Tháng Hai 28, 2010
Tôi phải thêm từ “hầu như” vào tiêu đề “đất nước uể oải”, bởi vì không phải toàn bộ đều uể oải mà chỉ gần như hầu hết mà thôi!
Cũng như không phải toàn bộ netters đều là trí thức, mà trong đó có những người bình thường ít học – như tôi.
Vì ít học và kiếm ăn bình thường bằng việc kinh doanh, nên tôi quan sát xã hội và nhìn vấn đề giống như một người dân bình thường. Từ quan sát hạn hẹp trong một gia đình, một xã, một huyện…tại nhiều nơi khác nhau, sau đó ngồi trầm ngâm luận ra việc quốc gia. Nó ngược lại với những vị trí thức lớn trong nước hay đồng bào hải ngoại, thường phân tích từ những sự kiện lớn lao, để sau đó có nhận xét về tình hình đất nước.
Tôi nghe uể oải vì tình hình sản xuất trong nước hiện vô cùng bết bát, những doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu như chúng tôi hầu như không thể hoạt động vì không còn thị trường tiêu thụ. Mặc dù chính phủ công bố con số tăng trưởng của năm vừa qua là trên 5%, đó không phải là số tăng trưởng của doanh nghiệp sản xuất trong nước. Năm nay có lẻ cũng vậy, vì mọi nổ lực vượt thoát của doanh nghiệp dân doanh đều vướng vòng ngăn trở gọi là “nền kinh tế thân hữu của những người cộng sản”.
Em gái tôi uể oải vì sau khi cố gắng học, cầm được tấm bằng cử nhân khoa học về bảo vệ môi trường, loại ưu nhưng không xin được việc làm tại phòng TNMT cấp huyện. Trong khi một cô bé vừa thi trượt đại học lại được nhận vào làm ở vị trí đó.
Má tôi cứ vài tháng lại uể oải ghé UBND huyện để hỏi xem có sổ đỏ nhà đất chưa, cái nhà mà ba má tôi tạo lập từ 1959 và ở từ đó đến nay. Dù hồ sơ giấy tờ nộp đầy đủ 3 năm trước, và dù lảnh đạo địa phương cam kết cấp GCNQSD đại trà cho dân từ năm 2001. Chỉ vì nguyên nhân tôi cương quyết không chi tiền lót tay.
Lao động nông nghiệp ở miền đông Nam bộ còn hơn là uể oải, khi tôi tìm thuê người làm việc cho nông trại nhưng không người nhận làm. Trong khi suốt từ sáng đến tối, quán cà phê nào cũng đặc rặt thanh niên vô công rỗi nghề. Hỏi ra mới biết họ không thèm đi làm mướn, do mỗi đêm chỉ lén vào các đồn điền cao su quốc doanh, đi mót mủ (cách nói khác cho hành vi ăn cắp mủ cao su) là đã gấp mấy lần công lao động phổ thông. Hóa ra bầu sửa XHCN không chỉ nuôi sống bọn đảng viên vô tích sự, mà còn là nguồn sống của một bộ phận “nhân dân lao động”.
Đợt tết này về thăm mấy ông cậu ở miền Tây. Nhìn ông cậu ở Vĩnh Long uể oải chống nạng quanh vườn mà buồn, mận rụng đỏ gốc không ai lượm vì giá bán rẻ quá. Ngồi hỏi chuyện, cậu nói mấy đứa cháu giờ trôi dạt về Sài Gòn và Cần Thơ làm công nhân hết rồi, ở đây làm gì sống. Có mười mấy công vườn, hơn hai chục năm nay nghe theo nhà nước chuyển đỗi cây trồng vật nuôi cũng đôi lần, được giá một vài năm rồi ế nên oải quá. Dạo này thấy trực thăng bay vòng vòng chụp hình, nghe đồn sắp quy hoạch khu công nghiệp gì đó nên dân trong vùng cũng không còn thiết tha chăm sóc vườn tược.
Mấy em cháu công nhân ở khu nhà trọ gần nhà, uể oải than vãn, lương lên có chút xíu hà, thức ăn lên gấp đôi gấp rưởi…Kiểu này sang năm hết về quê ăn tết.
Bà cụ già uể oải cầm xấp vé số, còng lưng trên phố tìm ngỏ lên thiên đường XHCN.
Các cụ hưu trí ngồi cùng nhau, uể oải tính toán xem trong những năm qua nhà nước làm cầu cống đường sá hết bao nhiêu tiền, mà bây giờ nợ quốc gia lên tới một phần ba Gi Đi Pi (GDP). Rồi mỏ dầu Bạch Hổ hút lên sắp cạn, bán được bao tiền và tiền đó đi về đâu…? Chỉ bàn cho vui để cạn ấm trà, chứ những con số nhạy cảm này đều thuộc “bí mật quốc gia”.
Những người lính QĐNDVN uể oải ngồi lau súng trong doanh trại, bởi cấp chỉ huy nói rằng: Hoàng Sa, Trường Sa đang bị chiếm giữ bởi quân đội nước bạn. Ngư dân VN đang bị đuổi bắt, bị tống tiền bởi những người bạn lớn. QĐNDVN chỉ đánh kẻ thù chứ không đánh bạn, mà có muốn đánh nước bạn này cũng không lại vì nó…quá lớn.
Giới bloggers đang uể oải viết blog, bởi viết dỡ thì không ai xem. Viết hay quá như Huy Đức thì mất blog.
Còn nhiều đối tượng đang uể oải lắm nhưng không tiện nêu ra, kể cả giới chức có thừa quyền lực và tiền bạc. Họ đang ưu tư không biết phải hạ cánh nơi nào cho an toàn khi thời cuộc có thay đỗi.
Ngày Tết đã qua…
Một con én không làm được mùa Xuân. Nhiều con én đậu uể oải cũng không tạo nên được mùa Xuân, nhất là khi ngày Xuân đó còn mang bầu trời xám chì lạnh lẻo của tiết Đông.
Mong rằng Xuân lại đến.
.
.
No comments:
Post a Comment