Saturday, October 16, 2010

ĐÃ BẮT ĐƯỢC LIÊN LẠC VỚI 9 NGƯ DÂN LÝ SƠN

Thứ Bảy, 16/10/2010, 13:15 (GMT+7)

TTO - Sau nhiều ngày đợi chờ thắc thỏm và tưởng chừng vô vọng thì trưa nay, lúc 12g45 ngày 16-10-2010, đất liền đã bắt được liên lạc với thuyền trưởng Mai Phụng Lưu và những ngư dân Lý Sơn trên tàu QNg-66478 TS.
Con gái của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu là Mai Thị Huệ từ TP. Hồ Chí Minh báo về cho gia đình: Hiện nay ông Mai Phụng Lưu và các ngư dân đang trú tại đảo Trụ Cẩu thuộc quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam).
Ngay lập tức, chúng tôi đã liên lạc với cô Mai Thị Huệ, cô Huệ cho hay, từ đảo Trụ Cẩu, ông Lưu đã gọi về cho cô, thông tin đã lênh đênh trên biển mấy ngày nay trong tình trạng đói khát và tàu chết máy buộc ngư dân phải dùng chăn mền trên tàu để làm buồm điều khiển tàu.
Sau đó, họ được một tàu tuần tra của Trung Quốc phát hiện và lai dắt về trú tạm tại đảo Trụ Cẩu. Cô Mai Thị Huệ, con gái của ông Lưu là vợ của ngư dân Bùi Văn Phải (cũng là một trong chín ngư dân trên tàu QNg-66478 TS). Sau khi bặt vô âm tín của cha và chồng, cô Huệ đã lặn lội vào Sài Gòn tìm kế mưu sinh.
Chúng tôi sẽ thông tin ngay những diễn biến mới nhất về 9 ngư dân Lý Sơn.
------------------

Theo ông Bùi Trường Xuân - cán bộ phụ trách thủy sản xã An Hải, ngư dân Mai Phụng Lưu bị Trung Quốc bắt lần này là lần thứ ba.
Tháng 1-2009, trong khi hành nghề lặn ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, ngư dân Mai Phụng Lưu bị Trung Quốc tịch thu chiếc tàu đánh cá mang số hiệu QNg-66514-TS, cùng toàn bộ ngư cụ trị giá khoảng 700 triệu đồng.
Trở về nhà, ông Lưu chạy vạy vay mượn mua chiếc tàu đánh cá QNg-66478-TS thì đến tháng 4-2010 lại bị Trung Quốc bắt, thu giữ toàn bộ ngư cụ, máy móc trên tàu trị giá hơn 100 triệu đồng, sau đó thả chiếc tàu cùng 11 ngư dân trở về địa phương.
Ông Lưu đành phải vay mượn thêm tiền của bà con chòm xóm mua sắm máy móc, ngư cụ và đưa tàu ra khơi. Nhưng ngày 11-9, trong khi hành nghề ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa, tàu của ông Lưu lại bị Trung Quốc bắt.
Từ ngày ông Lưu bị bắt, cuộc sống của gia đình ông gặp nhiều khó khăn.
Bà Phạm Thị Lan (43 tuổi), vợ ông Lưu, cho biết ngoài ông Lưu còn có hai con trai là Mai Chí Tâm (20 tuổi), Mai Văn Hổ (18 tuổi) và con rể Bùi Văn Hải cũng bị bắt trên tàu này.
Sau khi bị Trung Quốc bắt, ông Lưu có điện thoại về báo tin nhưng sau đó không còn liên lạc được nữa.
Cách đây hai ngày có điện thoại từ Trung Quốc báo cho ông Lưu gặp bà nhưng khi bà cầm máy thì chỉ có tiếng người nói bằng tiếng Việt giọng lơ lớ bảo nộp phạt 70.000 nhân dân tệ mới được thả về.
Theo bà Lan, cuộc sống gia đình rất khó khăn, bà phải đi làm thuê nuôi con gái út Mai Thị Thư học lớp 10.
Nhà có hơn 3 sào tỏi nhưng không có tiền mua giống, bà con chòm xóm thấy vậy mỗi người cho ít giống trồng được 2 sào, còn 1 sào cho thuê để trừ bớt nợ. Cháu Thư thấy nhà khổ quá nên đã nghỉ học theo một người quen vào TP.HCM phụ bán phở cách đây một tuần.
.
.
.
Cập nhật lúc : 5:38 PM, 16/10/2010






(VOV) - Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi, hồi 12h45’ ngày 16/10, đất liền đã bắt liên lạc được với thuyền trưởng và những ngư dân trên tàu QNg 66478 TS.
Được biết, mấy ngày qua, tàu QNg 66478 TS bị chết máy, bị trôi dạt trên biển, ngư dân trên tàu phải dùng chăn mền để làm buồm. Sau đó tàu được một tàu tuần tra của Trung Quốc phát hiện và đưa tàu cùng 9 ngư dân về trú tạm tại đảo Trụ Cẩu, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Ngay sau khi nhận được thông tin này, chiều 16/10, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn đã gặp Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội Tôn Quốc Tường yêu cầu phía Trung Quốc xác minh và sớm thông báo cho phía Việt Nam để đưa ngư dân và tàu cá về nhà an toàn trong thời gian sớm nhất./
.
.
.
truongduynhat
16 Oct, 2010, 10:38

Tôi dự nhiều cuộc thả ngư dân Trung Quốc sau khi bị Việt Nam bắt giữ vì xâm phạm lãnh hải. Tôi cũng dự không ít cuộc trao ngư dân Trung Quốc (và cả ngư dân thuộc nhiều quốc gia khác) bị nạn trên vùng biển Việt Nam. Tất cả những cuộc thả- trao đều được báo chí, truyền hình quay phim chụp ảnh, tuyên truyền ỏm tỏi, đều có quan chức sứ quán các nước tới dự. Ngư dân được chăm sóc sức khỏe, được thăm nom, ăn uống, thậm chí nhậu nhoẹt, hát hò, được quan tâm, ưu đãi hơn cả ngư dân nhà mình. Lúc về, lại được xếp hàng ôm hôn, tặng hoa, thuốc bổ, lại bê khiêng cả thùng sữa to đùng xuống tàu, cười híp cả mắt.

          Tôi chưa thấy một cuộc trao- thả nào mà chính quyền lẳng lặng đẩy ngư dân người ta ra biển. Sự ác độc, dã man từ phía thả. Nhưng Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đâu, họ ở đâu, làm gì trong lúc đó? Thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh và phó mặc trước số phận của những công dân mình đến như vậy sao?

          Chỉ duy nhất một người thợ quốc tịch Bolivia, nhưng Tổng thống Bolivia Evo Morales đã tức tốc bay sang Chile để chờ đón. Ngay sau khi kết thúc chiến dịch giải cứu 33 thợ mỏ, Tổng thống Chile Sebastian Pinera không hề nói “nhờ đảng ơn chính phủ”, ngược lại, ông cảm ơn những người thợ mỏ anh hùng đã dạy cho những người trên mặt đất, cho chính phủ và cho chính bản thân ngài Tổng thống về tinh thần đoàn kết và nghị lực phi thường của con người.

          Nhìn hai vị Tổng thống BoliviaChile nhào đến ôm chầm từng công dân của mình ngay từ giây phút đầu tiên họ vừa được kéo chui lên khỏi mặt đất mà giật mình… xấu hổ! 9 ngư dân Việt vẫn biệt tăm sau một tuần được phía Trung Quốc loan tin là “đã thả xong”. Bây giờ họ sống hay chết, trôi dạt nơi đâu giữa biển trời mênh mông, tít mù và giông bão?

          Tôi tin nếu 9 ngư dân kia là công dân của nước Mỹ, cựu Tổng thống Bill Clinton sẽ tức tốc bay sang Bắc Kinh như năm rồi ông bay sang Bắc Hàn giải cứu 2 công nhân Mỹ bị bắt giữ. Tôi tin nếu 9 ngư dân kia là công dân của nước Nga, ông Pu-tin sẽ tức tốc lái ca-nô lao ra biển.

          VietNamnet sáng nay có bài gọi sự khác biệt đó là phong cách lãnh đạo. Tôi thấy câu chuyện không chỉ giản đơn là ở cái phong cách, mà cao hơn đó là: ý thức lãnh tụ.
          Rất nhiều lần rồi, tôi đã chạy câu này: Ta luôn kêu gào quá nhiều ở ý thức công dân, nhưng đã khi nào giật mình hỏi ngược ở ý thức lãnh tụ ? Trong những thời khắc đó anh ở đâu, làm gì, hành xử ra sao, thậm chí phải “diễn” thế nào?
          Bài học vỡ lòng về cách ứng xử và ý thức lãnh tụ còn quá nhiều vị chưa thuộc.
.
.
.
.

No comments: