Friday, October 16, 2009

NGƯỜI VIỆT TỰ DO và NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN NHÌN LẠI


Cộng Đồng Người Việt Tự Do và những vấn đề cần nhìn lại
Cao Việt
Hội Cựu Sinh Viên VN Úc Châu
16.10.2009
http://www.x-cafevn.org/node/2274
(Những vấn đề được nêu ra dưới đây phần lớn phản ảnh trung thực nơi tôi cư ngụ, nhưng chắc cũng phần nào nói đến hiện tình của các CDNVTD khắp nơi trên thế giới, hy vong là những băn khoăn trăn trở này sẽ được sự chia xẽ và góp ý của quí anh chị em khắp nơi. Thân kính)

Có một hôm thằng bé con tôi lúc mới học mẫu giáo về nhà bí bô kể tôi nghe chuyện phải làm gì khi nhà cháy. Lúc đầu tôi không để ý lắm, nhưng từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, thằng bé vừa nói vừa làm động tác, khom người nằm sát xuống đất bò ra cửa tìm cách thoát thân sau khi kêu cứu ầm ỷ y như thật. Thằng bé mới gần 6 tuổi, nói năng chưa rành nhưng sau có thể nhận thức được những chuyện như vậy? Sau khi tìm hiểu tôi biết được là cháu bé vừa học được ở trường, được tổ chức và huấn luyện bởi các nhân viên cứu hỏa đến tận từng lớp.

Đây quả là một trong những cái hay của người Tây Phương. Họ rất sáng tạo trong phương pháp giáo dục, luôn quan tâm đến những điều cơ bản thực tế nhất, những điều mà có thể xảy ra hàng ngày, không mơ hồ, không lý thuyết suông.

Câu chuyện nhỏ như thế thì có gì liên quan đến những vấn đề to lớn tầm cỡ như việc cộng đồng? Xin thưa, vấn đề là ở chổ đó, người Việt mình xưa nay có khuynh hướng hay quan trọng hóa vấn đề và do thế đôi lúc thiếu thực tế mà kết quả là có những dự tính, những chương trình “xa tầm tay với”. Trong khi có những điều xem qua rất đơn giản nhưng thật ra lại đóng một vai trò hệ trọng trong công cuộc xây dựng một cộng đồng vững mạnh và có uy tín lại không được quan tâm và đầu tư đúng mức.

Có dịp tham gia sinh hoạt với cộng đồng trong mấy thập niên qua, tôi được nghe những bài diễn văn hùng hồn của bao nhiêu bậc thức giả kêu gọi đấu tranh cho quê hương giải phóng đất nước và xa hơn nữa là những kế hoạch nhằm xây dựng lại quê nhà trong thời hậu CS, hay những đại hội, phong trào với đẳng cấp thế giới. Cao cả thay những tấm lòng hy sinh và đóng góp đó! Đáp ứng lại những lời hiệu triệu, bao nhiêu hội đoàn đoàn thể đã ra đời và phát triển mạnh trong những thập niên 80, 90.

Trong những năm gần đây, các thế hệ nói trên đã bắt đầu có tuổi, phần phải lo hội nhập vào xã hội mới, một số vị cũng đã ra đi, phong trào có vẻ như chậm lại. Lẽ ra những công cuộc đấu tranh đầy ý nghĩa đó phải được tiếp nối bằng những thế hệ kế thừa! Buồn thay tre tàn thì măng mọc nhưng trong trường hợp này tre tàn muốn hết rồi mà măng cũng chẳng thấy mọc bao nhiêu!

Vì sao như thế, nguyên nhân nào đưa đến việc khủng hoảng nhân sự kể trên?!

Thưa quí vị, sau đây là những nhận xét riêng cá nhân tôi có thể đúng và cũng có thể sai, xin thành thật đón nhận ý kiến đóng góp sửa sai của quí vị.

Thế thì vai trò và trách nhiệm của CĐNVTD là gì? Theo tôi thì CĐNVTD là cơ cấu đại diện cho tập thể người Việt tỵ nạn yêu chuộng tự do ngoài trách nhiệm tranh đấu cho nhân quyền đòi hỏi tự do ấm no cho đồng bào trong nước, chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng một cộng đồng vững mạnh có uy tín tại địa phương, lại càng phải quan tâm nhiều hơn đến các phong trào thanh niên sinh viên để đầu tư vào những thế hệ kế thừa.

Với phần lớn những chương trình qui mô, những kế hoạch “xa tầm tay với” cùng sự hy sinh và đóng góp của biết bao nhiêu con tim và khối óc, nhưng xin thử nhìn lại kết quả thì chúng ta vẫn chưa áp dụng được gì vào công cuộc xây dựng và phát triển cộng đồng hiện tại, vào sự đoàn kết trong nội bộ mà ngày càng rời rạc, các phong trào thanh niên trẻ ngày càng yếu đi.

Thiết nghĩ, nếu muốn xây dựng một tiền đồn vững chắc để khả dĩ đương đầu với những biến cố sắp xảy ra. CĐ cần rất nhiều sự hậu thuẫn của tơàn dân hầu tạo nên một thế liên kết và có uy tín vững mạnh. Nhờ đó, về mặt đối ngoại chúng ta không hoàn toàn bị động, không phải chật vật đối phó với những âm mưu hiểm độc của bè lũ CS bán nước mà nguy hiểm hơn nữa là phải đối đầu với tập đoàn Trung cộng đang mưu toan nuốt chửng mãnh đất thân yêu mà cha ông đã bao đời hy sinh gìn giử. Ngoài ra, sự đoàn kết tất yếu đó sẽ giúp cho CĐ tránh khỏi những tranh chấp nội bộ, những mâu thuẫn sâu sắc của những thành viên vốn đã từng là những “chiến hữu” năm xưa nay trở nên trầm trọng kéo theo cả báo chí và luật pháp, điều này làm cho đồng bào hoang mang, phân hóa, lớp trẻ mất niềm tin và dần dần xa lánh.

Nhân đây, trước cái thảm họa diệt vong gần kề tôi mạn phép xin gởi những lời nói thiết tha này đến quí vị, xin quí anh chị hãy đặt quyền lợi của đất nước lên trên mà cùng nhau tạm thời gác lại những mâu thuẫn cá nhân để cùng mưu tìm một hướng đi cho CĐ và đặt biệt là cho những người trẻ, thế hệ kế thừa có được niềm tin. Ngày xưa, trước thảm họa xâm lăng của giặc phương Bắc, Đức Trần Hưng Đạo vì nợ nước quên thù nhà, nhờ vào quyết định sáng suốt của Người mà quân dân đồng lòng giết giặc nhờ thế mà mảnh giang sơn gấm vóc đó còn được đến ngày nay, thì bây giờ tại sao chúng ta không tạm gác những dị biệt cùng nhau ngồi lại để làm một chút gì? Có thể chúng ta có những khác biệt về chính kiến hay quan niệm cá nhân, nhưng tôi tin rằng bất cứ ai còn nặng lòng với quê hương điều có chung một tấm lòng son sắt mong muốn bảo vệ quê hương. Xin đừng chờ đến lúc Việt Nam trở thành một Tây Tạng, một Tân Cương thì lúc đó đã quá muộn!

Vậy thì phải xây dựng CĐ và đầu tư vào tuổi trẻ như thế nào? Đây là những vấn đề quá lớn đối với chúng ta, nhưng hãy học những bài học của tiền nhân để lại và áp dụng vào phong cách làm việc thực tế của người tây phương để giải quyết vấn đề biết đâu chừng chúng ta còn có được một hướng đi.

- Đối với những vị đã và đang hy sinh thì giờ quí báu và hạnh phúc riêng tư mà đứng ra đảm đương công việc CĐ, xin hãy lắng nghe ý kiến của dân. Ông bà ta có câu: Ý dân là ý trời và muốn biết được ý dân thì không còn gì hơn là tạo cơ hội để người dân lên tiếng qua việc tổ chức những buổi hội thảo về mọi vấn đề có liên quan đến CĐ, chấp nhận cải tổ. Cha ông chúng ta từ ngàn xưa đã luôn vận dụng yếu tố lòng dân để gìn giữ nước non, bây giờ tuy là một CĐ nhỏ bé lưu vong nơi xứ người nhưng tôi vẫn tin là lòng dân luôn là cái gốc là nền tảng của mọi xã hội.

- Ngoài việc lắng nghe ý kiến của dân, chúng ta cần phải tôn trọng và trung hòa tiếng nói của thông tin báo chí. Vận dụng được sự hỗ trợ của tiếng nói công luận là CĐ có thể phần lớn đương đầu với những âm mưu những thủ đoạn giựt dây gây chia rẽ trong CĐ. Vận dụng được hay không thì còn tùy thuộc rất nhiều đến phong cách làm việc của CĐ. Hy sinh gánh vác việc chung thật ra chưa đủ nếu chỉ biết làm việc một chiều. Cần có đối thoại, tôn trọng những ý kiến đối lập và luôn đặt quyền lợi của đất nước lên trên quyền lợi của phe nhóm. Nghĩ lại cái xứ sở này cũng hay, chỉ mới mấy trăm năm lập quốc mà có nhiều điều chúng ta cần học hỏi. Tôi còn nhớ kỳ bầu cử gay gắt và quyết liệt giữa hai vị thủ lãnh: Paul Keating của đảng Lao Động và John Howard của đảng Tự Do ngày nào. Vào ngày cuối cùng của cuộc bầu cử điều mà tôi nhớ mãi là phong cách cao thượng và hào hiệp của họ. Paul Keating sau khi chấp nhận thất cử đã gởi lời chúc mừng đến đối thủ của mình và trân trọng mời John Howard đến tư dinh để bàn chuyện quốc sự. John Howard mặc dù là kẻ chiến thắng nhưng cũng lập tức vui vẻ nhận lời và thân hành đến họp với Paul Keating. Đối với họ, đây là lúc phải tạm gác lại những mâu thuẫn, những khác biệt giữa cá nhân và đảng phái mà chỉ đặc quyền lợi của đất nước lên trên.

- Việc đầu tư vào các phong trào trẻ là yếu tố sống còn mà từ lâu bị bỏ quên hay bị lạm dụng. Đây là một vấn đề nan giải chúng ta cần có những bước cải cách thật cấp thiết. Hãy tạo cơ hội cho những người trẻ làm việc, tổ chức những buổi sinh hoạt chung như cắm trại, những hoạt động từ thiện có ý nghĩa hướng về quê hương, những phong trào thể thao lành mạnh hay những buổi hội thảo một cách cởi mở, thân thiện, tạo điều kiện cho các đoàn thể trẻ ngồi lại làm việc gắn bó nhiều hơn với cộng đồng và có những ưu tư về đất nước. Hơn thế nữa chúng ta cần phải tạo cơ hội những anh chị em du học sinh tham gia để họ có dịp trau đổi về tinh thần tự do dân chủ, biết đâu trong đó sẽ có những người trẻ trở về thực hiện một cuộc cách mạng tại quê nhà. Biến cố Thiên An Môn cũng đã từng làm lung lay Trung Cộng và góp phần rất nhiều vào công cuộc cải cách tại đất nước này.

Tôi có một người bạn mà lúc còn sống anh đã cống hiến rất nhiều cho CĐ và tuổi trẻ VN mặc dù cơ thể yếu đuối và bịnh hoạn triền miên. Bạn tôi, anh Văn Xuân An lúc ấy có nói với tôi rằng:
“Đừng đòi hỏi nhiều những anh chị em làm việc CĐ, những ai đã hy sinh thời giờ, hạnh phúc riêng tư của mình đứng ra gánh vác chuyện chung là quí lắm rồi! Hãy trân quí sự đóng góp của họ và chỉ khi nào mình cùng săn tay áo vào lo việc chung thì chúng ta mới có quyền hy vọng là cộng đồng còn tồn tại”

Giờ đây, suy gẫm lại những lời anh nói tôi thấy có lý, và hẳn nhiên là bạn và tôi sẽ không muốn bị lâm vào hoàn cảnh của những người Tây Tạng, Tân Cương đã và đang chứng kiến dân tộc và đất nước của họ dần dần bị hủy diệt. Có thể những ý kiến trên đây có phần nào thẳng thắn, xin quí vị thông cảm và sửa sai cho, nhưng tôi biết được rằng sau khi ngưng bút, tôi sẽ ôm thằng con vào lòng tôi sẽ nói cho nó nghe:
“Con ơi! Căn nhà của ông bà tổ tiên đang dần dần bị thiêu hủy, phần lớn cũng là lo lỗi của ba, đã không hết lòng chăm lo gìn giữ. Hãy tha thứ cho ba! …”


No comments: