Hà Giang/Người Việt
Thursday, October 21, 2010
WESTMINSTER - Hình ảnh của thân phụ mẫu, và hai đứa em gái, người nào cũng “quần áo ướt nhẹp, đầu tóc ướt nhẹp,” đi vô nhà, là hình ảnh đến từ giấc mơ duy nhất, nhưng từ 31 năm qua, đã ám ảnh Phan Nhựt Dũng không rời.
“Còn nhớ, trong cơn mơ em hỏi, 'ủa sao đi đâu mà người ướt nhẹp hết vậy?' Ðứa em gái út của em nó nói, 'em lạnh quá anh ơi!'”
Anh Phan Nhựt Dũng, nay đã gần 50, rời Việt Nam năm 1978, lưu lạc đến đảo Pulau Bidong, rồi vào Mỹ theo diện tị nạn năm 1979, chia sẻ với nhật báo Người Việt về nỗi niềm của một người “có gia đình bảy người vượt biên bị mất tích.”
“Hình ảnh trong cơn mơ diễn đi diễn lại trong đầu tôi, rồi tôi hay tưởng tượng cảnh gia đình bị chết ngộp, cảnh tàu nó chìm xuống, rồi nghĩ, chắc cả gia đình ôm nhau rồi chết ngộp chung luôn với nhau!”
Nói đến đây Dũng nghẹn giọng, quay mặt đi.
“Gia đình tôi thê thảm quá, ra đi rồi đi luôn, biến mất, không ai nghe tin biết tin gì nữa.”
Theo lời Dũng, gia đình anh người Việt gốc Hoa, bảy người, gồm ba mẹ, chị gái, hai đứa em gái, hai mẹ con của người chị dâu, rời Việt Nam khoảng tháng 5, tháng 6 năm 1979, trên một chiếc tàu mới do họ và một số người khác bỏ tiền ra đóng, nhưng đến giờ đi thì bị “những cán bộ cộng sản” tráo tàu.
Dũng nói, sau này anh được biết tàu xuất phát từ Bạc Liêu, chở theo 451 người, nhưng ra đi rồi mất tích luôn, không ai nghe được tăm hơi gì cả. Người ta cho rằng “có lẽ tàu cũ quá nên ra khơi đã bị chìm.”
Thế rồi, 31 năm sau, anh lại tìm được chút manh mối của gia đình.
Dũng “tình cờ” đọc thấy tin tức liên quan đến gia đình anh qua website www.carinahoang.com, do chị Carina Hoàng, một người gốc Việt hiện đang sống tại Úc, chủ trương.
“Khoảng năm, sáu tháng trước đây, Oanh nhận được một cú phôn từ hai chị em từ bên Mỹ, họ nói đã tìm thấy hình mộ của má trên website của Oanh.” Tiếp xúc với nhật báo Người Việt, Carina Oanh Hoàng, người phụ nữ nổi tiếng với những chuyến đi về Indonesia , tìm hàng trăm ngôi mộ thuyền nhân ở những đảo Kuku và Letung, cho biết.
Chị Carina Oanh Hoàng kể rằng, hai chị em của Dũng rất xúc động vì đã bất ngờ tìm được mộ mẹ, và đang thu xếp để đi theo chị trong chuyến đi về Indonesia lần thứ tư, được tổ chức vào tháng 4 năm 2011, cũng vẫn “để giúp đồng hương tìm những nấm mồ hay hài cốt người thân.”
“Lần nào đi, Oanh cũng nói lần này chuyến này là chuyến chót, nhưng Oanh không ngừng được. Hình như có một lý do thiêng liêng nào bắt Oanh phải làm như thế!”
Sự kiện vô tình tìm được tin tức về mộ của mẹ khiến anh Phan Nhật Dũng bắt đầu tin vào đời sống tâm linh, dù trước giờ “không tin gì mấy.” Anh nói, chuyện “ba mươi mấy năm mình thắc mắc, mình không thể nào trả lời được về sự mất mát của gia đình,” thế mà, giờ đây, “xem như hé ra một câu trả lời.”
Dũng cho biết, anh “lang thang” vào trang mạng online của báo Người Việt, rồi từ đó lần ra website của Carina Oanh Hoàng, và “bấm lung tung” sao đó.
Anh kể, ngày khám phá ra mộ mẹ, “cảm giác vẫn bình thường,” nhưng tự nhiên vừa nhìn thấy website của Carina, thì tự nhiên thấy người nó làm sao, nó run run kỳ lắm, rồi tự nhiên bật một trang lên, chợt thấy tên mẹ, “Quách thị Mai!”
“Hết biết luôn, không ngờ được ba mươi mấy năm mà còn nhìn thấy được ngôi mộ có tên của mẹ mình. Tôi nghĩ có lẽ suốt đời tôi không bao giờ kiếm được một ngôi mộ của người thân mình đâu!” Dũng nói.
“Nhìn vô cái tên của mẹ, tôi sửng sốt liền, đọc tên đúng, ngày sanh thì trật, mà nơi sanh của mẹ thì đúng, nhưng tự nhiên tôi có cảm giác đó là mộ của mẹ tôi.”
Dũng kể.
Dũng bật khóc!
“Hôm đó, ngồi một mình trước màn ảnh, tôi khóc quá trời, khóc ngon lành luôn.”
Khóc xong, Dũng lật đật gọi điện thoại cho chị, cho anh, rồi hướng dẫn mọi người lên mạng xem.
Nhưng nhìn thấy mồ của mẹ khiến Dũng “vừa buồn vừa vui, vừa đầy thắc mắc.”
“Buồn là vì nếu chỉ có ngôi mộ của mẹ thôi, thì buồn là mẹ phải nằm một mình như vậy trong một rừng sâu lạnh lẽo, không khói hương trong suốt bao nhiêu năm nay.”
Còn vui là vì ba anh em Dũng đang cố gắng thu xếp đi với Carina Oanh Hoàng qua đảo Kuku, làm lại mồ mả cho mẹ, hoặc là “bốc mộ mang về chùa để chùa cầu siêu cho mẹ tôi.”
Hình ảnh bia mộ mang tên mẹ, Quách Thị Mai, được người đi tảo mộ sơn đỏ, là hình ảnh gần gũi nhất về mẹ mà Dũng có trong lúc này, nhưng lại khiến Dũng đầy thắc mắc.
“Không biết mẹ tôi đã lên đảo Kuku, sống được một thời gian mới chết, hay lên đó là chết luôn, hay người ta vớt được xác rồi đưa vào đảo Kuku chôn?”
“Còn những người kia, ba tôi, chị tôi, mấy đứa em gái, chị dâu, rồi cháu họ, ở đâu?
“Giờ thì coi như tôi nghĩ có lẽ đại khái gia đình đi gần tới bến bờ rồi bị nạn chết chứ không phải là chết giữa biển.”
Dũng đưa ra di ảnh và danh sách của những người quá cố, và nói: “Tôi hy vọng bài viết này sẽ tìm được manh mối của vị ân nhân đã chôn mẹ tôi, và nếu vị này còn sống ở đâu đó, tôi sẽ đến gặp để tạ ơn, và biết đâu sẽ từ đó giúp biết tin thêm của gia đình.”
Danh sách của gia đình bảy người mà Dũng cung cấp gồm có:
Ông Phan Nhựt Hồ, sinh năm 1935 (cha)
Bà Quách Thi Mai, sinh năm 1938 (mẹ)
Cô Phan Nhựt Mai Anh, sinh năm 1961 (chị gái)
Cô Phan Nhựt Mai Linh, sinh năm 1964 (em gái)
Cô Phan Nhựt Mai Lan, sinh năm 1964 (em gái út).
Bà Trần Thị Ðặng , sinh năm 1957 (bạn gái của anh ruột)
Cháu Phan Trần Quốc Duy, sinh năm 1957 (cháu trai).
Dũng cho biết “ao ước được gặp vị ân nhân vô cùng,” vì chỉ có ân nhân nào thực hiện việc chôn cất mới biết rõ được những ngày cuối cùng của mẹ.
“Tôi muốn biết là những người trên đảo chôn mẹ tôi, làm thành cái mả, là do vớt được xác mẹ mà chôn, hay là cứu được mẹ lúc còn sống, lên đảo rồi mẹ mới chết?
Ðó là điều tôi muốn biết vô cùng.”
Dũng ngập ngừng một chút, rồi tiếp: “Trong thâm tâm, lúc nào tôi cũng muốn biết giây phút cuối cùng của người thân tôi.”
Những thắc mắc 31 năm vẫn cứ theo đuổi Dũng, “không lúc nào yên được!”
“Dù có tìm được manh mối tất cả mọi người trong gia đình hay không, thì việc đã tìm được mộ của mẹ khiến tôi nghĩ rằng vong linh của tất cả gia đình đã siêu thoát, còn ba anh em chúng tôi thì được thanh thản.”
Ðã ba mươi mấy năm, còn bao nhiêu gia đình nữa ở cùng hoàn cảnh như gia đình Phan Nhựt Dũng?
Nhiều người cho rằng không ai thực sự có câu trả lời.
.
.
.
No comments:
Post a Comment