Monday, October 12, 2009

KHẢ NĂNG và TƯ TƯỞNG của GIỚI LÃNH ĐẠO CỘNG SẢN VIỆT NAM


Trình độ của các vị lãnh đạo đảng ta
Người Yêu Nước
12.10.2009
http://www.x-cafevn.org/node/2258
Hồi cụ Tôn Đức Thắng còn làm Chủ tịch nước, có lần cụ đi thăm tỉnh Quảng Ninh. Cụ Tôn phải nói chuyện với 2 hội nghị, một với công nhân mỏ, một với Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh.

Tại hội nghị công nhân mỏ than Quảng Ninh, cụ Tôn rút tờ giấy viết sẵn ở trong túi ra, chậm rãi đeo kính vào, và chậm rãi đọc to từng chữ “Kính–thưa-các-chị -em-phụ-nữ”. Có vài tiềng cười nổi lên, nhưng phần lớn cả hội nghị cố gắng im lặng để không làm vị Chủ tịch nước xấu hổ.Thế rồi cụ ngừng đọc, nhìn xuống hội nghị, và chậm rãi buột miệng nói ngay bên cạnh micro “Chui-cha-nhầm-rồi”, rồi cụ lại từ tốn gập tờ giấy cho vào túi, rút tờ giấy khác ra đọc. Bây giờ thì mới đúng.

Cụ Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước là sản phẩm của cơ chế “Đảng cử, dân bầu”. Cụ Tôn chẳng có năng lực, cũng chẳng muốn làm Chủ tịch nước, nhưng Bộ Chính Trị quyết định theo cơ cấu, sau khi cụ Hồ mất, thì cụ Tôn thay thế. Thời kỳ đầu làm Chủ tịch nước, cụ Tôn cũng có niềm đau khổ vì cái chức vụ cơ cấu này, vì 2 vợ chồng già cụ phải ăn riêng. Cụ Tôn ăn theo chế độ Chủ tịch nước, cụ bà ăn theo chế độ dân thường. 2 cụ 2 mâm khác nhau, ngồi trong cùng một nhà. Vì Bộ Chính trị quyết định như vậy. Nghe nói có khi cụ ứa nước mắt ngồi ăn một mình, bảo vệ đứng bên cạnh, còn vợ cụ cũng lủi thủi ăn một mình ở phòng bên cạnh, chủ yếu chỉ có rau dưa. Mãi sau này Bộ chính trị thấy khó coi quá, mới quyết định cho 2 cụ được ăn cùng. Nghe nói khi cụ Tôn nói “chui cha nhầm rồi” ở Quảng Ninh, là thời kỳ cụ còn ăn riêng!

Ở Hà Nội thời ông Nguyễn Thanh Bình còn làm bí thư, ông cũng có chuyện nhầm lẫn như vậy. Về nói chuyện với một trường phổ thông, ông rút tờ giấy chuẩn bị cho hội nghị khác ra đọc. Khi trả lời phỏng vấn một tờ báo, gần xong cuộc phỏng vấn rồi, ông lại hỏi nhà báo: “đồng chí ở báo nào nhỉ?”. Ông Nguyễn Thanh Bình cũng nổi tiếng ở một lần đi thăm địa phương, ông bắt tay những người ra đón, và miệng luôn nói tốt tốt, vì người cộng sản thì phải luôn lạc quan chiến thắng. Ông gặp một lái xe cũ, và hỏi thăm nhiệt tình “vợ con cậu thế nào”. Người lái xe cũ nói “Dạ, vợ em mới mất ạ”. “Tốt, tốt”, ông Thanh Bình nói. Rồi ông biết mình buột miệng, nên nói lại vài câu chữa ngượng.

Còn ông Nguyễn Đức Tâm, bí thư tỉnh Quảng Ninh, thì nhân dân Quảng Ninh có nhận xét về ông như sau: “Ưu điểm lớn nhất của đồng chí bí thư tỉnh ta, là, khi ngồi trên ghế Chủ tịch đoàn, không hay nói chuyện riêng”. Nhờ ưu điểm này, ông Nguyễn Đức Tâm sau này được điều về trung ương, làm Trưởng ban tổ chức trung ương, chức vụ hiện nay của ông Hồ Đức Việt.

Ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh khi mới nhậm chức Tổng bí thư hòi năm 2001, cũng đi thăm một trường phổ thông ở Hà Nội. Đi thăm các cháu thiếu nhi, ông cũng rút tờ giấy viết sẵn ra đọc chăm chỉ, thỉnh thoảng cũng ngửng đầu lên cho có vẻ “ta không chỉ dựa vào giấy đâu”. Nhiều cử tọa đứng dưới nói thầm “Tổng bí thư gì mà chán quá, nói chuyện với các cháu thiếu nhi thì cứ nói tự nhiên, thăm hỏi ân cần, việc gì mà phải đọc giấy do thư ký viết sẵn như thế.”

Người dân Việt Nam ta vẫn nhớ ông Thủ tướng Phan Văn Khải, trong chuyến đi thăm Mỹ hồi năm 2005, ông Khải ngồi nói chuyện với Tổng thống Bush, tay cầm giấy đọc. Còn ông Bush ngồi nói chuyện thoải mái, tự nhiên, cười tươi, chẳng có giấy má gì cả. Hình ảnh đó được chiếu rộng rãi trên tivi. Dân ta nói, Thủ tướng của ta nói chuyện phải dùng “phao”. “Phao” là từ để chỉ học sinh vào phòng thi, bí mật mang theo tài liệu, tài liệu đó được gọi là “phao” - phao cứu sinh cho người sắp bị chết đuối. Thủ tướng phải dùng “phao”, thì học sinh cả nước khi thi đều dùng phao cũng phải.

Ông Bush sau 2 nhiệm kỳ làm Tổng thống, già hẳn đi, tóc bạc ra. Vì ông phải tự sức làm việc. Còn các vị lãnh đạo ở nước ta hiện nay chủ yếu là do cơ cấu xắp xếp, không phải do ganh đua, cạnh tranh, thi tài thi sức như ở các nước dân chủ. Nếu nằm trong cơ cấu rồi, thì cứ thế mà lên như diều, lên rồi thì khó xuống. Làm việc chẳng vất vả gì cả. Công việc có thư ký lo, chủ yếu đi dự các hội nghị, nghe giới thiệu “Kính thưa đồng chí...” rất oai, rồi rút giấy ra đọc thôi (mà còn nhầm). Cho nên ông Vũ Oanh, khi còn làm Ủy viên Bộ Chính trị, một tháng họp đủ 26 ngày. Vào ngày Chủ nhật, không thấy đi họp gì cả, ông buồn, hỏi thư ký rằng “Sao, hôm nay không họp à?”. Bởi vậy các vị lãnh đạo Đảng ta sau khi lên làm lãnh đạo, đều béo đỏ ra, không vất vả như các vị lãnh đạo các nước dân chủ.

Ông Phan Khôi, thời Nhân văn giai phẩm năm 1956, đã viết truyện “Ông bình vôi”. Các bà ăn trầu ở nước ta đều biết cái bình vôi ăn trầu, càng lấy vôi ra để ăn trầu, cái cổ bình vôi càng bị vôi bịt kín lại, nhỏ đi. Ông Phan Khôi muốn ám chỉ cán bộ đảng viên càng lên cao, thì đầu óc càng bé lại, như cái ông bình vôi.

Cái chuyện “Ông bình vôi” đó, cách đây hơn 50 năm, bây giờ có vẻ vẫn đúng với các vị lãnh đạo Đảng ta.

Chừng nào dân ta chưa được trực tiếp bầu lãnh đạo, hoặc chí ít, Quốc hội chưa được trực tiếp bầu lãnh đạo, Đại hội Đảng chưa được trực tiếp bầu lãnh đạo, vẫn là cơ cấu “đảng cử, dân bầu”, thì các vị lãnh đạo “Ông bình vôi”, thích họp còn nhiều lắm trong Đảng ta.

------------------------------------------------------------

Vì sao chỉ học tập đạo đức Bác Hồ, mà không học tập tư tưởng Bác Hồ?
Người Yêu Nước

10.10.2009
http://www.x-cafevn.org/node/2253

Gần đây Đảng ta phát động nhiều đợt học tập gương đạo đức Hồ Chí Minh. Năm 2007, Đảng phát động phong trào “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Năm 2008, lại tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ban Tuyên giáo trung ương còn tổ chức cuộc thi “Bác Hồ-người là niềm tin tất thắng”. Nội dung cuộc thi vẫn là “Tấm gương đạo đức của Bác Hồ kính yêu”.

Không thấy Đảng ta tổ chức học tập, thảo luận về Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đường lối của Đảng ta vẫn tiếp tục khẳng định “kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Vậy tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một Nhà nước dân chủ, tự do là như thế nào? Không thấy Đảng ta tổng kết, định nghĩa về nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh. Và ban Tuyên giáo trung ương cũng không thấy tổ chức các cuộc thi học tập, nghiên cứu, thảo luận về tư tưởng Hồ Chí Minh.

Phải chăng vì tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền, dân chủ, tự do hầu như không có gì, hay là Đảng ta cố tình né tránh, không muốn cho đân hiểu sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh?

Tư tưởng đặc sắc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một Nhà nước dân chủ được thể hiện ở Bản yêu sách 8 điểm của dân tộc Việt Nam gửi Hội nghị Vec-xay ngày 28 tháng 6 năm 1919. Khi đó người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc mới 29 tuổi. Chiến tranh thế giới kết thúc, các nước thắng trận họp ở Vec-xay (Versailles, Pháp) vào ngày 28 tháng 6 năm 1919, để ký kết hòa ước chính thức.

Khi đó, anh Nguyễn Ái Quốc tổ chức Nhóm những người Việt Nam yêu nước ở Pari và các tỉnh trong nước Pháp. Nhân có hội nghị Vec-xây này, anh Nguyễn với danh nghĩa đại diện cho Nhóm người Việt Nam yêu nước này, gửi một bản yêu sách 8 điểm đến hội nghị, đòi các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Khi đó, Bác Hồ chưa giỏi tiếng Pháp, nên nhờ luật sư Phan Văn Trường viết hộ Bản yêu sách này.

Bản yêu sách 8 điểm này hiện được in trong bộ “Những sự kiện lịch sử Đảng”, tập 1, Nhà xuất bản sự thật (tên cũ của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia), Hà Nội, năm 1976, trang 20, 21, như sau:
1-Ân xá toàn thể chính trị phạm Việt Nam.
2-Cải cách nền pháp lý Đông dương, cho phép người Việt Nam cũng được bảo đảm về mặt pháp lý như người Âu, bỏ hẳn Tòa án đặc biệt, công cụ để để khủng bố những người Việt Nam lương thiện nhất.
3-Tự do báo chí và tự do tư tưởng.
4-Tự do lập hội và tự do hội họp.
5-Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do ra nước ngoài.
6-Tự do học tập và mở các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp cho người bản xứ ở khắp các tỉnh.
7-Thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ luật pháp.
8-Phải có đại biểu thường trực của người Việt Nam do người bản xứ bầu ra, ở bên cạnh nghị viện Pháp để trình bày nguyện vọng của người bản xứ”.

Tại sao Đảng ta hiện nay không cho nhân dân được học tập rộng rãi Bản yêu sách 8 điểm này, để hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh về các yêu cầu chính đáng của người dân trong một nước thuộc địa, và nhất là để so sánh xem hiện nay, Nhà nước ta đã thực hiện tốt 8 yêu sách nêu trên hay chưa.

Cách đây gần 100 năm, Bác Hồ đã đề nghị nhà nước thực dân cho phép dân ta có được các quyền tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do lập hội, xóa bỏ các sắc lệnh, thay bằng luật, tha hết các chính trị phạm... Đảng ta cần phải cho dân ta học tập, thảo luận xem nước ta hiện nay đã có tự do báo chí hay chưa, đã có báo chí tư nhân hay chưa? Dân ta đã được tự do lập hội và tự do hội họp, tự do cư trú hay chưa? Các chính trị phạm đã đựợc thả hay chưa? Tòa án đặc biệt để xử những công dân lương thiện nhất, dám dũng cảm đề nghị tự do dân chủ cho người Việt Nam ta, đã bị xóa bỏ hay chưa?

Đảng ta liệu có dám cho dân thảo luận rộng rãi xem ngày nay, người dân đang có những nguyện vọng gì đối với Nhà nước, với Đảng không?

Nhưng nội dung đặc sắc sắc nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện trong bản Hiến pháp 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bản Hiến pháp này được Quốc hội khóa 1, Kỳ họp thứ nhất thông qua ngày mồng 9 tháng 11 năm 1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội. Trưởng ban sọan thảo Hiến pháp 1946 là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong bản Hiến pháp này không hề nói đến chủ nghĩa xã hội, hay chủ nghĩa cộng sản, mà chỉ nói đến một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Điều 10 của Hiến pháp này quy định rõ:

“Công dân Việt Nam có quyền:
-Tự do ngôn luận
-Tự do xuất bản
-Tự do tổ chức và hội họp
-Tự do cư trú, tự do đi lại trong nước và ra nước ngoài”.


Tại sao Đảng ta không cho dân ta học tập tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện ở điều 10 Hiến pháp 1946 này, để so sánh xem hiện nay, Đảng ta đã cho dân ta các quyền đó chưa?

Tại sao trong các trường học, ngay cả các trường Luật, cũng không cho học sinh, sinh viên học về Hiến pháp 1946 này, mà chỉ học học về Hiến pháp hiện hành 1992?

Tháng 10 năm 1945, ngay sau khi tuyên bố độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác Hồ đã viết một bức thư, tiêu đề “Gửi các ủy ban nhân dân, các bộ, tỉnh, huyện và làng”. Nội dung thư này nói:
“Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì.”

Vì sao Đảng ta không tổ chức cho dân học tập, thảo luận rộng rãi câu nói đầy ý nghĩa này của Hồ Chủ Tịch?

Cũng trong bức thư này, Bác Hồ viết:
“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.
Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh.
Chúng ta phải yêu dân, thì dân mới yêu ta, kính ta”.


Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi mới nhậm chức Chủ tịch nước, cũng đã trích dẫn câu nói này của Bác Hồ khi trả lời phỏng vấn các nhà báo. Vậy tại sao Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết không yêu cầu Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập rộng rãi tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Tư tưởng Hồ Chí Minh còn rất nhiều điều đặc sắc, nhưng Đảng ta có vẻ né tránh, không muốn cho dân và cán bộ, đảng viên học tập.

Chỉ học tập đạo đức Hồ Chí Minh, với những khẩu hiệu sáo rỗng “Bác Hồ-người là niềm tin tất thắng”, nếu Bác sống lại, hẳn Bác cũng không hài lòng.

Chỉ học tập đạo đức Hồ Chí Minh, không học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, tự do, là hạ thấp vai trò và giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, là chỉ mượn hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh để đánh bóng cho những kẻ tham quyền, cố vị, tham nhũng, thối nát.



No comments: