Friday, October 16, 2009

150 NĂM "BÀN VỀ TỰ DO"


150 năm ‘Bàn về tự do’
Nguyễn Trang Nhung
16/10/2009 12:00 chiều
http://www.talawas.org/?p=11734
Cách đây hơn 230 năm, năm 1776, nước Mỹ tuyên bố độc lập, với bản tuyên ngôn độc lập được viết bởi Thomas Jefferson (1). Bản tuyên ngôn được coi là một trong những áng văn tuyệt tác nhất của nhân loại, với lời khẳng định về một chân lý hiển nhiên rằng: “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hoá đã ban cho họ những quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Lý tưởng cao đẹp từ bản tuyên ngôn độc lập Mỹ đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều bài hùng biện nổi tiểng như “Diễn văn Gettysburg” của Abraham Lincoln (2), “
Tôi có một giấc mơ” của Martin Luther King (3); và được nhiều quốc gia trên thế giới lấy làm giá trị căn bản để xây dựng nền dân chủ, cho phép mọi công dân có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền con người, trong đó có tự do.
Tự Do, một khái niệm nền tảng của triết học chính trị – xã hội, đã được diễn giải bởi rất nhiều triết gia, nhà tư tưởng qua bao thời kỳ, từ Socrates, Aristotle (4) của Hi Lạp cổ đại, đến John Locke, John Stuart Mill (5) của kỷ nguyên khai sáng. Đến nay, Tự Do hàm chứa những giá trị và quy chuẩn chung nhất cho nhân loại, khi được định chế hóa trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (6), với sự tham gia cam kết của hơn 190 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc
(7).

*

Nhà văn Nguyên Ngọc, trong buổi ra mắt quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh ngày 9/1/2007, đã mở đầu
bài diễn thuyết của ông bằng một tác phẩm cùng vài con số: “’Bàn về tự do’ của John Stuart Mill, từ lâu đã được coi là kinh điển không chỉ ở châu Âu mà trên toàn thế giới. Cuốn sách này được xuất bản lần đầu ở Anh năm 1859. Không đầy 10 năm sau, năm 1868, nó đã được dịch ở Nhật Bản, số phát hành lên đến 2 triệu bản, trong khi dân số Nhật lúc bấy giờ chỉ 36 triệu người”. Cũng cuốn sách ấy, nhưng “mãi đến năm 2004 mới được dịch lần đầu tiên ở ta, và cũng chỉ in lèo tèo có 1.000 bản, tức chậm hơn Nhật một thế kỉ rưỡi và số lượng in thì ít hơn họ 2.000 lần!” (8).

Thông điệp nào được nhà văn gửi đến qua sự so sánh ấy?
Hai con số trước hẳn “gắn liền sâu sắc với công cuộc duy tân nổi tiếng của Nhật cách đây mấy thế kỉ, cuộc lựa chọn vĩ đại đã đưa nước Nhật vào một con đường và đến một số phận khác hẳn các nước châu Á bấy giờ ” (9). Hai con số sau có thể phần nào giải thích sự hạn chế trong nhận thức của người Việt về Tự Do, từ đó, nhà văn nhắc đến một quy luật chung phổ biến rằng “một dân tộc, một đất nước chỉ có thể phát triển – thậm chí tồn tại mà không bị mỏi mòn, mai một – qua việc trao đổi liên tục với những nền văn hóa khác…” (10) [ở đó có tư tưởng, nhận thức về các khái niệm phổ quát như Tự Do].

*

Tự Do, hiểu một cách căn bản, là quyền được hành động mà không bị cản trở, miễn không gây tổn hại đến người khác. Trong số các quyền tự do của con người, một số quyền tự do căn bản nhất được minh định trong hiến pháp của hầu tất cả các quốc gia, như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do ứng cứ / bầu cử, v.v.
Tại Việt Nam, khi đa số người dân chưa nhận thức đầy đủ, (và do đó) chưa biết sử dụng đầy đủ các quyền tự do của mình, thì việc tìm đến các nguồn thông tin và hội luận về chủ đề này là điều cần thiết, để từ đó, cách hiểu và cách sử dụng các quyền tự do có thể mở rộng và tiến gần với nhận thức của thế giới văn minh.
Với hi vọng khơi nguồn cho người đọc tìm đến với “Bàn về tự do”, và xa hơn là các tác phẩm khác về cùng chủ đề, bài viết này đưa ra một số luận điểm trong tác phẩm, như là để gợi mở, hơn là để lập luận hay chứng minh, nhằm dọn đường cho suy tưởng.


Đôi nét về tác phẩm

Bàn về tự do ra đời năm 1859, là một trong các tác phẩm triết học nổi tiếng nhất về chủ đề Tự Do. Tác giả J. S. Mill (1806–1873) là nhà triết học thực chứng, nhà logic học, nhà chính luận và nhà hoạt động xã hội người Anh, với không ít tác phẩm được nhiều người biết đến, như Hệ thống logic, Chính thể đại diện, Chủ nghĩa vị lợi, v.v.
Trong tác phẩm, các nội dung cốt lõi được J. S. Mill đề cập đến bao gồm: 1) bàn về tự do tư tưởng, tự do thảo luận; 2) con người cá nhân như một thành tố của an sinh – bàn về tự do sở thích, tự do đặt kế hoạch cho cuộc sống; và 3) giới hạn quyền uy xã hội đối với cá nhân. Lý tưởng của ông là “đem lại sự tự do cho từng người để có được sự phồn vinh của tất cả mọi người và cuối cùng là nhằm có được sự tiến bộ xã hội” (11).
Tuy tác phẩm được J. S. Mill viết cách đây 150 năm, nhưng “nhiều điều ông nói vẫn còn nguyên giá trị, chẳng hạn ‘điều mong muốn bây giờ là người cầm quyền phải được đồng nhất với nhân dân, rằng quyền lợi và ý chí của họ phải là quyền lợi và ý chí của quốc gia’. Hoặc ‘Đa số dân chúng vẫn chưa học được chuyện cảm nhận quyền lực của chính phủ là quyền lực của mình’” (12).
Cho đến nay, Bàn về tự do vẫn là “biểu hiện tốt nhất và hoàn chỉnh nhất về niềm tin vào sự tiến bộ của nhân loại bằng sự tự do tư tưởng”, và trong mọi nước và mọi thời, “chưa có quyển sách nào trình bày rõ ràng và bảo vệ kiên quyết cho học thuyết về tự do cá nhân đến như thế” (13).
Từ vài nét sơ qua ấy, chúng ta hãy cùng xem xét một số luận điểm trong tác phẩm kinh điển này, khởi đầu là tự do tư tưởng, tự do thảo luận, tiếp đến là tự do đặt kế hoạch cho cuộc sống; chủ đề cuối cùng, tự do cá nhân trong tương quan với quyền uy xã hội, xin không bàn đến (hoặc bàn đến về sau), để bạn đọc tự tìm hiểu và tự rút ra những điều bổ ích.

Tự do tư tưởng, tự do thảo luận


Nói về tự do ý kiến, J. S. Mill cho rằng, mọi ý kiến phải được tự do thể hiện không một chút giấu giếm, bởi nó có khả năng chứa đựng chân lý, hoặc có tác dụng dẫn tới chân lý: “Cái xấu xa đặc biệt của việc bắt một ý kiến không được trình bày ra là sự đánh cắp đối với loài người, với các thế hệ mai sau và hiện nay, thiệt hại nhiều cho người bất đồng với ý kiến đó hơn là cho người giữ ý kiến đó. Nếu ý kiến đó là đúng thì người ta đã bị tước mất cơ hội bỏ cái sai lấy cái đúng; nếu ý kiến đó là sai thì họ mất đi một cái lợi lớn là cảm nhận được cái chân một cách minh triết hơn và ấn tượng về cái chân sống động hơn” (tr. 50).
Như thế, một ý kiến cần được khuyến khích biểu đạt, ngay cả khi trái ngược với các ý kiến xung quanh, bởi nó có khả năng đem lại phần nào lợi ích cho hội luận. Một khi các ý kiến được tự do bàn thảo, chúng sẽ góp phần bổ trợ cho nhau; qua đó, cả những ý kiến đúng và sai đều được hiển hiện sáng rõ hơn trong sự va chạm với các ý kiến đối lập.
Qua hội luận tự do, con người có thể rút ra kinh nghiệm từ những sai lầm. Mỗi cá nhân, trên tinh thần cầu thị, cần được tự do đưa ra các ý kiến, để trí tuệ được rộng mở thêm: “Con người có khả năng sửa chữa sai lầm của mình bằng thảo luận và trải nghiệm. Không phải chỉ có bằng trải nghiệm không thôi. Phải có thảo luận để biết trải nghiệm cần được suy đoán ra sao. Những ý kiến và thực tiễn sai lầm dần dần tạo nên các sự kiện và luận cứ; tuy nhiên, sự kiện và luận cứ trước hết phải được nêu ra mới có tác dụng lên trí tuệ được” (tr. 56).
Do các sự kiện và luận cứ hiếm khi tự thân nói lên được thực chất của chúng, nên cần được suy xét bởi con người. Sự suy xét của con người có thể cho một điều là đúng khi thực ra là sai trái, và theo J. S. Mill “chỉ khi nào nắm chắc được các phương tiện xác định đúng sai trong tay thì sự suy xét mới đáng tin cậy”. Nếu sự suy xét của ai đó xứng đáng được tin cậy thì nguyên nhân là ở đâu? Là ở chỗ, chủ nhân của sự suy xét ấy “luôn mở trí tuệ ra đón nhận sự phê phán đối với các ý kiến và cung cách cư xử của mình”, “luôn lắng nghe tất cả những gì có thể nói chống lại”, “khai thác thật nhiều lợi ích từ việc đó”, và giải thích rõ “cái sai lầm của những gì đích thực là sai lầm” (tr. 56, 57).
Một cách tự nhiên, con người giữ lấy những gì mình cho là đúng và gạt bỏ những gì mình nghĩ là sai. Nhưng, nếu ai đó mặc nhiên phủ nhận một ý kiến bị cho là sai, thì người đó không được cho phép mình miễn trừ khỏi sai lầm, bởi: “Chúng ta không bao giờ chắc chắn được rằng cái ý kiến mà ta đang cố sức dập tắt là một ý kiến sai lầm” (tr. 50), hay “Khước từ lắng nghe một ý kiến bởi họ tin chắc ý kiến đó là sai lầm, có nghĩa là coi sự tin chắc của họ là chắc chắn tuyệt đối. Mọi sự bịt miệng trong thảo luận đều hàm ý tính không-bao-giờ-sai” (tr. 51).
Sự bịt miệng trong thảo luận, hay sự ngăn cản các ý kiến khác biệt được biểu đạt là hành vi đáng lên án. Với J. S. Mill: “Không phải sự đụng độ gay gắt giữa các bộ phận của chân lý, mà chính sự lặng lẽ dập tắt một nửa chân lý mới là điều xấu xa kinh khủng. Khi mà người ta còn buộc phải lắng nghe cả hai phía thì vẫn còn hi vọng; còn khi người ta chỉ chăm lo tới một phía thì các sai lầm sẽ kết lại thành thiên kiến và bản thân các chân lý sẽ không còn cho hiệu quả của chân lý nữa, mà bị thổi phồng lên thành ngụy tạo” (tr. 122).
Ngay cả khi một ý kiến “được thừa nhận chung không những là đúng mà còn là toàn bộ chân lý” (tr. 123), nó vẫn cần phải “đương đầu” với các ý kiến trái ngược, thay vì được bảo vệ bằng cách dập tắt các ý kiến trái ngược ấy. Vì sao lại như vậy? Vì “nếu nó không được trải qua thử thách mạnh mẽ và nghiêm chỉnh thì phần đông những người thừa nhận nó sẽ duy trì nó như một thành kiến, sẽ hiểu biết và cảm nhận các căn cứ duy lý của nó không được bao nhiêu” (tr. 123).
Bảo vệ cho sự tự do ý kiến, đánh giá cao lợi ích thu được qua thảo luận, hay cổ vũ cho tính đa dạng của tư duy, J. S. Mill đã đưa ra những luận điểm có giá trị và đáng ghi nhận. Trong số những chân lý mà loài người đạt được đến ngày hôm nay, có không ít đã được hình thành từ sự đa dạng ý kiến. Những ai đã đọc tác phẩm hẳn tâm đắc một câu: “trong tình trạng không hoàn hảo của trí tuệ con người thì sự đa dạng ý kiến là phục vụ cho lợi ích của chân lý” (tr. 120).

Tự do đặt kế hoạch cho cuộc sống

Theo J. S. Mill, mỗi người có khả năng đạt tới cuộc sống tốt nhất, một khi có kế hoạch sống được lập ra bởi chính anh ta, mà không phải một ai khác. Để có được kế hoạch tốt nhất đó, anh ta phải được tự do xét đoán và quyết định những gì là tốt nhất cho bản thân. Lập luận cho quan điểm này, J. S. Mill đã hoan nghênh sự đa dạng về cách sống, trong chừng mực mỗi thể hiện riêng về cách sống không gây tổn hại tới những người xung quanh.
Những cá nhân khác nhau đòi hỏi các điều kiện khác nhau cho sự phát triển tinh thần của họ. Cùng một cách sống, đối với người này có thể là lành mạnh, đối với người khác có thể là trở ngại, hay làm ngưng trệ cuộc sống nội tâm. Cho nên “nếu không có sự đa dạng trong các kiểu cách sống của con người, thì con người chẳng những không chia sẻ được hạnh phúc với nhau mà còn không vươn lên được hết tầm vóc trí tuệ, đạo đức và thẩm mỹ mà bản chất con người có khả năng đạt tới” (tr. 155).
Trong môi trường xã hội, sự đa dạng trong các kiểu cách sống có thể bị cản trở bởi tập quán hay thói quen. Tập quán – thứ được duy trì bởi sức mạnh của số đông quần chúng, khi lấn át đi xu hướng riêng của mỗi con người, lại là nguyên nhân cản trở sự tiến bộ: “Ở nơi nào lề thói ứng xử không phải là tính cách riêng của con người mà là truyền thống hay thói quen của những người khác, thì ở đó thiếu mất một trong các thành tố chính của hạnh phúc con người, một thành tố rất chủ chốt cho sự tiến bộ cá nhân và xã hội” (tr. 131).
Bởi thế, sống theo tính cách riêng của bản thân thay vì bị uốn theo tập quán (nếu sự noi theo tập quán làm mất đi tính cách riêng) là điều mà con người cá nhân cần hướng tới, và là điều mà dư luận không nên phản đối, khi chú ý rằng: “Bản chất con người không phải là cái máy được chế tạo ra theo một khuôn mẫu và nhằm làm đúng một công việc định trước, mà nó giống như cái cây cần được lớn lên và phát triển ra mọi phía tùy theo khuynh hướng của sức mạnh bên trong nó, cái sức mạnh làm cho nó là một sinh vật” (tr. 137).
Khi được phát triển theo khuynh hướng của sức mạnh bên trong ấy, mỗi cá nhân trở thành một cá tính góp phần vào sự đa dạng của xã hội. J. S. Mill đã gọi những con người cá tính là “muối của trái đất” (tr. 184), những người không chỉ tạo ra những gì mới mẻ hơn, sáng tạo hơn, mà còn duy trì những gì đã có trở nên tốt đẹp hơn. Theo J. S. Mill, “Tùy theo mức độ phát triển cá tính mà mỗi người trở nên có giá trị hơn đối với bản thân, và do vậy mà có khả năng trở thành có giá trị hơn đối với những người khác” (tr. 145).
Sự phát triển cá tính, do đó, rất cần được chú trọng. Trong điều kiện phát triển phù hợp, cá tính có thể nảy sinh các thiên tài. Và để có các thiên tài, cần có không gian tự do: “Thiên tài chỉ có thể tự do hít thở trong một bầu không khí của tự do. Các cá nhân thiên tài là những người có cá tính nhiều hơn người khác” (tr. 149). J. S. Mill đặc biệt chú trọng tới “tầm quan trọng của các thiên tài và sự cần thiết phải cho phép họ tự do bộc lộ bản thân mình” (tr. 150), và thấy rằng “những cá nhân thiên tài là một thiểu số nhỏ bé…; nhưng để có được họ thì phải chăm lo đất trồng để các thiên tài từ đất ấy lớn lên tươi tốt” (tr. 148).
Trong toàn bộ cách nhìn về sự tự do này, J. S. Mill chịu ảnh hưởng từ học giả người Đức Wilhelm von Humboldt, cho rằng: hai điều kiện cần thiết cho sự phát triển con người là “sự tự do và sự đa dạng của các tình huống”. Như trên đã cho thấy, hai điều kiện này cho phép con người tự do lựa chọn lối ứng xử, cách sống mang dấu ấn cá nhân, và có cơ hội phát huy tính cá biệt của năng lực – là thành tố quan trọng cho mọi sự tiến bộ của xã hội.

*

Trên lộ trình tiến đến sự văn minh, nhân loại không ngừng đi lên theo những nấc thang của sự phát triển. Trong những bước tiến của sự phát triển, có một bước tiến lớn xuất phát từ sự thức tỉnh về Tự Do.
Bàn về tự do của J. S. Mill đã phần nào tạo nên lực đẩy cho bước tiến ấy, khi góp phần không nhỏ vào những chuyển biến xã hội mang sắc màu dân chủ ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở các nước Tây phương.
Toàn bộ tác phẩm nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tự do của con người đối với sự phát triển của toàn xã hội. Một xã hội thực sự tự do là một xã hội đảm bảo không gian cho tính đa dạng của ý kiến, hành vi, và lối sống.
Nhận thức đầy đủ về tự do là nhân tố căn bản để mỗi người đạt được cho mình sự tự do thực sự. Từ đó, mỗi cá nhân sẽ tích cực tạo nên những giá trị tốt đẹp cho bản thân, cho cộng đồng, cho quốc gia, và cho cả thế giới.

_______________


(Lời tác giả: Bài viết này đã được viết cách đây gần 2 năm. Khi ấy, tôi đã gửi bài viết tới một nơi mà những bài viết dạng tiểu luận là không phù hợp để đăng cho lắm. Cho nên, tôi đã “ủ” bài viết đến ngày hôm nay. Và bởi thế, bài viết có tiêu đề như hiện tại.)

Chú thích :
(tr. [số]) Các chú thích số trang của trích dẫn trong bản dịch Bàn về tự do của dịch giả Nguyễn Văn Trọng. Bản dịch được in lần đầu năm 2005, bởi NXB Tri Thức, và được tái bản lần hai vào năm 2006. Dưới đây là toàn bộ tác phẩm, bản tiếng Anh:
http://etext.library.adelaide.edu.au/m/mill/john_stuart/m645o/
(1) Thomas Jefferson (1743–1826), tổng thống Mỹ thứ 3, một trong những người theo chủ nghĩa tự do nhiệt thành lớn nhất thời cận đại, chủ bút trong nhóm 5 người dự thảo ra bản tuyên ngôn:
http://usmilitaryhistory.com/declrind.htm
(2) Abraham Lincoln (1809–1865), tổng thống Mỹ thứ 16, người có công chấm dứt nội chiến Mỹ năm 1861–1865, giải phóng chế độ nô lệ miền Nam và thống nhất hai miền đất nước chính. “Diễn văn Gettysburg” là một trong số các diễn văn nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ:
http://www.lanhdao.net/leadership/home.lds/2/6592/
(3) Martin Luther King (1929–1968), mục sư, nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Phi, đạt giải Nobel Hòa Bình năm 1964. “Tôi có một giấc mơ” là một trong những diễn văn được yêu thích nhất, và cũng là diễn văn xuất sắc nhất thế kỷ 20:
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5246&rb=0402
(4) Socrates (470 BC–399 BC), Aristole (384 BC–322 BC) là hai nhà triết học người Hi Lạp
(5) John Locke (1632–1704): nhà triết học người Anh; và John Stuart Mill (1806–1873): được nói đến cùng tác phẩm “On Liberty” trong bài viết này.
(6) Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền:
http://www.un.org/Overview/rights.html
(7) Danh sách các thành viên của LHQ:
http://www.un.org/members/list.shtml
(8, 9, 10) Một sự nghiệp lớn và cấp thiết – Nguyên Ngọc:
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8973&rb=0306
(11, 12) Nuyên văn lời giới thiệu của GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn về tác phẩm, được đăng kèm bản dịch tác phẩm. Người đọc có thể theo dõi một phần lời giới thiệu từ:
http://www.tiasang.com.vn/news?id=217
(13) Bàn về tự do – Bùi Văn Nam Sơn:
http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Sach-Hay/Ban_ve_Tu_do

© 2009 Nguyễn Trang Nhung
© 2009 talawas blog


No comments: