Từ chuyện đổi tên một ngôi trường
Nam Phong
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Hà Nội
Cập nhật: 16:13 GMT - thứ bảy, 30 tháng 1, 2010
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/01/100127_ams_school_name.shtml
Báo chí trong nước gần đây loan tin rằng toàn bộ giáo viên và học sinh trường Ams sẽ chuyển về địa điểm mới vốn có giá khoảng 400 tỷ đồng ở quân Cầu Giấy – Hà Nội. Ngôi trường cũ, thành lập năm 1985 nhờ tiền viện trợ của thành phố Amsterdam (Hà Lan), sẽ được chuyển cho một trường trung học khác.
Có hai phương án được đưa ra cho lãnh đạo trường lựa chọn (tại sao lại chỉ có hai thì không thấy nói): mất tên cũ để có trường mới, hoặc giữ tên cũ và ở nguyên chỗ cũ.
Dư luận xôn xao với phần lớn ý kiến là phản đối và tỏ ra bất ngờ với tin này. Nhưng nhìn lại cách hành xử của chính quyền – hay đúng hơn là của Đảng Cộng sản - thì chuyện hóa ra xưa như Trái Đất.
Bình mới rượu nhạt?
Dưới thời Pháp, Hà Nội là một trung tâm giáo dục quan trọng của cả xứ Đông Dương với các trường đại học và trung học lớn như Đại học Y khoa Đông Dương (nay là Đại học Y Hà Nội) hay trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An) – những ngôi trường mà không chỉ xứ Đông Dương mà toàn Đông Nam Á, thậm chí phần lớn Châu Á phải nhắc đến với tất cả sự ngưỡng mộ.
Sau khi đánh đuổi người Pháp, chính quyền của Đảng Cộng sản ngay lập tức đổi tên các cơ sở giáo dục của Pháp vốn là nơi đào tạo ra vô số nhân tài cho đất nước và cho chính Đảng. Tất nhiên, nhiều cá nhân ưu tú xuất thân từ các trường Pháp cũng chịu vạ.
Có lẽ các lãnh tụ cộng sản cho rằng cứ đổi tên trường thì ngay lập tức vinh quang sẽ tự động chuyển sang cho Đảng và cho chủ nghĩa xã hội chăng? Dù sao thì sự thật đã hoàn toàn không như vậy.
Trong khi chính quyền Hà Nội bận ảo tưởng về nền giáo dục “xã hội chủ nghĩa” thì ở Miền Nam, ông Ngô Đình Diệm – chỉ trong một thập niên cầm quyền - đã kịp dựng nên những trường đại học mới, đạt chuẩn quốc tế.
Sau khi kết thúc chiến tranh và khi bước sang thời đổi mới, Việt Nam còn khai tử thêm vài đại học danh tiếng. Viện Đại học Sài Gòn bị xóa sổ còn Đại học Tổng hợp bị xé thành mấy mảnh – cả hai đều biến mất khỏi bản đồ giáo dục thế giới và đến nay chưa hề có hy vọng sẽ được công nhận trở lại.
Chất lượng giáo dục – như mọi người đều thấy - lao dốc cũng nhanh không kém gì nền kinh tế từng được cố thủ tướng Phạm Văn Đồng tuyên bố là “năm 70 vượt Nhật, năm 80 vượt Mỹ”.
Thế nhưng, các trường vẫn nói rất hay về thành tích của mình. Chẳng hạn như Nhạc viện Hà Nội, mỗi lần kể công đều nhắc tới nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn, coi ông Sơn là niềm tự hào. Thật ra, nghệ sĩ này dành phần lớn thời gian học tập ở Liên Xô chứ không phải ở Hà Nội. Và đó chỉ là ví dụ nhỏ - còn nhiều trường hợp tương tự khác.
Thế còn vấn đề gìn giữ truyền thống và cách ứng xử với quốc tế thì sao?
Cần nhớ rằng chính các lãnh tụ cộng sản đã ra lệnh phá dỡ đình chùa để đến nỗi đất nước mất bao nhiêu công trình quý giá (trong khi các vị ấy miệng chửi mắng Pháp mà luôn luôn chọn những biệt thự do người Pháp xây làm chỗ ở].
Mấy năm nay, Trung Quốc liên tục gây hấn, khiến cho người Việt phẫn uất. Nhưng người Trung Quốc cũng có thừa quyền trách tội những người đồng minh Việt Nam đã nhận của họ bao nhiêu giúp đỡ để rồi lại viết vào hiến pháp rằng Trung Quốc là kẻ thù.
Trung Quốc có quyền hỏi: Hà Nội sẽ làm được gì nếu không có Bắc Kinh?
Chiến tranh biên giới 1979 liệu có nổ ra không nếu như Hà Nội không xua đuổi Hoa kiều nhẫn tâm đến thế?
Chính quyền Hà Nội nói rằng ngôi trường mới là do công sức và tiền của người Hà Nội xây nên (vì thế, chuyển về địa điểm mới thì phải đổi tên).
400 tỷ đồng, nghe có vẻ hoành tráng thật. Theo giá đôla chợ đen thì có thể làm tròn là 20 triệu Mỹ kim. Số tiền ấy mua được 25 năm truyền thống của ngôi trường hàng đầu đất nước.
Nếu cứ theo giá đó mà tính thì nền giáo dục Việt Nam cũng rẻ thôi!
Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, cựu học sinh Hà Nội – Amsterdam, khóa 2001-2004.
No comments:
Post a Comment