Wednesday, October 14, 2009

Tân Thủ Tướng HATPYAMA : HY VỌNG MỚI của NHẬT BẢN


Yukio Hatoyama: hy vọng mới của Nhật Bản
Kiêm Hương
Đăng ngày 14/10/2009 lúc 00:00:00 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4223
Ngày 16-9-2009, ông Yukio Hatoyama, 62 tuổi (sinh ngày 11-2-1947), chủ tịch đảng Dân Chủ Nhật, đã được đưa lên làm thủ tướng. Đây là vị thủ tướng thứ 60 của Nhật từ 1955 đến nay. Đảng Dân Chủ Nhật của ông đã thắng lớn trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 30-8-2009 với một tỉ số áp đảo: 64%, chiếm 308 trên tổng số 480 ghế trong quốc hội.
Thắng lợi của đảng Dân Chủ Nhật là một cuộc cách mạng lớn trong sinh hoạt chính trị của quốc gia hải đảo này. Nó chấm dứt thời kỳ một đảng cầm quyền kéo dài suốt 55 năm (trừ 8 tháng ngắn ngủi năm 1993) của đảng Tự Do Dân Chủ Nhật.

Cuộc đời và sự nghiệp
Nói đến Hatoyama, người Nhật thường nhắc đến triều đại Hatoyama, một đại gia đình có truyền thống sinh hoạt chính trị từ cuối thế kỷ 19 đến nay. Yukio Hatoyama là con của Lichiro Hatoyama, bộ trưởng ngoại giao thời chính quyền Takeo Fukuda (1976-1977). Ông nội của ông là Ichiro Hatoyama, người thành lập đảng Tự Do Dân Chủ Nhật và thủ tướng từ 1952-1954. Ông cố của ông là hiệp sĩ đạo Kazuo Hatoyama, chủ tịch quốc hội Nhật từ 1896 đến 1897. Anh cả của ông là Kunio Hatoyama, thành viên đảng Tự Do Dân Chủ, bộ trưởng tư pháp thời thủ tướng Shinzo Abe (2006-2007) và Yasuo Kukoda (2007-2008), bộ trưởng nội vụ và truyền thông thời thủ tướng Taro Aso (2008-2009).
Cũng không nên quên bên ngoại của tân thủ tướng Yukio Hatoyama là một đại đình tư bản. Ông ngoại của ông là Shorijo Ishibashi, người sáng lập công ty sản xuất vỏ xe hơi Bridgestone, lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Michelin của Pháp và đứng trên Good Year của Mỹ và Pirelli của Ý. Chính vì thế Yukio Hatoyama là một trong những gia đình giàu có nhất trong quốc hội Nhật, với một tích sản trên 18 triệu USD). Nếu cộng tài sản của hai anh em Hatoyama, tổng số tích sản có thể được xếp ngang hàng với đại gia đình Kennedy của Mỹ.
Như mọi gia đình truyền thống của Nhật, Yukio Hatoyama được gia đình gởi vào những trường danh tiếng: Gakushuin thời tiểu và trung học, tốt nghiệp kỹ sự Đại học Tokyo năm 1969, tiến sĩ Đại học Stanford (California, Mỹ) năm 1976. Trưởng nam của ông là Kichiro, tốt nghiệp kỹ sư đô thị tại Đại học Tokyo, hiện là giáo sư khách Đại học Moskva tại Nga.
Khác với người anh cả Kunio (tham gia vào sinh hoạt chính trị từ lúc còn trẻ và đắc cử dân biểu năm 1976 lúc 26 tuổi), Yukio tiếp tục sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong các đại học và viết nhiều sách về nghiên cứu khoa học từ 1976 đến 1983. Ông chỉ thật sự dấn thân vào chính trị khi thân phụ của ông là Lichiro mời làm thư ký riêng tại hạ viện năm 1983, lúc 36 tuổi. Nhưng khác với cha và anh, ông sinh hoạt chính trị với tư cách một nhà khoa học, nghĩa là phải điều nghiên kỹ càng trước khi thực hiện để đạt hiệu quả tối đa. Nhờ phương pháp này, sự nghiệp chính trị của Yukio lên như diều gặp gió: ông đã lần lượt đắc cử dân biểu từ năm 1986 đến nay với tư cách là đảng viên đảng Tự Do Dân Chủ, sau đó là đảng Dân Chủ; ông cũng đã tham gia và thành lập rất nhiều câu lạc bộ và đảng phái chính trị tiêu biểu cho những khuynh hướng tả phái mới tại Nhật.

Những định hướng lớn của chính phủ Hatoyama

Từ sau khi trở thành đảng đối lập với chính quyền Nhật năm 1999, ban lãnh đạo đảng Dân Chủ Nhật đã kết hợp với những đảng nhỏ khác như Tân Huynh Đệ, Dân Chủ Cải Tổ và Tự Do, đại diện cho khuynh hướng tả khuynh của Nhật. Ngày 11-5-2009, Yukio Hatoyama được bầu làm chủ tịch đảng Dân Chủ Nhật và tổ chức cuộc tranh cử quốc hội. Ông chủ trương xây dựng Nhật Bản thành một xã hội liên đới, theo đó tăng cường và bảo vệ hạnh phúc của dân Nhật là một chủ trương lớn.
Về đối nội, Yukio Hatoyama chủ trương tận dụng số tiền dư thừa ngân sách của các tái khoá trước (2250 tỉ USD) để tạo tăng trưởng kinh tế 2%/năm, hạn chế sự lệ thuộc của Nhật Bản về năng lượng và củng cố trao đổi nội bộ, bảo vệ môi trường bằng cách giảm khí thải carbonic từ đây đến năm 2020 là 25% (so với 8% thời thủ tướng Shinzo Aso), khuyến khích tiêu thụ để phát triển sản xuất và hạn chế tiêu xài ngân sách, nâng cao mức sống của mọi gia đình, tăng cường y tế, trợ cấp học bổng cho đến hết bậc đại học, thiết lập quỹ hưu bỗng thống nhất cho toàn xã hội từ 65 tuổi trở lên.
Về đối ngoại, tăng cường hợp tác thương mại với các quốc gia Bắc Mỹ, biến Nhật Bản thành quốc gia trung gian giữa hai đại cường Hoa Kỳ và Trung Quốc, thành lập Liên Hiệp Đông Á với một đồng tiền thống nhất. Ngoài ra, chính quyền của thủ tướng Yukio Hatoyama sẽ bằng mọi cách biến Nhật Bản thành chiếc cầu nối liền giữa Đông và Tây, giữa khối G20 và các quốc gia nghèo khó, giữa các quốc gia sản xuất vũ khí nguyên tử và chống vũ khí nguyên tử, và đặc biệt là biến Nhật Bản thành quốc gia gương mẫu về bảo vệ môi trường.
Cái may của Yukio Hatoyama là ngay khi vừa lên thủ tướng hồi tháng 9-2009 vừa qua, ông đã có dịp gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với các nhà lãnh đạo thế giới trong các cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 21-9 và hội nghị thượng đỉnh ngày 23-9 giữa các quốc gia giàu có nhất thế giới G20 tại Pittsburg, Hoa Kỳ.
Với các vị lãnh đạo Châu Á, ông đã gặp chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc để thảo luận việc tăng cường hợp tác song phương và biến Biển Đông thành vùng biển hoà bình và và sẵn sàng xin lỗi nhân dân Trung Quốc về những lỗi lầm của chính quyền quân phiệt Nhật trong thế chiến II; gặp tổng thống Nam Hàn, Lee Myung-bak, để xác nhận chính quyền mới của Nhật sẽ can đảm nhìn nhận những lỗi lầm khi đô hộ Đại Hàn và gia tăng quan hệ giữa hai nước.
Với Hoa Kỳ, ông đã thảo luận với tổng thống Barack Obama về việc phòng thủ Nhật Bản không cần sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ, bàn về vai trò của quân đội Nhật trong việc hỗ trợ lực lượng quân sự quốc tế tại Afghanistan và việc tài giảm vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên.
Với Nga, ông đã gặp tổng thống Dmitri Medvedev để thảo luận về lịch trình ký kết hiệp ước giải quyết chủ quyền quần đảo Kouril, bị Liên Xô chiếm đóng trong thế chiến II.
Với những chủ trương mới mẻ này, dân chúng Nhật Bản và dư luận thế giới rất nóng lòng chờ đón kết quả.

Kiêm Hương
(Sagamihara-shi)
© Thông Luận 2009


No comments: