Saturday, October 23, 2010

BÀ LORETTA SANCHEZ hay ÔNG VĂN TRẦN THẮNG TRANH LUẬN ? (Vũ Ánh)


(10/16/2010)

Những ai trông đợi sự phân định rõ ràng ai trong số những ứng cử viên đối nghịch thắng trong một cuộc tranh luận chắc chắn sẽ thất bại. Chỉ có người ủng hộ hai bên hoặc những hãng thăm dò được thuê mướn mới dám nói bên nào thắng, bên nào thua. Người ủng hộ ông Văn thì nói ông hay, người hậu thuẫn cho bà Sanchez thì nói bà tốt. Hãng thăm dò nào thiếu uy tín mà lại được thuê nhiều tiền thì có nhiều cách để phán định thắng, thua trong một cuộc tranh luận giữa những ứng cử viên đối thủ, bởi vì chẳng có hãng thăm dò nào làm công việc thăm dò mà không nhận tiền công cả. Người đi thuê làm thăm dò bỏ tiền ra không phải để cho mấy ông thăm dò đi nghỉ mát. Cho nên, kết quả của một cuộc thăm dò phải được nhìn và luận đoán một cách thận trọng và nó có chính xác hay không lại còn tùy “tinh thần khách quan” của những người đi thuê thăm dò. Thời buổi này, đòi hỏi những ông bà làm chính trị tinh thần khách quan thì cũng giống như mò kim đáy biển.

Như vậy thì, tại sao nhiều ứng cử viên vẫn phải chấp nhận tranh luận trước công chúng? Dĩ nhiên có nhiều lý do khác để người ta thích tranh luận hơn là chỉ chờ đợi phán quyết ai thua, ai thắng. Nhưng điều rõ ràng nhất thể hiện trên mỗi cuộc tranh luận là từ các cuộc tranh luận này, người ta thấy rõ ai là người làm việc, ai là người hời hợt, ai là người chỉ tuân theo quyền lợi của đảng và ai là người vì quyền lợi của cử tri tại địa hạt mình mà dám bỏ phiếu chống lại đảng. Nước Mỹ là nước dân chủ. Ai cũng thấy như thế. Nhưng tính đảng của những nhà lập pháp còn rất nặng nề. Nhiều khi vì quyền lợi của đảng, người ta phải chấp nhận những trò bẩn và bựa của những thủ lãnh chính đảng mà ứng cử viên là đảng viên.

Điều dễ thấy nhất là trong thời gian biểu quyết luật cải tổ y tế của đảng Dân Chủ, các thủ lãnh đảng Cộng Hòa đã “kềm kẹp” dân biểu liên bang gốc Việt đầu tiên của đảng Cộng Hòa là ông Cao Quang Ánh như thế nào rồi. Và cử tri thấy rõ là khi muốn “chơi” đối thủ Dân Chủ, đảng Cộng Hòa coi những ông dân cử liên bang chẳng ra cái thá gì. Đảng Cộng Hòa cho người đi kèm ông Cao Quang Ánh giống như cảnh giải giao tù nhân. Nhưng dù chỉ là bỏ phiếu “thuận” vào lúc phe Dân Chủ chắc thắng rồi, ông Ánh cũng phải là người vượt qua được nỗi sợ hãi bị đảng “đì” thì mới dám bỏ ngược.

Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là ông Văn Trần dùng chuyện bà Loretta Sanchez phải nhìn vào teleprompter nhiều lần!!! Chắc ông nghĩ là teleprompter chỉ dùng cho những xướng ngôn viên truyền hình, đọc những gì người ta đã viết sẵn và gởi vào chiếc máy này thay cho một tấm bảng trước mắt. Ứng cử viên Loretta Sanchez đọc những gì trên teleprompter? Chắc chắn là không phải bản tin thường ngày của đài KOCE rồi mà là những con số, những tài liệu, hồ sơ biểu quyết tại nghị trường của đối thủ, của chính mình, những lời cố vấn của staff mà bà Sanchez đem theo ngồi đặc nghẹt bên ngoài gởi vào, theo lời một số phóng viên có mặt tại KOCE trong buổi tranh luận. Đây là cách làm việc chuyên nghiệp và tiêu chuẩn của một dân cử lâu năm như Sanchez. Nó giúp cho một dân cử tránh được những sai lầm và khi tấn công đối thủ có thể viện dẫn tài liệu và chứng cớ ngay.

Người Việt Nam thường hay khen nhau: “Ồ ông ấy ứng khẩu hay quá, lưu loát quá, hùng biện quá, nói luôn chẳng cần tài liệu” khi thấy một người vớ được microphone là nói liên tu bất tận. Nhưng coi chừng, rất dễ bị hố. Một người không tài nào nhớ hết được những điều mình muốn nói. Và khi không tự chế, nói ra ngoài tài liệu, bao giờ cũng có những cái “hố” chờ sẵn.

Ứng cử viên Văn Trần chỉ trích điều đó có thể đúng với Văn Trần và đúng với những người ủng hộ ông. Nhưng một cuộc tranh luận bằng tiếng Anh trên một đài truyền hình Mỹ thì chỉ có cử tri da trắng nào thật quan tâm đến bầu cử và những cử tri gốc Việt nào hiểu tiếng Anh mới nghe mà thôi. Chắc chắn tấn công vào đối thủ phải nhiều lần nhờ đến teleprompter chỉ là những “chuyện nhỏ” về cách làm việc của đối thủ, không tạo ra được bao nhiêu hình ảnh hay ảnh hưởng. Khán giả da trắng Mỹ ít chú ý đến tiểu tiết này, nhưng nếu họ được giải thích kỹ lưỡng lời chỉ trích, tôi không nghĩ rằng họ sẽ ủng hộ ông Văn về điểm ông dùng cái teleprompter để phê phán đối thủ.

Cá nhân, tôi cho rằng khi tranh luận, các đối thủ phải dùng tối đa tài liệu và vì thế tôi chỉ chú ý đến một điểm chỉ trích mà ông Văn Trần đưa ra ngay ở trong giai đoạn đầu. Ông nói:
“Ngay lúc này đây tương lai đất nước chúng ta ở trong một thời điểm nguy hiểm, vấn đề then chốt là nền kinh tế và công ăn việc làm và dĩ nhiên là thói quen tiêu xài quá trớn. Tại đây chúng ta có một dân biểu đang tại chức hiện ngồi ở Quốc Hội 14 năm nay và đại diện do Địa Hạt 47 và chỉ để nói chuyện 1 phút thôi bà ấy đã dùng đến máy chiếu chữ để chia sẻ quan điểm của mình với cử tri, trong khi đó tất cả mọi người đều đang lo lắng, đều đang gặp khó khăn với nạn thất nghiệp và chính phủ tiêu quá nhiều tiền, còn nền kinh tế thì đang khủng hoảng. Tại California, tỷ lệ thất nghiệp là 12.4%. Quốc Hội đâu? Tổng Thống Obama đâu? Sao không thấy họ trong cuộc tranh luận này...?

Vâng, Dân biểu Trần Thái Văn đưa mũi tấn công này thì bà Loretta Sanchez khó mà đỡ được và ông có thể trở thành người hùng phải không? Nhưng chúng ta cứ sắp xếp từng hình ảnh một: Khi ông Bill Clinton (Dân Chủ) hết nhiệm kỳ 2 phải xuống đã giao lại chính quyền và đất nước Mỹ với một nền kinh tế đang nở rộ, thặng dư ngân sách (rất hiếm hoi trong lịch sử Mỹ) lên đến trên sáu ngàn tỷ, tức là một nước Mỹ đang lên, cho Tổng Thống George W. Bush. Trong lúc tranh cử, Bill Clinton chỉ là thống đốc một tiểu bang nhỏ, ít tiếng tăm nhưng đã đấm ngã người hùng của cuộc chiến Vùng Vịnh lần thứ nhất George H.W. Bush (bố ông George W. Bush) bằng cách khai thác tỷ lệ thất nghiệp cao vào lúc ấy (1992). Trong hai năm đầu làm tổng thống, không ai nghĩ Bill Clinton có thể vực dậy nền kinh tế mà thị trường địa ốc tan nát và thị trường công việc thu hẹp đến mức ấy (thất nghiệp 9%). Nhưng rồi ông ta đã vực dậy được nền kinh tế và cũng phải có thời gian. Nền kinh tế Mỹ nở rộ từ 1995-1996 trở đi. Đến khi Obama đánh bại người hùng trong chiến tranh Việt Nam, John McCain, thì ông ta phải tiếp nhận một gia tài Mỹ ọp ẹp với thị trường chứng khoán, hệ thống ngân hàng, kỹ nghệ xe hơi sụp đổ thật sự nếu dân chúng không tung tiền vào cấp cứu. Nhưng giống như những người vô trách nhiệm, hầu hết những dân cử Cộng Hòa đầu một giọng như nhau đại loại: “Làm tổng thống thì phải chịu trách nhiệm hết, không được đổ thừa.” Trừ những ông da trắng mệnh danh là siêu bảo thủ, một số ông tân quốc xã, những ông bà cực đoan trong Đảng Trà, những ông Mỹ gốc thiểu số muốn “tẩy” mầu da của mình thì mới ủng hộ cách chạy làng như nhiều ông Cộng Hòa đang cố gắng giành lại quyền kiểm soát quốc hội.

Xin lỗi dân biểu Văn Trần, khi ông Bush còn đang cầm quyền, chính quyền của ông ấy làm tiêu tán số ngân sách thặng dư, rồi làm thâm thủng luôn ngân sách quốc gia, tiêu hàng mấy trăm tỷ đô la vào hai cuộc chiến tranh không thể chiến thắng... thì lúc đó ông ở đâu? Tôi biết là ông đang ở Quốc Hội tiểu bang, ông có lên tiếng hỏi “Quốc Hội (do Cộng Hòa kiểm soát) ở đâu, ông Bush ở đâu” không? Tất nhiên là không rồi, vì ông có muốn nói, đảng Cộng Hòa cũng không cho ông nói. Tôi là một nhà báo phi đảng phái, nhưng tôi vẫn nghĩ, ngay khi người ta biết chắc là lý do ông Bush với sự chấp thuận của Quốc Hội do đảng Cộng Hòa kiểm soát đưa quân vào Afghanistan rồi lại còn mở thêm mặt trận ở Iraq với những bằng chứng sai lầm (Iraq sản xuất vũ khí giết người hàng loạt) lẽ ra Quốc Hội và hai đảng Dân Chủ cũng như Cộng Hòa đã phải đưa Tổng Thống Bush ra luận tội tại Quốc Hội. Tiền chi tiêu cho chiến tranh và những món nợ xấu không đòi được suýt làm cho hệ thống ngân hàng khánh tận xảy ra thời Tổng Thống Bush và đảng Cộng Hòa kiểm soát Quốc Hội và đó là tiền thuế của tôi, của ông, của những người đi làm việc trong cộng đồng Mỹ, cộng đồng Việt, cộng đồng Mễ, cộng đồng gốc Trung Hoa, cộng đồng Nam Hàn và những cộng đồng thiểu số khác. Sao không thấy ông Văn Trần lên tiếng?

Nay Obama mới nhận lãnh một cái gia tài đổ nát của người tiền nhiệm mới chưa đầy 2 năm mà đã lãnh ngay những câu hỏi của ông như vậy? Ít ra cũng phải để cho người ta có thời giờ làm việc cũng như giúp đỡ người cầm quyền mới, và ít ra thời giờ đó cũng phải ngang bằng với thời gian ông Bush phung phí tiền thuế của dân vào cuộc chiến Afghanistan mà không bắt được Osama bin Laden và cuộc chiến Iraq không thể thắng, chết nhiều người và không mang lợi lộc gì cho người trả thuế ở Mỹ. Đằng này, đảng Cộng Hòa tìm mọi cách để ngáng chân đảng Dân Chủ. Ở chốn nhân gian không thể hiểu này và là thành trì của đảng Cộng Hòa, nhưng tôi vẫn phải nói như vậy. Đừng lấp liếm và bất công như vậy!
Dân Biểu Trần Thái Văn đã đi ngay vào vấn đề lớn nhất của nước Mỹ hiện nay với những câu hỏi đặt ra với cả Tổng Thống Obama. Nhưng có vẻ như ông không lưu tâm đến chuyện người ta sẽ hỏi ông: “Thế ông bảo là 14 năm bà Sanchez không làm được gì vậy thì ngược lại ông có làm được gì cho đất nước Mỹ và cộng đồng Việt không?” Thế là phải đi vào “hồ sơ quốc hội” cho chắc ăn phải không, còn nói thì ai mà chả thánh tướng được?

Trong cuộc tranh luận, theo cách nhìn của tôi thì ứng cử viên Loretta Sanchez dùng hồ sơ biểu quyết tại Quốc Hội tiểu bang của ông Văn Trần nhiều hơn là ông Văn dùng hồ sơ của ứng cử viên đối thủ Loretta Sanchez, và người dùng nhiều hồ sơ của đối thủ để chứng minh ngược lại những điều đối thủ nói tất sẽ có lợi thế hơn.

Nếu nghe kỹ và đọc kỹ toàn văn cuộc tranh luận, người ta có thể nói rằng xương sống cho những lời phản biện của ứng cử viên Văn Trần là đối thủ của mình ngồi ở ghế dân biểu liên bang 14 năm rồi, nhiều vấn đề vẫn chưa giải quyết. Nhưng chắc chắn ứng cử viên Trần Thái Văn thừa hiểu rằng có những vẫn đề được bàn cãi gần trăm năm nhưng mới chỉ được giải quyết giai đoạn đầu cách đây sáu bẩy mươi năm, đó là dự luật trợ cấp xã hội và y tế. Vấn đề không phải dễ dàng, chẳng hạn như vấn đề nhập cư bất hợp pháp mà ông Văn đặt ra đã được đặt ra từ thập niên 30 mà mãi đến thời gian gần đây vẫn chưa được giải quyết. Trong 8 năm cầm quyền của Tổng Thống Cộng Hòa George W. Bush, nhập cư bất hợp pháp cũng nghiêm trọng không thua gì bây giờ nhưng có được giải quyết đâu? Vấn đề còn lại là gì? Đó là mối quan tâm của từng dân cử. Họ có muốn giải quyết không, họ “yes” hay “no” đối với những giải pháp được đặt ra để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng hay bảo vệ quyền lợi quốc gia chứ không phải bảo vệ quyền lợi của đảng.
Chẳng hạn như khi một dân biểu tiểu bang bỏ phiếu cắt những phúc lợi giáo dục hay y tế là những quyết định hệ trọng trong đời sống của cộng đồng. Đảng có thể bỏ qua quyền lợi này vì nhiều lý do khác nhau. Cho nên cuối cùng việc bỏ phiếu “yes” hay “no” cắt giảm ngân sách giáo dục hay y tế là trách nhiệm sẽ theo đuổi các dân cử suốt nhiệm kỳ và các thời gian tranh cử sau này vào các chức vụ khác. Nếu dân biểu Văn bỏ phiếu thuận cắt giảm ngân sách giáo dục của tiểu bang California thì ông phải giải thích được lý do khiến ông quyết định như vậy.

Bà Sanchez tố cáo đối thủ bỏ phiếu chống bảo vệ môi trường vì giếng dầu ngoài khơi, chống việc cấm đem hóa chất độc hại đến gần trường học. Ông bỏ phiếu chống ghi dấu đạn giúp cảnh sát điều tra, ông bỏ phiếu chống việc cấm việc dùng chất chì trong kẹo, ông bỏ phiếu chống việc cấm dùng chất độc sát trùng gần trường học, ông bỏ phiếu chống việc ngưng cắt giảm các toa thuốc do bác sĩ viết, ông bỏ phiếu chống tăng giá bảo hiểm cho phụ nữ và ông bỏ phiếu chống tất cả các lần tăng lương tối thiểu. Những viên đạn này đối thủ của ứng cử viên Văn Trần lấy từ hồ sơ bỏ phiếu của ông tại Quốc Hội tiểu bang California cho nên khó đỡ, nhưng nếu là ứng cử viên bản lãnh, ông Văn Trần phải giải thích tại sao mình lại phải quyết định như vậy, phải nêu ra con số thống kê về tình hình thực tế của cộng đồng, tiểu bang để biện minh cho quyết định ấy.

Nhưng rất tiếc, ứng cử viên Văn Trần đã không lôi ra được những hồ sơ bỏ phiếu của đối thủ tại Quốc Hội liên bang để phản pháo. Ngược lại, ông chỉ than vãn: “... Trời ơi, hãy nghiêm chỉnh và nhìn vào thực tế. Đừng đọc những lời lẽ dùng để tranh cử. Hãy tự biết rằng mình đã che giấu trong suốt 14 năm. Đầy dẫy những hành động, những nhóm đặc quyền đặc lợi...”

Mặt trận tranh cử là mặt trận độc ác nhất trong chính trường Hoa Kỳ. Người Mỹ và cử tri không nghe những than vãn của ông Văn đâu. Họ muốn ông Văn phải chứng minh được là đối thủ của mình đã làm gì, đã hành động ra sao, bỏ phiếu như thế nào để hậu thuẫn cho những nhóm đặc quyền đặc lợi. Dân biểu Văn Trần nói đối thủ của mình 14 năm không giải quyết được việc gì thì lập tức phải kèm theo những chứng cớ về những lời tuyên bố, hồ sơ tại Quốc Hội để chứng minh thì người ta mới tin được. Ứng cử viên Loretta Sanchez phần nhiều đã dựa vào hồ sơ của đối thủ để đưa ra cáo buộc, nhưng ứng cử viên Văn Trần lại không đưa ra được nhiều hồ sơ cụ thể về cách bỏ phiếu tại Hạ Viện liên bang của Loretta Sanchez. Dù là cử tri gốc Việt rất muốn tại quốc hội liên bang càng có nhiều ứng cử viên gốc Việt càng tốt, nhưng tôi không thể pha nước đường cho ứng cử viên Văn Trần uống được.

Cuối cùng, cuộc tranh luận mà người ta nghĩ rằng sẽ lôi cuốn và hấp dẫn, nhưng thực tế cho thấy đây là một cuộc tranh luận trở thành một võ đài trầm trầm vì sự chênh lệch kinh nghiệm nghị trường giữa một ứng cử viên vốn là dân biểu liên bang được 14 năm, dày dạn trận mạc và một ứng cử viên vốn là dân biểu tiểu bang ít kinh nghiệm trận mạc và thiếu cá tính. Tôi không phán đoán là bên nào thắng tranh luận mà chỉ nhận xét là dù sao cuộc tranh luận này cũng giúp cho cử tri chưa quyết định có thể quyết định ngay nếu nghe kỹ hay đọc kỹ cuộc tranh luận giữa Sanchez và Văn Trần trên đài KOCE. (V.A.)

--------------------------------------

Người Việt
Friday, October 15, 2010
.
.
.

No comments: