. Tức là hai trái núi tròn, nhẵn, mơn mởn, đều nhau, so le, “mọc” ở vị trí rất hữu tình, không ai nhìn mà không liên tưởng tới “cặp tuyết lê” của tiên nữ, nhân thế ngàn đời qua bà con, du khách, các nhà khoa học mới đặt thành tên. Cổng trời Quản Bạ/ Núi Cô Tiên là hai điểm nhấn “chiến lược” của du lịch công viên địa chất Đồng Văn. Tuy nhiên, mới đây, người ta đã làm đường, đã khoét, bạt, bới, đào ở một mỏm núi bên cạnh “cặp tuyết lê”. Núi trắng hếu, nham nhở, khiến ai đứng trên cổng trời Quản Bạ ngắm Vú Cô Tiên, cũng nhăn mặt chửi cái anh làm…. đường, nhiều năm qua, cái sai lầm kia vẫn không tài nào sửa được. Nếu không khéo quản lý, những bài học kiểu này sẽ còn nhiều nhiều nữa.

Đổi trăm triệu năm lấy một nhát… búa tạ
TSKHVũ Cao Minh: từng lên tiếng kêu cứu và cảnh báo về tình trạng xâm hại di sản địa chất ở cao nguyên Đồng Văn, như sau: “Do chưa có kế hoạch và qui định bảo vệ xứng tầm, do sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều giá trị di sản địa chất ở cao nguyên đá đang bị xâm hại. Các giá trị mà tự nhiên đã phải mất hàng chục triệu năm thậm chí hàng trăm triệu năm mới để lại dấu ấn cho cao nguyên Đồng Văn đang có nguy cơ mất đi vĩnh viễn. Bảo vệ và bảo tồn các giá trị quý báu kể trên là nhiệm vụ khẩn thiết hiện nay. Trên dọc tuyến đường ôtô từ Quản Bạ đi Yên Minh, Phó Bảng, Xà Phìn, Đồng Văn, Mèo Vạc, Khau Vai; và: Mèo Vạc, Lũng Phìn, Yên Minh… đâu đâu cũng thấy các chỏm đá vôi có hình dáng kỳ dị bị người dân đập phá lấy làm vật liệu xây dựng, làm hàng rào. Việc phá vỡ những cảnh quan này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự hấp dẫn khách tham quan và tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang”.

Thực tế, khi chính thức công nhận Công viên địa chất cao nguyên đá Hà Giang là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, ngày 3/10/2010 vừa qua, Hội đồng tư vấn mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu cũng đã đồng thời “khuyến nghị Việt Nam sớm có kế hoạch phát triển tổng thể với mục tiêu tăng cường sự tham gia của người dân trong công tác bảo tồn các giá trị di sản địa chất, văn hóa, gắn với phát triển bền vững của địa phương”. Tất nhiên, so với di sản thiên nhiên thế giới, các quy định quản lý công viên địa chất toàn cầu chút ít “nới lỏng” hơn, họ cho phép khai thác có điều tiết, đồng thời quản lý sử dụng bền vững các sản phẩm địa phương phục vụ dân sinh và du lịch, nghiên cứu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta để cho người ta tự do chặt đẽo đá, phá nghiền đá bừa bãi ở mức độ “ăn thịt” di sản như những gì đã phản ánh ở trên. Không phải chờ đến ngày các trái núi biến mất do phá đá bằng máy móc và thuốc nổ, chưa cần đến khi các thủy điện ồ ạt dâng nước vĩnh viễn nhấn chìm các vách núi, hang động, bản làng rộng lớn và kiều diễm của miền biên viễn đá xám kia – mà chỉ cần vài nhát búa tạ, vài nông phu cầm búa ghè đẽo các bông hoa đá, các vườn thú và hoang mạc đá, sự “vấy bẩy” này đủ như những hạt sạn làm biến mất, biến dạng nhiều giá trị muôn một của trăm triệu năm kiến tạo vỏ trái đất, món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho cao nguyên đá.

Một cuộc ra tay hiệu quả, một cuộc thanh kiểm tra các dự án, công trình làm biến dạng, thay đổi cảnh quan, địa mạo cao nguyên đá (cả trong “công viên” và phụ cần liên quan); một sự rà soát lại các tác động môi trường do 3 dự án thủy điện gây ra… – là đòi hỏi cấp thiết lúc này. Với các vi phạm chắc chắn đang tồn tại ở một số dự án, địa bàn kia, đề nghị cơ quan chức năng cần quy trách nhiệm cụ thể, có lộ trình giải quyết dứt điểm, mới mong tránh được tình trạng “nước đổ lá khoai”, “cha chung không ai khóc” như đã từng diễn ra.

Đỗ Lãng Quân
Có kèm chùm ảnh về tình trạng phá đá, thay đổi cảnh quan địa mạo ở cao nguyên đá.
* Trước đó, tác giả đã gửi chùm ảnh gần 20 chiếc về các vẻ đẹp, các kỳ quan được các nhà khoa học nhấn mạnh “ca tụng” ở Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.
—————
Góc tăm tối ở thiên đường du lịch Sa Pa
Cao nguyên đá và giấc mơ đèn lồng đỏ
.
.
.

No comments: