Friday, October 23, 2009

HIỆN ĐẠI HOÁ THỨ 5 : TINH THẦN DÂN CHỦ TRUNG HOA


Hiện đại hoá thứ 5: Tinh thần dân chủ Trung Hoa
Ngụy Kinh Sinh
Dich giả: Phan Đằng Giang
23/10/2009 11:17 sáng

http://www.talawas.org/?p=11992
talawas – Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, “Bè lũ 4 tên” bị bắt và quyền lãnh đạo chuyển hẳn về phe cấp tiến xung quanh Đặng Tiểu Bình với chính sách “Bốn hiện đại hóa”, một giai đoạn cởi mở ngắn ngủi được mệnh danh là “Mùa Xuân Bắc Kinh” diễn ra trong hai năm 1977-1978, với biểu tượng là Bức tường Dân chủ Tây Đan ở thủ đô Bắc Kinh, nơi người dân có thể công khai trình bày chính kiến của mình. Bài báo sau đây được nhà hoạt động dân chủ Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng) viết, ký tên và dán lên Bức tường Dân chủ ngày 5/12/1978.
Ngày 29/3/1979, ông bị bắt và bị kết án 15 năm tù về tội tiết lộ bí mật quân sự (kế hoạch tấn công Việt Nam của Trung Quốc trong Chiến tranh Biên giới 1979) cho nước ngoài. Năm 1993, trong chiến dịch vận động đăng cai Thế vận Hội 2000, chính quyền Trung Quốc trả tự do cho ông trước kỳ hạn nửa năm.
Vừa ra tù, ông lại tiếp tục hoạt động dân chủ và lại bị bắt ngày 01/4/1994 và bị kết án 14 năm tù vì tội mưu toan lật đổ chính quyền. Sau thỏa thuận giữa Giang Trạch Dân và Bill Clinton, ông được trả tự do ngày 16/11/1997 và bị trục xuất sang Hoa Kỳ.
Bản tiếng Anh của bài báo này đăng trên trang web chính thức của ông, xin giới thiệu với độc giả.
_____________

Tất cả những gì thật sự vĩ đại và cao cả đều được tạo ra bởi những con người có thể làm việc một cách tự do.
Albert Einstein

Hiện nay các phương tiện truyền thông đại chúng không còn để tâm quá nhiều đến những đề tài như chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp nữa. Một trong những lí do là đường lối tuyên truyền đó được bè lũ bốn tên sử dụng như một thứ ma lực. Bọn đó đã bị lật đổ rồi. Lí do thứ hai, thậm chí còn quan trọng hơn: nhân dân đã chán ngấy, không thể nào lừa bịp được nữa.
Theo qui luật của lịch sử, cái mới chỉ tới khi cái cũ đã chết. Bây giờ cái cũ đã chết, nhân dân chong mắt chờ đợi. Cuối cùng, ơn Chúa, một lời hứa mới – bốn hiện hiện đại hoá đã tới. Chủ tịch Hoa
[1], một nhà lãnh đạo sáng suốt, và Phó Chủ tịch Đặng[2], người được nhân dân coi là còn sáng suốt hơn, đã lật nhào được bè lũ bốn tên. Bây giờ dân chủ và thịnh vượng, những thứ mà những người đã từng đổ máu ở quảng trường Thiên An Môn[3] kiên trì tìm kiếm, dường như đã sắp trở thành hiện thực.
Sau khi bắt bè lũ bốn tên, nhân dân tha thiết hi vọng rằng câu nói của Phó Chủ tịch Đặng “phục hồi chủ nghĩa tư bản” sẽ lại xuất hiện như một ngọn cờ vĩ đại. Cuối cùng Phó Chủ tịch Đặng đã trở lại Ban Chấp hành Trung ương. Nhân dân thực sự phấn khởi và kì vọng, và… [sic]. Nhưng đáng tiếc là hệ thống chính trị cổ hủ mà nhân dân căm ghét đã không thay đổi, thậm chí nói về dân chủ và tự do cũng bị cấm. Điều kiện sống vẫn như cũ và “lương tăng” không theo kịp với đà tăng giá.
