Việt Nam kiểm soát internet theo mô hình của Trung Quốc
Thứ năm 01 Tháng Bẩy 2010
Tại Việt Nam, cuộc chạy đua giữa một bên là những web site và trang blog thuộc "lề trái" thoát ra khỏi sự kiểm soát để tiếp tục tồn tại và bên kia là những vụ tấn công của tin tặc mà nhiều người cho rằng là đến từ các cơ quan chức năng của chính quyền, giống như một trò chơi mèo đuổi chuột.
Trên đây là nhận định của AFP khi đưa ra ví dụ cụ thể về trang web bauxite của giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Từ giữa năm ngoái, giáo sư Nguyễn Huệ Chi và một số đồng nghiệp đã lập ra một loạt trang web và blog chất vấn chính quyền về dự án bauxite Tây Nguyên. Những web site và blog này đã liên tục bị ngăn chặn, đánh sập.
.
Các nhà quan sát cho rằng trong thời gian qua, chính quyền Việt Nam đã có thái độ cứng rắn và trấn áp mạnh mẽ hơn đối với những web sites bị coi là nhạy cảm. Một nhà ngoại giao xin giấu tên nhận định, dường như Việt Nam bắt đầu đi theo mô hình của Trung Quốc trong chính sách kiểm soát internet. Trước đây, chính quyền chỉ cố gắng ngăn chặn truy cập, giờ đây, họ tìm cách đánh sập các web site.
.
Theo thống kê của giới ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, thì trang web bauxite của giáo sư Nguyễn Huệ Chi chỉ là một trong số 24 web site đã bị rối loạn hoặc đánh sập trong năm nay. Theo vị giáo sư này, được AFP trích dẫn, thì rõ ràng là việc kiểm soát internet tại Việt Nam đã đi theo mô hình của Trung Quốc ». Chính quyền Bắc Kinh đang áp dụng một hệ thống kiểm soát internet rộng lớn mà báo chí thường gọi là tường lửa « Vạn lý trường thành ».
Giáo sư Chi cho biết là web site bauxite và hai blog khác của ông đã bị ngăn chặn hồi cuối năm ngoái và ba web site mới khác đang phải hứng chịu « hàng trăm ngàn » vụ tấn công. Mặc dù vậy, mọi người vẫn còn có thể truy cập vào hai blog và ông khẳng định là sẽ cố gắng bảo vệ các web site của mình đến cùng. Hồi tháng ba, tập đoàn Google đã tố cáo là tin tặc tìm cách bịt miệng tiếng nói đối lập với dự án khai thác bauxite ở Tây nguyên. Những kẻ chủ mưu làm việc này có thể có động cơ chính trị và có vẻ trung thành với chính phủ Việt Nam.
.
Việt Nam đẩy mạnh chiến dịch kiểm soát
Sự cố nói trên làm mọi người nhớ lại những vụ tấn công nhắm vào Google tại Trung Quốc hồi tháng giêng năm nay. Theo tập đoàn tin học Mỹ thì tin tặc tìm cách thâm nhập vào những tài khoản thư điện tử của những nhà đối lập Trung Quốc. Trong tháng sáu, Google cũng đã lên tiếng cảnh báo là những quy định mới về kiểm soát internet tại Việt Nam sẽ cho phép chính phủ ngăn chặn các web site và kiểm soát các hoạt động của những người sử dụng mạng.
Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh chiến dịch ngăn chặn, kiểm soát internet từ cuối năm ngoái. Vào tháng 11 năm 2009, mạng xã hội Facebook bị phong tỏa. Việc viết blog đã phát triển rất nhanh tại Việt Nam kể từ 2005. Hiện có tới 24 triệu người dùng internet.
Theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc trường đại học New South Wales, thì trong bối cảnh đó, các cơ quan an ninh Việt Nam cũng đã tăng cường các biện pháp kiểm soát trên mạng, bởi vì giới ly khai chuyển hướng hoạt động vào không gian này. Các cơ quan an ninh đã học và tiếp thu các thức kiểm soát ngày càng hiện đại, phần nào nhờ vào sự giúp đỡ của các đồng nghiệp Trung Quốc, những người cũng đang phải đối mặt với những đe dọa đến từ các nhà ly khai dùng internet.
Vẫn theo giáo sư Thayer, chỉ còn vài tháng nữa, đảng cộng sản Việt Nam tổ chức Đại hội. Các thông tin bị tiết lộ và lan truyền trên internet lại càng có mức độ nhậy cảm cao. Chính quyền không muốn thấy có những bình luận, nhất là của giới ly khai, về các tài liệu quan trọng trên mạng trước khi có đại hội Đảng.
Trước tình trạng kiểm duyệt, trấn áp tự do thông tin trên internet, tháng 12 năm ngoái, các nhà tài trợ phương Tây đã lưu ý chính quyền Việt Nam rằng các biện pháp này có thể đe dọa những tiến bộ về kinh tế của đất nước.
Tháng năm vừa qua, tổ chức Human Rights Watch đã tố cáo Việt Nam tổ chức những đợt tấn công tin tặc rất tinh vi chống lại những tiếng nói đối lập trên mạng. Theo tổ chức này, trong tháng ba và tháng tư, đã có ít nhất là 7 người viết blog bị bắt giữ.
.
.
.
No comments:
Post a Comment