Sunday, October 10, 2010

"BOEING MẶT ĐẤT" ĐẮP CHIẾU

Tuanddk
Đăng ngày: 12:08 10-10-2010

Trong khi vụ con tàu ngàn tỷ Hoa Sen được đề nghị xẻ thịt để đem bán sắt vụn còn chưa ngã ngũ thì lại xảy chuyện một đoàn tàu lửa khác đang mắc cạn ở Gia Lâm. Đó là tàu HaLong Express với vốn đầu tư "khiêm tốn", chỉ ngót nghét 20 tỷ đồng.

Còn nhớ hồi khai trương tháng 4-2009, tàu HaLong Express  đã được giới thiệu là "Boeing mặt đất" với toàn bộ các toa xe được nhập nguyên chiếc từ Seul- Hàn Quốc, với màn hình LCD âm thanh nổi, máy điều hòa không khí siêu êm, khu vệ sinh lịch sự, quầy Bar mini sang trọng. "Boeing mặt đất"  còn được quảng bá thân thiện với môi trường, du lịch tốc độ cao, tiêu chuẩn quốc tế, xịn nhất Việt Nam, và "siêu an toàn".
Nhưng chỉ được 2 tháng với 35 lượt đi về, HaLong Express buộc phải ngừng chạy. Nguyên nhân: không có khách. Giá vé đi "Boeing mặt đất"  cho người Việt chỉ 5 USD, quá rẻ. SGTT dẫn lời ông Nguyễn Hiền Thái, người từng tham gia dự án này với tư cách Phó giám đốc công ty Dongrim nhớ lại: Đoàn tàu chạy được vài chuyến đầu là đông khách, nhưng chủ yếu vào dịp lễ 30-4 và 1-5. Sau đó, số khách thưa dần và có những chuyến con tàu có sức chứa 300 khách này chỉ chở được ba, bốn khách. Thực tế đó buộc con tàu phải ngừng hoạt động vì thua lỗ. 3-4 người khách, tổng cộng khoản "thu" là 15-20 USD, tương đương 300-400 ngàn vnd. Số tiền đó chắc chỉ đủ mua xăng chạy xe ôm. Thế nên, cũng y như tàu Hoa Sen, "Boeing mặt đất"  cứ nổ máy cái là đốt tiền vèo vèo.

Đến giờ, con tàu đang nằm tại ga Gia Lâm với phí "gửi tàu" mỗi tháng 12 triệu vnd với tình trạng "những hàng ghế sang trọng bốc mùi ẩm mốc, Quầy Bar là nơi trú ngụ cho chuột. Dây leo chằng chịt, cỏ mọc um tùm". HaLong Express , hay "Boeing mặt đất"  thực sự đã trở thành con tàu chết.

Báo SGTT dẫn lời các chuyên gia giao thông nhận định nguyên nhân khiến "Boeing mặt đất" mắc kẹt trên mặt đất, rằng: dự báo nhu cầu hành khách của tư vấn đã quá “ảo tưởng”. Một vị nguyên là Phó TGĐ TCTy Đường sắt Việt Nam phân tích: Mục tiêu đoàn tàu này là để đón đầu khách du lịch từ Hà Nội xuống Hạ Long. Đáng ra phải xuất phát từ Hà Nội, thế nhưng điểm đầu của nó lại tận bên Gia Lâm, thử hỏi lấy khách đâu ra? “Chắc họ tính chờ đến khi có đường sắt đô thị Ngọc Hồi – Yên Viên để kết nối, trung chuyển khách! Tiếc là tuyến đường sắt đô thị này chưa biết khi nào xây mà đoàn tàu thì đã đắp chiếu lâu rồi”. Đơn vị chỉ có chuyên môn là đóng tàu như Công ty xe lửa Gia Lâm, dạo được thuê hoán cải tàu cho dự án, còn ngạc nhiên hỏi rằng “khách đâu ra mà các ông đóng đoàn tàu chở cả 300 khách mỗi ngày”. Ai cũng biết về lưu lượng hành khách tuyến này chỉ đông trong những dịp lễ lạt hội hè, chỉ có mỗi tư vấn dự án là không biết.

Nhưng những "dự báo ảo" trong riêng dự án này đáng tiếc lại không phải là cá biệt. Yếu tố ảo cũng là điều rất dễ nhận ra, đằng sau sự đắp chiếu của con tàu. Nhưng còn hàng loạt các dự án giao thông khác, đã và đang được đầu tư, luôn đi kèm với số vốn khủng, yếu tố đặc trưng của các dự án hạ tầng. Còn nhớ, khi  liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (VJC) tính toán nhu cầu hành khách trên hành lang vận tải Bắc - Nam sẽ là 534.000 hành khách/ngày, tương đương 195 triệu hành khác/năm, trong khi năng lực vận chuyển hiện chỉ đạt 138 triệu lượt, GS Nguyễn Xuân Trục (Hội Khoa học cầu đường Việt Nam) bàn rằng: "Tôi chuyên làm quy hoạch GTVT nên hiểu được các phương pháp, mô hình dự báo. Báo cáo dựa vào số liệu của báo cáo VITRANSS 2, nhưng vấn đề cơ bản là số liệu đầu vào của VITRANSS2  có nhiều cái giả thiết, chủ quan, chỉ dựa vào kinh nghiệm quốc tế mà không kết hợp với kinh nghiệm của ta thì chưa hẳn chính xác". GS Trục lấy ngay ví dụ chuyện dự báo và thực tế ở một tuyến đường "Đi từ Hà Nội vào Hà Tĩnh không gặp một chiếc xe đi ngược chiều, không gặp cả đến một người dân" mà ai cũng biết: "Tôi có thẩm định một số dự án GTVT. Có những dự án như đường Hồ Chí Minh, hệ số lưu lượng xe dự báo so với thực tế sai số hàng chục lần".

" Hãy lấy đó làm bài học"- GS Trục nói sau khi nghe công bố những số liệu mà ông coi là "không tin cậy" về nhu cầu hành khách của dự án ĐSCT. TS Nguyễn Quang A nhận xét: Khi nghe báo cáo đầu tư thì "cái gì cũng hay cả" nhưng phải chăng tư vấn quá ưu ái ĐSCT khi nói sẽ giảm 20% tai nạn giao thông. Ông A còn lo: "Không chỉ vấn đề an ninh khủng bố hay xâm lược mà chỉ cần tác động từ bão, lũ thì lập tức 25% nhu cầu đi lại của quốc gia bị dừng lại, khi đó thật nguy hiểm".

Trở lại với vụ "chìm tàu Hoa Sen- Vinashin". Một trong những nguyên nhân khiến nó đắm là tình trạng lỗ điển hình. Con tàu đồng nát có năng lực chứa được quảng cáo y như nó là tàu Titanic, rằng: 1000 hàng khách, 500 chiếc xe tải. Thế là con tàu sắt vụn được đưa về Việt Nam. Và sau đó, không mấy người đi trên con tàu, cũng được quảng cáo là "khách sạn 5 sao trên biển" đó cả vì sự bất hợp lý của hải trình, vì giá quá cao, vì ... Khốn khổ cho Vinashin trước những dự báo ảo, dù đây có khi chỉ là lý do để người ta bất chấp tình trạng kỹ thuật, chẳng hạn như việc tàu Hoa Sen đã hai lần vỡ đáy, hoặc giá cả- khi mua đống sắt vụn giá trị không hơn 100 tỷ vnd với giá 1.500 tỷ.

Trong cuốn Lời thú tội của một sát thủ kinh tế, Nhà kinh tế học người Mỹ John Perkins, cũng đồng thời tự nhận mình là một Sát thủ kinh tế, đã nói về "những nghiên cứu kinh tế theo kiểu bánh vẽ" khi ông đảm nhiệm vai trò dự báo về "mức độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ" sẽ xảy ra thuyết phục các quốc gia nghèo chấp nhận những dự án đầu tư khổng lồ. Những con số thống kê, lý thuyết xác suất, các mô hình toán học để tạo ra những cái bánh vẽ nhu cầu đầy ảo tưởng đó lại "chỉ dựa trên sự táo bạo hão huyền, xuất phát từ lòng vị kỷ khủng khiếp", đến mức chính John Perkins có lần thốt lên rằng ông kinh ngạc về sự trơ trẽn của chính mình. Nhưng tại sao những điều phi lý trong các dự báo ảo, trong những nghiên cứu bánh vẽ đó lại vẫn dễ dàng được chấp nhận? Bởi vì lợi ích thực sự nằm sau những dự án xây dựng các khu công nghiệp, nhà máy điện, sân bay, và có lẽ là cả tàu cao tốc nữa, thuộc về các quốc gia cho vay, và số ít, rất ít trong số những người được vay. Trong khi trách nhiệm trả nợ lại thuộc hoàn toàn về dân chúng.

.
.
.

No comments: