Monday, October 12, 2009

NGƯỜI ĐỌC và NGƯỜI ĐỌC BLOG


Người đọc và người đọc blog
Nguyễn Hưng Quốc
12/10/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-10-12-voa33.cfm
Lịch sử các lý thuyết văn học, ở một khía cạnh nào đó, có thể nói là lịch sử phát hiện ra vai trò của người đọc.

Trước, trong suốt thời kỳ cổ đại và trung đại, chiếm vị trí trung tâm trong tư tưởng văn học phần lớn là những yếu tố ngoại vi: với các nhà cổ điển và tân cổ điển Tây phương, đó là hiện thực và bản tính con người; với các nhà cổ điển Trung Hoa và Việt Nam, đó là "đạo", "chí", "khí" hay "lý". Tuy thỉnh thoảng họ nhắc đến các yếu tố tác giả, văn bản và người đọc, nhưng mối quan tâm chính của họ không phải là các yếu tố ấy mà là vấn đề bản chất, chức năng và thể loại của văn học.

Nói đến bản chất của văn học là nói đến quan hệ giữa văn học với vũ trụ và con người. Nói đến chức năng của văn học là nói đến quan hệ giữa văn học với đạo đức và chính trị mà biểu hiện của đạo đức và chính trị lại được nhìn thấy trong quan hệ giữa người với người. Nói đến thể loại văn học, nhất là theo cách nhìn cũ, chủ yếu là nói đến chức năng xã hội của từng thể loại, cũng lại gắn liền với con người.

Do đó, mặc dù chỉ tập trung chủ yếu vào các yếu tố ngoại vi của văn học, người ta không thể không nói đến vai trò của người đọc. Ngày xưa, khi Khổng Tử nói đến chuyện "khả dĩ hứng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán" của thơ, Vương Sung nói đến cái "vi thế dụng giả", Hàn Dũ nói đến khái niệm "văn dĩ minh đạo", Chu Đôn Di nói đến "văn dĩ tải đạo", hay khi Plato đòi đuổi các nhà thơ ra khỏi vương quốc cộng hòa, Aristotle nói đến chức năng thanh tẩy cảm xúc của bi kịch, Horace và Longinus nói đến cái cao cả như một phạm trù mỹ học, John Dryden và Samuel Johnson nói đến chức năng giáo hoá qua việc giải trí của văn học v.v..., họ đều nghĩ đến người đọc. Nhưng chỉ nghĩ đến vậy thôi chứ không hề công nhận một vai trò nào của người đọc. Vị trí của người đọc vẫn là ở bên lề.

Từ cuối thế kỷ 18, với các nhà lãng mạn chủ nghĩa, yếu tố tác giả đã đánh bật các yếu tố ngoại vi kể trên để chiếm vị trí trung tâm trong lãnh vực phê bình và lý luận văn học. Trên sân khấu văn học, một mình tác giả đứng lồng lộng như những thiên tài với sự nhạy bén và khả năng tưởng tượng phi thường đến độ trở thành lạc lõng giữa cuộc đời phàm tục, nói như Vũ Hoàng Chương, như những kẻ "đầu thai lầm thế kỷ", hay nói như Xuân Diệu, một "con chim đến từ núi lạ".

Từ vị trí bên lề, người đọc bị đẩy lùi vào quên lãng. Mà người đọc, lạ thay, cũng rất thanh thản chấp nhận vị thế hẩm hiu ấy. Một thời gian khá dài, người ta xem mục tiêu của việc đọc thơ văn, trước hết, là để tìm hiểu tâm tình của một nhà văn hay một nhà thơ.

Cả những lý thuyết có vẻ chống lại chủ nghĩa lãng mạn cũng không thoát được ảnh hưởng của nó, tiêu biểu nhất là lối phê bình theo phân tâm học và lối phê bình theo xã hội học, kể cả xã hội học theo khuynh hướng mác xít: cả hai đều nhắm đến việc tìm hiểu tác giả, nhưng một bên thì truy lùng trong tiềm thức và trong tuổi thơ của tác giả, còn một bên thì truy lùng trong bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội chung quanh tác giả.

Từ đầu thế kỷ 20, liên tiếp có nhiều cuộc "đảo chánh" nổ ra nhằm lật đổ vị thế tuyệt đối của tác giả. Đi tiên phong là hình thức luận của Nga, nhưng có ảnh hưởng sâu rộng nhất lại là Phê Bình Mới của Anh và Mỹ.

Cả hình thức luận lẫn Phê Bình Mới đều cho những dòng chữ trên trang giấy có giá trị hơn hẳn tất cả các yếu tố ngoài văn bản như tiểu sử và ý đồ của tác giả hay bối cảnh lịch sử và ý thức hệ trong đó tác phẩm được hình thành.

Nói cách khác, cả hai đều chủ trương truất phế tác giả như là một đối tượng nghiên cứu chính. Với các nhà hình thức luận, đối tượng của nghiên cứu văn học không phải là tác giả, hay thậm chí cũng không phải là một tác phẩm cụ thể nào cả, mà chỉ là tính văn học (literariness). Với các nhà Phê Bình Mới, chẳng hạn như W.K. Wimsatt và Monroe Beardsley, một sự phê bình dựa trên ý đồ của tác giả chỉ là một ảo tưởng và là một nguỵ biện - họ gọi là "intentional fallacy".

Hơn nữa, cả hình thức luận lẫn Phê Bình Mới đều loại trừ người đọc: những hồi âm của người đọc không hề được các nhà hình thức luận quan tâm, còn các nhà Phê Bình Mới thì thẳng thắn tuyên bố việc phê bình dựa trên những ấn tượng của người đọc cũng chỉ là một thứ nguỵ luận - họ gọi là "affective fallacy" - trong đó khuyết điểm chính là lẫn lộn giữa cái văn học là và cái văn học làm; không những thế, nó còn dẫn đến một thứ chủ nghĩa tương đối trong nhận thức luận.

Các nhà cấu trúc luận cũng chủ trương truất phế tác giả với tư cách là một đối tượng nghiên cứu để chỉ tập trung vào văn bản. Việc truất phế tác giả đi đến tận cùng khi họ, khác với các nhà Phê Bình Mới của Anh và Mỹ, từ chối cả việc tìm kiếm ý nghĩa của tác phẩm, mà chỉ tập trung vào những cấu trúc và những cơ chế làm nẩy sinh ý nghĩa, hầu tạo dựng một thứ "ngữ pháp" trong văn học.

Trên nguyên tắc, các nhà cấu trúc luận cũng không thừa nhận vai trò của người đọc trong lãnh vực nghiên cứu văn học. Tuy nhiên, khi đi tìm cấu trúc làm nảy sinh ra ý nghĩa, người ta dần dần khám phá ra là, nếu văn bản văn học, nói theo thuật ngữ của Ferdinand de Saussure, là một thứ lời nói (parole), tuy có vẻ độc lập và tự trị nhưng ngẫm cho cùng, chỉ là sản phẩm của một hệ thống giao tiếp mà con người phải nội tâm hoá nếu muốn hiểu hay sử dụng nó. Đuổi theo những cái mã (codes) hình thức trong văn bản, các nhà cấu trúc luận đã bắt gặp một thứ liên văn bản (intertext).

Theo Roland Barthes, văn bản thật ra chỉ là một "tấm vải" được đan bằng vô số các trích dẫn rút ra từ nhiều trung tâm văn hoá khác nhau và không có trích dẫn nào thực sự là độc sáng cả. Điều làm cho những "tấm vải" được thêu dệt bằng những sự trích dẫn ấy trở thành thống nhất không phải là từ nơi nó xuất phát: tác giả, mà chính là từ chỗ nó đến: độc giả.

Như vậy, ở cuối con đường truy tìm cấu trúc tạo thành ý nghĩa, người ta bắt gặp một vị khách mới và vị khách ấy ngay lập tức đã trở thành một kẻ thoán ngôi, bởi vì nói như Roland Barthes, "sự sinh thành của người đọc phải được trả giá bằng cái chết của tác giả". Một "triều đại" mới xuất hiện trong lịch sử lý luận văn học: "triều đại" phê bình căn cứ trên những hồi âm của người đọc (reader-response criticism) thay thế cho "triều đại" phê bình chỉ dựa trên văn bản (text-centred criticism).

Gọi là "triều đại" dĩ nhiên là một cách nói cường điệu, nhưng nó vẫn chứa một phần sự thật: một mặt, lối phê bình căn cứ trên hồi âm của người đọc không những đã quy tụ được nhiều trường phái lớn, từ chú giải học (hermeneutics) đến hiện tượng luận (phenomenology) và thuyết tiếp nhận (reception theory) mà còn thu hút được sự đồng tình, với nhiều mức độ khác nhau, từ những trường phái vốn thoạt đầu hầu như chủ trương hoàn toàn tập trung vào văn bản như cấu trúc luận và ký hiệu học.

Cả nữ quyền luận (feminism) lẫn hậu thực dân luận (postcolonialism) cũng là những trường hợp đặc biệt của trào lưu phê bình căn cứ trên hồi âm của người đọc với những câu hỏi căn bản: một người phụ nữ đọc khác một người đàn ông ra sao? hay một người thực dân đọc khác một người sống trong một quốc gia thuộc địa ra sao? Có thể nói người đọc và việc đọc là một trong vài ám ảnh lớn nhất của sinh hoạt lý luận văn học trên thế giới mấy thập niên vừa qua.

Ở một cấp độ căn bản nhất, người đọc được xem là kẻ đã lấp đầy các khoảng trống trong văn bản khiến cho những câu văn ngỡ như rời rạc bên nhau, những hình ảnh ngỡ như xa lạ với nhau nối kết lại với nhau thành một chỉnh thể với một cấu trúc thống nhất và từ đó, một ý nghĩa cụ thể. Bởi vậy, nghĩ cho cùng, có thể nói cả cấu trúc lẫn ý nghĩa của một văn bản đều không phải là những gì có sẵn và bất biến nằm chờ đợi người đọc đến nhặt lên mà là sản phẩm của một quá trình đọc.

Các lý thuyết gia trong trường phái tiếp nhận đi xa hơn, cho ý nghĩa của một tác phẩm là chính kinh nghiệm của người đọc. Văn chương là những gì diễn ra khi chúng ta đọc. Diễn dịch một văn bản là kể lại một câu chuyện về việc đọc. Và đọc là cụ thể hoá một tác phẩm, là biến một văn bản thành một tác phẩm, cuối cùng, là làm cho một tác phẩm thành một tác phẩm văn học.

Nói cách khác, với các lý thuyết gia thuộc trường phái tiếp nhận, đọc thực chất là viết lại một văn bản. Độc giả, do đó, trong một mức độ nhất định, trở thành đồng-tác giả (co-author).

Không ở đâu vai trò đồng-tác giả lại nổi rõ như là trên blog.

Đọc các văn bản in trên giấy theo kiểu truyền thống, sự hồi âm của người đọc hoàn toàn có tính chất cá nhân và ít nhiều thụ động. Họ có quyền diễn dịch nhưng sự diễn dịch ấy chỉ dành riêng cho họ.

Với blog thì khác. Người đọc có thể lên tiếng ngay tức khắc. Quan trọng hơn, tiếng nói của họ cũng được lắng nghe không kém gì tiếng nói của tác giả. Tôi biết rất nhiều người vào blog đọc không phải một mà là nhiều lần trong ngày. Họ đọc gì? Bài viết chính của blogger, đã đành. Nhưng họ cũng đọc, và đọc chăm chú, ý kiến đóng góp của độc giả nữa.

Trong những lúc chuyện trò, người ta không phải chỉ bàn đến bài viết chính của các blogger, mà còn bàn đến cả ý kiến của độc giả như một phần của vấn đề được bàn cãi.

Có thể nói các bài viết trên blog, tự bản chất, bao giờ cũng dở dang. Chúng chưa hoàn tất. Chúng chờ đợi được hoàn tất ở nơi khác: Ý kiến phản hồi của người đọc.

Khi ý kiến của người đọc đóng một vai trò to lớn như vậy, vai trò của người đọc cũng thay đổi. Họ, độc giả, trong chừng mực nhất định nào đó, trở thành những tác giả.

Cứ nhìn lên trang Talawas blog thì thấy. Ngay trên trang đầu, người ta thấy có ba cột chính: Bài mới nhất (của các blogger và cộng tác viên), Thời sự / Spectrum (bài đăng ở những chỗ khác được giới thiệu) và Phản hồi mới nhất của độc giả.

Theo dõi phần “Phản hồi” ấy, người ta dễ dàng nhận ra có một số tên tuổi thường xuyên xuất hiện (trong đó có một người ký tên Hưng Quốc; xin thưa, đó chỉ là trùng tên, không phải tôi, Nguyễn Hưng Quốc!). Rất nhiều người trong họ chưa hoặc rất hiếm khi viết một bài hoàn chỉnh và được đăng tải như một tác phẩm độc lập. Thế nhưng họ vẫn được đọc, được nhắc nhở và được bình luận như các blogger. Trong chừng mực nào đó, họ cũng trở thành những tác giả.

Trên trang blog này của tôi cũng vậy. Qua mấy tháng, độc giả có thể ít nhiều làm quen với cách viết blog của tôi, nhận thấy rõ hơn những ưu và khuyết điểm của cách viết ấy. Tuy nhiên, độc giả cũng thấy cả chân dung của nhiều độc giả khác, những người thường xuyên góp ý trên blog. Mỗi người không những có ý kiến khác nhau mà, quan trọng hơn, còn có cả cá tính khác nhau. Mỗi người một tính. Tất cả tập hợp lại và làm nên diện mạo chung của cả blog.

Không thể hình dung ra diện mạo của blog này nếu không có sự đóng góp ý kiến của các độc giả.

Bạn có đồng ý vậy không?



No comments: