Thursday, October 15, 2009

VIỆT NAM và "SEPARATION of CHURCH and STATE"


Việt Nam và “Separation of Church and State”
Tháng Mười 15, 2009 bởi
phthnguyen
Ý kiến và quan điểm xung quanh tự do tôn giáo tại Việt Nam
Trần Quốc Tuấn
http://phiatruoc.wordpress.com
Tự do tôn giáo xưa nay luôn là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, song song với quyền tự do ngôn luận và bày tỏ chính kiến. “Separation of church and state,” tạm dịch “sự cách ly giữa tôn giáo và chính quyền,” là khái niệm luôn đi đôi với quyền “tự do hành đạo” để trở thành tự do tôn giáo (TDTG). Tự do hành đạo là những quyền bao gồm như cúng bái, tế lễ, thờ phượng, truyền giáo và phát hành tài liệu tôn giáo không có sự can thiệp của nhà nước. Bài viết này xin giới thiệu đến qúy độc giả khái niệm “cách ly giữa tôn giáo và chính quyền.”

1. Nguồn Gốc
Khái niệm trên khởi nguồn từ thế kỷ XV, khi giáo sĩ Martin Luther1 xuất bản tác phẩm “Doctrine of the Two Kingdom of God” trong đó đoạn nổi bật là: “Civil government has no business in enforcing spiritual laws” (xin tạm dịch: “Chính quyền dân sự không thi hành luật tâm linh”). Đây nêu rất rõ rằng chính quyền không nên xen vào những vấn đề nội bộ tôn giáo. Sau Martin Luther, John Calvin2 tiếp nối và mở rộng khái niệm trên khi ông xuất bản tác phẩm “
Institutes of the Christian Religion” năm 1536.

2. Thực thi “Seperation of Church and State”

Khái niệm “separation of church and state” đã thành hiện thực tại Hoa Kỳ khi những nhà lập quốc học được bài học lịch sử cay đắng của Châu Âu. Họ hiểu và biết được rằng khi chính quyền hay tôn giáo xen vào việc của nhau thì thảm hoạ sẽ xảy ra. Điển hình là chín cuộc Crusades3 (Thập Tự Chinh) kéo dài gần 200 năm làm hàng triệu người phải hy sinh oan uổng. Đấy là chưa kể đến những cuộc nội chiến hoặc bất ổn chính trị tại Anh, Pháp, Tây Ban Nha và nhiều nước khác. Vì vậy, Hiến pháp Hoa Kỳ vào năm 1791 đã hiến định: “Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof4.” Nghĩa là “Quốc hội không làm luật để tôn trọng sự hình thành của tôn giáo, hoặc cấm tự do hành đạo.” Qua đây, chính phủ không được thành lập tôn giáo quốc doanh, bợ đỡ một tôn giáo, ghét bỏ một tôn giáo, hoặc xen vào chuyện thường ngày của một tôn giáo nào. Điều đó cũng không có nghĩa là cá nhân tín đồ, lãnh đạo tôn giáo không bị pháp luật trừng trị khi phạm tội.
Brazil5 đã theo gương này của Mỹ năm 1890. Úc nối bước năm 1901 và kế đến là Pháp năm 1905. Anh Quốc là trường hợp cá biệt vì vua Henry VIII tự dựng lên giáo hội Anh Quốc vào đầu thế kỷ XVI, tách chính quyền ra khỏi sự khống chế của Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã. Anh Quốc đến nay có hiến định tôn giáo chưa thành văn (unwritten Constitution), và tôn giáo đều dựa theo phong tục, truyền thống của nước này. Khái niệm “separation of church and state” cũng đã hiện hành ở các nước Châu Á như Ấn Độ (1949), Nhật Bản (1947), Singapore (1963), Philippines (1987), Nam Hàn (1987), Mông Cổ (1992), Thái Lan và Đài Loan (không rõ năm).

3. Việt Nam có thực thi “Seperation of Church and state”?
Tuy điều 70 Hiến pháp Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam5 có hiến định “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”, nhưng lại có nhiều mâu thuẩn, chồng chéo, không rõ ràng. Vì đoạn cuối của điều 70 cũng hiến định “Không ai được lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Năm 2004,Quốc Hội Việt Nam ban hành Pháp lệnh Tín ngưỡng-Tôn giáo6 (PLTNTG) và hầu hết những điều trong đó đã tạo bàn đạp pháp lý để chính quyền xen vào chuyện thường ngày của tôn giáo khi cần. Một số điều luật và quy luật đáng quan tâm:
Điều 12 ghi rằng: “Người phụ trách tổ chức tôn giáo cơ sở có trách nhiệm đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm và [phải được] thẩm quyền chấp thuận việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng do Chính phủ quy định”.
Điều 16 đòi hỏi hàng loạt điều kiện để nhà nước “công nhận” một cơ sở tôn giáo.
Điều 22 thì quy định khi một cơ sở tôn giáo “phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử trong tôn giáo” phải hội đủ những điều kiện như “công dân Việt Nam, có tư cách đạo đức tốt, có tinh thần đoàn kết, hoà hợp dân tộc” và cũng phải thông báo và đăng ký với chính quyền.
Điều 23 quy định khi di chuyển để truyền giáo, các nhà tu phải thông báo và đăng ký với Ủy ban Nhân dân cấp huyện.
Điều 24 quy định “Việc thành lập trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ”.
Thực tế cho thấy Nhà nước Việt Nam có quá nhiều điều khoảng và quy định dành riêng cho tôn giáo. Vì thế nên bất kỳ một cơ sở tôn giáo nào muốn được chính quyền “công nhận” phải nằm trong vòng tay nhà nước. Cụ thể là nhà nước Việt Nam hiện nay không công nhận Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chỉ vì giáo hội này không chấp nhận sự khống chế của Mặt Trận Tổ Quốc, tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đây rõ ràng chính phủ muốn kềm chế và quản thúc tôn giáo. Và điều này là sự xâm phạm trắng trợn đến tự do tôn giáo, đi ngược lại công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.

4. Thay lời kết
Qua điều 70 Hiến pháp CHXHCN Việt Nam và những quy định trong Pháp Lệnh Tín Ngưỡng Tôn Giáo, chính quyền có thể xen vào chuyện nội bộ tôn giáo bất cứ lúc nào bằng cách chụp mũ cho tôn giáo đó phạm vào điều này, luật kia. Và vì việc hành đạo còn bị hạn chế bởi quá nhiều quy định nhà nước, từ cấp tỉnh lên đến Thủ tướng!
Do dó, Viêt Nam vẫn chưa thật sự, đúng hơn là chưa bao giờ có sự cách ly giữa chính quyền và tôn giáo. Thiết nghĩ nếu tín ngưỡng không bị ảnh hưởng và khống chế tại Việt Nam, có lẽ những xung đột đáng tiếc giữa tôn giáo và chính quyền đã không xảy ra và gây cho thế giới nhiều bất bình đến như hiện nay.

Tài liệu tham khảo
1.Giáo sĩ Martin Luther và tác phẩm Doctrine of the two Kingdoms of God
http://en.wikipedia.org/wiki/Doctrine_of_the_two_kingdoms
2. Giáo sĩ John Calvin và tác phẩm Institutes of the Christian Religion
http://en.wikipedia.org/wiki/Institutes_of_the_Christian_Religion
3. Những cuộc Thập Tự Chinh từ năm 1095-1291
http://en.wikipedia.org/wiki/Crusade
4. Amendment I trong Hiến Pháp Hoa Ky, được phê chuẩn năm 1791
http://www.archives.gov/exhibits/charters/constitution_transcript.html
5. Điều 70 Hiến Pháp Việt Nam hiện hành
http://laws.dongnai.gov.vn/1991_to_2000/1992/199204/199204180001
6. Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, số 21/2004/PL-UBTVQH11
http://baocao.vn/chi-tiet-tai-lieu/phap-lenh-tin-nguong-ton-giao-2004./704.html



No comments: