Friday, October 16, 2009

TỪ DỰ ÁN BAUXITE TÂY NGUYÊN , PHẢN TỈNH về CHỦ NGHĨA XÃ HỘI


Từ dự án Bauxite Tây Nguyên, phản tỉnh về chủ nghĩa xã hội
Việt Thắng
Bài này được đăng lúc 06:13 ngày Thứ Sáu, 16/10/2009
http://bauxitevietnam.info/c/13821.html
Dưới thời nửa thực dân, nửa phong kiến, con người ta bị bóc lột và mất độc lập, mất tự do. Không những đói khổ hành hạ dân thường, mà cả nỗi nhục mất nước nữa. Đảng CSVN đã thành công trong việc tập hợp quần chúng lại tổ chức đấu tranh. Và chính tình yêu nước, khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc đã thôi thúc họ đi theo Đảng CSVN. Từ “Đảng” được phát âm đầy thân yêu, thân yêu một cách chân thực chứ không theo “phong trào”, bởi đó là hy vọng, là chỗ chở che cho những con người mất nước, không cơm áo. Người ta có thể bị tra tấn hay mang ra xử bắn mà vẫn hô to: “Đảng CSVN muôn năm!”. Vô hình trung, họ đã chọn CNXH cho đất nước mà không ý thức được mô hình XHCN như thế nào. Họ chỉ tưởng tượng rất mơ hồ rằng diệt được thằng Pháp rồi, xây dựng chính quyền XHCN thì hạnh phúc cho nhân dân sẽ đến. Trên thế giới, cuộc khủng hoảng 1929-1933 cũng như tội ác thực dân khiến thế giới lên án chủ nghĩa tư bản. Rất nhiều trí thức lớn của Tây Âu đi theo cộng sản như P. Picasso, J. P. Sartre, A. Gide, L. Aragon, A. Koestler, v.v. dù về sau không phải ai cũng trung thành với chủ nghĩa này.
Trên cơ sở đó, sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám làm Đảng CSVN có một nền móng vững chắc trong lòng người dân: “Đảng đã giải phóng chúng ta khỏi xiềng xích nô lệ”. Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ càng củng cố niềm tin của người dân vào Đảng CSVN và CNXH. Hàng núi bom đạn của Mỹ trút xuống miền Bắc phá hoại cơ sở vật chất, gây ra những vụ thảm sát nhưng vô tình lại khiến lòng tin của nhân dân vào Đảng CSVN và CNXH thêm vững chắc hơn: bọn tư bản nó xâm chiếm nước ta, nó bắn giết dân ta. Người ta chửi kẻ ngoại xâm là “bọn tư bản”. Sách vở do Liên Xô viện trợ cũng đầy ắp cụm từ “bọn tư bản”. Nhân dân hết lòng với Đảng CSVN trong công cuộc đấu tranh giành độc lập thống nhất, vô hình trung chấp nhận CNXH. Thời ấy đã nhan nhản “quan cách mạng” nhưng con người ta vì đói khổ, vì nỗi đau chiến tranh nên chưa có thời gian mà bất mãn. Thậm chí ngay cả thế giới, vì lên án tính vô lương tâm của Cuộc chiến Việt Nam cũng phủ nhận luôn mô hình thị trường tự do của Mỹ. Chủ nghĩa tư bản gây ra chiến tranh! Tội ác của Stalin và Mao vẫn chưa được phanh phui. Tây Âu choáng váng vì các kế hoạch 5 năm thành công rực rỡ của Stalin. Mao là anh hùng, không những ở phương Đông mà cả ở phương Tây. Andy Warhol đã vẽ chân dung Mao theo phong cách rất “thời thượng”, còn ở Việt Nam người dân treo ảnh Mao! Sự nghi ngờ CNXH là không thể có, và hoàn toàn dễ hiểu khi bị quy kết là “chống phá cách mạng”. Đối lập của “Việt cộng” là “Việt gian”, chứ không chỉ là “Việt phi cộng”. Thắng lợi 30/04/1975 không những làm Đảng CSVN có một vị thế vững chắc tuyệt đối trong nước mà trên thế giới, nó được coi là một thắng lợi của CNXH đối với CNTB.
Con ngỗng mới nở cho là động vật nào đầu tiên nó nhìn thấy là mẹ nó và đi theo. Có lẽ người Việt Nam cũng vậy: lóp ngóp từ dân thuộc địa thành dân một nước độc lập có tên trên bản đồ thế giới, từ chỗ đất nước bị chia cắt được hưởng thống nhất, do vậy chúng ta kiên quyết đi theo CNXH mà không cần biết vì sao. Hơn 60 năm qua chúng ta là một đàn ngỗng!
Còn một lý do nữa khiến người Việt Nam trung thành với Đảng CSVN và hoảng sợ khi nghi ngờ CNXH. Đó là di sản tinh thần của phong kiến. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trên quảng trường Ba Đình trước hàng trăm nghìn người, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thành công rực rỡ đấy, nhưng chỉ là về mặt hành chính thôi, tức là người Việt đã có một chính quyền của chính người Việt, có một đất nước của riêng mình. Còn tư tưởng con người, thì vẫn là sản phẩm của phong kiến và chưa được “cách mạng”. Thời phong kiến người ta phải trung với vua, với triều đình vô điều kiện, tức là dù họ có thối nát, chống lại họ cũng là phản quốc, và những người đứng lên khởi nghĩa cũng phải cân nhắc rất nhiều về mặt lương tâm; cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy không cãi, tính phục tùng được coi trọng hơn sự phản biện và sáng tạo (tình cờ cháu lại nhớ đến Quyết định 97). Môi trường ấy là mảnh đất thích hợp cho cái mô hình vay mượn từ Liên Xô, vốn đàn áp con người và đắc lực tuyên truyền cho nhà nước. Trách Tố Hữu một, vì viết những vần thơ “cổ động”, thơ mà chả thơ, thì trách những người vì thích nịnh mà trọng dụng Tố Hữu mười. Trong một xã hội đặt nặng hiệu quả, sự phản biện mang tính xây dựng được đánh giá cao và không có chỗ cho sự xu nịnh. Phải chăng đó cũng là một di sản phong kiến? Ngay cả khi những người làm cách mạng mà vẫn chưa được “cách mạng”, thì làm sao có “cách mạng”? Trong khi ấy người ta đàn áp Nhân Văn Giai Phẩm. Than ôi, ta làm cách mạng tư tưởng, không phải bằng Plato hay Voltaire, mà bằng thơ Tố Hữu!
Plato cho rằng: muốn thay đổi xã hội trước tiên hãy thay đổi con người; khi con người thay đổi thì xã hội sẽ thay đổi, chừng nào con người chưa thay đổi thì đừng mong xã hội thay đổi; bởi vậy, không phải vô tình mà người ta nói ta đang sống thời “phong kiến mới”: cái “danh” thì đã khác đấy: cán bộ, chính phủ, chứ không còn vua quan, triều đình nữa; nhưng cái “tính” thì vẫn thế: vẫn còn đấy những áp bức, bất công, bóc lột, tham ô, nghèo đói, dốt nát, oan sai, lệ thuộc ngoại bang.
Thật ngạc nhiên: khối Đông Âu xưa có hoàn cảnh kinh tế khá hơn hẳn các nước XHCN châu Á, và về số lượng cũng nhiều hơn hẳn, thế mà bây giờ sụp đổ hết, trong khi giờ đây CNXH ở Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên thì vẫn “vững chắc”. Có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ một trong số đó là do di sản tinh thần thời phong kiến khiến người ta dễ bảo và lương tâm không cho phép họ “phản bội vua”?
Trong khi đó người phương Tây độc lập hơn trong suy nghĩ và có dân trí cao hơn nên “cứng đầu” hơn. Dưới thời XHCN vẫn có những làn sóng đấu tranh lớn ở Đông Âu (điều này chú Huy Đức-Osin đã nói nhiều trong bài Bức tường Berlin), ở châu Á, trừ sự kiện Thiên An Môn, hình như chưa hề có những phong trào đấu tranh giống như vậy. Thử so sánh: “Sau khi Stalin chết, hơn 1 triệu người dân Đông Đức đã xuống đường biểu tình” (blog Osin), còn cũng lúc ấy bên mình Tố Hữu khóc, hay đúng hơn là tận dụng để làm công tác tuyên truyền: “Yêu biết mấy nghe con tập nói/Tiếng đầu lòng con gọi Stalin [...] Thương cha thương mẹ thương chồng/Thương mình thương một thương ông thương mười”.
Nhưng rồi cùng với thời gian, khi bão táp chiến tranh đã lùi dần về quá khứ, nhân dân cũng có thời gian nghiền ngẫm sự bất mãn của mình: tham ô hủ hóa, quan liêu bao cấp. Những ký ức về thời cải cách ruộng đất, tội ác của Stalin và Mao khiến con người nhận ra: ngay cả trong một xã hội XHCN con người vẫn có thể bị chà đạp một cách ngang nhiên và man rợ. Cuộc chiến 1979 khiến con người ta hiểu rằng người ta có thể cùng là “XHCN” mà vẫn không nhất thiết phải là “anh em”. Tiếp đó là sự sụp đổ của khối Đông Âu. Phong trào cộng sản ở các nước Tây Âu cũng trở thành quá khứ. Hơn 30 năm sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam vẫn còn nghèo khổ lạc hậu. Tham nhũng tràn lan mà người miền Nam cho là còn hơn cả thời Mỹ Diệm. Hệ thống giáo dục nặng nề, vô lý và không hiệu quả. Người ta có thể biện minh: chẳng phải xã hội đã thay đổi đó sao? Sao chỉ nhìn vào cái chưa đạt được mà phủ nhận cái đã đạt được? Câu trả lời là những thay đổi đó còn quá bé so với trí lực của người Việt Nam. Chẳng lẽ công lao của nhân dân trong hơn 30 năm chỉ là số không? Và nếu ai viện dẫn những “thành tựu trong công cuộc đổi mới” theo kiểu “Đảng đã mang đến ánh sáng, mang đến cái chữ cho buôn làng” thì là mị dân.
Dù vậy, từ sau sự kiện 30/04/1975, nhân dân Việt Nam vẫn một lòng trung thành với Đảng CSVN, dù đói khổ, dù bất mãn. Người Việt Nam quá kiệt quệ vì chiến tranh và đành hài lòng với hòa bình, độc lập. Vị thế của Đảng CSVN là độc tôn, không những cả về mặt hành chính mà cả ở trong lòng người dân. Chính vì nỗi sợ chiến tranh và mất độc lập, chứ không phải vì lý trí, mà người Việt Nam bám chắc vào Đảng CSVN.
Bởi vậy, sự thay đổi về chính trị là một canh bạc: có thể Việt Nam sẽ tốt hơn, nhưng cũng có thể Việt Nam sẽ hỗn loạn và rơi vào nội chiến hoặc ngoại xâm? Và nhiều người thà chọn độc lập và hòa bình dù không có tự do, còn hơn mang tất cả đặt vào một canh bạc.
Nhưng sự kiện bauxite Tây Nguyên khiến cháu có một cái nhìn khác hẳn: với hoàn cảnh Việt Nam, nếu có độc lập mà không có tự do thì nền độc lập ấy cũng rất dễ bị lung lay. Nói ví von là dự án bauxite Tây Nguyên đã đánh trúng cái huyệt “Tây Nguyên” của tâm hồn cháu, tức nỗi sợ chiến tranh và cảnh nô lệ. Lenin đã nói rất đúng: không ai diệt được cộng sản, trừ chính họ. Nhà nước Việt Nam đã dùng tường lửa để ngăn những website chỉ trích họ và CNXH, phạt rất nặng những người bất đồng chính kiến, nhưng chính dự án bauxite Tây Nguyên của Nhà nước mới thực sự giáng một cú mạnh vào lòng tin của cháu vào CNXH.
Vì sao? Vì khi quyền lực bị tập trung vào một số ít cá nhân, không có tự do báo chí và ngôn luận, thì lúc ấy vận mệnh đất nước, nhân dân đúng là được đặt vào một canh bạc. Chưa nói giả sử các cá nhân đó không đủ tài đức, thậm chí bị ngoại bang mua chuộc, mà ngay cả trường hợp họ là những người đủ tài đức, thì không phải không có khi sai lầm. Nhưng xã hội không thể chỉnh sửa các sai lầm đó với một giá thấp vì người dân bị tước quyền phản biện và tự do ngôn luận.
Thật mỉa mai, người ta nói: “Cải cách ruộng đất, chúng tôi đã viết trong lịch sử, coi đó là một trong những sai lầm. Và Đảng đã có kiểm điểm, công khai tự phê bình trước dân chúng ngay từ năm 1956. Sau đó đã tiến hành sửa sai và trong lịch sử đảng chúng tôi đã ghi rõ, không có gì giấu giếm, úp mở” (
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/09/090902_communist_party_comment.shtml). Nhưng ngay sau đấy (sau 1956) người ta lại gây ra Nhân Văn Giai Phẩm! Còn “sửa sai” đến bao giờ nữa hở giời? Bauxite Tây Nguyên thật ra chỉ là một sự “tiếp bước truyền thống cha anh” Cải cách ruộng đất, đánh Nhân Văn Giai Phẩm mà thôi. Đó là khi quyền lực bị tập trung và sử dụng một cách thô bạo, sai lầm. Nhưng nếu như Cải cách ruộng đất chỉ là đại họa cho giới địa chủ cũ, Nhân Văn Giai Phẩm tàn phá đời sống văn nghệ, thì chúng ta có chứng cứ để tin rằng, Bauxite Tây Nguyên là một mối nguy cho môi trường sinh thái, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, sự sống còn của dân tộc Việt Nam. Lúc ấy có “kiểm điểm, tự phê bình, sửa sai” thì sự cũng đã rồi, chẳng còn ý nghĩa.
Thiếu vắng dân chủ ở Việt Nam tai hại hơn ở Trung Quốc. Cháu cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc giống nhau ở chỗ cùng là Á Đông, cùng theo CNXH, cùng thuộc khối Khổng học, nhưng đó là bề ngoài. Bên trong có những khác biệt mang tính quyết định: Trung Quốc đất rộng người đông, ngân sách lớn, dân trí của bộ phận tinh hoa rất cao, không có những ông hàng xóm ưa chiếm đất như họ, lại có vũ khí nguyên tử, có ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế, là cường quốc, nên tuy một sai lầm của nhà nước sẽ gây họa cho rất nhiều người trong nước nhưng nhìn chung khó mà gây ra cảnh ngoại xâm hay hủy diệt giống nòi. Việt Nam nghèo và nhỏ, luôn bị họ coi là một phần đất đã bị mất, lại có vị trí địa lý rất tốt cho họ làm bàn đạp xâm chiếm Đông Nam Á và có gót chân Achilles là Tây Nguyên, chưa kể đến “ân oán” ngày xưa với Mỹ. Một sai lầm của nhà nước cũng có thể gây ra cảnh nước mất nhà tan. Vậy nên ai xem hoàn cảnh của Việt Nam và Trung Quốc là “có nhiều điểm tương đồng” thì quá hời hợt.
Bác Dương Trung Quốc đã phát biểu tại một phiên họp Quốc hội, “Bài học lịch sử cho thấy, chỉ một sai sót của Chính phủ, dân tộc phải chịu đựng hậu quả lâu dài”. Cháu nghĩ càng tập quyền thì xác suất có những sai sót không những chết người mà chết cả dân tộc, càng cao hơn.
Ngoài ra, người ta không thể lấy sự thành công về kinh tế của Trung Quốc để bào chữa cho sự thiếu hụt dân chủ và tự do ngôn luận. Như cháu đã nói, khi quyền lực bị tập trung thì vận mệnh nhân dân như được đặt lên một canh bạc: Mao lên, dân khổ; Đặng lên, dân sướng (tạm gọi là thế). Và tình hình dân chủ ở Trung Quốc có lẽ sẽ đẻ ra các Mao mới, các Giang Thanh mới để thực hiện những Văn Cách mới.
May mà trời vẫn thương dân tộc Việt vì nhờ có công nghệ thông tin, có những người tâm huyết nên mới có phong trào phản đối dự án bauxite Tây Nguyên. Nhưng cháu bàng hoàng khi đặt ra giả thiết: nếu dự án này được triển khai cách đây mười năm thôi, khi internet vẫn còn hoàn toàn xa lạ với người dân, và nếu tướng Giáp không thọ được đến thời điểm đó thì chuyện gì sẽ xảy ra? Phong trào sẽ lẻ tẻ vài người, không ai lắng nghe và ngay lập tức “âm mưu chống phá sự nghiệp đổi mới” này bị dập tắt bằng bạo tàn. Mọi người sẽ linh đình ăn mừng sự đổi thay của Tây Nguyên, đỉnh cao mới của quan hệ Việt-Trung và giờ đây….(kinh khủng quá, cháu không dám tưởng tượng nữa).
Ngay cả khi phong trào phản đối dự án bauxite này thành công (và nhất định sẽ thế) thì cháu vẫn không xem đó là một chiến thắng hoàn toàn, mà chỉ như mới tránh được một tảng đá ngầm thôi. Cả đời cháu, chừng nào quyền lực còn bị tập trung vào một số ít cá nhân và không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, cháu sẽ còn bị ám ảnh bởi những tảng đá ngầm mới. Khi những người lái tàu hoặc đui mù, hoặc bị mua chuộc, mà hành khách không có quyền lên tiếng, thì việc con tàu Việt Nam đâm phải một tảng đá ngầm nào đó là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Khi nói lên điều này, cháu có “đi ngược lại quyền lợi dân tộc, quyền lợi đất nước, đi ngược lại lý tưởng người dân đã lựa chọn” không? Có “vi phạm điều 88 bộ Luật Hình sự, tuyên truyền, chống phá Nhà nước XHCN” không?
Cháu không biết, nhưng cháu biết một điều: chính cháu cũng là một người dân, và cháu đang rất trung thực, trung thực không những với các bác và các độc giả, mà hơn nữa là trung thực với chính bản thân mình, một điều mà trong một thời gian dài cháu thậm chí còn không dám. Và nói ra những gì mình nghĩ làm cháu nhẹ nhõm. Cháu không đủ gan để tham gia đảng phái nào và người tiểu tốt vô danh như cháu còn lâu mới “có sự ủy nhiệm của giới sử gia xét lại của Mỹ”. Cháu chỉ là một người dân và thật với lòng mình. Khi một người dân chỉ vì nói thẳng nói thật mà hóa ra phạm pháp thì phải chăng chính pháp luật chứ không phải người dân ấy có tội?
Cháu đồng ý với Protagoras, người cho rằng: con người là thước đo của vạn vật, tức là bản thân sự vật chả đúng chả sai, nếu có đúng hay sai chẳng qua là do con người gán cho mà ra. Hồi xưa người ta bắn bỏ những nhà tư sản vì cho là phản động, là mối nguy cho đất nước. Nay thì thời thế đã khác. Doanh nhân thành đạt rất được trọng vọng.
Nhưng cháu cũng đồng ý với Socrates, người cho rằng: có những giá trị là vĩnh cửu và không thể thay đổi theo thời gian cũng như không gian. Bởi cháu tin rằng: ĐỘC LẬP-TỰ DO-HẠNH PHÚC mới là lẽ sống đích thực của loài người cho tới mãi mãi, mới là mục đích cuối cùng của mọi cuộc cách mạng. Mọi cái đưa chúng ta trật khỏi quỹ đạo ấy cần bị loại bỏ.
VT
HD Mạng Bauxite Việt Nam biên tập




No comments: