Wednesday, October 14, 2009

QUAN HỆ TRUNG - NGA VÀO ĐÔNG SỚM HƠN THƯỜNG LỆ


Quan hệ Trung-Nga: vào đông sớm hơn thường lệ
Nguyễn Minh

Đăng ngày 14/10/2009 lúc 00:10:00 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4224

Quốc khánh 1-10-2009: niềm hãnh diện của Trung Quốc
Kỷ niệm quốc khánh lần thứ 60 của Trung Quốc ngày 1-10-2009 vừa qua tại quảng trường Thiên An Môn đã được dư luận quốc tế chú ý và bình luận rất nhiều. Hai mục tiêu chính mà Bắc Kinh nhắm tới là tăng cường niềm tự hào dân tộc và sự khai sinh của một lực lượng quân sự hiện đại đều đã đạt được. Trong ngày này không ai được nhắc tới những cuộc nổi dậy của người Uigur tại tỉnh Tân Cương tháng 6 vừa qua hay những vụ đàn áp những tiếng nói đối lập trong nước.

Ngoài sự trình diễn đầy màu sắc của hơn một trăm ngàn người và tám ngàn xe hoa, đại diện 56 sắc tộc lớn của Trung Quốc, cái đinh của ngày quốc khánh này là cuộc diễn hành dài hơn một giờ (66 phút) của sáu ngàn binh sĩ thuộc 46 đơn vị các binh chủng bộ binh, hải quân, không quân, pháo binh, cảnh sát và lực lượng trừ bị, và một anh hùng không gian. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc cho trình làng một lực lượng quân sự mới được trang bị với những loại khí giới hiện đại nhất, ngang tầm với các binh chủng ưu tú của đại cường quân sự khác trên thế giới, đặc biệt là trong khối NATO và Nga.

Hãnh diện lớn nhất của các cấp lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc trong cuộc diễn binh là phần lớn những loại khí giới chiến lược hiện đại nhất này do chính Trung Quốc tự sản xuất lấy: chiến xa, thiết giáp, xe lội nước, xe di chuyển của lực lượng nhảy dù, xe bọc sắt tấn công, đại bác tự động, dàn phóng hoả tiễn, hoả tiễn chống chiến xa, hoả tiễn địa đối không, hoả tiễn tầm trung và hoả tiễn liên lục địa Đông Phương 31.

Chấm dứt chương trình là tiếng ì ầm từ trên không của 151 máy bay đủ loại thuộc 12 đơn vị không quân bay trên vòm trời Bắc Kinh. Niềm hãnh diện chính của các cấp lãnh đạo Trung Quốc là sự trình diễn của các loại máy bay chiến đấu tiên tiến nhất: J-11 (SU-27) và J-10 (Mig-29) do Trung Quốc sản xuất với bằng sáng chế của Nga. Về hải quân, vì Bắc Kinh không có bến cảng nên sự phô diễn lực lượng hải quân với những tàu chiến hiện đại đã thể hiện tại Thượng Hải. Trong lần kỷ niệm quốc khánh tới, chắc chắn Bắc Kinh sẽ cho trình làng ít nhất một hàng không mẫu hạm do Trung Quốc sản xuất, với bằng sáng chế của Nga.

Qua cuộc diễn hành này, Bắc Kinh đã tỏ ra rất hãnh diện về thành tích của họ: sự phồn vinh và hùng cường này do ban lãnh đạo đảng cộng sản tạo ra. Từ 60 năm qua, chưa bao giờ mức sống người dân được nâng cao như hiện nay: lợi tức bình quân đầu người năm 2008 là 5 300 USD, tăng gấp 28 lần so với năm 1952 (198 USD). Đây là một thành công vĩ đại, vì Trung Quốc là một quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1,4 tỉ người. Chính vì thế tổng sản lượng quốc gia của Trung Quốc hiện nay đứng hạng thứ ba trên thế giới, sau Hoa Kỳ và Nhật Bản; trong vài năm tới có thể sẽ lên hạng hai, sau Hoa Kỳ.

Vấn đề của Trung Quốc hiện nay là làm sao giữ được tỉ lệ tăng trưởng cao 10%/năm và lợi tức đầu người như hiện nay, vì tuy ngoài mặt là mức độ phát triển cao nhưng trong nội bộ xã hội Trung Quốc đang để lộ nhiều dấu hiệu đáng lo ngại và ngày càng có nguy cơ bùng nổ lớn: bất bình đẳng giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, chênh lệch về mức sống giữa các tỉnh lục địa và các tỉnh ven duyên. Đó là chưa kể nạn thất nghiệp và nạn lão hoá ngày càng lan rộng trong một xã hội thiếu vắng sự liên đới và một chính sách an sinh xã hội.

Trước nạn suy hoá kinh tế toàn cầu, sinh hoạt kinh tế của Trung Quốc sẽ còn gặp những ngày đen tối trước mắt. Chính vì lo ngại khả năng xuất khẩu suy giảm, Bắc Kinh đã bằng mọi giá tìm kiếm thêm những thị trường xuất khẩu hàng hoá mới, bất kể là hàng hoá dân sự hay quốc phòng.

Tham vọng bành trướng của Trung Quốc làm Nga lo ngại
Chưa bao giờ dư luận quốc tế để lộ sự lo ngại trước tham vọng bá quyền của Trung Quốc như hiện nay. Từ một quốc gia bị xếp vào hạng nghèo khó và chậm phát triển trong thập niên 1950, nay đang trở thành một siêu cường về kinh tế lẫn quân sự, Trung Quốc trở nên mối quan ngại cho tương lai an ninh chung của thế giới. Tuy hiện nay Trung Quốc chưa để lộ ước muốn tranh chấp quân sự với các cường quốc lớn trên thế giới, nhưng cố gắng gia tăng khả năng quốc phòng một cách không tương xứng và không có lý do của Bắc Kinh đã khiến không những các quốc gia trong vùng mà cả Nga lẫn Ấn Đo và các cường quốc trong khối NATO đều phải lo ngại. Một cuộc chạy đua võ trang tuy âm thầm nhưng rất gay gắt giữa các quốc gia trong vùng Đông Á - Thái Bình Dương đang diễn ra và không ai biết sẽ đưa thế giới về đâu.

Cũng phải nói sức mạnh về quân sự mà Trung Quốc đang có hiện nay là nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô cũ, nay là Nga, rất nhiều. Từ sau khi chiếm được chính quyền năm 1949 đến cuối thập niên 1980, mặc dù có nhiều xung đột về biên giới và ảnh hưởng quốc tế, Trung Quốc đã được Liên Xô tận tình giúp đỡ về đủ mọi mặt, từ kinh tế, chính trị, quốc phòng đến đào tạo và huấn luyện nhân sự, vì là hai cường quốc cộng sản. Ngay cả sau khi khối cộng sản sụp đổ và Liên Xô đã trở thành nước Nga "dân chủ" vào đầu thập niên 1990, Trung Quốc vẫn duy trì tốt quan hệ giữa hai nước và cũng nhân dịp này đã thương lượng mua lại của Nga những bằng sáng chế và kỹ thuật sản xuất vũ khí chiến lược hiện đại vì lúc đó Nga rất cần tiền: các loại xe tăng và thiết giáp, các loại máy bay chiến đấu và trực thăng, kể cả kỹ thuật phóng người lên không gian, các loại tàu ngẩm, tàu chiến cận dương và viễn dương, kể cả hàng không mẫu hạm. Vấn đề là trước đây Trung Quốc mua bằng sáng chế vũ khí của Nga để sản xuất cho nhu cầu nội địa, nhưng hiện nay vì cần ngoại tệ để canh tân quốc phòng, Trung Quốc đã vượt qua làn ranh đỏ: xuất khẩu ồ ạt vũ khí chiến lược với giá thấp cho những quốc gia Nam Á và châu Phi da đen trước kia là khách hàng của Nga; hiện nay đang mở rộng thị trường sang các quốc gia Ả Rập. Một sự cạnh tranh bất chính mà Moskva lên án.

Riêng trong năm 2008, sự cạnh tranh "bất chính" về vũ khí này đã làm Nga thiệt hại nặng: năm 2008 chỉ xuất khẩu 8,35 tỉ USD, trong khi Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 5 tỉ USD, tương đương với 63% thương vụ xuất khẩu vũ khí của Nga. Chính quyền của tổng thống Medvedev và thủ tướng Putin không muốn tình trạng này tiếp tục tái diễn và đã có thái độ: cô lập Trung Quốc trên chính trường quốc tế bằng cách không liên đới với lập trường của Bắc Kinh về những tranh chấp quốc tế như vũ khí nguyên tử Bắc Triều Tiên và Iran, Trung Đông, Darfur, v.v.

Cũng nên biết quan hệ giữa Trung Quốc và Nga được cấu tạo từ hai yếu tố: thực lợi và chiến lược. Về thực lợi, Nga cần tiền của Trung Quốc để trang trải những chi tiêu về ngân sách, Trung Quốc cần vũ khí và năng lượng của Nga . Về chiến lược, cả hai nước đều liên đới chống độc quyền lãnh đạo của Hoa Kỳ, đặc biệt là khối NATO. Hiện nay hai yếu tố này không còn thời sự nữa: buôn bán với Trung Quốc chỉ có lợi trong nhất thời và bị thiệt hại lớn trong tương lai; chính quyền của tổng thống Barack Obama không còn là một đe dọa cho nền an ninh của Nga sau khi tuyên bố huỷ bỏ dự án xây dựng lá chắn chống phi đạn tại Ba Lan và Tiệp, Nga cũng tuyên bố giải tán việc xây dựng hệ thống chống phi đạn tại Kaliningrad. Ngược lại, trước sự gia tăng kinh phí quốc phòng không lý do của Bắc Kinh trong một thế giới hoà bình, Moskava cảm thấy gần gũi với thế giới phương Tây hơn và đang thay đổi chiến lược. Trước đây, dưới thời tổng thống George Bush, Hoa Kỳ đã độc quyền làm mưa làm gió trên chính trường quốc tế, Nga cần sự hợp tác của Trung Quốc để làm đối trọng hay để cổ võ sự thành hình của một thế giới đa cực. Chính vì những lý do đó, nội dung hai cuộc diễn tập quân sự giữa Nga và Trung Quốc năm 2005 tại Sơn Đông và 2007 tại Ural nhằm kềm chế khối NATO. Nhưng trong cuộc diễn tập lần thứ ba, ngày 22-7-2009, vừa qua tại vùng đông-bắc Trung Quốc, lãnh đạo quân sự hai nước đã để lộ nhiều bất đồng: không có bàn bạc trước về những chiến thuật thi hành. Sự kiện này phù hợp với sự chuyển hướng của Nga ngay sau khi tổng thống Obama lên cầm quyền tại Hoa Kỳ tháng 1-2008.

Hơn nữa Moskva vẫn còn giận sự trở mặt của Bắc Kinh trong cuộc chiến tại Georgia khi không nhìn nhận hai chính quyền Nam Ossetia và Abkhazia do Nga đỡ đầu (chỉ có Nicaragua và Venezuala lên tiếng thừa nhận). Từ trước đến nay, mặc dầu không đồng ý về cách hành động, giữa Nga và Trung Quốc vẫn có sự ủng hộ lẫn nhau về cách giải quyết những vấn đề lãnh thổ như Chechnya và Đài Loan, hay vấn đề nguyên tử Bắc Triều Tiên và Iran.

Với chính quyền mới của tổng thống Obama, quan hệ giữa Nga và thế giới phương Tây thay đổi hẳn. Trong những cuộc họp mặt quốc tế lớn: Liên Hiệp Châu Âu, G20, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, sự thân thiện giữa Nga và các quốc gia phương Tây ngày càng lộ liễu. Hình ảnh tổng thống Dimitri Medvedev của Nga vỗ vai các vị nguyên thủ châu Âu, cười đùa vui vẻ trước các ống kính truyền hình không còn che giấu được ai. Lý do là Nga thấy quyền lợi của mình gắn bó với thế giới phương Tây nhiều hơn với các quốc gia cộng sản Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên và Việt Nam. Mặc dù Trung Quốc vẫn còn là một khách hàng lớn về năng lượng và vũ khí, Moskva đang xây dựng đường dẫn ống khí đốt khổng lồ từ Siberia đến Vladivostok để chuyển vào Nam Hàn và Nhật Bản.


Những chuẩn bị để đối phó với Trung Quốc
Từ trước đến nay, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc luôn luôn phức tạp và thay đổi tuỳ theo chiến lược về quyền lợi của mỗi ban lãnh đạo về các vấn đề an ninh khu vực và thế giới. Mặc dù thương vụ trao đổi giữa hai nước vẫn gia tăng đều đặn, quan hệ được trình diễn có vẻ thân thiết giữa Nga và Trung Quốc trong 10 năm qua, từ thời tổng thống Putin lên làm tổng thống đến cuối năm 2008, đã trở nên lạnh nhạt vì bất tín lẫn nhau: Bắc Kinh muốn qua mặt Nga về xuất khẩu vũ khí; Moskva đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về sự uy hiếp của Trung Quốc. Nội dung thoả ước hợp tác an ninh Thượng Hải giữa khối Liên Xô cũ (Nga, Kazakhstan, Usbekistan, Kirghizistan và Tadjikstan) và Trung Quốc ký ngày 15-6-2001 tại Thượng Hải đang mất dần hiệu lực. Trong chiến lược "bảo toàn an ninh quốc gia cho đến năm 2020 » tháng 5-2009, chính quyền Nga đã bỏ hẳn đoạn "về chiến lược Nga xem trọng Trung Quốc » và đã giảm hẳn mức độ chống Mỹ. Đối với Nga việc chống Mỹ không còn cần thiết nữa.

Có hai lý do để giải thích sự thay đổi quan điểm của Nga đối với Trung Quốc. Một là Nga đã chuyển qua chế độ bầu cử tự do dân chủ và Trung Quốc vẫn giữ thể chế độc tài độc đảng cộng sản nên không có cùng giá trị quan về các vấn đề thế giới, do đó khó có thể chia sẻ những ưu tư về chiến lược dài hạn và cách giải quyết những tranh chấp về quyền lợi nhất thời. Hai là Nga lo ngại về sự tăng cường hải quân của Trung Quốc trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Theo Sách trắng về quốc phòng của Nhật, năm 2008 lực lượng hải quân của Trung Quốc có gần 860 tàu chiến với tổng số trọng tải lên đến 1,7 tỉ tấn so với 150 tàu của Nhật gồm 437 000 tấn. Hạm đội 7 của Mỹ có 40 tàu với trọng tải 600 000 tấn. Trong khi đó Hạm đội cực Đông của Nga chỉ có 240 tàu với trọng tải 600 000 tấn. Theo một tài liệu về quốc phòng của Thụy Điển, chi phí quân sự của Trung Quốc trong năm 2008 lên đến 845,9 tỉ USD, đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ và gấp đôi Nga và gấp ba Nhật.

Mối lo ngại của Nga đối với Trung Quốc tuy có muộn màng nhưng chưa trễ. Từ sau khi chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ năm 1991, các lực lượng quân đội gần như bị bỏ rơi, tinh thần chiến đấu sút giảm, đánh đâu thua đó và bị nạn say rượu hoành hành. Giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc đã không che giấu sự coi thường quân đội Nga trong những cuộc tập trận chung theo thoả ước Thượng Hải. Nhưng từ khi tổng thống Vladimir Putin lên cầm quyền, ông đã phục hồi lại khả năng chiến đấu của quân đội: sự thành lập những đơn vị thiện chiến với những vũ khí hiện đại nhất. Để cảnh cáo Bắc Kinh, tháng 2-2009 lực lượng biên phòng Nga đã bắn chìm một chiếc tàu chở hàng của Trung Quốc xâm phạm khu vực biên giới Hắc Long Giang (Amour) vì tranh chấp quanh khu vực biên giới dài 4300 km giữa hai nước diễn ra rất thường xuyên. Nga cũng rất lo ngại về trữ lượng khoảng một ngàn đầu đạn nguyên tử và tiềm năng phóng đầu đạn liên lục địa ngày càng chính xác của Trung Quốc.

Để tỏ thái độ, Nga đã không ngần ngại bán những loại vũ khí chiến lược và chiến thuật cho Việt Nam, Ấn Độ không còn nể nang Trung Quốc như trước. Thêm vào đó, Nga đang hợp tác với Mỹ và Nhật Bản để bảo đảm an toàn khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho những quốc gia lo sợ sự bành trướng của Trung Quốc.

Nguyễn Minh(Tokyo)
© Thông Luận 2009


------------------------------------

Lập trường ‘nước đôi’ của Nga (VNN)
Nga - Trung ký thỏa thuận thông báo phóng tên lửa (dan tri)
Trung – Nga kí hiệp ước khai báo tên lửa (vitinfo)



No comments: