Thursday, October 15, 2009

ĐƯA GIẢI THƯỞNG NOBEL HOÀ BÌNH RA BÃI PHẾ LIỆU


Đưa Giải thưởng Nobel Hòa bình ra bãi phế liệu
Bronwen Maddox
Lê Diễn Đức dịch
15/10/2009
http://www.talawas.org/?p=11651
Lời người dịch: Giải thưởng Nobel Hòa bình 2009 được trao cho Tổng thống Mỹ Barack Obama vì những “nỗ lực ngoại giao củng cố hòa bình và hợp tác giữa các dân tộc”.
Các chính phủ từ Vatican đến Liên đoàn Ả-rập đều khen ngợi sự lựa chọn Obama. Thủ tướng Pháp nói “Obama xứng đáng với Giải thưởng vì đã đưa nước Mỹ trở lại con tim của mọi người trên thế giới”. Giám đốc Ủy ban Nobel, ông Thorbjørn Jagland, giải thích rằng, “Đây không phải có gì sớm. Obama đã làm thay đổi bầu không khí quốc tế. Sau ba năm nữa sẽ quá muộn”…
Tuy nhiên, Giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay đã gây nên những cuộc luận bút sôi động, nghiệt ngã trên các phương tiện truyền thông thế giới có uy tín cũng như bình dân.
Lấy lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ P.J. Crowley: “Theo quan điểm của chúng tôi, Giải Nobel Hòa bình của Obama mang đến động lực cho chúng ta, bởi nước Mỹ được chào đón bằng những cái ôm hôn hơn là… những chiếc giày”,
báo Tuần Việt Nam nhận định là “Obama + Giải Nobel = hai cú đấm” nhắm vào chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống W. Bush và “ngậm ngùi… Bill Clinton”.

Để có cái nhìn khách quan, đầy đủ hơn cho sự kiện này với những ai quan tâm, theo phương thức đưa cả chiếc bánh mỳ ra chứ không phải một nửa, ngoài bài dịch của phóng viên nhật báo Anh The Times, tôi tổng hợp trích dẫn các nhận định khác nhau dưới đây:
- Claude Fitousi, chuyên gia Pháp về đối thoại xã hội: “Khi Obama thắng cử, tất cả những người thua kém hơn trên thế giới – người da đen hay dân chúng Ả-rập – đều chào đón chiến thắng. Cử tri của ông đã thành công trong việc phá vỡ ngăn cách chủng tộc, chứng minh cho thế giới một bộ mặt đẹp của nước Mỹ. Nếu ai đó xứng đáng được khen thưởng, chính là họ. Sau bầu cử, Obama đã làm rất nhiều việc cho sự đoàn kết chủng tộc. Có lẽ đây là tiêu chỉ duy nhất cho Giải thưởng Nobel. Thế nhưng ông đã làm được gì cho hòa bình? Không có gì hết, còn quá sớm để đánh giá. Ủy ban Nobel sẽ nói gì nếu sau một năm nữa tại Afghanistan sẽ dẫn tới một bể máu? Còn nếu tính rằng Obama sẽ rút quân khỏi Afghanistan và Iraq thì Giải Nobel xứng đáng với sự… ngây thơ của ông, mà ông ta thì không hề ngây thơ chút nào. Bỏ đi những cử chỉ bề ngoài, ông ta sẽ tiếp tục chính sách của Mỹ.”
- Cornelius Ochmann, nhà phê bình Đức của Bertelsmann Fundation: “Berlin chính thức vui mừng trước Giải thưởng Nobel dành cho vị Tổng thống Mỹ được ưa thích ở nước chúng tôi. Thế nhưng thật khó hiểu tại sao Ủy ban Nobel lại quá chú ý vào chính sách của Mỹ. Và Obama xứng đáng với cái gì để được trao Giải thưởng đó?”
- Lech Walesa, Giải thưởng Nobel Hòa bình 1983, cựu Thủ lĩnh Công đoàn Đoàn kết Ba Lan: “Còn quá sớm. Ông ta chỉ mới bắt đầu hành động. Chúng ta hãy cho ông ta thời gian.”
- Hãng thông tấn AP: “Nobel? Vì cái gì?”
- Tạp chí Time: “Các nhà phê bình từ lâu cáo buộc Obama rằng, ông là con người của lời nói chứ không phải của việc làm. Quyết định trao Giải thưởng Nobel bất ngờ này chắc chắn sẽ làm hứng chí kẻ thù của ông hơn là những người ủng hộ.”
- Báo Washington Post: “Giải Nobel là gánh nặng cho Obama.”
- Michael Steele, sếp của Đảng Cộng hòa: “Câu hỏi cơ bản được đặt ra là: Obama đã đạt được cái gì thực chất?”
- Bartosz Weglarczyk, bình luận viên nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza: “Người ta làm cái việc giống như trao Giải thưởng Nobel Y học cho một nhà nghiên cứu đang rất muốn tìm ra thuốc trị bệnh ung thư.”
- Fredrik S. Heffermehl, Chủ tịch danh dự Hội đồng Hòa bình Na Uy: “Không hẳn thật xứng đáng. Tuy có nhiều ứng viên tệ hơn. Obama có làm một số việc nào đó cải thiện hợp tác quốc tế. Nhưng quyết định của Ủy ban Nobel là quá sớm. Ủy ban đã phá bỏ nguyên tắc trao Giải Nobel và lý tưởng của nó. (…) Sự chọn lựa Obama làm Tổng thống đã mang lại phấn chấn tại châu Âu. Giới lãnh đạo thời W. Bush với họ là cơn ác mộng. Tôi nghĩ rằng, phần thưởng cho người kế nhiệm là kết quả của sự thỏa mãn này. Nhưng tôi lo ngại rằng, điều cơ bản là một cái gì khác – đó là tiền. Ủy ban Nobel muốn sưởi ấm mình bằng sự nồng nhiệt của Obama. Có lẽ đây là con người đang nổi tiếng nhất trên Trái đất. Chọn ông ta, chứ không phải ai khác, với mục đích giành kết quả cho marketing và business. Khuếch trương tiếng nói và lợi nhuận của công ty mà chính nó là Ủy ban Nobel và Na Uy. Sự củng cố “thương hiệu” Nobel. Lý tưởng bị business đánh bại.”
- Jimmy Cater, cựu Tổng thống Mỹ: “Tổng thống Obama xứng đáng với Giải thưởng, bây giờ thì ông phải làm việc cật lực.”
- Thomas G. Weiss, giáo sư chính trị học City Univesity tại New York: “Có lẽ tất cả chúng bị bất ngờ khủng khiếp. Thông thường người ta trao Giải thưởng cho những thành quả đã thu được hoặc những nỗ lực liên tục. Trong trường hợp Obama chúng ta mới chỉ thấy những lời hoa mỹ và các phát biểu quan trọng. Có thể nói rằng, Obama nhận được Giải thưởng vì sự cải thiện bầu không khí trong quan hệ quốc tế. Tôi không dám kết luận quyết định của Ủy ban Nobel là sai lầm. Từ lâu các quyết định của Ủy ban đều thuần túy chính trị. (…) Tuy nhiên, ưu ái của Oslo có thể làm tăng thêm uy tín của Obama trong đối thoại với các nguyên thủ quốc gia của Iran và Bắc Triều tiên, hay cố gắng đi tới bước ngoặt tại Trung Đông…”
- Philippe Naughton và Tim Reid, bình luận viên nhật báo Anh The Times: “Quyết định hấp dẫn về việc trao Giải thưởng Nobel Hòa bình cho Tổng thống Mỹ là bằng chứng cho thấy rằng, chỉ cần có công chúng ủng hộ kiểu MTV, chứ không cần kết quả đạt được, để giành được sự tán thưởng. Barack Obama nên từ chối nhận Giải thưởng.”
- Michael Binyon, bình luận viên nhật báo Anh The Times: “Rõ ràng nhất là Ủy ban Nobel muốn bằng cách này biểu thị lòng biết ơn của châu Âu trước việc chấm dứt chính quyền W. Bush, xác nhận sự lựa chọn vị Tổng thống da đen của Mỹ và hy vọng Washington sẽ giữ lời hứa tái thiết lại quan hệ với thế giới.
Giải thưởng dành cho Obama có thể so sánh với Giải thưởng gây tranh cãi nhất lịch sử. Vào năm 1973, hai người được trao giải là Henry Kissinger và Lê Đức Thọ vì cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Người ta đã gọi Kissinger là kẻ chủ xướng chiến tranh vì ủng hộ việc ném bom Cam-pu-chia. Còn nhà thương thuyết Việt Nam sau đó được nhận định là kẻ dối trá – chính phủ của ông ta không bao giờ có ý định tôn vinh thỏa thuận hòa bình, mà chỉ chờ đúng cơ hội để tấn công miền Nam Việt Nam”.
______________

Tác giả Bronwen Maddox – Ảnh: The Times
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/10/BronwenMaddox-400x164.jpg

Đưa Giải Nobel Hòa bình ra bãi phế liệu. Đây là một sự xấu hổ. Và thậm chí là vật cản của hòa bình. Tổng thống Obama, khi cho phép Ủy ban Giải thưởng Nobel đáng kính thừa nhận cho mình phần thưởng này và tiếp nhận nó, trở thành một con người hão huyền và cao ngạo. Thậm chí còn là người không mấy sáng suốt và có nguy cơ bị đánh mất mình trong vòng hương hoa đang bủa vây.

Tôi phải bắt đầu từ đâu ngay giữa trung tâm của sự điên đảo lẫn lộn này? Từ cái mà người ta đã làm hoen ố một vị lãnh đạo, được Ủy ban yêu mến và ngưỡng mộ, nhưng chỉ mới có phía sau mình một phần năm của nhiệm kỳ, và chưa hoàn thành bất kỳ một vấn đề thực chất nào cho hòa bình thế giới?
Từ những động thái phóng đại, sự thiếu vắng hoang dã các tiêu chí, hoàn toàn không thích ứng và không phản ánh nhu cầu khắt khe của sự công bằng so với các đòi hỏi để thừa nhận các giải thưởng trong lĩnh vực khoa học.
Không. Chúng ta hãy bắt đầu từ một cái gì khác. Đôi khi, Giải Nobel Hòa bình bắt đầu làm tổn hại và bóp méo hình ảnh các cuộc đàm phán then chốt khác nhau. Việc Obama tiếp nhận giải thưởng vì một cái danh hão là một sai lầm, và nó sẽ cung cấp đạn cho những người phê bình ông.
Tất nhiên, chúng ta biết rất nhiều trường hợp – ví dụ như Bắc Ai-len, lịch sử không hồi kết – nơi mà Ủy ban Nobel trao giải cho sự tiến bộ trong lĩnh vực hòa bình, để sau đó nó đã bay đi như đám sương mù. Hòa bình không phải là vĩnh cửu, và luôn luôn ở trạng thái hiện hữu. Một lần đạt được không nhất thiết trở thành đá tảng và không gì có thể rung chuyển được nữa. Đây là cách tiếp cận thực tế đã khiến tôi phát nôn khi nghe thấy bất cứ giải thưởng cho hòa bình nào.
Tuy nhiên, có những người khác phủ nhận. Theo họ, sự cố gắng trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình nên được khen thưởng, cũng giống như đã đạt được vậy. Nhưng thậm chí cứ cho là như thế, thì Ủy ban đáng kính cũng trở nên ngây thơ khi xác nhận phần thưởng hay ngợi ca sự tinh khiết, mà qua những nỗ lực không thể kiểm chứng được. Có biết bao nhiêu lợi ích không rõ ràng và mơ hồ, bao nhiêu áp lực và căng thẳng, trước khi chúng ta xem trên truyền hình những cái bắt tay cuối cùng, gọn lẹ.
Thế nhưng, thiệt hại thực tế có thể gây ra chính là từ luận cứ để trao Giải thưởng Nobel Hòa bình cho một chính khách đang tích cực tham gia vào việc giải quyết cuộc xung đột. Tại sao? Bởi vì Giải thưởng làm thay đổi cán cân thế lực trong các cuộc thảo luận. Trong thời gian gần đây, ví dụ tồi tệ nhất là trao Giải Nobel Hòa bình cho Mohamed ElBaradei, người Ai Cập, nhân vật chỉ đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Theo ý kiến của nhiều người, chúng ta đang đối phó với một quyết định kỳ lạ. Thật vậy, ElBaradei chỉ đạo một tổ chức mà mục đích là thực thi – thay mặt Liên Hợp Quốc – kiểm soát việc chấp hành các điều khoản của hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nhiệm vụ của các thanh sát viên IAEA là công du khắp thế giới để theo dõi và ngăn chặn các nước đang có ý đồ phá vỡ hiệp ước.
Trong khi đó, chính phủ của Vương quốc Anh và Mỹ – cả hai nước từ lâu đã cáo buộc Mohamed ElBaradei thân Iran và che chở nó – đã tạo nên cảm giác Giải thưởng Nobel Hòa bình chỉ làm củng cố thêm niềm tin của ông rằng, ông không nên để mình bị áp lực của phương Tây.
Với Obama, trong tương lai gần phải chờ đợi hai quyết định vô cùng quan trọng. Có hay không gia tăng sự hiện diện quân sự tại Afghanistan và bật đèn xanh – hoặc thậm chí đe dọa – cho một cuộc không kích vào Iran trong trường hợp không ngăn chặn được chương trình hạt nhân của nước này. Chúng ta hãy hy vọng rằng – xem xét hai quyết định – Obama sẽ có hành động cả quyết – không bị trói buộc bởi danh dự của Giải thưởng được trao. Tuy nhiên, nếu Giải Nobel thực sự có một giá trị gì đó, nó sẽ ảnh hưởng lên – nếu nó không trực tiếp buộc chặt tay ông – hành động của những người đang cố gắng tìm kiếm đồng thuận.
Nhưng không phải nó không có giá trị gì cả. Thật thú vị, không biết ông Obama nghĩ quái quỷ gì khi thông điệp từ Stockholm tới tay ông. Rằng, đây là vinh dự và đặc cách? Thật vậy không? Phải chăng không phải là vinh dự đầy hệ lụy của những người ủng hộ cao kiến? Rằng, nó sẽ đứng trên các vết thương hôm nay trong chính sách đối nội Mỹ, nơi mà một nửa dân tộc là anh hùng, còn nửa khác là cộng sản? Tôi không nghĩ như thế – các nhà phê bình ngay lập tức đã cáo buộc ông rằng, những người cộng sản Thụy Điển giữ cái lý về phía mình. Và họ đúng khi chỉ ra cái điều mà Tổng thống bỏ qua: vóc dáng của ông đã làm lu mờ chính Ủy ban Nobel.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Obama đã giành được phần thưởng ấn tượng nhất và có giá trị. Giải Nobel Hòa bình, ngược lại với sự thành công bầu cử là một lời khen quá hào phóng và không phải đúng chỗ, nơi đã có câu nổi tiếng “con trai của tôi” nhắm vào Tổng thống trong tháng vừa rồi bởi Muammar Gaddafi. Lợi ích duy nhất của việc tiếp nhận Giải thưởng Nobel Hòa bình bởi Obama là nhờ nó mà mãi mãi Giải thưởng này có thể bị mất phần còn lại của uy tín. ■

Nguồn: Dịch từ tiếng Ba Lan, bài “Đưa Giải Nobel Hòa bình ra bãi phế liệu” của Polska – The Times, nhật báo Ba Lan Polska hợp tác với The Times của Anh quốc, ngày 12/10/2009: Tác giả của bài, Bronwen Maddox, là phóng viên của The Times:
http://polskatimes.pl/fakty/swiat/172559,ten-nobel-na-zlom,id,t.html#material_2. Toàn thể lời trích ở phần giới thiệu được lấy từ các nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza, Rzeczpospolita, Polska The Times từ 9 đến 11/10/2009.

Bản tiếng Việt
© Lê Diễn Đức & talawas blog


No comments: