Wednesday, January 27, 2010

BẢN ÁN "TRẢ ĐŨA" NHỮNG NGƯỜI BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN

'Bản án trả đũa' đối kháng
BBC
Cập nhật: 15:02 GMT - thứ tư, 27 tháng 1, 2010
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/01/100127_luat_su_letranluat.shtml
Một luật sư có tiếng của Việt Nam, ông Lê Trần Luật đã vừa lên tiếng nói rằng bản án cách đây một tuần đối với ông Trần Hùynh Duy Thức chỉ có tính 'đe dọa'.
Luật sư này nói chính quyền đã có bản án mang tính "trả đũa" ông Thức chứ không có tính giáo dục.
Vụ xử án đã gây ra những phản ứng quốc tế đòi Việt Nam tôn trọng quyền con người, một điều mà chính quyền Hà Nội nói là "can thiệp vào công việc nội bộ" của Việt nam.
Luật sư Lê Trần Luật nói với BBC hôm 27/1 xem ra hành vi và cáo trạng giống nhau, chỉ khác là có bị cáo lãnh án nặng hơn một cách vô lý.

LS Lê Trần Luật: Những gì các phương tiện thông tin đại chúng mô tả về các hành vi của những người đó thì tôi cho rằng xét trong một tổng thể thì vai trò của những nhân vật là ngang nhau, các tình tiết trong vụ án được xem như là giống nhau và chỉ khác nhau một chỗ là đối với ông Trần Huỳnh Duy Thức thì ông ta không công nhận mình có tội. Nó khác với ông Lê Công Định là thừa nhận mình có tội.
Chỉ có khác nhau một tình tiết là tình tiết giảm nhẹ xin khoan hồng của nhà nước thì theo tôi không thể xử ông Trần Huỳnh Duy Thức với một mức án khá cao, với một khoảng cách so với ông Lê Công Định 11 năm.
Tôi cũng xin lưu ý rằng việc bị can không nhận tội đó không phải là tình tiết tăng nặng mà chúng ta buộc phải thấy rằng ...đó là việc hết sức bình thường và tại chốn pháp đình thì đó là quyền của bị can.
Không thể xem chuyện đó là một thái độ đối với nhà nước hoặc là một thái độ để làm tăng hình phạt mà phải thấy đó là chuyện bình thường. Và tôi cho rằng cách tòa xử cũng như truyền thông chính thống Việt Nam đưa tin làm cho dư luận thấy rằng nếu anh nhận tội thì anh được sự khoan hồng của nhà nước còn nếu như anh không nhận tội thì anh phải chịu một hình phạt cao.
Như vậy hình phạt ở đây không phải đạt mục đích giáo dục mà chỉ đạt mục đích đe dọa. Tôi cũng xin nhắc lại rằng hình phạt chỉ có tính giáo dục khi và chỉ khi, khi và chỉ khi, hình phạt đó thể hiện sự công bằng trong một bản án.
Ở đây tôi cho rằng bản án đã không công bằng khi cá thể hóa bản án giữa ông Trần Huỳnh Duy Thức và ông Lê Công Định và do đó tôi cho rằng hình phạt đối với ông Trần Huỳnh Duy Thức chỉ mang tính chất đó là đe dọa đối với các thành viên còn lại trong xã hội và trả đũa trực tiếp đối với ông ta.

BBC: Nhưng thưa luật sư nếu thực sự chính quyền chỉ muốn răn đe và đe dọa không thôi thì có lẽ họ đã thành công đúng không ạ?
LS Lê Trần Luật: Tôi nghĩ họ đã thành công không phải trong phiên tòa này mà rất nhiều phiên tòa khác và kéo dài trong lịch sử tố tụng Việt Nam - đó là lịch sử của một sự đe dọa.
Có thể tôi nói hơi cực đoan nhưng tôi đã nghĩ như thế bởi vì tôi trong suốt quá trình làm việc tôi đã nhận thấy rằng nếu người nào nhận tội thì lập tức họ xử nhẹ và người nào không nhận tội thì họ nghĩ rằng đó là thái độ chống đối trực tiếp đối với nhà nước tại phiên tòa.
BBC: Và như vậy là cho tới nay thì dường như họ thấy rằng nếu đe dọa thành công thì tính giáo dục của các bản án thì có lẽ là hàng thứ yếu phải không ạ?
LS Lê Trần Luật: Dạ vâng, tôi cho rằng khi tính răn đe được đẩy lên cao thì tính giáo dục nó bị xuống thấp. Và khi nó bị xuống thấp thì nó sẽ tạo ra một ý thức của xã hội đó là sợ, sợ cái tính đe dọa của hình phạt chứ không phải là người dân xuất phát vì lẽ công bằng của pháp luật mà tôn trọng mà sợ một bản án đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của mình.
BBC: Và vừa rồi qua theo dõi thì cũng thấy là các thành viên trong gia đình những người bị kết tội phải ngồi ở ngoài trong khi mẹ của một trong các bị cáo nói những người hàng xóm lại được vào trong, vậy cái này về mặt luật pháp có gì trái luật không ạ?
LS Lê Trần Luật: Có những phiên tòa nhạy cảm họ đã bố trí một cách thức như thế. Tôi cho rằng việc không cho người nhà bị can vào trực tiếp trong phiên tòa có thể nó không vi phạm pháp luật nhưng nó trái với truyền thống cơ bản của chốn pháp đình đó là phải cho người thân của gia đình bị cáo vào.

Thay đổi chế độ

BBC: Luật pháp ở Việt Nam và ở Trung Quốc thì gần đây ở Trung Quốc một quan chức luật pháp cao cấp nhất nói rằng luật pháp là để bảo vệ Đảng thì Việt nam và Trung Quốc có nhiều điểm giống nhau vậy trong khía cạnh này họ có giống nhau không ạ?
LS Lê Trần Luật: Tôi cho rằng họ đã giống nhau. Tôi nói ví dụ Bộ Luật Hình sự trong đó họ xác định nhiệm vụ của Bộ Luật Hình sự là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và trung tâm của chế độ xã hội chủ nghĩa là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định tại điều 4 (của Hiến pháp). Như vậy thì nhiệm vụ của luật hình sự bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa là bảo vệ quyền của Đảng Cộng sản.
BBC: Trong blog của Luật sư thì Luật cũng nói rằng để thay đổi tình trạng pháp luật có bản chất giai cấp và pháp luật có tính chất "suy đoán có tội" thì chỉ có một cách phải "thay đổi thể chế chính trị" thì điều này có nhất thiết không ạ?
LS Lê Trần Luật: Với nhận định của cá nhân mình thì tôi cho rằng đó là điều cần thiết.
Tôi cho rằng khi mà họ dựa trên một học thuyết Mác - Lênin hay tôi gọi chung là những người theo xã hội chủ nghĩa là những người Mác-xít thì họ đã hình thành một ý thức hệ cho rằng pháp luật nằm trong tay của nhà cầm quyền và từ đó họ bất chấp cái quy luật khách quan để đạt mục đích chính trị của nhà nước đó.
Cho nên tôi cho rằng để sửa đổi điều này thì phải sửa đổi tư duy chính trị chứ không phải tư duy pháp luật.
Tư duy chính trị ở đây là phải thay đổi tư duy rằng pháp luật có bản chất khách quan dựa trên luật tự nhiên đó là tôn trọng các giá trị quyền con người.
Nhà nước nào, tổ chức nào hay chế độ nào cũng phải lấy quyền con người, lấy quy luật tự nhiên làm nền tảng cho mình - đó là nhu cầu khách quan của xã hội chứ pháp luật không thể có bản chất của giai cấp và ý chí của nhà cầm quyền được.
BBC: Và thưa luật sư là nếu ở Việt Nam nếu một công dân Việt Nam ra đường, đeo băng-rôn, khẩu hiệu nói rằng 'Tôi muốn thay đổi chế độ' thì đó có phải là phạm luật không ạ?
LS Lê Trần Luật: Trong trường hợp này anh cũng có biết rằng họ có những điều luật về an ninh quốc gia như là tội lật đổ chính quyền, tội tuyên truyền chống chế độ. Tất cả các cái đó đều có một cấu thành hình thức đó là cấu thành có mục đích chống chính quyền nhân dân.
Thì treo một băng-rôn đó mà họ đã chứng minh được mục đích để nhằm chống chính quyền thì trong trường hợp đó họ sẽ khởi tố. Còn nếu không chứng minh được nhằm mục đích chống chính quyền mà chỉ mong muốn một tiến trình dân chủ thì nó sẽ không khởi tố.
Nhưng ở đây sự lệ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan tố tụng là khá nhiều bởi vì người ta khó đánh giá được ý thức con người rằng treo một khẩu hiệu như thế là mong một tiến trình dân chủ hay không hay là treo khẩu hiệu đó để nói xấu, hạ uy tín của đảng.

Chạy án

BBC: Ở Việt Nam tôi có nghe rất nhiều, dĩ nhiên là không có bằng chứng cụ thể để xác minh được, những chuyện chạy án, rồi án có thể đã được sắp xếp, thì như vậy tôi thấy vai trò của luật sư, nếu chuyện đó có thật, thì là vai trò rất mờ nhạt tại các phiên tòa đúng không ạ?
LS Lê Trần Luật: Dạ, chính xác và với bản thân tôi... sự trải nghiệm của cá nhân mình, tôi cho rằng việc chạy án là có. Việc sắp xếp những mức án là có thật và như anh nói vai trò của luật sư chưa được tôn trọng, theo tôi, quan điểm của anh là chính xác.
BBC: Nhưng trong những phiên tòa có tính chất nhạy cảm như vừa rồi, cái tội lật đổ đó thì liệu các luật sư có đủ can đảm để tranh tụng hết mình không ạ?
LS Lê Trần Luật: Tôi cho rằng sẽ rất ít luật sư đủ can đảm để nói lên quan điểm bảo vệ thân chủ của mình.
Tất nhiên còn nhiều luật sư khác phải chịu ở trong tình trạng bị quấy rối như thế thì họ mất đi can đảm để nói lên rằng thân chủ của họ là vô tội, thân chủ của họ là đúng khi đã hành động như vậy.
Bởi vì họ đã thấy những sự đe dọa trước mắt. Ví dụ như tôi, tôi cũng từng bào chữa nhiều vụ nhạy cảm và khi tôi trình bày quan điểm bảo vệ thân chủ của mình thì rõ ràng quan điểm của tôi trong chừng mực nào đó đã đi ngược lại và chống lại các chính sách cũng như quan điểm của Đảng Cộng sản và các vị cũng thấy họ đã tước thẻ luật sư, họ đã tìm mọi cách để tôi không làm luật sư nữa.
Và điều này được phản ánh ngay tại phiên tòa là có một nhân vật, nhân vật Lê Thăng Long nếu tôi nhớ không lầm, đã từ chối luật sư vì cho rằng luật sư không cùng quan điểm với mình.
Tôi chưa biết quan điểm như thế nào nhưng Lê Thăng Long đã khẳng định mình không có tội mà Lê Thăng Long nói quan điểm của mình trái với luật sư điều đó chứng tỏ luật sư chuẩn bị bào chữa cho Lê Thăng Long rằng có tội và xin nhà nước khoan hồng.
BBC: Và trong tình trạng như hiện nay liệu có cơ sở nào để hy vọng sẽ có thể có thay đổi trong thời gian tới không ạ?
LS Lê Trần Luật: Tôi luôn luôn tin và tôi luôn hy vọng như thế.
Như tôi nói là pháp luật có nhu cầu khách quan, đó là nhu cầu ngoài thực tế, ngoài xã hội, nhu cầu của những người dân dựa trên các quyền và lợi ích của họ là một nhu cầu khách quan, có thể thúc đẩy và đẩy nhanh tiến trình này hơn, bắt buộc nhà nước phải thừa nhận những cái gì thuộc về những quy luật khách quan chứ không thể dùng ý chí của giai cấp cầm quyền để kìm hãm sự phát triển này được.


No comments: