Friday, January 29, 2010

VÔ CẢM

Vô cảm
Ngô Nhân Dụng
Thursday, January 28, 2010
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=107577&z=7
Trên con đường vào công viên, tôi thấy một phụ nữ đang lúi húi lượm những trái thông khô trên mặt đất, bỏ vô cái túi ni lông xách trên tay. Người đàn bà da trắng đã lớn tuổi ngẩng lên cười, giải thích: “Ðem về đốt lò sưởi.” Chiều hôm đó chúng tôi cũng bắt chước. Trong khi đi tìm những trái thông khô để nhặt lên bỏ vô túi, tôi chợt nhớ đến một tiếng Việt lâu lắm không dùng: Ðộng từ Mót. Tôi đi “mót quả thông.” Các bạn trẻ không quen nghe, có thể không hiểu động từ này.

Trước đây 50, 60 năm, ở làng quê tôi sống, người ta đi “mót lúa, mót ngô, mót đỗ.” Một bữa đi qua thửa ruộng thấy mấy người đang đi mót những hạt thóc còn bỏ sót, tôi cũng tính bước xuống tìm nhặt, mẹ tôi níu lại, không cho. Thời gian đó, gia đình tôi cũng ăn cơm độn ngô, độn khoai hay sắn (khoai mì). Mẹ bảo: Nhà mình còn có cái ăn, mình không mót tranh của họ.

Tức là trong làng đã có một “giao ước” với nhau, không thành văn, nhưng ai cũng đồng ý. Người còn miếng ăn thì không đi mót lúa, mót ngô. Ðể cho những người nghèo nhất làng còn cơ hội kiếm được mấy hạt cơm hạt bắp. Nếu cũng đi mót lúa thì mình ăn tranh của họ hay sao? Trong nền văn minh nào cũng vậy, ngoài những luật lệ thành văn có những tập tục giúp chúng ta ăn ở cho phải đạo làm người. Khi lúa chín, các hạt thóc thuộc quyền sở hữu của chủ ruộng. Nhưng sau khi gặt hái xong rồi, còn lại những hạt thóc rơi vãi bỏ đó cũng “phí của giời,” được coi là của chung, ai muốn vào mót cũng được. Nhưng mọi người lại đồng ý nên để dành những hạt thóc rơi đó cho những người nghèo nhất làng, không được “tranh ăn” với họ. Ai vi phạm quy tắc này chắc sẽ bị người làng khinh rẻ. Người ta không sợ luật pháp bằng sợ bị người khác khinh rẻ, đó cũng là một nền tảng của đạo lý.

Nói đến những chuyện trên, lại nhớ đến chữ “mót” mới được dùng trong câu chuyện được báo chí trong nước đăng tuần trước. Ba phụ nữ vào đồn điền Trường Ngọc ở Ban Mê Thuột “mót cà phê,” những trái cà phê rơi vãi sau khi công nhân đồn điền đã làm xong việc. Ðồn điền có chó canh, bà Phạm Thị Ngắn chạy chậm chân bị một con chó Béc giê quật ngã.

Người trông đàn chó đi xe máy tới, bà Ngọc van xin, ông ta nói: “Ai bảo vào? Cho chết.” Rồi thả đàn chó 5 con ra tấn công. Bà Ngắn bị đàn chó cắn chết. Ông cai chó đồn điền huýt sáo thu binh. Hai cô gái khác chạy kịp leo lên cây, chứng kiến cảnh đàn chó ăn thịt bà Ngắn, kéo lê thi hài bà hàng chục thước. Ai cũng phải cảm thấy xấu hổ vì không ngờ người Việt Nam lại đối xử phi nhân với nhau như thế.

Ðọc bản tin trên thì phải thấy là những người dân nghèo nhất ở làng tôi, sống trước đây 50, 60 năm, là những người may mắn. Họ sống trong một xã hội mọi người đối xử với nhau có tình cảm, có bao dung, biết thương hại. Sống trong một làng với nhau, biết thương xót nhau một cách kín đáo, nên để cho người nghèo đi mót những hạt thóc, hạt ngô rơi vãi sau mùa gặt. Ngày nay, người mình sống trong một khung cảnh khác hẳn, cho nên câu chuyện phi nhân trên mới xảy ra.

Trong cuốn phiếm luận “Nhân Nào Quả Ðó,” nhà văn Vương Trí Nhàn có lúc tóm tắt vài quy tắc sống, mà ông gọi là những Luật Miệng, bất thành văn trong xã hội chung quanh ông: “Chỉ biết đến đồng tiền mang về, còn như uy tín, danh dự, việc ấy không quan trọng. Chỉ biết nhà mình, còn việc chung của cả xã hội hơi đâu mà lo cho mệt!” (xuất bản năm 2004 ở Hà Nội, trang 33).
Có phải vì người ta quen sống với những quy tắc này mà trong xã hội có những chuyện như ông cai đồn điền thả chó săn ra cắn chết người, chuyện cha mẹ đánh chết con, hay chuyện bố mẹ chồng trói con dâu bỏ ra đường mà đánh đập không cho hàng xóm can hay không?

Nhưng những “luật miệng” mà Vương Trí Nhàn nêu ra thì ở nước nào cũng thấy có, không riêng gì ở nước ta. Tham tiền là một động cơ thúc đẩy cho kinh tế phát triển. Chỉ những người đi tu họa chăng mới từ bỏ được dục vọng đó. Quyền tư hữu cũng là một nền tảng của sự phát triển văn minh, bỏ cái quyền tư hữu đi, những người chủ trương công hữu tha hồ vơ vét vào túi riêng, đạo đức xã hội càng xuống thấp. Người dân những nước văn minh nhất cũng thường cũng lo cho mình, cho gia đình mình, trước khi lo cho người chung quanh. Những người như bà Mẹ Tê Rê Sa rất hiếm cho nên chúng ta mới tán thán và kính trọng.
Nhưng tại sao ở nhiều xã hội khác, họ vẫn theo những “luật miệng” đó mà phong tục không suy đồi như những cảnh phi nhân mà báo chí ở nước ta tường thuật?

Có lẽ bởi vì ai cũng biết lòng tham và óc ích kỷ vốn có sẵn trong loài người cho nên ở các xã hội văn minh người ta lo tìm cách hạn chế các tật đó. Ðể sống đúng tư cách con người hơn. Khi lòng tham và óc ích kỷ được phóng tay thả lỏng không biết đâu là giới hạn thì nó sẽ làm cho cả phong hóa xuống thấp, con người không còn nghĩ đến danh dự, uy tín nữa.

Có cái gì để hạn chế lòng tham và lòng ích kỷ? Một phần là luật lệ, phần nữa là người ta trông mà bắt chước lẫn nhau, nhất là trông lên những người nắm quyền bính.

Ở các xã hội văn minh người ta tôn trọng quyền tư hữu, nhưng không cho phép ai nhân danh quyền đó mà giết người một cách phi nhân như cảnh xua đàn chó ra cho chúng ăn thịt người, rồi thản nhiên nói: Cho chết. Luật lệ các thành phố thường bắt buộc những chủ nhà nuôi chó dữ phải yết bảng báo cho công chúng biết, để người ta tránh. Phải đặt nhiều tấm bảng như vậy, sao cho ai vô tình cũng phải trông thấy. Ở các xã hội tiến bộ có rất nhiều luật hạn chế việc sử dụng quyền tư hữu để bảo vệ sự an toàn của người khác, nói chung là của công chúng. Anh lái một chiếc xe chở dầu, khí đốt, thì phải viết hàng chữ lớn báo động: “Chất dễ cháy, dễ nổ,” cho người khác đề phòng. Khi mua một món hàng gói bằng bao ni lông, ai cũng thấy trên bao viết rõ những hàng chữ đủ lớn cảnh cáo công chúng phải coi chừng đừng để trẻ em chơi với cái bao ni lông, có thể bị chết ngạt. Người bỏ rác có chất độc hại, chất nổ ở nơi công cộng thì bị phạt, vì những người đi lượm rác vô tình có thể bị tai nạn. Một lối đi trong cửa hàng mới lau rửa bằng nước phải để tấm bảng “Ðường trơn trượt. Coi chừng té” để mọi người biết mà đề phòng.

Những luật lệ như vậy đặt ra thường để hạn chế quyền của những người có tiền và có quyền trong xã hội. Cho nên khi những người có quyền và có nhiều tiền mà không bị bắt buộc thì họ không tự ý đặt ra những thứ luật lệ như vậy. Chỉ khi nào công chúng, tất cả mọi người dân đòi hỏi, những đại diện của họ, từ các nghị viên thành phố cho đến các đại biểu quốc hội, mới làm ra luật để bảo vệ công chúng. Chỉ cần một tai nạn xảy ra là cả nước xôn xao, người ta phải tìm hiểu tại sao và làm cách nào tránh những tai nạn tương tự. Khi đó, các đại biểu của dân làm ra các luật lệ mới. Tất nhiên điều đó chỉ diễn ra khi các đại biểu là do dân chúng tự do lựa chọn, chứ không phải do một đảng cầm quyền chọn trước trong phe cánh của mình. Chỉ khi nào các đại biểu biết mình chịu trách nhiệm trực tiếp với cử tri, chứ không phải chỉ cần làm theo “lệnh trên” của đảng là đủ, thì chúng ta mới có những luật lệ bảo vệ người dân trước những kẻ nhiều tiền và nắm quyền bính.

Cho nên, khi được một đài phát thanh quốc tế phỏng vấn về vụ thả chó cắn chết người, Sử gia Hà Văn Thịnh ở Việt Nam không phê phán ông chủ đồn điền cà phê mà lại nói, “Cái buồn lớn nhất của tôi là có nhiều người bất tài đang nắm cương vị lãnh đạo.”

Những người nắm cương vị lãnh đạo không cảm thấy trách nhiệm họ là phải bảo vệ sự an toàn của công chúng, trong đó có những người nghèo khổ phải đi mót cà phê, những em bé đi lượm rác. Cho nên mới không có luật lệ hạn chế quyền của các vị chủ nhân, hoặc có những luật lệ từ thời Pháp thuộc nhưng bây giờ không ai thi hành. Người ta không thi hành, biết vì nếu có tai nạn thì họ cũng được tha, nhờ quyền thế hoặc nhờ tiền đút lót.

Ông Hà Văn Thịnh đã nêu ra những thí dụ cho thấy những kẻ có quyền thế ở Việt Nam thuộc một giai cấp được ưu đãi. Họ sống bên trên luật pháp. Ông kể trường hợp 3 nông dân ở Lâm Ðồng ăn trộm hai con vịt để nhậu, ra tòa bị tổng cộng 13 năm tù; còn một ông giám đốc ở Hà Nội lái xe không có bằng, đâm chết hai người, chỉ bị 36 tháng tù treo! Mạng hai con người không lớn bằng 2 con vịt!

Ông Hà Văn Thịnh nhận xét, “Hàng ngàn năm người dân bị sức ép, phải luồn cúi, phải chịu đựng, phải khom lưng lại. Và phải chấp nhận tất cả mọi điều đó. Nó làm cho mệt mỏi chai lỳ. à Vô cảm hầu như trở thành một căn bệnh, căn bệnh kinh niên của xã hội bây giờ. Họ thấy đấy nhưng mà họ (mặc) kệ, mỗi người lo thân mình.” Câu cuối cùng cũng là nhận xét của nhà văn Vương Trí Nhàn, đã nêu trên đây.

Nhưng khi báo chí trong nước cũng như ở nước ngoài đều loan tin và bàn luận về cái chết thảm thương của bà Phạm Thị Nhắn, thì chúng ta có thể thấy là xã hội Việt Nam cũng không hoàn toàn vô cảm như ông Hà Văn Thịnh lo lắng. Cái chết của bà sẽ không vô ích, nếu như nó thúc đẩy sự thay đổi trong xã hội Việt Nam. Người Việt Nam vẫn còn rất nhậy cảm trước những hành động tàn nhẫn, bất công. Không ai chấp nhận cách đối xử tàn ác, phi nhân đối với những phụ nữ nghèo phải đi mót.

Như nhà văn Vương Trí Nhàn dẫn lời Tchekov trong cuốn sách của ông: “Người Trí thức là lương tâm của một dân tộc.” Các nhà văn, các sử gia, các người viết báo, đều là những nhà trí thức. Lương tâm của dân tộc không chấp nhận người Việt Nam sống với nhau một cách phi nhân như những kẻ thả chó cắn chết người. Muốn chấm dứt cảnh phi nhân đó, phải đặt ra luật lệ hạn chế quyền của những kẻ có tiền và có quyền thế. Phải trả lại cho mọi người dân quyền chọn những kẻ cầm quyền, từ trung ương tới địa phương. Những người chiếm độc quyền lãnh đạo mà không chịu sự kiểm soát của người dân bỏ phiếu thì họ sẽ tiếp tục để mặc cho xã hội sống phi nhân như vậy.



No comments: