Monday, October 12, 2009

QUA NGÔN NGỮ TÌM THẤY CHÂN LÝ (Huerta Mueller)


phỏng vấn herta mueller:
qua ngôn ngữ tìm thấy chân lý
Lothar Schroeder
Chuyển ngữ:
Thái Kim Lan
12.10.2009
http://damau.org/archives/9462

Ghi chú của dịch giả Thái Kim Lan:
Lothar Schroeder phỏng vấn Herta Mueller (HM) nhân dịp bà được trao bằng danh dự của Hội Henrich Heine ở Duesseldorf vào cuối tháng 9. 2009. (
Nguồn: RPOnline). Quyển tiểu thuyết mới nhất Atemschaukel (Xích đu hơi thở) của bà vào thời điểm này đang được xếp vào lược bình chọn cuối cho giải thưởng sách Đức năm 2009.
Lẽ ra cuốn tiểu thuyết này có hai tác giả. Tuy nhiên sau khi nhà thơ Oskar Pastior (OP) qua đời cách đây 3 năm, HM đã tiếp tục viết một mình: Xích đu hơi thở, một tác phẩm về số phận và sự phát vãng của những người Đức gốc Lỗ mã ni sau cáo chung của Đại thế chiến thứ hai. Quyển tiểu thuyết được ca ngợi như là bản “Trần tình của hoài niệm” đã nằm trong danh sách tuyển chọn đợt cuối cho Giải thưởng sách Đức 2009. Nhưng bất ngờ H. M. được giải Nobel văn chương ngày 08. 10. 2009 với tác phẩm này.
Tuy cuộc phỏng vấn đề cập đến sự kiện trao bằng danh dự Heinrich Heine nhưng nội dung phát biểu của HM về sự hình thành của tác phẩm đã đem giải văn chương cao nhất cho bà vẫn còn thời sự để tham khảo.

------------------------------

LS: Số phận của những người Đức gốc Lỗ mã ni (Rumanien) ngay sau chiến tranh không phải là một sự bí mật, tuy thế ở nước Đức, hầu như không ai biết đến vấn đề ấy. Theo Bà, có phải văn chương là kẻ trung gian của quá khứ?
Mueller: Chỉ có văn chương cho ta khả thể trổi lên từ lịch sử của mỗi con người riêng lẻ. Văn chương đạt được chân lý qua sáng tạo, văn chương hình dung chân lý qua ngôn ngữ. Nhưng chỉ có sự nghiên cứu lịch sử mới có thể tài liệu hóa một biến cố và giới thiệu nó như một hình ảnh toàn thể. Nghiên cứu lịch sử có thể khám nghiệm truy cứu và dựa vào sự phân tích để đưa ra những kết luận trên phương diện xã hội, chính trị và tâm lý. Cả hai, văn chương và nghiên cứu lịch sử đều cần thiết như nhau – chúng bổ túc lẫn nhau.
LS: Thỉnh thoảng Bà có nghĩ đến trường hợp Oskar Pastior sẽ nói gì về “Xích đu hơi thở” không?
Mueller: Tôi nghĩ đến OP mỗi ngày – với và không với “Xích đu hơi thở”. Bởi vì tôi thiếu anh như một người bạn thân. Anh ấy đã ước mơ nhiều về quyển sách này và đã bỏ ra nhiều thì giờ trong những năm cuối để kể cho tôi nghe về những năm trong trại lao động. Đối với anh, kể lại cho người khác nghe về điều ấy thật là quan trọng. Và càng gặp nhau thường xuyên hơn thì điều đó lại trở nên càng quan trọng hơn. Đối với tôi quả là một may mắn được anh ấy sẵn sàng đặt mình vào trong khoảng thời gian trại tập trung một lần nữa. Tôi tin rằng, đối với anh, điều ấy đã là một sự cần thiết vừa hành hạ anh mà cũng vừa làm anh hạnh phúc. Đến phút cuối cùng OP vẫn còn giữ vẻ trẻ trung (OP mất lúc 76 tuổi, ghi chú của người dịch), tôi quên luôn sự khác biệt tuổi tác khi chúng tôi ngồi với nhau. Anh ấy vừa lém lỉnh, vừa ưu phiền, vừa tỉnh lẻ mà cũng vừa toàn cầu trong cùng một lúc và trong cùng một cách chỉ riêng của anh. Và như thế OP vừa trực tính mà vừa kín đáo trong cùng một con người
LS: Bà sẽ diễn tả phần tham gia của ông ấy vào quyển sách như thế nào?
Mueller: Tất cả những chi tiết của đời sống hàng ngày ở trại, những tài liệu và những qui trình công việc, những tưởng tượng về cái đói như “thiên thần đói” – đối với anh ấy, một chữ hoàn toàn bình thường cho “ thời điểm không” như anh ấy nói. Cũng cụ thể như chữ “trại”. Anh ấy đã rất tin tưởng ở tôi.
LS: Để tìm một ngôn ngữ xứng tầm với nỗi khổ trong quyển tiểu thuyết ấy, đã khó khăn cho Ba như thế nào?
Mueller: Đề tài tự tìm lấy ngôn ngữ cho nó, và chính ngôn ngữ buộc ta phải chính xác từng li. Người ta phải dấn thân vào trong sự kể chuyện thế nào cho những sự kiện vỡ vụn ra. Chỉ như thế chúng mới có thể diễn đạt được tận trong những phần nhỏ nhất và tận trong chi tiết. Một cơn chấn thương phải được xé ra trong từng chi tiết, nguyên nhân đã gây ra hội chứng ấy. Một văn bản chẳng bắt đầu được điều gì với duy khái niệm “chấn thương” hay “tổn thương”.
LS: Heinrich Heine có vai trò gì đối với bà – trong lúc nhân danh thi hào này Bà được vinh danh – và lần đầu tiên bà biết tác phẩm của ông ấy vào lúc nào?
Mueller: Trong một sách giáo khoa đã có bài thơ “Lorelay” – tôi còn nhớ rõ. Nhưng khi tôi bắt đầu viết, Heine đã không đóng vai trò gì cả. Thời ấy tôi là thông dịch viên ở trong một xưởng chế tạo máy móc và đã cưỡng lại không chịu làm kẻ chỉ điểm cho mật vụ. Tôi ngồi trong bẫy của những sách nhiễu hàng ngày cho đến khi tôi bị đuổi ra khỏi xưởng. Sau đó hết thẩm vấn này đến thẩm vấn khác không dứt, và chính cái cơ quan mật vụ đã đuổi tôi ra khỏi xưởng lại mệnh danh tôi là phần tử ăn bám.
LS: Và đó đã là nguyên do để viết?
Mueller: Trong thế gọng kìm này tôi bắt đầu với một số đoản thiên văn xuôi của tập Những vùng đáy (Niederungen) để tự mình quyết chắc cho mình. Tôi sục sạo quãng đời của mình, thời thơ ấu trong tấm làng nhỏ bé, quá khứ SS của cha tôi, sự dính líu của thiểu số người Đức trong tội ác của Nazis, sự độc đoán của chế độ độc tài trong đó bấy giờ tôi đang sống. Heine đã không đứng một chỗ nào trong quãng đời bị đẩy đưa qua lại ấy.
LS: Và hôm nay?
Mueller: Người ta e ngại làm một cuộc so sánh những nỗi sợ hãi riêng, sự tróc nã, vu khống, lưu đày với số phận của Heine, khi người ta – như tôi – có người cha làm lính SS. Tôi không có mặc cảm tội lỗi; lúc ấy tôi chưa chào đời. Tuy thế một người cha vẫn là một thành phần của tiểu sử riêng; điều đó không thay đổi được. Người ta nhìn thẳng vào mắt thời gian của chính mình, nhưng đâu đâu cũng đều có một kính chiếu hậu. Và trong đó an tọa quảng đời của song thân. Nhưng cái kính chiếu hậu cũng biết rõ, Heine đã đau khổ đến thế nào dưới chủ nghĩa bài Do Thái thời ông. Nhưng nếu không có hơi thở của cha tôi thì mỗi so sánh giữa thời của Heine và thời của tôi trong một quốc gia kiểm soát theo cách xã hội chủ nghĩa sẽ khó đặt ra.

--------------------

Nobel Văn học 2009 - Người suốt đời mắc nợ
Thụy Anh
12/10/09, 7:47 am
http://www.thvl.vn/?id_pnewsv=42388&lg=vn&start=0

Giải Nobel Văn học năm nay đã thuộc về nữ sĩ người Đức Herta Müller. Bà luôn cảm thấy “mắc nợ với những con người, những sự vật, những vùng đất”.

Herta Müller sinh năm 1953 tại Romania. Từ năm 1973 - 1976, nghiên cứu tiếng Đức, tiếng Romania và văn học tại trường Tổng hợp Timişoara, tham gia nhóm Aktionsgruppe Banat, một tổ chức đoàn kết của các cây bút trẻ nói tiếng Đức. Năm 1987, vì lý do chính trị, Herta Müller cùng chồng rời Romania đến cư trú tại Đức. Hiện giờ, bà sống chủ yếu ở Berlin.
Thực ra, nếu nhớ rằng những năm gần đây, bất kỳ một tác gia nào lọt vào mắt xanh của Hội đồng chấm giải Nobel Viện Hàn lâm Thụy Điển đều khiến người ta xôn xao vì sự “không thời sự, không hot” của họ, thì cái tin Herta Müller được vinh danh năm nay lại khiến dư luận ngạc nhiên vì điều ngược lại! Đây là một cây bút rất “hot” trên văn đàn Đức.
Herta Müller chưa nhiều tuổi đến mức bị coi là tác gia của thế kỷ cũ như Doris Lessing (Nobel Văn học 2007), cũng không xa lánh báo giới và sống gần như ẩn dật như Jean-Marie Gustave Le Clezio (Nobel Văn học 2008). Bà là một cây bút còn đầy sung sức và tích cực tham gia vào cuộc sống hiện đại. Thậm chí, người ta thấy tên Herta Müller ký dưới rất nhiều bức thư ngỏ phản đối chiến tranh ở Chechnya.
Bà viết đều và xuất bản nhiều, là tác giả của 19 tiểu thuyết và truyện vừa. Tác phẩm của bà được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới.
Tập truyện ngắn đầu tay của Herta Müller là tập “Những miền đất trũng”, xuất bản tại Bucharest vào năm 1982, từng bị cấm phát hành tại Romania. Tại Đức, Herta Müller có nhiều tác phẩm được độc giả chú ý như tập truyện “Tháng hai chân đất” (1987), truyện dài “Con quỷ ngụ trong gương” (1991), tiểu thuyết “Ngay cả con cáo cũng từng là thợ săn” (1992), các tập tiểu luận “Cơn đói và tơ lụa” (1995), “Hôm nay có lẽ em không nên gặp anh” (1997)…
Ngoài ra, trong gia tài văn chương của mình, Müller còn có một số tuyển thơ bằng tiếng Romania và tiếng Đức được trình bày rất hiện đại - thơ cắt dán từ những mẩu báo. Năm 2000, Herta Müller cho ra mắt độc giả tập thơ - cắt dán “Im Haarknoten wohnt eine Dame” (Một người đàn bà sống trong búi tóc).
Sáng tác của Herta Müller được coi là một trong những hiện tượng đáng lưu ý của nền văn học Đức hiện đại và được giới phê bình rất quan tâm. Bà cũng là người có duyên với các giải thưởng. Từ năm 1981 cho đến nay, bà nhận được trên dưới 20 giải thưởng quốc gia và quốc tế về văn học, trong số đó, đáng kể nhất là giải thưởng mang tên Heinrich von Kleist (1994), giải thưởng Frankz Kafka (1999), giải thưởng Joseph-Breitbach (2003), giải thưởng Văn học Đức Walter-Hasenclever (2006) và bây giờ là giải Nobel Văn học 2009!

Người mắc nợ cuộc sống
Herta Müller lớn lên ở một làng quê vùng Timiş (Nitchidorf) hẻo lánh. Nơi ấy, bà có một thế giới đặc biệt của riêng mình : một cộng đồng người dân gốc Đức lưu lạc ở Romania từ thời quân chủ Áo - Hung. Họ sinh hoạt tương đối biệt lập, có trường học riêng, có ý thức giữ gìn ngôn ngữ gốc. Chính vì thế, ngay từ khi bắt đầu sáng tác, Herta Müller đã viết bằng tiếng Đức. Bà cảm nhận ngôn từ tiếng Đức tinh tế hơn nhiều đồng nghiệp sinh ra và lớn lên ở Đức.
Bà tìm được trong ngôn ngữ này cách biểu cảm độc đáo và bất ngờ bởi bà vừa nắm vững tiếng Đức như tiếng mẹ đẻ, lại vừa có cái nhìn của một người từ bên ngoài, một người lớn lên ở một đất nước khác, một nền văn hóa khác. Người ta so sánh khả năng linh hoạt về ngôn ngữ của Herta Müller với nhà thơ Heinz Erhard - một người Đức sống ở Riga, nắm vững và hiểu sâu sắc ba ngôn ngữ : Nga, Đức, Latvi.
Trong cách hành văn, ngôn ngữ của Müller khá đặc biệt - nó như cách một đứa trẻ tiếp nhận thế giới ngôn từ theo cách riêng của mình, đầy bất ngờ. Müller từng viết trong cuốn tiểu luận “Nhà vua cúi chào và xuống tay giết người” về quan niệm của mình về ngôn ngữ như sau : “Đối với phần đông mọi người, không hề có kẽ hở nào giữa một từ và sự vật mà từ ấy gọi tên. Muốn nhìn được ra kẽ hở ấy, có lẽ cần phải định vị ánh mắt vào cõi mông lung, giống như tuột từ thân thể chính mình vào chỗ trống vậy… Trong mỗi một ngôn ngữ, nghĩa là mỗi một phương cách để chuyển tải lời nói, đều ẩn giấu những cái nhìn khác”
Herta Müller là một cây bút bao quát nhiều thể loại. Bà viết truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, tiểu luận, đoản văn và cả thơ. Trong một tác phẩm của mình, nữ sĩ đã viết : “Tôi… chính là hồi ức về bản thân mình” - gần như là một tuyên bố quan niệm về nghề của bà. Ký ức giống như lương tâm, lên tiếng thông qua nhà văn, nhà văn chỉ là công cụ của ký ức - lương tâm mà thôi. Với Müller, những hồi tưởng trở thành chất liệu cho gần như mọi tác phẩm của bà, trở thành một thủ pháp nghệ thuật cơ bản của tác giả.
“Tôi không có bổn phận gì hết đối với văn học. Những gì tôi viết, tôi hoàn thành sứ mệnh đối với bản thân tôi” - Müller từng nói như vậy. Bà nói đến “nghĩa vụ của mình trước những điều đã có trong ký ức”, đến sự thật cần được nói ra mà bà luôn cảm thấy “mắc nợ với những con người, những sự vật, những vùng đất”. Nghĩa là, Herta Müller đến với nghề bằng sự thôi thúc tự thân, bằng sự mong muốn được “trả những món nợ” tinh thần ấy.
Một trong những miền đất mà bà mắc nợ chính là Romania. Herta Müller khi đã chọn con đường ra đi rồi, thì dường như vẫn chưa hề rời khỏi đất nước bà đã gắn bó từ tuổi ấu thơ. Romania hiện lên trong mọi cuốn sách bà viết sau này, với mây trời cây cối, những con chó con bò, những cánh đồng ngô trải rộng, những con đường nhựa ở Timiş, với cả thứ phương ngữ thân thuộc của vùng quê bà từng sống.
Những gì nữ sĩ về miền đất này có thể coi như chứng nhân cho thời thế, cho một giai đoạn lịch sử, trong đó khắc họa con người rất rõ nét, sự tồn tại vô vọng của họ, sợ hãi, bạo lực, trống trải… của một thời. Herta Müller từng nói : “Trong nhiều tác phẩm của tôi, Romania cứ hiện ra, cứ trào ra… Tôi chỉ mong sao Romania và chế độ xã hội ấy đừng có nhoi lên phía trước, đừng đập vào mắt người đọc như thế. Thế nhưng, trong mọi văn bản tôi viết, chúng vẫn cứ có mặt, kể cả khi đề tài hoàn toàn khác.”

Đề tài dữ dội, cách viết trữ tình

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí cách đây mấy năm, Herta Müller cho rằng, “văn học giúp ta hiểu thấu đáo hiện thực hơn, giúp ta đối diện với nó chứ không phải chạy trốn”. Vì thế, bà không ngại khai thác những đề tài “dữ dội” mang màu sắc chính trị. Nhưng cách viết lại linh hoạt : khi đơn giản, hiện đại, lúc lại mang hơi hướng cổ điển trữ tình, ảnh hưởng của nền văn học Nga mà bà rất hâm mộ. Müller đặc biệt yêu thích các nhà thơ Nga Venedikt Eropheev, Marina Tsvetaeva và Daniila Harms.
Truyện ngắn của Herta Müller độc đáo ở tính thơ nội tại, với những chi tiết được hình tượng hóa, với dung lượng từ không nhiều, đôi lúc sử dụng thủ pháp láy ngữ láy hình ảnh và nhịp điệu mở. Thế nhưng, mạch cảm xúc lại dồn nén đến độ lạnh lùng, nhưng luôn tạo hiệu quả bất ngờ khi kết thúc.
Chẳng hạn, viết về tình cảnh túng quẫn cùng cực của một người muốn rời bỏ đất nước mình, bà bắt đầu như mở đầu một bài thơ : “Từ bìa rừng, một người màu xanh lá cây đi dọc theo cánh đồng. Cái gáy của người ấy được cạo trọc lốc. Người màu xanh lá cây đeo một chiếc ba-lô màu xanh lá… ” Sau đó, cuộc sống bi đát hiện lên dần dần, chỉ bằng những lời văn tả ngắn gọn, không kể lể, không một lời cảm thán từ phía tác giả.
Đến cả viết về cái chết cũng tưởng chừng rất thản nhiên : “Ba năm trước, Karl từng muốn vào núi ở. Trước khi Karl trở lại làng, cha anh đã treo cổ trong nhà kho. Karl nhìn thấy đôi giày của cha ở cạnh miệng giếng. Trước khi chết, kẻ tự vẫn từng có ý định trẫm mình.

Hai năm trước, Karl từng muốn ra miền biển…
Một năm trước, Karl từng muốn bỏ xứ mà đi… ”

(truyện ngắn “Giữa mùa hè”)

Ngược lại, thơ của Herta Müller lại khúc triết, duy lý mà vẫn đầy sức gợi, với cách trình bày cắt dán ngộ nghĩnh ấn tượng :
Trong bọc lông vũ có con gà trống đang sống
Trong bọc lá phong có cả hàng cây
Hồn con thỏ trong bọc đựng lông mềm
Trong bọc nước mắt một mặt hồ đang ngủ

(Ba bài thơ)

Cuốn tiểu thuyết mới nhất Herta Müller viết năm 2009 có tên “Atemschaukel” (tạm dịch là Nhịp thở) là một tác phẩm thuộc thể loại non-fiction (phi hư cấu), viết về cuộc đời có thực của một người Đức sống ở Romania trải qua thời kỳ ở trại lao động cưỡng bức ở Ukraine.
Vừa mới xuất bản, cuốn sách đã được đề cử giải Deutscher Bücherpreis - một trong những giải thưởng văn học có uy tín ở Đức. Trong tác phẩm, có sự thật mà gia đình Herta Müller từng trải qua, có bi kịch của 80.000 người Đức sống ở Romania bị cưỡng chế rời Romania vào năm 1945. Có lao động khổ sai, có cái đói, cái rét và cả chết chóc. Để viết cuốn sách này, nhà văn đã cất công tìm gặp rất nhiều nhân chứng, nhưng bà thất vọng vì cách kể chuyện rập khuôn, không tình tiết sống động của họ.
Người ta không quên nhưng không muốn hoặc không quen, không biết cách nhắc đến những bi kịch của một thời như nhắc về một hiện thực gần gũi có thật. Về sau, nữ sĩ may mắn tìm được một “người đồng hành” quan trọng là tác giả người Đức từng sống ở Romania Oscar Pastior (1927 - 2006), một nhân chứng sống. Hai người đã tìm về Ukraine, về nơi Oscar đã từng lao động trong trại. Tiếc rằng năm 2006, Oscar qua đời, Herta Müller đã hoàn thành cuốn sách mà không có sự trợ giúp đắc lực của người bạn văn - nhân chứng sống ấy.
Điều đáng nói là giới phê bình văn học Đức nhận xét rằng, cuốn sách được viết một cách trữ tình cho dù nội dung dữ dội. Sự thật phơi bày trong tác phẩm được cách truyền tải “trữ tình” ấy làm cho thật và dễ cảm nhận hơn. Đó có lẽ cũng là lý do mà Herta Müller được nhận giải Nobel lĩnh vực văn học năm 2009 : Vì “sự dồn nén của thơ và sự chân thực của văn xuôi mà tác giả dùng để lột tả bối cảnh cuộc sống của những người thống khổ bị tước đoạt miền đất của mình”.
Thụy Anh - VNN
(Bài này đã bị rút xuống khỏi trang web vietnamnet)

-------------------------
phỏng vấn herta mueller: qua ngôn ngữ tìm thấy chân lý (Da màu)
Nobel Văn học 2009 – Người suốt đời mắc nợ (TH Vĩnh Long)
Nobel Văn chương 2009 – Người lạ trên chính quê hương mình


No comments: