Wednesday, October 14, 2009

TỪ Sự Kiện BÁT NHÃ nghĩ về VIỄN TƯỢNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM


Từ sự kiện Bát Nhã suy nghĩ về viễn tượng Phật giáo Việt Nam
Thích Thanh Định
PSN - 13.10.2009

http://phusaonline.free.fr/PhatHoc/TinTuc/PNBN_3/15_TuSuKien.htm


Đạo đức học Phật Giáo
Trong suốt thời gian qua, sự kiện của Tăng thân Bát Nhã là một cơ hội cho chúng ta, những người tu học theo con đường của Phật dạy, quán chiếu và nhìn sâu vào thực tại của một nền đạo đức Phật giáo Việt nam. Đây là một đề tài để cho mọi người đều có quyền tự do tư duy tìm ra một lối thoát, cụ thể nhất là lối thoát cho chính bản thân, xa hơn nữa, đó là một lối thoát chung cho người Việt Nam.
Đạo đức luôn được hiểu theo nghĩa của phương hướng, một đường lối hướng con người đến sự đức hạnh, một lối hành xử không gây nhiều khổ não. Phật giáo đóng góp vào con đường đạo đức này rất rõ nét. Có ít nhất là tám con đường thẳng dẫn con người đi đến những hành xử có hạnh phúc và không gây đau khổ, danh từ chuyên môn gọi là Bát Chánh Đạo (Tám con đường thẳng). Trong đó, Tứ diệu đế được thực tập theo tám con đường này thì hiệu quả gặt được không thể nói được. Đây là những con đường đi chung, không phải là chỉ dành riêng cho Phật tử, bạn là người không phải Phật tử vẫn áp dụng đi tới một cách nhẹ nhàng.
Trước hết, hiện tượng đàn áp tăng sĩ Bát Nhã là một vấn đề trước mắt. Phải nhìn nhận đây là một nỗi khổ tâm chung của dân tộc Việt Nam. Sống trong một chế độ mà đạo đức căn bản vẫn còn rất mỏng manh. Chính vì tri giác sai lầm, chính vì thiếu Chánh Kiến và thiếu tuệ giác mà nỗi khổ leo thang về cả hai phía. Chỉ cần thiếu một cái trong tám con đường thôi là kết quả sẽ rất nhiều ưu sầu và khổ não cho toàn nhân loại.
Tất cả thanh niên Việt Nam, hãy nhìn nhận nỗi khổ đó; các tăng ni sinh trẻ Việt Nam, mời bạn nhìn vào thực tại của nỗi khổ của Phật giáo hiện nay. Sự kiện Bát Nhã không là chuyện cá nhân của riêng ai; Bát Nhã là cơ hội quán chiếu và con đường của diệu đế thứ tư sẽ hiển bày cho dân tộc Việt Nam. Bạn sẽ là người viết lại trang sử cho Phật giáo Việt Nam.


Tương lai nào cho Phật giáo Việt Nam
Tới thời điểm này, nhà nước Việt Nam đã thành công "rực rỡ" trong việc lũng đoạn toàn bộ hệ thống Phật giáo Việt Nam từ cơ cấu tổ chức, giáo dục, hành chánh cho đến vấn đề tư duy. Phật giáo Việt Nam đã hoàn toàn tê liệt, như một cái đầu với não bộ liệt cứng. Những tế bào còn sống thì lại tìm chốn an thân; còn lại, tất cả rất ngoan ngoãn theo chiến lược và chính sách của nhà nước Việt Nam. Tư duy cá nhân không còn, tự do ý chí chỉ là huyền thoại.
Tại sao? Sự tha hoá và chi phối rất mãnh liệt của nhà nước, các vị trưởng lão, tuệ giác đã hoàn toàn vô hiệu, đã khiếp đảm trước giới chức chính quyền. Kết quả, các vị sẵn sàng đẩy đạo đức Phật giáo vào nơi thấp nhất và rẻ rúng nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Các vị trong cấp lãnh đạo Giáo hội, họ đã quá già nua và đã quá sợ hãi; hệ quả là các con của qúy ngài cũng sợ hãi thậm chí không dám tự do tư duy. An phận và thoả mãn.
Các trường Phật học bây giờ chỉ đào tạo bằng những bã văn hoá của Tàu qua giàn lọc tư tưởng của nhà nước. Hậu quả là, học đường Phật học chỉ là một phương tiện kiếm sống, hơn thế nữa, học đường Phật học cũng chỉ là một bao thư trai tăng. Dần dần, đạo đức Phật giáo chỉ được đánh giá bằng tiền. Cụ thể, đạo cao đức trọng nào đó, bao thư cúng dường Hoà Thượng lãnh đạo hội đồng lúc nào cũng nặng ký hơn các vị tân tăng Đại Đức với tấm lòng còn rất thiết tha với con đường tu học đức hạnh. Từ đó, mâu thuẫn tư tưởng và ngay trong các hành xử cũng hết sức đau thương. Các vị tăng mới lớn, sẽ được hấp thụ theo lối ý thức đó và trở thành một văn hóa tập quán cho giới sĩ Phật giáo. Ý thức đã bị nhà nước lọc kỹ lưỡng. Và tương lai Phật giáo sẽ đi về đâu?
Đây là một ý thức chung của cộng đồng Phật giáo Việt Nam. Liệu anh, liệu chị có đủ can đảm để nhìn vào hư hỏng của các bậc đi trước và chính bản thân anh không? Liệu anh có nói lên tiếng nói cho Phật giáo, đẩy mạnh tự do tư tưởng tu học và tự do ý chí hay không? Đây là một thử thách đầy cam go cho toàn thể chúng ta - người tu của thế kỷ 21.

Quyền làm người - quyền được thực hiện đạo đức
Chúng ta có quyền nói lên tiếng nói chân thật hay không? Xã hội Việt Nam, giới chức cầm quyền có cho người Việt Nam thực hiện đạo đức hay không? Đây là một tệ nạn. Tệ nạn này, ngay cả những người cầm bút, cán bộ văn hóa cũng cấm đoán. Vì sao? Giới báo chí, giới nhân văn đã bị kẹp cùm điều gì và phong cách của một cán bộ văn hóa đang ở đâu? Đọc một tờ báo, chúng ta đã không còn thấy tiếng nói Chánh Ngữ nữa, một tiếng nói thẳng thắn đúng với sự thật; nghĩa là sao, nghĩa là đạo đức của những người làm công tác văn hoá chỉ là một cái máy thâu thanh và phát thanh.
Còn người Phật tử có được quyền thực hiện đạo đức hay không? Giới lãnh đạo của Giáo Hội cũng không còn có đạo đức Chánh ngữ. Điều dễ hiểu, vì bản thân họ cũng là công cụ của nhà nước đã được huấn luyện chuyên nghiệp. Sẵn sàng im lặng, sẵn sàng không nghe và thấy những thực trạng của văn hóa đạo đức. “Đạo Pháp- Dân Tộc” chỉ là những danh tượng đài rêu phong phủ kín.
Các vị có tiếng nói chính nghĩa, có đạo đức trong giới tăng lữ Phật giáo thì li khai với xã hội đang ẩn cư trong am tranh, hang đá. Mà đối diện với một đại họa lớn như nhà nước Việt Nam đang cai trị thì chỉ còn tự li khai, hay có mắt cũng như giả mù. Đó là nỗi khổ của các bậc đi trước, và các bậc đi giữa cũng đi theo. Và giờ tới chúng ta đang tiếp tục theo sau. Tương lai Phật giáo Việt Nam chỉ là những am lá rách nát. Những ngôi chùa và di tích Phật gáo cũng chỉ là điểm du lịch huyền thoại.
Ai sẽ khôi phục lại quyền đó cho chúng ta? Quyền tu học và quyền của một người thực hiện đạo đức Phật Giáo đang thuộc về ai?

Tự do tư tưởng
Anh có quyền tự do tưởng tượng. Vì tư tưởng của chúng ta cũng chỉ là những tưởng tượng, những bức tranh được vẽ dài theo thời gian. Thanh niên tu sĩ của chúng ta đã không còn một tư tưởng tự do. Những người còn có tự do tư tưởng thì đã ẩn tích và mất tích. Các bậc đàn anh họ đã chịu đựng quá lâu, họ đã bắt đầu thích thú với cảm giác chịu đựng đó rồi các bạn ạ. Bây giờ tới lượt chúng ta, chúng ta cũng sẽ đánh mất hoàn toàn những ước vọng và những công trình gầy dựng sự sống với tự do tư tưởng.
Tương lai Phật giáo có thể nào bắt đầu từ đây không? Chúng ta có ý chí tự do không. Có lẽ, chúng ta phải gầm lên một tiếng gầm của loài Sư Tử lớn. Nên nhớ, chúng ta gầm, không phải chỉ một mình nhân vật nào gầm đơn điệu.

(còn tiếp)


Thích Thanh Định
ngày 12 tháng 10 năm 2009


No comments: