Sunday, October 24, 2010

ĐẦU MÁY HƠI NƯỚC XE LỬA ĐÀ LẠT HỒI SINH Ở THỤY SĨ

Chủ Nhật, 24/10/2010, 05:11

TT - Mới đây, truyền hình ở Thụy Sĩ đưa tin tuyến đường sắt bánh răng leo núi nổi tiếng chạy bằng đầu máy hơi nước cổ qua đèo Furka đã được khôi phục hoàn toàn, trong đó có hai đầu máy từng bán sang VN đã được mua lại từ Đà Lạt và vận chuyển về Thụy Sĩ.

Các công nhân tình nguyện bảo dưỡng đầu máy số 1 (khi còn ở VN có số hiệu 31-201) - Ảnh: Louis Paul

Đã định tìm hiểu và đi thăm lại cái đầu máy, nên khi nghe bản tin có nhắc đến hai đầu máy hơi nước cổ ở Đà Lạt, chúng tôi chẳng thể nào chờ đợi thêm.
Năm 1993-1994, theo dự án cải tạo nâng cấp đường sắt Bắc-Nam do chính phủ Nhật tài trợ, tôi được cùng các chuyên gia Nhật Bản đi khảo sát thực tế tình hình các ga dọc tuyến đường. Lúc lên ga Đà Lạt, tất cả đều ngậm ngùi vì mấy đầu máy bánh răng chạy bằng hơi nước cổ của Thụy Sĩ đã bị bán lại cho Furka-Oberwald (FO), chính công ty mẹ đã sản xuất chúng những năm đầu thế kỷ 20.
Cho đến thời điểm đó ngoài Thụy Sĩ, VN là nước duy nhất trên thế giới sở hữu đầu máy bánh răng chạy bằng hơi nước do Hãng FO danh tiếng Thụy Sĩ sản xuất, cũng như tuyến đường sắt leo núi độc đáo với những đoạn dốc quanh co có một không hai. Nếu khôi phục được tuyến đường này thành tuyến tàu du lịch, chắc chắn Đà Lạt sẽ thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt những người hoài cổ và thích tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo.
Cuối tuần nắng đẹp, lái xe từ Geneva đến được ga Furka mất hơn ba giờ. Nghe người phụ trách ga thông báo chuyến tàu có đầu máy hơi nước mang về từ VN đã xuất phát hành trình leo núi từ trước đó nửa tiếng, cả nhóm tiu nghỉu nhưng rồi lại vào ôtô, quyết tâm vượt đèo lên ga cuối Realp thăm bằng được cái đầu máy.

Thật ra do làm ăn thất bát bởi ảnh hưởng chiến tranh thế giới, do nhu cầu điện khí hóa tuyến đường Furka những năm 1930, Công ty mẹ FO đã bán bớt bốn trong số tám đầu máy cho người Pháp để phục vụ việc khai thác tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt suốt gần 30 năm (với các số hiệu 31-201, 31-202, 31-203 và 31-204, tương đương số hiệu 1, 2, 8 và 9 nguyên bản).

Sau 11 năm gián đoạn không hoạt động do việc xây dựng và đưa vào sử dụng đường hầm Furka, mãi đến năm 1993 tuyến đường sắt bánh răng cổ Furka mới lại được khôi phục, nhờ nỗ lực không ngừng của hơn 7.000 tình nguyện viên Thụy Sĩ và các nước Đức, Bỉ, Hà Lan. Trong đó, không thể không nhắc đến việc “mua lại” thành công và đại tu hai đầu máy hơi nước cổ từ Đà Lạt.

Lên đến ga Realp trên đỉnh đèo cao đến 2.160m, say độ cao bí tỉ nhưng ai cũng tỉnh hẳn vì hình ảnh đầu tiên bắt gặp là một toa hàng vẫn còn nguyên dòng chữ “Toa xe Đà Lạt” trưng bày hoành tráng ngay sân ga, giữa mênh mông thung lũng núi Alps, Thụy Sĩ tuyệt đẹp.
Nghe nói chúng tôi đến từ VN, người nhân viên già hồ hởi kể chuyện cái đầu máy mang về từ Đà Lạt, về công việc của họ và về những chuyến tàu hơi nước xình xịch leo lên đỉnh núi. Ở khu bảo dưỡng, các tình nguyện viên bảo dưỡng đầu máy rất vui vẻ và càng nhiệt tình hơn khi biết chúng tôi là người VN.

Cái đầu máy số 1 (khi ở VN là 31-201) đã được tân trang, sơn lại màu xanh với ống khói trông cực kỳ duyên dáng. Sau mỗi ngày hoạt động, nó lại được đội ngũ công nhân tình nguyện lau chùi cẩn thận, thép của các chi tiết máy bóng loáng, nước sơn xanh biếc như mới.
Nhìn cái đầu máy hơi nước, mấy đứa thi nhau kể những kỷ niệm đi tàu về quê hồi bé. Và nhớ, nhớ những đêm khuya nằm trên căn gác nhà bà dì gần khu chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, cùng đứa em họ ngóng những chuyến tàu xình xịch và tiếng còi tàu tu tu khi vào ga xép...

Khách du lịch trên chuyến tàu do đầu máy số 9 (31-204 ở VN) kéo - Ảnh: L.P.

Hiện tuyến tàu du lịch hơi nước Furka chỉ hoạt động ba ngày cuối tuần, từ tháng 6 tới tháng 10 hằng năm. Dù chưa đạt được mục tiêu về kinh tế nhưng người Thụy Sĩ vẫn hi vọng với sự hỗ trợ của các tình nguyện viên, tuyến tàu nổi tiếng sẽ được duy trì mãi. Và những người say mê đầu máy hơi nước cổ bánh răng, những khách du lịch yêu thích cảnh đẹp thiên nhiên vẫn sẽ có cơ hội được ngồi trên những toa xe cổ, nhìn đầu máy phun hơi ở mỗi cua vòng, hóng nghe tiếng còi kéo tu tu khi qua núi.

ĐOÀN THU HIỀN (Từ Geneva, Thụy Sĩ)
.
.
.

No comments: