Monday, October 18, 2010

BIỆT LY - Trọng Đạt (Viết Về Nước Mỹ - Việt Báo)

TRỌNG ĐẠT 
Việt Báo Thứ Tư, 10/13/2010, 12:00:00 AM

Tác giả tên thật là Đạt Nguyễn, cựu sĩ quan, cựu tù cải tạo, hiện là cư dân Arlington, Texas. Ông là một nhà văn có nhiều tác phẩm đã đã xuất bản, gồm tiểu thuyết và biên khảo văn học.  Trong số này,  "Saigon  Thất Thủ" là cuốn sách nổi bật. “Biệt Ly” là một truyện ngắn với khung cảnh miền Nam thời vượt biển và đất Mỹ, trích trong tập đoản thiên Nước Mắt của tác giả Trọng Đạt, do Người Việt Dallas xuất bản, 160 trang, giá 10 Mỹ kim, mới phát hành tại hải ngọai. Xin hỏi tại các nhà sách.

***
Trên xe ô tô buýt bước xuống, Tuấn vôi rảo bước cho chóng đến nhà, bị giam hơn một năm trong trại tù vượt biên  tại Sóc Trăng, lòng hân hoan phấn khởi được trở về mái nhà xưa với vợ con sau bao ngày xa cách. Cuộc đời chàng tự dưng bị lôi cuốn vào  những cuộc phiêu lưu vô định kể  từ sau  tháng tư 1975, Tuấn đã làm đủ mọi nghề từ đi buôn chuyến theo xe đò đi tỉnh này sang tỉnh khá, làm thợ mộc thợ nề,  bán thuốc tây ngoài vỉa hè, hùn hạp mở quán cà phê...Chàng chỉ thấy toàn là thất bại, chỉ đi mua thất bại.
Tuấn đã bàn với vợ ráng thu góp chút đỉnh, bán tư trang để đánh thêm một chuyến cầu may, chàng cũng đã thử lửa năm bẩy chuyến rồi, bị bắt giam ba lần, có khi vài tháng, khi thì một năm, bị lừa hai lần.. toàn là thất bại. Anh vừa đi vừa tự nhủ.
-Đi làm thì không ai mướn, đi buôn thì lỗ vốn, vượt biên thì bị bắt.. chỉ có nước chết thôi, nhất quyết lần này không đi nữa.
Tuấn bước vào nhà trước tiếng reo vui mừng của vợ con, chàng muốn đem lại sự bất ngờ cho gia đình nên không nhắn tin trước. Vào dịp gần Tết, họ thả về những người đã ở lâu, chỉ còn giam một số ít những người mới nhập trại. hàng xóm láng giềng được tin anh  về cũng ghé hỏi thăm chúc mừng hai vợ chồng.
Sau khi mọi người ra về, Liên vợ chàng báo cho biết một tin mừng, ông bà nhạc bên Mỹ đã gửi giấy bảo lãnh về, diện bố con hy vọng đi được.
-Em đã nói rồi mình không chịu nghe, khó lắm, cứ đi mãi hết tiền thì chết mất, em chờ anh về rồi tuần tới sẽ làm đơn xin đi.
Tuấn buồn rầu thở dài.
-Cái số mình xui, cứ bị thua mãi, hình như chuyến này nó cũng xạo xạo thế nào ấy, vừa đổ quân là bị bắt ngay.
Chàng nhất quyết phen này thôi không tham gia nữa, chán quá rồi, nay gia đình vẫn sống nhờ tiền ngoại viện của mấy ông anh bà chị vợ bên Mỹ gửi về. Cũng  may nhà Liên  còn đi được bốn, năm người, gia đình chàng bốn  anh chị em nhưng chỉ có một đứa em mới đi được vẫn còn ở đảo. Chàng ta cũng hơi mặc cảm, xưa làm thầy giáo, lương không đủ nuôi vợ con nay cũng vẫn phải nhờ vợ. Phần nhờ ngoại viện gia đình  vợ, phần Liên  cũng  tháo vát xoay sở buôn bán ngoài chợ trời nên hai vợ chồng hai đứa con cũng sống qua ngày.
Tuấn chán đời, đạp xe lang thang ngoài phố ghé thăm mấy người bạn đồng nghiệp, nay chỉ còn vài người, anh thì còn tập trung cải tạo, kẻ thì đi thoát. Chỉ còn hơn một tuần nữa là Tết Nguyên đán, người Sài gòn gọi mỉa là tết quốc doanh khi những người làm công nhân viên được nhà nước bán cho mấy cân gạo nếp, thịt, mứt, kẹo... Cuộc sống ngày một thoi thóp, cũng thấy bầy bán  hoa cúc, kẹo, mứt ngoài chợ, bên hè phố,  người ta đi sắm tết theo tục lệ cổ xưa trong cái vui gượng gạo. Tuấn đang cầm xem hộp kẹo mứt bỗng Danh từ sau đi tới đập mạnh vào vai chàng hỏi.
-Lúc này làm  gì? lâu quá không gặp, tôi mới được về cách đây mấy tháng.
Tuấn mừng hớn hở .
-Tôi cũng mới bị bắt về được vài ngày, lâu quá không gặp anh, sao nghe nói gia đình dọn về quê lâu rồi mà.
-Lại mới dọn về Sài Gòn, ở dưới ấy gay lắm, địa phương nó hắc ám quá phải tìm cách lên đây, tôi chẳng có hộ khẩu gì cả, cứ ở đại đi.
Đôi bạn học với nhau từ hồi còn trung học, cách đây gần hai năm cùng bị giam trong một trại tù vượt biên mấy tháng nay lại gặp nhau. Danh có bị đi cải tạo hai năm, xưa là thiếu úy sau bị bệnh nặng được về sớm. Từ ngày ra trại đến nay chàng ta đầu tắt mặt tối lo chạy gạo cho năm sáu cái miệng ăn trong gia đình, bà xã xưa làm giáo viên nay cũng tần tảo chạy vạy ngược xuôi. Vợ chồng con cái dầm mưa giãi nắng quanh năm suốt tháng cũng chỉ đủ bỏ vào mồm.
Tuấn theo Danh đi vào một ngõ hẻm gần ngã ba Ông Tạ, đi quanh co một lúc lâu mới tới một căn nhà tôn cũ kỹ, chật chội. Hiền, vợ Danh  mừng rỡ gặp lại chàng.
-Trời ơi thế mà chúng tôi tưởng anh đi tới nơi rồi, lâu quá không gặp anh té ra anh vẫn còn ở Sài Gòn .
- Chúng tôi cũng tưởng anh chị thoát rồi, lâu  không nghe tin, nhà tôi vẫn nhắc tới anh chị, có hỏi anh  Hoài, anh Đức  mà họ cũng không biết gì hơn, tôi đi năm sáu lần rồi chị ạ.
Hiền thở dài.
-Anh còn tiền đi năm sáu lần chứ chúng tôi làm gì có tiền, có một lần ông anh con bác Cả cho di theo nhưng bị bắt giam bốn tháng, kỳ đó có gặp anh trong trại đó, may mà nó không biết mình là cải tạo.
Nhà chẳng có bàn ghế gì ráo trọi, Danh mời bạn ngồi trên mép giường hàn huyên, anh pha trà mời bạn rồi kể lại những ngày gian khổ làm ruộng ở Bến Tre, cuộc sống đã khó khăn vất vả, lại bị cán bộ địa phương sách nhiễu, con cái học dở dang phải bỏ đi làm phụ bố mẹ. Cùng đường phải bò lên Sài Gòn dù sao cũng dễ thở hơn, Danh làm đủ nghề, làm thuê cho Công ty xây lấp, chiều  về đi bỏ mối bánh kẹo cho các cửa tiệm. Hiền xưa kia gia đình khá giả nhưng nay cũng không quản nắng mưa, sáng bán xôi chè, chiều nấu bánh chưng, bánh giò bán cho học sinh tại cổng trường học, chị bảo.
-Bây giờ anh có đi bán vé số, bánh kẹo cũng không ai cười anh đâu.
Nhìn sơ căn phòng chật hẹp, đồ đạc trống trơn Tuấn cũng thừa hiểu cuộc sống của họ gian truân như thế nào, chàng cũng phục họ không quản ngại khó khăn phấn đấu để ngoi ngóp lên khỏi vũng bùn. Anh  cũng mừng thầm mình tuy gian khổ nhưng cũng còn đỡ hơn họ, còn có chút ngoại viện của gia đình vợ gửi về.
Hai vợ chồng mời chàng ăn cơm, bữa ăn đạm bạc nhưng nhưng thắm thiết tình bằng hữu, đôi bạn chí cốt lâu lắm mới có dịp gặp nhau.
Đầu năm mới Tuấn đi chúc tết họ hàng rồi sang thăm vợ chồng Danh, thấy gia đình bạn đón xuân thật đơn sơ chàng không khỏi bùi ngùi xúc động. Đôi bạn ngồi cắn hạt dưa,  nhắm chút rượu trắng với dăm miếng thịt quay, bàn chuyện thời sự, chuyện sinh sống suốt buổi chiều cho thoả những ngày xa cách.
Sau Tết  bốn năm ngày, công an khu vực gởi giấy mời Tuấn  lại phường làm việc, họ hỏi chàng bỏ địa phương  đi đâu cả năm nay, anh bèn đưa ra đủ thứ nguyên do, nào ra miền Trung  theo ông bác làm nhà, đi lao động dưới Ba Xuyên...  kiếm tiền nuôi vợ con . Làm việc xong họ nói tuần sau lại làm bản kiểm điểm, vợ chàng hiểu ý phải nhờ người lo lót chút đỉnh họ mới để yên, cuộc sống ngày càng khó khăn gian khổ, người ta giành dật nhau vì miếng ăn lại thêm phường khóm sách nhiễu nên ai nấy tìm mọi cách thoát ly.
Đã lên quận nạp đơn đi bảo lãnh được mấy tháng qua, Liên bàn với chồng bán chiếc xe Honda để chạy xuất cảnh, chị nói nếu không chạy thì không đi được. Người ta chạy nhiều lắm, Tầu Chợ Lớn chịu chi tiền cho công an nên các chuyến đi ngoại quốc bây giờ người Tầu nhiều lắm.
Tuấn nghe lời vợ, chàng cũng chẳng có ý kiến gì hơn nay mọi chuyện đều do Liên quán xuyến, chị cũng lanh lợi tháo vát. Anh tiếc rẻ chiếc xe máy móc còn tốt nhưng cũng không dám bàn ra, nghĩ đến tương lai hai đứa con gia đình chỉ còn trông vào ngày mai, ngày mốt.
Thấm thoắt chính quyền Cộng Sản thiết lập tại miền Nam đã được năm sáu năm qua, họ ngày càng xiết chặt thêm, kiểm soát người dân ngày càng khắt khe hơn trước. Mặc dù đã có chương trình ra đi trong trật tự, mặc dù bị bắt, bị cướp, bị giết,  chết chìm chết bắn.. số người vượt biên bằng đường bộ đường biển vẫn gia tăng đều đều. Gia đình Tuấn dù sao cũng còn chút hy vọng vào lối thoát cuối cùng chẳng lẽ cứ trông vào ngoại viện mãi, vợ chồng thấp tha thấp thỏm sợ chính quyền đổi ý cấm không cho gửi đồ, gửi tiền từ ngoại quốc.  
Tuấn chẳng dám đi đâu xa, chỉ loanh quanh trong quận, thỉnh thoảng mới ra khỏi thành phố,  nhờ người vợ tháo vát chàng cũng đỡ khổ, ngoài việc dậy kèm thêm cho hai đứa con lên tám, lên mười, anh học thêm chút tiếng Anh chờ ngày được cấp xuất cảnh. Mỗi lần lại thăm vợ chồng Danh, Tuấn ít khi nói tới bảo lãnh vì chỉ sợ vợ chồng họ buồn tủi thân cho thân phận hẩm hiu của mình . Lúc này anh chị chán nản thất vọng hơn trước, cuộc sống ngày càng khó khăn, không thấy một tia hy vọng nào, Tuấn được biết họ dự định sang năm về dưới Bặc  Liêu làm ăn, chàng thông cảm hoàn cảnh bạn mà chẳng giúp gì họ được.
Ngoảnh đi ngoảnh lại đã gần một năm qua, Tết ta lại gần tới, lâu quá Tuấn không gặp vợ chồng Danh, chàng định tuần tới lại thăm bạn nhưng bận chuyện nhà mãi tới gần Tết mới ghé.  Hôm ấy Tuấn đến gõ cửa nhà bạn, họ đang ngủ trưa, ai nấy trông mệt mỏi thiểu não, Hiền ra mở cửa bằng vẻ mặt u sầu, Tuấn chưa kịp hỏi chị ta đã uể oải nói.
    -Ông ấy đang ngủ, dọn đồ đạc để chuẩn bị mai đi sớm, chúng tôi dọn về miền biển,  ông chú bảo  về sống dưới ấy, ở đây không khá nổi.
Tuấn ngạc nhiên bảo.
-Tôi cũng đoán anh chị sẽ dọn đi nhưng sao đi nhanh thế, ăn Tết xong cái đã, làm gì mà vội thế?
-Tết nhất cũng như ngày thường chứ có khác gì, đã chuẩn bị sẵn hết rồi.
Danh thấy bạn vào vội ngồi gượng dậy, chàng ta mệt mỏi thở dài xin lỗi lu bu quá không báo tin cho anh được, ngày mai chúng tôi đi rồi, anh ta thẫn thờ, mệt mỏi, chán chường. Câu chuyện buồn rầu tẻ nhạt, Tuấn chẳng muốn nói gì thêm chỉ hỏi bâng quơ mấy câu cho có lệ, chàng nghĩ mình với họ sẽ chẳng có ngày gặp lại.
Hiền ra tiếp chuyện thay chồng đi nằm nghỉ, chị than thở cuộc đời bạc bẽo nay đành lòng về quê. Tuấn chẳng biết nói sao hơn chỉ ừ hữ cho qua chuyện, nhìn vẻ mặt bơ phờ, nếp nhăn trên trán chị ta chàng cũng thấy rõ những khó khăn chồng chất của cuộc đời đã đè nặng trên vai gia đình họ thế nào rồi. Chàng nhìn quanh thấy đồ đạc cũng chẳng có bao nhiêu, vài ba cái bị, cái túi này cũng đủ cho cuộc hành trình. Tuấn thở dài não nuột xin phép ra về, Hiền và người con lớn ra cửa cám ơn đã đến thăm, chàng dắt xe đạp đi về , mẹ con chị nhìn theo vẫy tay chào. Tuấn ứa nước mắt trước  cảnh biệt ly người đi kẻ ở, biết bao giờ mới được gặp lại nhau.
Tiếng pháo đì đùng đón xuân nổ quanh đây, người ta cũng chuẩn bị đón xuân, một cái Tết  nghèo nàn đói khổ như mọi năm, niềm thương xót bạn dào dạt nổi lên trong lòng chàng. Tuấn nghĩ ngày xưa anh chị khá giả nay lâm vào hoàn cảnh cùng túng, thật tội nghiệp nhưng biết sao giờ. Chàng tự trách mình chẳng giúp gì được họ, chỉ thương môi thương miệng chứ làm gì bây giờ, chàng lại tự bào chữa, mình phải lo gia đình nhà mình, ai cũng khó khăn cả, mỗi người một hoàn cảnh.
Tuấn về nhà kể lại cho  vợ nghe rồi than cho số phận hẩm hiu của gia đình bạn, cuộc đời họ sao mà khổ đến thế, khi ấy Liên đang lui khui chuẩn bị cúng ông Táo về trời không tỏ vẻ xúc động gì lắm.
-Khổ thì ai chẳng khổ, mình có hơn gì họ đâu, mình cũng đâu có giúp gì người ta được.
Tuấn hiểu ý vợ không nói gì thêm. Những ngày đón xuân  nghèo nàn đạm bạc, Tuấn cũng đi mua hoa  cúc vạn thọ cho qua mấy ngày  Xuân , rồi Tết cũng vừa tới, Tuấn chúc Tết, nhưng tiếng pháo nổ, tiếng trẻ nít vui đùa cũng không làm chàng khuây nỗi sầu ly biệt hôm nào.
Cuộc sống vẫn bế tắc, gia đình Tuấn chỉ trông vào tiền ngoại viện chẳng biết làm gì hơn, vợ chàng cũng xin làm thợ may tại một công ty cho có hình thức để phường khóm không để ý. Họ đã bắt đầu thấy loé lên vài tia hy vọng khi được biết gia đình ông anh họ đã được cấp xuất cảnh, độ năm sáu tháng nữa là đi được. Liên  có nhờ người lo lót nhiều tiền, gần một "cây" vàng  rồi, thỉnh thoảng vẫn phải nhắc, họ hứa thế nào cũng có xuất cảnh sớm, phải để họ thu xếp.
Thấm thoát gia đình chàng nạp đơn đã được hơn  bốn năm, nếu không chạy thì còn lâu mới tới phiên, thế rồi một ngày đẹp trời, phòng "Công tác về người nước ngoài" đường Nguyễn Du gửi thư mời vợ chồng Tuấn  lên bổ túc hồ sơ. Liên  báo  tin cho các anh chị em bên Mỹ, họ gửi thư về nói đừng làm ăn gì cả, cứ chờ xuất cảnh và phỏng vấn, họ sẽ gửi tiền về đủ cho gia đình sinh sống  cho tới ngày đi.
Một hôm em chàng ghé chơi bảo.
-Như vậy là anh chị và các cháu sắp có xuất cảnh rồi, không cho chúng nó ăn thì đến Tết mới đi được, anh chị cứ yên chí đi.
Thật vậy chẳng bao lâu Sở ngoại Vụ gửi thư mời gia đình Tuấn lên làm thủ tục xuất cảnh, rồi ra phỏng vấn phái đoàn, khám sức khoẻ... đăng ký chuyến bay.. Tuấn thấy y như trong mơ, vợ chồng con cái chàng sẽ thoát khỏi cái vũng bùn ô trọc này.
Sang Mỹ gia đình Tuấn được các anh chị em vợ ở Oklahoma giúp đỡ bước đầu, tuy phấn đấu với cuộc sống có khó khăn  nhưng chàng cũng mừng cho cả nhà thoát được cái xã hội khốn khổ bên kia nửa vòng trái đất. Hai vợ chồng anh xin được việc trong một hãng nhỏ, công việc nhẹ nhàng, đủ sống, bạn bè ở Mỹ đã liên lạc được với anh.
Thật là hết sức bất ngờ, Đức hiện ở Nưũ Ước cho Tuấn biết Danh đã vào Mỹ từ bốn năm nay, chàng ta được người anh em họ giúp đỡ cho đi trong một chuyến ở miền duyên hải. Danh vào Mỹ vừa đi làm vừa gửi tiền về cho vợ con, hai người con lớn cũng may mắn đi thoát đã vào Mỹ, vợ chàng Hiền và mấy đứa con còn lại đã đi bảo lãnh vào Mỹ rồi. Được tin gia đình bạn vàng đã quá may mắn, Tuấn khóc vì mừng và sung sướng.
Thật y như trong giấc mơ, Tuấn mừng rỡ nói cho vợ biết tin vui, chàng kết luận.
-Có nhiều nhà mình cứ tưởng người ta chết tới nơi rồi, thế mà người ta cũng ngoi ngóc lên được nghe anh Đức nói vợ chồng Danh bây giờ ở Virginia, có cửa tiệm sống được lắm.
Liên  hân hoan bảo.
-Thôi cũng mừng cho họ, hôm sắp đi em định hỏi mình về tin tức anh chị Danh mà quên khuấy đi, nghĩ cũng tội nghiệp anh chị ấy, thế nào anh em cũng có dịp gặp nhau, tha hồ mà tâm sự. 
Khó khăn bước đầu đã qua, nay gia đình Tuấn đã thuê nhà ở riêng, hai đứa con ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ, Tuấn vừa làm vừa học thêm hy vọng thu nhập khá hơn để gia đình dư giả thêm. Địa phương này cũng có nhiều người Việt, có chợ siêu thị Á Đông, có báo tiếng Việt khiến cho người ta có cảm tưởng như vẫn ở quê nhà.
Tuấn đã liên lạc được với Danh qua thư từ và điện thoại, cũng mới chỉ hỏi thăm  sơ sơ chứ chưa có dịp gặp nhau, cuộc sống bận rộn lôi cuốn khiến họ chưa nghĩ đến ngày hội ngộ và hẹn nhau khi nào thuận tiện. Nhiều năm trôi qua, Tuấn mất liên lạc  vợ chồng Danh - Hiền một thời gian, sau nhờ Đức lại tìm ra được. Danh nhiều lần mời bạn lên chơi nhưng Tuấn vẫn còn nhiều chuyện phải lo cho gia đình, nào mấy đứa con sắp lên đại học, nhà mua chưa trả hết, bị mất việc hai ba lần... mặc dù rất nhớ bạn nhưng anh cũng đành phải khất hẹn đến khi nào thời gian cho phép.
Thời gian trôi nhanh như nước chẩy qua cầu, thấm thoát gia đình Tuấn vào Mỹ đã được hơn mười năm, nhân khi bị hãng cho nghỉ việc anh quyết định lên Virginia thăm gia đình ông anh họ cũng ở gần chỗ Danh, chỉ cách nhau khoảng nửa giờ lái xe. Trong lòng bồi hồi khôn tả, hôm ấy Tuấn lên máy bay đi thăm bạn vàng. Chàng nhớ lại thuở hàn vi, những ngày cơ cực bên nhau, những ngày chia ngọt xẻ bùi với nhau bên mâm cơm đạm bạc  đầy tình nghĩa thắm thiết, nhất là ngày chia ly buồn thảm vào dịp gần Tết năm nào, càng nghĩ tới anh càng thương bạn. Tuấn bồi hồi nghĩ  tới giờ  phút tái ngộ gần kề, biết bao nhiêu chuyện vắn chuyện dài, kể sao cho siết .. nghĩ tới giờ phút ấy chàng ta không khỏi bùi ngùi rơi lệ. Tuấn nghĩ tới giờ phút ấy  để hỏi han gia đình ông bà cụ, các anh chị em Danh, Hiền  bên Việt nam, những bạn bè cũ của họ bây giờ ra sao...Anh thấy trong lòng nôn nao bồn chồn lạ.
Ông anh đón Tuấn ở phi trường đưa về nhà, chàng nghỉ ngơi hai ngày rồi hẹn đến nhà Danh vào dịp cuối tuần. Con trai ông anh lái xe chở chàng tới nhà bạn cũ vào lúc gần trưa.
Tuấn hơi ngạc nhiên nhìn vào căn biệt thự to đẹp, sang trọng, ba, bốn chiếc xe mới hiệu đắt tiền đậu phía trước, bên hông.  Chàng ngỡ là nhầm nhà, không lẽ anh chị Danh lại khá đến thế nhưng coi lại số nhà, tên đường thì đúng y như vậy.
Tuấn bấm chuông, Hiền mở cửa tươi cười bảo.
-Mời anh vào, ông ấy ở trên lầu chút nữa xuống, hôm nay chúng tôi có mời mấy người bạn tới ăn uống cho vui, nhân tiện mời anh ở lại dùng cơm đến chiều hãy về.
Tuấn bước vào nhà, dù đã ở Mỹ lâu năm nhưng chàng cũng không khỏi lúng túng khi nhìn căn phòng khách rộng rãi, nhìn bộ ghế sà lông sang trọng, cái TV đắt tiền cùng một lô dàn máy, loa  nhạc.
Một lúc sau Danh ở trên lầu bước xuống, trông anh ta mập hơn trước nhiều, người điềm đạm ra vẻ dân có máu mặt, bà vợ bưng tách nước ra mời khách. Tuấn thăm hỏi xã giao vài câu, chàng hơi ngượng nghịu mất tự nhiên, những điều định nói bỗng tan biến đi đâu hết. Hiền không già đi mấy, nước da chị trắng trông đẹp và sang hơn xưa. Tuấn uống một hai hớp trà, chàng khen nhà đẹp mỹ thuật, Hiền bảo chàng .
-Mời anh đi coi nhà một chút!
Rồi hai vợ chồng dẫn Tuấn vào bếp, hai phòng ở dưới, nhà tắm xong lại lên  xem các phòng trên lầu, phòng nào cũng đẹp, trên tường có treo tranh ảnh hoặc chân dung gia đình trông bảnh chọe lắm.  Tuấn thật tình bảo sở dĩ bây giờ mới lên chơi thăm  anh chị vì nay mới trả xong nhà và nhân dịp bị hãng "lay- off" cho nghỉ việc nên mới có dịp đi.
Bà vợï nghe thế vội trách.
 -Trời ơi, nhà dưới chỗ anh rẻ như bèo mà bây giờ mới trả hết, nhà trên này đắt bằng ba dưới ấy  mà tụi tôi trả hết lâu rồi, còn mua được hai căn nữa, một căn cho thuê, một cho cháu lớn nó mới có gia đình.
Hiền nói một thôi một hồi khiến Tuấn tịt ngòi không dám hé răng, bà vẫn chưa tha chàng.
-Anh phải làm "bi zi nịt", phải mở tiệm thì mới khá được, anh cứ đi làm bấm thẻ ba cọc ba đồng thì dư được bao nhiêu?
Danh cũng đồng tình với vợ.
-Ừ tôi khuyên bạn nên bỏ đi làm hãng, thời buổi này buôn bán được, dễ thôi, chúng tôi mới đầu mở tiệm giặt rồi từ từ tiền nó đẻ ra tiền, mở thêm cây săng, tiệm neo.. thiếu gì cách kiếm nhiều tiền, tội gì phải đi làm thuê cho tụi nó.
Tuấn khiêm tốn đáp.
-Da! vợ chồng tôi nhát lắm, thôi cứ thế này cũng được rồi, nay mai các cháu nó ra trường, hai vợ chồng rồi cũng nhẹ gánh.
Khi ấy có hai bà bạn bước vào phòng khách, vợ chồng Danh giới thiệu Tuấn với khách rồi họ ngồi vào bàn tiệc, vợ chồng con cái bầy biện đồ ăn xong mời tất cả nâng ly.
Hai bà khách trông ra vẻ dân có máu mặt, một bà chủ nhà hàng còn bà kia dân buôn bán nhà cửa địa ốc, bà địa ốc hỏi thăm xã giao.
-Thưa ông chắc ông ở tiểu bang khác lên chơi ạ.
-Vâng thưa bà tôi ở Oklahoma, chúng tôi rất thân anh chị Danh nhưng lâu lắm mới có cơ hội gặp lại nhau đấy ạ.
Tiệc bắt đầu một lúc thì chuyện trò giữa các bà nổ như ngô rang, họ nói đủ thứ chuyện nào đi du lịch bên Tây bên Tầu, chuyện về Việt Nam xây nhà xây cửa thỉnh thoảng về chơi khỏi phải thuê khách sạn. Tuấn thấy mình nhà quê đặc chỉ ngồi im thin thít không dám hé răng, nói ra sợ hố, chàng lẳng lặng ăn món này món nọ để lảng tránh cuộc đối thoại.
Hiền thấy Tuấn yên lặng bèn cất tiếng hỏi.
-Anh có về Việt Nam lần nào chưa?
-Chưa chị ạ, cũng bận quá.
-Anh có đi đâu chơi chưa, có du lịch xa chưa?
-Không ạ! Chỉ sang Dallas gần chỗ tôi một lần thăm ông anh bà con.
Hai bà khách liếc mắt nhìn chàng không nói gì nhưng có vẻ hơi ngạc nhiên, khi ấy Hiền bèn thẳng thừng bảo.
-Anh làm ra tiền anh phải hưởng thụ chứ, anh phải đi du lịch chứ tội gì? mai mốt già rồi chết có đem theo được không? Tụi tôi năm nào cũng đi du lịch, mới sang Tầu mấy tháng trước, mất có năm, sáu ngàn hai vợ chồng đi thoải mái tội gì.
Khi ấy các bà lại huyên thuyên kể chuyện, họ nói chuyện tiền rừng bạc biển, chuyện mua xe sang, xe mới, mua bất động sản để dành chờ mai kia bán lấy lời, mua nhà bên Việt Nam. Tuấn không dám hé răng nói đến một câu,  anh chỉ sợ hố .
Chàng đưa mắt nhìn vợ chồng Danh ngồi bên nhau rồi nhớ lại hồi xưa gia đình họ đói rách, rách như sơ mướp, rách như cái tã. Ông chồng làm ăn thất bại mặt méo như cái bị, bà vợ thì mặt mũi đen đủi, dầm mưa dãi nắng kiếm cơm gạo sống qua ngày, chạy ăn từng bữa, hồi ấy họ nghèo xơ nghèo xác. Tuấn nghĩ tới cái căn nhà thổ tả như ổ chuột mà vợ chồng con cái họ phải chui rúc sống hết ngày này qua ngày khác bất giác chàng phì cười.
-Anh cười cái gì thế? 
Giọng nói lanh lảnh của Hiền khiến Tuấn giật mình quay về thực tại. Chàng lúng túng đáp.
-À không.. tôi nghĩ thật chẳng ngờ  gặp lại gia đình anh chị thấy vui quá nên buồn cười.
Nói rồi anh cầm ly nước ngọt uống để che dấu sự ngượng ngùng, trước khi hội ngộ chàng  chuẩn bị cả một lô chuyện để hàn huyên với bạn, nào hỏi thăm ông bà cụ, anh em, bạn bè  Danh, Hiền  bên Việt Nam, họ có giúp mấy người bạn chí cốt bên quê nhà không  nhưng nay tự nhiên mọi dự tính của chàng đã tan biến đi đâu mất y như mây bây gió thoảng. Tuấn ngượng chín cả người, chàng nán ngồi lại tí xíu nữa rồi sẽ xin cáo từ về.
Tự nhiên anh thấy sốt ruột lạ, nghe hai bà khách, vợ chồng Danh cười nói líu lô thấy mình như lạc lõng vào một xã hội hoàn toàn xa lạ, anh đứng dậy xin phép vào phòng tắm rồi mượn điện thoại gọi cháu đến chở về.  Ngồi lại bàn tiệc, Tuấn nhìn đồng hồ thấy thời gian đi chậm quá, chàng nóng lòng muốn về ngay.
Khi ấy bỗng nhiên anh tự hỏi, người ta có làm mình phật ý đâu, có chạm tự ái mình đâu mà bực bội? Tại mình mặc cảm, mình thua kém người ta rồi tưởng họ rẻ rúng mình? Chắc là không phải rồi, người ta thật tình không có ẩn ý mà tại mình nghĩ xa xôi đó thôi, chàng lại nghĩ mình cũng chẳng muốn tâm tình gì thêm. Mình và họ bây giờ là hai thế giới hoàn toàn khác biệt, cái biên giới ngăn cách mình và họ thật là sâu rộng, làm sao có thể cảm thông hoà đồng với nhau được? Mà sự thực tại mình thua kém người ta, không phấn đấu cho bằng người ta. Tuấn đang sốt ruột thì có tiếng gõ cửa, người cháu vừa tới, chàng vội đứng dậy vui vẻ cám ơn mọi người rồi xin phép về vì còn bận nhiều chuyện tại nhà ông anh.
Vợ chồng chủ nhà tiễn bạn ra cửa, Danh nói.
-Mai, mốt tôi sẽ chở ông lên Washington D.C rồi đi thăm mấy thành phố lớn cho biết đó biết đây.
-Cám ơn anh chị, ngày mai tôi phải đi thăm người bà con gần đây, mốt phải về, hẹn dịp khác thăm anh chị sau.
Tuấn từ chối khéo rồi cùng cháu ra xe, vợ chồng Danh đứng ngoài cửa vẫy tay chào từ biệt chàng trông y như một cảnh biệt ly, nó cũng giống y như cảnh chia tay mười tám năm xưa vào dịp đón xuân trước căn nhà xập xệ trong một ngõ hẻm sâu thẳm tại Sài Gòn. Có điều khác bây giờ là cảnh biệt ly trước một căn biệt thự sang trọng, ngày xưa là cảnh phân ly trước một căn nhà tồi tàn mạt rệp, hồi ấy chàng tưởng như hai bên không bao giờ còn có ngày gặp lại thế rồi ai ngờ đâu lại có cuộc hội ngộ như ngày hôm nay.
Người cháu đóng cửa xe, mở máy rồi hỏi rất tự nhiên.
-Gặp lại bạn cũ chắc chú mừng lắm nhỉ?
-Ừ, chú mong mỏi từ lâu nay mới được gặp lại.
Tuấn nói dối cho qua chuyện, chàng nghĩ lần này mới đúng là biệt ly, chắc chắn sẽ không bao giờ còn có ngày gặp lại, xe bắt đầu lướt trên đường phố, Tuấn thấy vợ chồng Danh vẫn dơ tay vẫy. Cảnh  biệt ly mười tám năm về trước chàng thấy một nỗi thương xót dâng lên ngập lòng, lần này anh lại thấy trong lòng nổi lên một nỗi u hoài khôn nguôi, một nỗi buồn rầu tủi hận mênh mang khó tả đang dâng cao tràn ngập nội tâm chàng.
Trọng Đạt
.
.
.

No comments: