Wednesday, July 28, 2010

NGÔ BẢO CHÂU và THỜI CƠ MỚI CHO TOÁN HỌC VIỆT NAM

Ngô Bảo Châu và thời cơ mới cho Toán học Việt Nam?

Trần Văn Nhung - Lê Tuấn Hoa

Cập nhật lúc 06:13, Thứ Tư, 28/07/2010 (GMT+7)

http://vietnamnet.vn/giaoduc/201007/Thoi-co-moi-cho-Toan-hoc-Viet-Nam-925119/

VietNamNet xin giới thiệu nguyên văn bài viết của GS. Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước và GS. Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học nhận định về khả năng GS. Ngô Bảo Châu có đoạt Giải thưởng Fields và tương lai Toán học Việt Nam.

.

Ngô Bảo Châu - Ứng cử viên "nặng ký" cho giải thưởng Fields

GS Ngô Bảo Châu là một nhà toán học trẻ, nhưng đã đạt được nhiều kết quả nghiên cứu toán học đặc biệt xuất sắc, được thế giới ca ngợi.

Anh là học sinh Việt Nam đầu tiên giành 2 huy chương vàng Olympic toán quốc tế năm 1988 ( khi mới 16 tuổi ) và 1989. Sau 15 năm gần như “ẩn dật”, dành toàn bộ thời gian miệt mài học tập và nghiên cứu toán học tại Paris, năm 2004, tên anh xuất hiện trở lại trên báo chí ngày càng dồn dập hơn, với những thành tích ngày một lớn hơn và bất ngờ hơn! Và không chỉ trên báo chí Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới!

GS Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội. Anh là người con duy nhất của GS.TSKH Ngô Huy Cẩn ( Viện Cơ học, Viện KH-CN VN ) và PGS. TS Trần Lưu Vân Hiền ( Bệnh viện Y học cổ truyền TƯ).

Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố GS, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu ( 23/7/1910-23/7/2010 ) có mời anh tham dự, nhưng rất tiếc anh không dự được vì đã có kế hoạch từ trước đi báo cáo khoa học, giảng bài và gặp gỡ các nhà khoa học tại Bắc Kinh trong một tuần.

Chúng tôi muốn nhắc đến tên GS Tạ Quang Bửu ở đây vì ông đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng toàn dân ta, cho sự phát triển giáo dục đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học và góp phần quan trọng đào tạo ra nhiều thế hệ các nhà khoa học xuất sắc của Việt Nam, trong đó có GS Ngô Huy Cẩn, GS Ngô Bảo Châu, …

Năm 2004 GS Ngô Bảo Châu đã được trao Giải thưởng Toán học Clay danh giá cùng với GS G. Laumon. Năm 2006, anh được mời đọc báo cáo tiểu ban tại Đại hội Toán học thế giới tại Madrid (Tây Ban Nha).

Như vậy anh là người Việt Nam thứ ba có vinh dự này. Trước anh là hai GS người Việt Nam ở nước ngoài, đó là GS. F. Phạm và GS. Dương Hồng Phong.

Sau khi chứng minh được “Bổ đề cơ bản”, một giả thuyết then chốt của Chương trình Langlands, anh được trao Giải thưởng Oberwolfach của Đức, Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (năm 2007). Công trình của anh đã được tạp chí đại chúng có uy tín Time bình chọn là một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009.

Tháng 6 vừa qua, công trình của anh mang tên “Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie” (Bổ đề cơ bản cho đại số Lie), dày 169 trang, đã được chính thức công bố trên tạp chí Publications Mathématiques de L’IHÉS, do NXB Springer phát hành.

Không đầy một tháng nữa, anh được mời đọc báo cáo toàn thể tại Đại hội Toán học thế giới, tổ chức tại Ấn Độ, từ ngày 19 đến 27/8. Với hàng loạt kỳ tích nêu trên, anh là một ứng cử viên nặng kí cho Giải thưởng Fields năm nay.

Mặc dầu vậy, anh vẫn rất dè dặt và khiêm tốn khi nói về điều này: “Các Đại hội Toán học thế giới từ trước đến nay, đa số nhà khoa học dưới 40 tuổi được mời báo cáo toàn thể ở Đại hội đều được trao Giải thưởng Fields tại Đại hội đó. Lần này chỉ có hai nhà khoa học, tôi và một người Brazil, dưới 40 tuổi được báo cáo tại phiên toàn thể “.

Người ta thường ví Giải thưởng Fields như là Giải thưởng Nobel trong Toán học, bởi vì theo di chúc từ năm 1901 của người sáng lập Thụy Điển A. Nobel, Giải thưởng Nobel không dành cho Toán học. Thế nhưng Giải thưởng Fields lại chỉ được trao cho những thiên tài toán học phát lộ sớm, vì điều kiện tiên quyết của nó là chỉ trao cho những người không quá 40 tuổi vào năm trao giải.

Cứ bốn năm một lần, Giải thưởng được trao tại các kì Đại hội Toán học thế giới và mỗi lần có không quá 4 người được nhận. Như vậy, tính bình quân, mỗi năm có tối đa một người được nhận Giải thưởng.

Trong 70 năm qua, 1936 – 2006, cả thế giới có tất cả 48 nhà toán học được trao Giải thưởng Fields. Mới chỉ có 11 nước vinh dự có công dân của mình đạt Giải thưởng Fields. Đó là: Mỹ, Pháp, Nga, Anh, Nhật, Phần Lan, Italia, Thụy Điển, Đức, New Zealand và Úc, trong đó chỉ có 3 người có quốc tịch Châu Á, đều là người Nhật và có hai người gốc Hongkong-Trung Quốc là Shing-Tung Yau ( Quốc tịch Mỹ ) và Terence Tao ( Quốc tịch Úc ) đã được trao Giải thưởng Fields.

Năm nay Ban Giải thưởng Fields đã quyết định chọn 4 người để trao Giải thưởng, nhưng tên cụ thể còn hoàn toàn bí mật. Ngô Bảo Châu năm nay 38 tuổi.

Với những kì tích được cả giới toán học thế giới ngưỡng mộ, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng Ngô Bảo Châu sẽ là một trong 4 cái tên danh giá sắp tới.

Và nếu vậy thì Việt Nam sẽ không chỉ nằm trong Top 10-15 Olympic Toán phổ thông quốc tế mà còn nằm trong Top 11-12 nước của thế giới được nhận Giải thưởng Fields.

Ngày 19/8/2010 sắp tới, tại phiên khai mạc Đại hội Toán học thế giới tại Hyderabad, Ấn Độ, chúng ta sẽ được biết điều bí ẩn khát khao đó.

.

Cuộc tiếp thân mật và cảm động

Ngô Bảo Châu về nước đầu tháng 7 vừa rồi với hai mục đích: thăm gia đình và làm việc. Thế nhưng, với lịch làm việc dày đặc, thời gian còn lại của anh dành cho bố mẹ, họ hàng, người thân và bè bạn rất ít.

Anh phải tập trung hoàn thiện bản báo cáo toàn thể tại Đại hội Toán học thế giới. Anh đã đến nói chuyện tại Trường hè sinh viên do Viện Toán học tổ chức.

Anh lại còn phải sang Bắc Kinh giảng bài và gặp gỡ các nhà khoa học một tuần. Giữa tháng 8, anh lên đường sang Ấn Độ. Vì vậy, chuyến trở về của anh được giữ khá kín, ít người được biết.

Nhân dịp về thăm gia đình và làm việc tại Việt Nam, ngày 21/7/2010, GS. Ngô Bảo Châu đã được GS. Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN), tiếp và mời dự bữa cơm trưa thân mật.

Chúng ta còn nhớ, sau khi được phong GS của Trường Đại học Paris 11 năm 2004, khi 32 tuổi, một năm sau anh được HĐCDGSNN phong đặc cách GS Việt Nam. Chủ tịch HĐCDGSNN lúc đó là GS Phạm Minh Hạc. Và cho đến nay anh là người trẻ nhất được phong GS ở Việt Nam, năm 33 tuổi.

Cùng dự buổi tiếp còn có GS Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, hai thành viên thường trực của HĐCDGSNN: GS Bành Tiến Long, Phó Chủ tịch, GS Trần Văn Nhung, Tổng Thư kí và PGS. Đỗ Tất Ngọc, Chánh Văn phòng. GS. Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học, GS. Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam và PGS. Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội. GS. Ngô Bảo Châu nguyên là học sinh Trường Thực nghiệm Giảng Võ của GS. Hồ Ngọc Đại, Trường THCS Trưng Vương và Trường THPT chuyên Toán-Tin (ĐH KHTN, ĐHQGHN) và sinh viên École Normale Supérieure ( Pháp ).

Bắt đầu cuộc gặp gỡ thân mật, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhiệt liệt chúc mừng thành tích khoa học đã đạt được của GS Ngô Bảo Châu và hi vọng anh sẽ được trao Giải thưởng cao quí sắp tới.

Đáp lại lời chúc mừng, GS Ngô Bảo Châu bày tỏ niềm xúc động khi được HĐCDGSNN tiếp đón và làm việc. Sau khi tóm lược hai ba câu về kết quả nghiên cứu Toán học của mình, GS Ngô Bảo Châu bày tỏ nguyện vọng được cống hiến cho sự phát triển Toán học Việt Nam nói riêng và nền khoa học Việt Nam nói chung, ở một mức độ cao hơn và hiệu quả hơn, so với những hoạt động giảng dạy trực tiếp mà bấy lâu nay anh vẫn tích cực tham gia, mỗi khi có điều kiện về nước.

Hoan nghênh và đáp lại nhiệt tình của GS. Ngô Bảo Châu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định rằng, thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về người Việt Nam ở nước ngoài, Chính phủ sẽ làm hết sức để tạo điều kiện tốt nhất cho GS. Châu và những nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài đóng góp trí tuệ, sức lực và thời gian để phát triển Toán học và khoa học Việt Nam.

Như một minh chứng cho quyết tâm của Chính phủ, GS. Nguyễn Thiện Nhân nhắc tới Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Toán học Việt Nam soạn thảo (mà ông là Trưởng ban chỉ đạo), cùng với ba thành viên khác nữa là GS. Đào Trọng Thi, GS. Hoàng Văn Phong và Ông Nguyễn Việt Hồng. Chương trình có Ban cố vấn gồm GS. Hoàng Tụy, GS. Đặng Đình Áng, GS. Nguyễn Khoa Sơn và GS. Lê Dũng Tráng ( Việt kiều tại Pháp ).

Ban soạn thảo Chương trình gồm 10 GS: Trần Văn Nhung, Lê Tuấn Hoa, Nguyễn Lê Hương, Phạm Kỳ Anh, Hoàng Ngọc Hà, Phan Quốc Khánh, Phạm Thế Long, Nguyễn Văn Mậu, Nguyễn Văn Ngữ và Ngô Việt Trung.

Sau khi đánh giá chung về thực trạng Toán học ở Việt Nam, khu vực và trên thế giới, Chương trình nêu rõ một số giải pháp mang tính chất đột phá, nhưng khả thi, nhằm đưa Toán học Việt Nam ở tất cả các cấp độ, từ trung ương đến địa phương, từ lý thuyết đến triển khai ứng dụng, phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng được nhu cầu phát triển của khoa học, kinh tế và an ninh, quốc phòng của nước ta.

.

Làm gì để phát triển Toán học Việt Nam?

Khi vào phần chính của câu chuyện, GS. Nhân, GS. Châu và những người tham dự tập trung vào các giải pháp cơ bản của dự thảo Chương trình. Một trong những điểm then chốt của Chương trình là thành lập một Viện Nghiên cứu và Đào tạo cấp cao về Toán.

Một trong những mô hình có thể tham khảo cho viện kiểu mới này chính là Viện nghiên cứu cao cấp Princeton (IAS, Mỹ), nơi GS Ngô Bảo Châu được mời tới làm việc từ năm 2007 cho tới nay. Chính tại nơi đó, GS Ngô Bảo Châu đã tìm được ý tưởng đột phá để giải quyết thành công và sau đó hoàn thiện công trình để đời của mình: Chứng minh “Bổ đề cơ bản”.

Có điều rất thú vị là chính A. Einstein đã từng làm việc tại đây. Cũng tại IAS này, sau 7-8 năm liên tục theo đuổi, A. Wiles ( nhà toán học người Anh ) đã giải quyết hoàn toàn Bài Toán cuối cùng của Fermat, một giả thuyết vô cùng hắc búa đã thách đố loài người suốt ba thế kỷ rưỡi. IAS là viện Toán học số một thế giới. Nó là một khuôn mẫu hay để thúc đẩy phát triển Toán học. Do vậy nhiều nước sau đó đã lập những viện tương tự như IHES của Pháp, Viện Toán Max-Planck của Đức, RIMS của Nhật, KIAS của Hàn Quốc, …

Với “biên chế" và chi phí rất ít, Viện này sẽ là nơi để giảng viên toán các trường đại học, các tân tiến sĩ toán, … thỉnh thoảng đến trong một thời gian ngắn để tập trung triển khai những ý tưởng nghiên cứu của mình. Viện sẽ là nơi giao tiếp giữa các nhà toán học Việt Nam thuộc nhiều thế hệ ở trong nước và ngoài nước, trong đó có những nhà toán học xuất sắc cao niên như GS Hoàng Tụy, trẻ trung như GS Ngô Bảo Châu và rất nhiều tài năng khác.

Bằng hình ảnh dễ hiểu nhưng khá chính xác, GS Bộ trưởng Phạm Vũ Luận so sánh cơ chế hoạt động của Viện như Trường viết văn Nguyễn Du, nơi đã góp phần đào tạo và nuôi dưỡng bao nhiêu nhân tài văn học của nước nhà.

Tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng GS Ngô Bảo Châu đã có 17 năm học tập và làm việc tại các trường nổi tiếng của Pháp: ĐH Paris 13, ĐH Paris 11. Anh đã làm việc gần 4 năm tại IAS Princeton. Đã từng làm việc khá lâu tại IHES của Pháp, Viện Toán Max-Planck của Đức. Đã đến báo cáo khoa học tại nhiều viện và trường nổi tiếng của thế giới.

Như vậy, anh không chỉ có một vị thế và uy tín khoa học rất cao, mà còn trực tiếp học hỏi được kinh nghiệm điều hành của các trung tâm toán học thế giới. Kinh nghiệm của anh sẽ rất có giá trị trong việc triển khai hoạt động của Viện Nghiên cứu và Đào tạo cấp cao về Toán, cũng như toàn thể Chương trình phát triển Toán.

Kết thúc buổi tiếp thân mật, GS Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh trong một ngày gần đây sẽ có dịp trao trọng trách cho GS Ngô Bảo Châu và hy vọng anh sẽ đóng góp ngày một nhiều cho nền khoa học của nước nhà.

GS Nhân cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT, HĐCDGSNN phối hợp với các cơ quan hữu quan, như Bộ Ngoại giao, Bộ KH-CN, Bộ Tài chính, Văn phòng CP, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho GS Châu và những nhà khoa học xuất sắc khác là người Việt Nam ở nước ngoài, như vấn đề hộ chiếu đặc biệt, nhà ở, điều kiện nghiên cứu khoa học, phương tiện đi lại,…

Điều đáng lưu ý là nhiều nhà toán học và khoa học Việt Nam xuất sắc ở nước ngoài, trong đó có GS Ngô Bảo Châu, vẫn giữ quốc tịch và mang hộ chiếu Việt Nam.

Sau gần 2 giờ trao đổi thân mật, mọi thành viên tham dự đều thấy buổi tiếp của GS Chủ tịch HĐCDGSNN rất thú vị, hiệu quả và tin tưởng vào một sự khởi đầu tốt đẹp.

Toán học Hàn Quốc vào những năm 70 không hơn gì Toán học Việt Nam, nhưng bây giờ đã vượt xa chúng ta, trở thành điểm tựa cho sự phát triển khoa học và công nghệ của Hàn Quốc.

Theo đánh giá bước đầu của Ban soạn thảo, nền toán học Việt Nam hiện nay vẫn đang chiếm vị trí khiêm tốn thứ 50 đến 55 trên thế giới.

Với sự quyết tâm của Chính phủ, sự cố gắng của toàn thể cộng đồng các nhà toán học Việt Nam ở trong và ngoài nước và sự đóng góp của những ngọn cờ đầu như GS Ngô Bảo Châu, chúng ta sẽ cố gắng giảm nhanh khoảng cách với các nền Toán học như Hàn Quốc.

Chúng ta cũng không nên quá say sưa với thành tích đã đạt được ở bậc dưới là các Huy chương Olympic Toán PT quốc tế từ năm 1974 đến nay, và ở bậc trên cùng là Giải thưởng Fields ( nếu có ), mà còn phải tiếp tục phấn đấu tiến tới, vì ngay các nước trong khu vực, như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, …họ cũng rất quyết tâm và vượt lên rất nhanh. Quyền tự hào của mỗi cá nhân và dân tộc là chính đáng, nếu nó hợp lý và có cơ sở!

Các tác giả bài viết này là những người làm toán nên mới chỉ đề cập đến toán học Việt Nam. Các ngành khoa học và công nghệ khác của đất nước chúng ta, như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Y học, …, với nhiều nhà khoa học xuất sắc ở trong và ngoài nước, khi được Chính phủ quan tâm, đầu tư, cũng sẽ phát triển nhanh chóng và có triển vọng to lớn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

.

.

.

No comments: