Monday, October 25, 2010

ASEAN – VIỆT NAM và BIỂN ĐÔNG sau Hội Nghị Thượng Đỉnh ADMM+8

Đào Như
Đăng ngày 25/10/2010 lúc 17:43:33 EDT

Khi nhìn về Việt Nam dưới bất cứ góc độ, nhãn quan nào, không ai có thể chối cãi được sự thật là trong gần 1 năm qua, sau khi lên thay thế Thái Lan nắm giữ chức Chủ Tịch Hiệp Hội Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã cố gắng chụp lấy thời cơ, vươn mình ra thế giới: Hà Nội, Sàigòn, Đà Nẵng, luân phiên tổ chức thành công những cuộc họp thượng đỉnh giữa các thành viên ASEAN cũng như ASEAN nới rộng. Cùng trong cuối tháng 10 này, Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+6 gồm có Nhật, Nam Hàn, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Úc và hội nghị Đông Á lần thứ 5 (Đông Á-5). Vào ngày 29-10 Hà nội sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về sông Mekong với Nhật. Việt Nam cũng sẽ tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh quốc tế khác tại Hà nội vào 2 tháng cuối cùng 11, 12 của năm 2010. Việt Nam đã biết cách tự nâng cao phẩm chất của mình. Vì thế ông Ban Ki-moon (Phan Cơ Văn), Tổng Thư Ký LHQ, quyết định sẽ đến thăm Việt Nam vào cuối tháng 10, trùng ngày với Hội nghị thượng đỉnh Đông Á-5 với sư hiện diện của nữ Ngoại trưởng Mỹ, Bà Hillary Clinton và các lãnh tụ quốc tế khác. Riêng Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, trong gần 4 tháng qua bà đã đi lại, giao du thân mật với Hà nội như bà đi chợ Đồng Xuân hàng tháng trong thời gian cư trú ở Việt Nam. Ngay cả các nạn nhân lũ lụt ở các tỉnh phía Bắc Trung Bộ Việt Nam, hồi đầu tháng 10 này cũng nhận được lời uỷ lạo và quà cứu trợ của bà. Tuy nhiên, mỗi khi đến chợ Đồng Xuân bà Ngoại trưởng Mỹ lại thường xuyên tìm mua món vịt quay Bắc Kinh (Roasted Beijing Ducks). Đây là món ăn không mấy hợp khẩu với người Mỹ, nhưng hình như bà Ngoại Trưởng cảm nhận được hương vị lạ của nó giống như bà có cái nhìn gần gũi hơn vào thực chất quan hệ chính trị giữa VN và TQ. Nhờ vậy, trong Hội nghị thượng đỉnh ARF-17 hồi tháng 7 vừa rồi, tiếng nói của bà Ngoại trưởng Mỹ có trọng lượng hơn, đã gây hoang mang cả đất nước TQ với hội chứng Hillary phobia.

Trong khi đó vị thế của Việt Nam thật sự được nâng cấp sau thượng đỉnh ARF-17. Tiếng nói của Việt Nam về biển Đông đã thu hút sự chú ý, quan tâm của thế giới, của khối ASEAN, của Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó là quyết định của Tổng Thống Hoa Kỳ, Barack Obama, đưa Mỹ trở lại Châu Á Thái Bình Dương. Mỹ đã chọn Việt Nam như một đối tác đáng tin cậy cho quyết định này. Vị thế của Việt Nam do đó lại nổi cộm lên trong phong cảnh địa chánh trị mới tại Châu Á Thái Bình Dương. Trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt này, Hội nghị Thượng đỉnh các Bộ trưởng Quốc phòng ĐNÁ nới rộng ADMM+8, Hà nội trở thành nơi qui tụ những lực lượng kinh tế và quốc phòng hùng mạnh nhất thế giới, là nơi tập trung những buổi họp quốc phòng song phương cũng như đa phương giữa các quốc gia: Nhật và Trung Quốc, Mỹ và Nhật, Nhật và Nga, Nga và Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, Mỹ và Trung Quốc…

Có một điều đáng chú ý: trước khi ADMM+8 khai mạc, Đại sứ Trung Quốc tại Manilla, ông Lưu Kiến Siêu, hôm 1 tháng 10-2010 đã khẳng định: « TQ và các nước ASEAN đã và đang bắt đầu thảo luận qui tắc ứng xử - Codes Of Conducts (CoC) - tại biển Đông ở cấp bậc các chuyên viên nhằm ngăn chận những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải bùng nổ thành xung đột vũ trang… »
Tuy nhiên, Đại Sứ Lưu không hề cho biết những đàm phán ấy đang xảy ra ở đâu? Có thật là đàm phán đa phương giữa TQ và các đối tác ASEAN? Đại sứ Lưu Kiến Siêu cũng cho hay tại hội nghị này, Trung Quốc nhất quyết loại trừ sự can thiệp từ các quốc gia bên ngoài. Mỹ được xem như kẻ bên ngoài vô phận sự, không được quyền can thiệp cũng như tham dự vào tiến trình đàm phán của hội nghị.

Sau lời tuyên bố của Đại sứ TQ, ngoại trừ Philipines, các quốc gia trong khối ASEAN nhất là VN im hơi lặng tiếng một cách khác thường, khó hiểu, đến hôm nay vẫn chưa nghe ASEAN hay TQ báo cáo về kết quả của cuộc đàm phán ở cấp các chuyên viên ấy như thế nào? Điều này dễ khiến dư luận hiểu nhầm có điều gì bất ổn, mờ ám, bí mật, qua lời tuyên bố của Đại Sứ TQ tại Manila.

Theo báo cáo của Jim Stevenson, thông tín viên của điện báo VOA, tình trạng biển Đông vẫn còn bất ổn sau hội nghị ADMM+8, và dĩ nhiên uy thế của Việt Nam đối với ASEAN cũng như đối với lãnh đạo Bắc Kinh vẫn còn nhiều thử thách, nhất là trong hợp tác hỗ tương chiến lược với Mỹ tại biển Đông. Về phạm vi này, VN đang đối mặt với hai vấn đề khó khăn:

1- Với Mỹ, theo Kurt Campbell, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Hoa kỳ chỉ có ước vọng đơn thuần là muốn giữ biển Đông được sử dụng như một khu vực hàng hải quốc tế tự do và an toàn. Hoa kỳ có một lợi ích quốc gia rất lớn tại vùng biển này nếu Hoa kỳ bảo vệ được quyền tự do thông thương và giữ vùng biển này là một vùng biển tự do. Như vậy sự can thiệp của Mỹ vào biển Đông hoàn toàn khách quan, không phải là sự bắt buộc hay đúng hơn chỉ là một cam kết vì quyền lợi nhất thời.

2- Với Trung Quốc, vì dư luận của thế giới và nhất là của Mỹ, TQ có thể từ bỏ cụm từ “lợi ích cốt lõi” trong hình thức, nhưng TQ sẽ không bao giờ từ bỏ mô hình ‘lưỡi bò’ trên biển Đông. Trước sau như một, TQ sẽ bảo vệ đến cùng mô hình ‘lưỡi bò’ của họ bằng mọi cách, ngay cả bằng chiến tranh vũ trang. Mô hình lưỡi bò TQ trên biển Đông là một bằng chứng không chối cãi được ý chí bành trướng của nước này. Với mô hình « lưỡi bò », TQ chiếm hữu gần 80% diện tích biển Đông.

Tất nhiên không một quốc gia nào trong Hiệp Hội ĐNÁ có thể chấp nhận sư tham lam quá đáng này của Trung Quốc. Do đó, tình hình an ninh trong khu vực biển Đông vẫn tiếp tục bị hăm dọa, bất ổn.

Theo điện báo Thanh Niên (Hà nội 17/10), có lẽ để thử nghiệm một lần nữa sức tranh chấp tại biển Đông của Việt Nam, vào ngày 14/10, một ngày sau hội nghị ADMM+8, một chiếc « tàu lạ » đã cố ý đâm chìm một tàu đánh cá của Việt Nam lúc mờ sáng trên vùng biển ngoài khơi Bà rịa, sau đó « tàu lạ » bỏ chạy không tìm ra tông tích. Chín ngư phủ của chiếc tàu bị đâm chìm được một chiếc tàu cùng nghiệp đoàn đánh cá gần đó đến tiếp cứu. Có điều lạ hơn là mãi đến hôm nay vẫn chưa nghe được lời giải thích từ chính phủ Việt Nam về phát xuất và ý đồ của chiếc « tàu lạ » ấy. Tuy nhiên, thông thường theo “ngôn ngữ ngoại giao” của giới đánh cá, “tàu lạ” đồng nghĩa với tàu của Trung Quốc.

ASEAN sẽ làm gì? Việt Nam sẽ phản ứng như thế nào, trước sư tồn tại mô hình « lưỡi bò » của Trung Quốc tại biển Đông? Chúng ta cần biết rằng mô hình « lưỡi bò » của của TQ không đem đến hệ lụy gì với Mỹ nếu TQ biết thỏa mãn ý muốn của Mỹ: tàu bè của Mỹ được quyền thông thương tự do và được bảo đảm an toàn trên biển Đông. Mỹ được quyền xem Biển Đông như hải phận quốc tế hoàn toàn tự do. Và chắc chắn dại gì mà TQ không biết thỏa mãn những yêu cầu này của Mỹ. Sau đó đương nhiên TQ loại Mỹ ra khỏi mọi cuộc đàm phán về biển Đông và có thể chính Mỹ cũng hy vọng được như vậy, như môt thắng lợi nhưng không tốn một viên đạn, không nổ phát sung nào. Tiến trình đàm phán giữa TQ và Mỹ về biển Đông tới đây sẽ được coi là đủ.

Những sư kiện trên vẫn còn là giả thuyết, nhưng có nhiều khả năng trở nên hiện thực. Các nước trong hiệp hội ĐNÁ, nhất là Việt Nam, phải nhận chân điều đó để « liệu mà cao chạy xa bay ». Quan hệ với Mỹ, chúng ta phải luôn nhớ phương châm xử thế của các nhà lãnh đạo Mỹ là bao giờ quyền lợi quốc gia cũng đặt lên trên hết. Nghĩ cho cùng phương châm ấy là chân lý, không phải chỉ là chân lý riêng của Mỹ mà còn là chân lý chung cho những ai yêu nước.

Đào Như
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments: