Tái cấu trúc: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
Lê Nhung
Cập nhật lúc 06:07, Thứ Tư, 30/06/2010 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/chinhtri/201006/Tai-cau-truc-Don-da-ke-benh-nhan-co-chiu-uong-thuoc-919137/
Bàn cờ kinh tế VN bị chia thành rất nhiều mảnh nhỏ. Các mảnh này thường bị chi phối bởi các nhóm độc quyền và đặc quyền - TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright lý giải vì sao Việt Nam thiếu các chính sách tốt.
Ông Anh cho biết cho đến nay, chưa thể có sự thống nhất về mô hình tăng trưởng tốt nhất cho Việt Nam vì đây là một vấn đề rất rộng và phức tạp.
Hơn nữa, tái cấu trúc và thay đổi mô hình tăng trưởng mới chỉ được thảo luận từ sau giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô 2007 - 2008.Tuy nhiên, giới nghiên cứu đã tiến gần tới sự đồng thuận về những khiếm khuyết nội tại, có tính cố hữu của nền kinh tế Việt Nam. Nếu như trước đây người ta thường tìm cách biện minh cho các điểm yếu đó thì bây giờ chúng đã được chấp nhận như những thực tế phải sửa đổi.
Gồm những điểm yếu nào, thưa ông?
- Điểm yếu cơ bản nhất trong mô hình tăng trưởng của Việt Nam là tăng trưởng chủ yếu nhờ vào việc bán tài nguyên và gia công trình độ thấp, nhờ vào tăng lượng đầu tư và lấy khu vực kinh tế nhà nước vốn kém hiệu quả làm chủ đạo.
Điều này dẫn đến một số hệ quả như đã thấy trong giai đoạn bất ổn vĩ mô và suy giảm kinh tế gần đây.
Thứ nhất là nền kinh tế kém hiệu quả. Số đơn vị đầu tư cần thiết để tạo ra một điểm phần trăm tăng trưởng GDP (tức là hệ số ICOR) của nền kinh tế tăng rất nhanh, từ 3 vào đầu những năm 1990 lên trên 6 mấy năm gần đây.
Như vậy, so với Nhật Bản, Hàn Quốc và ngay cả Trung Quốc trong giai đoạn phát triển tương đương, tăng trưởng của Việt Nam hiện nay đắt gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi về đầu tư.
Thứ hai là nguy cơ thường trực về bất ổn vĩ mô. Mô hình tăng trưởng hiện nay chạy theo chiều rộng (chủ yếu dựa vào tăng vốn) mà không theo chiều sâu (không cải thiện được năng suất).
Hệ quả là để tăng trưởng, nền kinh tế Việt Nam cần rất nhiều đầu tư, khiến tín dụng tăng theo. Nhưng do nền kinh tế kém hiệu quả nên kết cục tất yếu là lạm phát cao, thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân vãng lai lớn.
Thứ ba là một số nhóm đặc quyền đặc lợi cản trở cải cách. Những cải cách quan trọng và thành công nhất của Việt Nam kể từ Đổi mới chủ yếu liên quan tới khu vực nông nghiệp và dân doanh mà chưa đụng chạm nhiều tới những khu vực được hưởng đặc quyền đặc lợi, nhất là những DNNN lớn.
Những DN này được hưởng vị thế độc quyền trên thị trường nội địa, được ưu tiên tiếp cận các nguồn tài nguyên khan hiếm như đất đai và tín dụng nhờ vào vai trò chủ đạo (có tính mặc nhiên) của chúng trong các ngành kinh tế trọng yếu.
Khi không chịu áp lực cạnh tranh từ thị trường và giám sát chặt chẽ từ nhà nước, các DN này đầu tư ào ạt và dàn trải để mở rộng “đế chế” của mình mà không quan tâm đến hiệu quả vì họ biết rằng nếu có thua lỗ chăng nữa thì nhà nước sẽ cứu.
Không những thế, để bảo vệ quyền lợi của mình, các DN này có thể còn cản trở nhiều cải cách hướng đến một nền kinh tế thị trường cạnh tranh bình đẳng và hiệu quả hơn. Khu vực dân doanh vì thế cũng không thể phát triển dù rất năng động và đầy tiềm năng.
Bàn cờ kinh tế bị chia cắt
Theo ông, cuộc hội thảo do Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức mới đây có đưa ra được giải pháp khắc phục điểm yếu cơ bản này không?
- Đã có một số ý kiến rất đích đáng được nêu tại hội thảo.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng “thay đổi cần bắt đầu từ cái đầu”, tức là nếu nhận thức và tư duy mà không thay đổi thì không thể cải cách được.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đồng tình và nói thêm rằng đổi mới tư duy cần xuất phát từ cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước. GS Võ Đại Lược khẳng định nếu vẫn giữ khu vực nhà nước làm chủ đạo thì không thể tái cấu trúc nền kinh tế.
GS Nguyễn Quang Thái cho rằng đổi mới thể chế là điều kiện tiên quyết để có thể đưa nền kinh tế Việt Nam tiến lên. Còn TS Nguyễn Đình Cung, người chủ trì đề án tái cấu trúc nền kinh tế, nói tái cấu trúc không thuần túy là vấn đề kinh tế mà thực chất là một vấn đề kinh tế – chính trị.
Thế còn quan điểm của ông?
- Một nguyên lý cơ bản của kinh tế học là hành vi của con người bị chi phối bởi các động cơ và khuyến khích, mà những động cơ và khuyến khích này lại được quy định bởi hệ thống thế chế.
Thể chế ở đây được hiểu một cách rộng rãi bao gồm những quy tắc thành văn (hiến pháp, luật, quy định v.v.), những quy tắc không thành văn (văn hóa, phong tục, tập quán v.v.), và những cơ chế cưỡng chế thi hành các quy tắc này.
Một hệ thống thể chế tốt sẽ giúp thu hút người hiền tài vào khu vực công và góp phần tăng hiệu quả, hiệu lực cho những chiến lược, chính sách của nhà nước, mà đây chính là điều chúng ra đang thiếu.
Hãy hình dung nền kinh tế Việt Nam như một bàn cờ. Chia theo cột dọc là 22 bộ và cơ quan ngang bộ. Chia theo hàng ngang là 63 tỉnh thành. Chia theo đường chéo là mười mấy tập đoàn kinh tế nhà nước, vì các tập đoàn hoạt động đa ngành ở nhiều địa phương khác nhau. Bàn cờ kinh tế đã bị chia cắt thành rất nhiều mảnh nhỏ.
Sẽ không có gì đáng lo ngại nếu mỗi mảnh nhỏ đều được điều tiết và bảo đảm có sự cạnh tranh lành mạnh. Vấn đề ở nước ta là các mảnh nhỏ này thường bị chi phối bởi các nhóm độc quyền và đặc quyền. Mỗi mảnh nhỏ này là một “nền kinh tế” và những người có quyền lợi sẽ cố hết sức để bảo vệ nó như bảo vệ thành trì của mình.
Điều này đã, đang và sẽ tiếp tục phá hỏng hoàn toàn chiến lược và quy hoạch tổng thể, dù chiến lược và quy hoạch này đúng đắn đến đâu đi chăng nữa.
Tỉnh nào cũng muốn có sân bay, cảng biển, các KCN và khu kinh tế mở đua nhau mọc lên bất chấp hiệu quả kinh tế. Đất rừng bị cho thuê rẻ vô tội vạ. Các nhà máy thủy điện mọc lên như nấm ở miền Trung và Tây Nguyên. Các tập đoàn đua nhau mở ngân hàng, lập công ty chứng khoán.
Không chỉ bị giới hạn về không gian, tầm nhìn chính sách còn bị giới hạn về thời gian do “tư duy nhiệm kỳ”. Thực chất, “tầm nhìn” của mỗi nhiệm kỳ không phải là 5 năm mà chỉ còn 3 năm vì năm đầu tiên và năm cuối cùng người ta không làm được bao nhiêu.
Khi tầm nhìn chính sách bị giới hạn cả về không gian và thời gian, không những thế, khi các “nền kinh tế nhỏ” phải cạnh tranh với nhau để bảo vệ đặc quyền đặc lợi của mình thì chúng sẽ phá vỡ hoàn toàn các chính sách tổng thể. Đây thực sự là vấn đề lớn, là lý do chính tại sao chúng ta thiếu chính sách tốt.
Cải cách tập đoàn: Bài học từ Trung Quốc
Giải quyết những khuyết tật này như thế nào?
- Đây là câu hỏi lớn, không thể trả lời thỏa đáng trong phạm vi một bài phỏng vấn. Tôi nghĩ cần xuất phát từ một sự đồng thuận cơ bản, đó là nền kinh tế của chúng ta vẫn còn lạc hậu và đang kém hiệu quả, vì vậy cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn.
Đề án tái cấu trúc nền kinh tế do CIEM – Bộ KH&ĐT thực hiện là bước đi cần thiết và đúng hướng.
Để tái cơ cấu thì phải nhận dạng được những “méo mó” quan trọng nhất của nền kinh tế, mà đầu tiên là tình trạng phân bổ và sử dụng nguồn lực kém hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty và các siêu dự án đầu tư công. Khắc phục được tình trạng “méo mó” này sẽ là tiền đề quan trọng để giải quyết các trục trặc có tính cơ cấu khác.
Về phương diện cải cách các tập đoàn kinh tế nhà nước, kinh nghiệm của Trung Quốc có thể hữu ích cho Việt Nam.
Từ sau khủng hoảng tài chính khu vực 1997 – 1998, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã hiểu ra rằng sự tồn tại của những DNNN có sức mạnh kinh tế và thế lực chính trị nhưng lại không bị điều tiết tất yếu sẽ dẫn tới sự bành trướng, độc quyền và lũng đoạn.
Vì vậy, để cải cách các tập đoàn này, phải thay đổi cơ chế giám sát và buộc chúng phải cạnh tranh. Trung Quốc đã thực hiện khá tốt điều này theo ba cách.
Thứ nhất là ép các tập đoàn phải niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế Hồng Kông, London… Do vậy buộc chúng phải minh bạch về tài chính theo các thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, các DNNN phải cạnh tranh quyết liệt với nhau và với các DN nước ngoài trên cả thị trường nội địa và quốc tế.
Thứ hai, khi buộc phải niêm yết và có tính cạnh tranh thì các DN này sẽ phải thuê các chuyên gia quản trị được đào tạo ở nước ngoài.
Các chuyên gia này sẽ mang tới nhiều thay đổi quan trọng về tư duy, quản trị, giúp kết nối DN Trung Quốc vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với khát vọng bá chủ thế giới và vì lợi ích chung của dân tộc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chấp nhận “thuê ngoài thể chế”, miễn là điều này mang tới sự cải thiện hiệu quả.
Điều thứ ba, cũng rất quan trọng, khi đã có một số hình mẫu thành công thì cả hệ thống dần dần điều chỉnh theo, không phải để chống lại cái mới mà để thu nạp, nhân rộng nó.
Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy thực ra việc “kê đơn” đúng không quá khó, điều thực sự khó là làm thế nào để bệnh nhân chịu uống thuốc, mà điều này lại phụ thuộc vào ý chí của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là những nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Bước đầu tiên trong quá trình cải cách các tập đoàn nhà nước mà Việt Nam có thể thực hiện là công bố báo cáo tài chính của các tập đoàn theo chuẩn mực quốc tế.
Khi được ưu tiên sử dụng các nguồn lực khan hiếm của đất nước và nhận tiền đầu tư từ ngân sách nhà nước, chính xác hơn là từ tiền đóng thuế của người dân, các tập đoàn này phải chịu trách nhiệm giải trình trước công chúng.
Đồng thời, họ phải tự chứng minh mình xứng đáng với vai trò chủ đạo, thực sự là “quả đấm thép” bằng cách tự đứng vững trên đôi chân của chính mình, cạnh tranh thành công trên cả thị trường nội địa và quốc tế.
LN
.
Tin liên quan :
Quên "tái cấu trúc" tư duy làm chính sách
Tái cấu trúc nhìn từ cách Vinashin xài vốn nhà nước
"Cần gói hỗ trợ tái cấu trúc nền kinh tế"
Trình Quốc hội đề án tái cấu trúc kinh tế
Không tái cấu trúc quản lý, mọi nỗ lực đều vô nghĩa
Tái cấu trúc thành công quốc gia sẽ hưng thịnh
Tái cấu trúc khu vực NN - Bài học từ Trung Quốc
.
.
.
No comments:
Post a Comment