Có người nói đến sự phục hồi “chủ nghĩa tư bản” và hệ thống tiền thưởng. Nhưng sau khi nghiên cứu, người ta khẳng định rằng “cây gậy vô hình”, tức là phương tiện nhằm “bóc lột tối đa công nhân” mà các nhà Mác-xít tiền bối lên đã án, sẽ không được sử dụng. Dù không có Người Cầm lái Vĩ đại, nhân dân vẫn được “nhà lãnh đạo sáng suốt” dẫn dắt nhằm đuổi kịp và vượt nước Anh, nước Mĩ, nước Nhật và nước Nam Tư (?) hay trình độ tiên tiến trên thế giới. Hoạt động cách mạng không còn được tán thưởng nữa. Vì thi đỗ vào đại học làm cho uy tín cá nhân được nâng lên một cách đáng kể, quần chúng không còn cần nghe những lời hò hét về “đấu tranh giai cấp” nữa. Bốn hiện đại hoá ủng hộ tất cả những gì có lợi. Dĩ nhiên là vẫn phải hành động theo đúng tinh thần của Ban Chấp hành Trung ương, như Tứ Ngũ Học Xã
[4] nhắc lại cho chúng ta biết như thế. Quan điểm đúng đắn, nhưng phải có sự lãnh đạo và chỉ đạo thống nhất thì mới trở thành hiện thực được.
Trong thời cổ đại, đã từng có những câu ngạn ngữ như “Cái bánh trong tranh có thể làm dịu cơn đói” và “Nhìn quả mận có thể làm giảm được cơn khát”. Thời xa xưa những câu châm ngôn hóm hỉnh và khôi hài này rất được mọi người hâm mộ, nhưng bây giờ, sau quá trình phát triển liên tục và lâu dài của lịch sử, dân chúng đã không còn chấp nhận những nhận xét ngu xuẩn đó một cách nghiêm túc nữa. Tuy nhiên vẫn còn có người không những tin mà còn làm theo chúng nữa.
Nhân dân Trung Quốc đã theo sát gót Người Cầm lái Vĩ đại suốt hàng chục năm trời. Hệ tư tưởng cộng sản đã dí vào mũi họ “chiếc bánh trong bức tranh” và Đại Nhảy Vọt cũng như Ba Ngọn Cờ Hồng chính là “quả mận làm giảm cơn khát”. Nhân dân đã thắt lưng buộc bụng và hùng dũng tiến về phía trước. Nhân dân giống như “những con khỉ tìm trăng dưới nước”. Cho nên khi phó chủ tịch Đặng đưa ra khẩu hiệu “Hãy thực tế!” thì lòng nhiệt tình của quần chúng trào lên như sóng. Thời gian và một lần nữa dân chúng đã giúp ông trở lại nắm quyền. Nhân dân hi vọng rằng ông sẽ xem xét lại quá khứ và dẫn dắt họ đến tương lai khả thể với cách tiếp cận “dùng dự kiện để tìm chân lí”.
Nhưng một số người đã cảnh cáo: Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông là nền tảng của mọi nền tảng; Mao Chủ tịch là vị cứu tinh vĩ đại của nhân dân; “Không có Đảng Cộng sản thì không có nước Trung Hoa mới”; bất kì người nào không đồng ý với những ý kiến như thế đều không thể có kết cục tốt. “Một số người” thậm chí còn cảnh cáo: Nhân dân Trung Quốc cần chế độ độc tài. Tính ưu việt của nó so với các hoàng đế phong kiến chứng tỏ sự vĩ đại của nó. Nhân dân Trung Quốc không cần dân chủ, ngoại trừ “nền dân chủ dưới sự lãnh đạo tập thể”, không có lãnh đạo tập thể thì dân chủ chẳng có giá trị gì. Tin hay không thì tuỳ, nhưng nhà tù (nhiều người mới được thả gần đây) là “bằng chứng” đầy thuyết phục.
Nhưng người ta đã đưa ra lối thoát. Coi bốn hiện đại hoá là khâu chủ yếu và tuân theo nguyên tắc thống nhất và ổn định, dũng cảm (?) phục vụ cách mạng (?) như một con bò già. Đấy là đại lộ dẫn tới thiên đường, gọi là sự thịnh vượng của chủ nghĩa cộng sản và bốn hiện đại hoá. Một số người có thiện chí đã khuyên chúng ta như thế. “Khi không thể suy nghĩ đúng đắn, hãy cố gắng nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, nghiên cứu tư tưởng Mao Trạch Đông!” Bạn không thể suy nghĩ đúng đắn là vì bạn chưa hiểu, điều đó thể hiện trình độ nhận thức tư tưởng của bạn. Bạn phải khuất phục, nếu không lãnh đạo đơn vị sẽ không tha cho bạn đâu! Vân vân và vân vân.
Tôi khuyên mọi người chớ có tin những lời dối trá như thế. Khi đã biết mình bị lừa thì chúng ta phải tuyện đối tin tưởng vào chính mình. Chúng ta đã được trui rèn trong Cách mạng Văn hoá và không thể ngu như thế được nữa. Chúng ta phải tự tìm ra những việc cần làm.

Tại sao dân chủ?
Câu hỏi này đã được nhiều người thảo luận suốt hàng thế kỉ. Một số người khác đã tiến hành phân tích kĩ lưỡng và viết lên Bức tường Dân chủ tính ưu việt của chế độ dân chủ so với chế độ độc tài.
“Nhân dân là chủ nhân ông của lịch sử.” Đấy là một sự kiện hay chỉ là câu chuyện rỗng tuếch? Có thể là cả hai. Lịch sử được hình thành như thế nào, nếu không có sức dân và sự tham gia của họ vào quá trình làm ra lịch sử? Ngay cả Người Cầm lái Vĩ đại cũng như Nhà Lãnh đạo Sáng suốt cũng không tồn tại, chứ đừng nói đến sáng tạo ra lịch sử. Từ đó có thể thấy rằng không có dân tộc Trung Hoa mới thì sẽ không có nước Trung Hoa mới; nhưng câu “không có Chủ tịch Mao thì không có nước Trung Hoa mới” là sai. Phó Chủ tịch Đặng cám ơn Chủ tịch Mao vì đã cứu mạng ông. Đấy là chuyện có thể hiểu được. Nhưng khi ông cám ơn những “lời kêu gọi” đã đưa ông trở lại quyền lực thì là phi lí hay sao? Ông đáp lại những lời kêu gọi đó bằng cách bảo: “Các người không được phỉ báng Mao Chủ tịch vì ông đã cứu mạng tôi” thì có lí hay không? Điều đó làm cho câu “Nhân dân là chủ nhân ông của lịch sử” thành khẩu hiệu rỗng tuếch. Nó là câu chuyện rỗng tuếch vì nhân dân không thể làm chủ được số phận của mình theo ý nguyện của đa số, vì thành tựu của họ đã được gán cho kẻ khác, và vì quyền của họ đã bị dùng để tạo nên vương miện cho một kẻ nào đó. Đấy là chủ kiểu gì vậy? Gọi là nô lệ thì đúng hơn. Trong các cuốn sách lịch sử của chúng ta, nhân dân bao giờ cũng là chủ, cũng là người tạo nên tất cả, nhưng trong cuộc đời thực họ lại chỉ là đầy tớ, họ phải luôn luôn đứng đợi để được các lãnh tụ, những kẻ lúc nào cũng vênh váo như “khố rợ phải lấm” “dẫn dắt”.
Nhân dân phải được hưởng chế độ dân chủ. Khi nhân dân đòi hỏi dân chủ là họ chỉ đòi hỏi cái vẫn thuộc về họ. Bất cứ kẻ nào không cho dân chúng hưởng chế độ dân chủ cũng đều là những kẻ lưu manh không biết xấu hổ, chẳng khác gì những tên tư sản cướp bóc đồng tiền mồ hôi nước mắt của người công nhân. Nhân dân đã được hưởng chế độ dân chủ chưa? Chưa. Họ có muốn trở thành người quyết định vận mệnh của mình không? Chắc chắn là có. Đấy chính là nguyên nhân dẫn đến chiến thắng của Đảng Cộng sản đối với Quốc dân Đảng. Nhưng còn lời hứa dân chủ thì sao? Khẩu hiệu “nền chuyên chính dân chủ của nhân dân” được thay bằng “chuyên chính vô sản”. Ngay cả “chế độ dân chủ” mà rất ít người – một trong hàng chục triệu người – được hưởng cũng bị xoá bỏ và được thay bằng nền độc tài của “lãnh tụ vĩ đại”. Bành Đức Hoài đã bị lật đổ vì không những không tuân thủ chỉ thị của lãnh tụ vĩ đại, ông còn dũng cảm thể hiện quan điểm của mình trong Đảng. Sau đó lời hứa mới được đưa ra: Vì lãnh tụ là người vĩ đại, tuyệt đối tin tưởng vào vị lãnh tụ như thế, chứ không phải tin vào dân chủ, sẽ mang lại nhiều hạnh phúc hơn cho nhân dân. Cho đến nay, nhân dân vẫn nửa tin nửa ngờ vào lời hứa này. Nhưng họ có được hạnh phú hơn không? Họ có giàu có và thịnh vượng hơn không? Những sự kiện không thể che giấu được chứng tỏ rằng họ nghèo đói hơn, khốn khổ hơn và lạc hậu hơn. Vì sao? Đây là vấn đề cần phải xem xét trước tiên. Phải làm gì bây giờ? Là vấn đề thứ hai.
Bây giờ không phải là lúc xác định tỉ lệ công tội của Mao Trạch Đông. Ông ta là người đầu tiên nói về chuyện đó, đấy là cách ông ta tự biện hộ. Nhân dân phải suy nghĩ xem nếu không có chế độ độc tài của Mao Trạch Đông thì Trung Quốc có rơi vào tình trạng lạc hậu như hiện nay không. Nhân dân Trung Quốc ngu dốt hay lười nhác hay không muốn hưởng giàu sang? Họ có kì vọng quá đáng hay không? Hoàn toàn ngược lại. Thế thì tại sao? Câu trả lời đã rõ như ban ngày. Đáng lẽ ra nhân dân Trung Quốc không được đi theo con đường đó. Thế thì tại sao họ lại đi theo con đường đó? Chỉ vì họ đã bị một nhà độc tài tự huyễn dẫn dắt mà thôi. Nếu nhân dân không đi theo con đường đó thì ông ta sẽ thi hành chế độ chuyên chính đối với họ. Nhân dân không còn con đường nào khác và không có lựa chọn nào khác. Đấy không phải là lừa bịp ư? Lừa bịp mà lại còn có đức hạnh ư?
Con đường đó là gì? Gọi là “con đường xã hội chủ nghĩa”. Theo định nghĩa của những người mác-xít tiền bối thì chủ nghĩa xã hội nghĩa là nhân dân hay giai cấp vô sản là người làm chủ số phận của chính mình. Xin hỏi những người công nhân và nông dân Trung Quốc: Với đồng lương chết đói mà quí vị vẫn lĩnh hàng tháng, các vị làm chủ ai và làm chủ như thế nào? Nói ra thêm buồn, các vị đã bị người nào đó “điều khiển” ngay cả trong vấn đề hôn nhân. Chủ nghĩa xã hội đảm bảo quyền của người sản xuất được hưởng sản phẩm lao động thặng dư sau khi đã đóng góp cho xã hội. Nhưng hoá ra đóng góp là vô giới hạn. Cho nên các vị chỉ nhận được đồng lương chết đói “cần thiết cho việc duy trì sức lao động sản xuất”. Chủ nghĩa xã hội bảo đảm cho con người nhiều quyền, thí dụ như quyền học tập, quyền sử dụng năng lực để ngày càng tiến bộ hơn v.v… Nhưng trong đời sống hàng ngày, ta chẳng thấy quyền nào như thế cả. Chúng ta chỉ thấy “chuyên chính vô sản” và “biến tấu của nền độc tài Nga” – chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa Trung Quốc mà thôi. Nhân dân có mong muốn con đường xã hội chủ nghĩa kiểu này hay không? Có thể nói rằng độc tài là hạnh phúc của nhân dân hay không? Đấy có phải là con đường xã hội chủ nghĩa do Marx vẽ ra và nhân dân mong muốn hay không? Rõ ràng là không. Thế thì đấy là cái gì? Nghe thật tức cười, đấy là chủ nghĩa xã hội phong kiến đã được nhắc tới trong Tuyên ngôn Cộng sản hay là chế độ quân chủ phong kiến khoác áo xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đã được nghe nói rằng nước Nga Xô-viết đã chuyển từ chủ nghĩa phong kiến xã hội sang chủ nghĩa đế quốc xã hội. Nhân dân Trung Quốc có phải đi theo con đường đó hay không? Một số người đề nghị chúng ta nên chuyển tất cả sang chế độ chuyên chế phát xít khoác áo chủ nghĩa xã hội phong kiến. Tôi hoàn toàn đồng ý vì không tồn tại vấn đề công tội ở đây.
[5]
Xin được nói đôi lời về “chủ nghĩa xã hội quốc gia”, tức là tên chính thức của chủ nghĩa phát xít khét tiếng ở Đức. Bọn phát xít, dưới chế độ bạo chúa độc tài, đã kêu gọi nhân dân thắt lưng buộc bụng và lừa bịp họ bằng cách nói rằng họ là một dân tộc vĩ đại. Mục đích chính của chúng là bóp chết hình thức dân chủ sơ khai nhất vì chúng biết rõ rằng chế độ dân chủ là kẻ thù ngoan cường và khó chiến thắng nhất. Trên cơ sở đó, Stalin và Hitler đã bắt tay nhau và kí Hiệp ước Xô-Đức, theo đó nhà nước xã hội chủ nghĩa và nhà nước xã hội quốc gia chia nhau nước Ba Lan trong khi dân chúng cả hai quốc gia lâm vào tình trạng bị nô dịch và bần hàn. Nếu chúng ta muốn chế độ dân chủ là lựa chọn duy nhất, hay nói cách khác, nếu chúng ta muốn có một nền kinh tế, một nền khoa học, một nền khoa học quân sự v.v… hiện đại thì phải hiện đại hoá nhân dân và hiện đại hoá hệ thống xã hội.

Công cuộc hiện đại hoá thứ 5 – kiểu dân chủ nào?
Tôi muốn hỏi mọi người: Chúng ta muốn hiện đại hoá để làm gì? Một số người cảm thấy rằng thời đại Hồng Lâu Mộng chắc chắn là tuyệt vời vì có thể tự do đọc sách, làm thơ và tán gái. Chỉ cần há miệng là có thức ăn, giơ tay lên là có áo mặc. Tầng lớp đặc quyền đặc lợi ngày nay cũng chỉ việc xem phim ảnh ngoại quốc và sống như vua chúa. Dân thường không thể sống như thế. Người dân chỉ muốn được hưởng những ngày hạnh phúc như những người ngoại quốc mà thôi. Tất cả đều muốn thịnh vượng, sự thịnh vượng đã trở thành phổ quát trên toàn thế giới, là kết quả của lực lượng sản xuất ngày càng gia tăng. Ai cũng biết rõ là như thế. Nhưng một số sự kiện đã bị bỏ qua. Nhân dân có thể hưởng đời sống tốt đẹp khi lực lượng sản xuất xã hội gia tăng hay không? Bây giờ, vấn đề quyền lực, sự thống trị, phân phối và bóc lột sẽ xuất hiện.
Từ ngày giải phóng, nhân dân đã thắt lưng buộc bụng hàng chục năm rồi. Họ đã làm việc hết mình và trên thực tế đã làm ra được nhiều của cải. Nhưng của cải đã đi đâu hết? Một số người nói rằng của cải đã được dùng để vỗ béo những chế độ độc tài tương đối nhỏ bé, thí dụ như Việt Nam. Số khác lại bảo rằng được dùng để vỗ béo “những thành phần tư sản mới” như Lâm Bưu và Giang Thanh. Tất cả đều đúng. Dù sao, nhân dân lao động vẫn chẳng được gì. Nếu của cải không bị “những kẻ bịp bợm” lớn nhỏ đang nắm quyền phung phí, dùng làm tặng phẩm cho những kẻ vô lại như Việt Nam và Albania, tức là những kẻ cũng ấp ủ những lí tưởng và cũng đi theo con đường như thế. Ngay trước khi chết Mao Trạch Đông đã cãi nhau với vợ khi bà ta xin chín ngàn Nhân dân Tệ, nhưng có ai từng chứng kiến sự day dứt lương tâm của ông ta khi ông ta vứt đi hàng chục tỉ đồng do nhân dân kiếm được bằng mồ hôi và máu hay không? Thế mà trong khi nhân dân thắt lưng buộc bụng và đi ăn mày trên đường phố để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì có những kẻ đến Bức tường Dân chủ để ca ngợi Mao Trạch Đông. Họ có mắt, vì sao họ không nhìn thấy cảnh tượng khốn nạn như thế? Hay là họ cố tình nhắm tịt mắt lại? Nếu quả thực họ không nhìn thấy thì tôi đề nghị họ hãy đến nhà ga Bắc Kinh, hay cổng thành phía Nam hoặc ra ngay phố chứ đừng viết khẩu hiệu nữa. Ở đấy họ có thể gặp người ngoại quốc và hỏi họ xem có phải ở nước ngoài thèm ăn là của hiếm hay không. Tôi nghĩ những người thèm ăn, về nguyên tắc, không muốn cho đi món gạo trắng như bông của họ nhằm giúp đỡ những “người bạn” thuộc thế giới thứ ba. Nhưng ý kiến của họ đâu có giá trị gì. Nhưng đáng buồn là ở Nước Cộng hoà Nhân dân của chúng ta vẫn có những người chỉ ăn rồi đọc sách và làm thơ mà thôi. Họ sống như vua chúa và nắm quyền lực tối cao. Trong trường hợp đó, không có người xứng đáng cướp quyền lực của lãnh chúa đó hay sao?
Chế độ dân chủ là gì? Chế độ dân chủ chân chính là nhân dân lao động nắm quyền. Người lao động không xứng đáng nắm quyền sao? Nam Tư đã đi theo con đường đó và chứng minh cho chúng ta thấy rằng ngay cả khi không có những nhà cầm quyền độc tài, cả lớn lẫn nhỏ, nhân dân có thể làm việc còn tốt hơn.
Dân chủ chân chính là gì? Là quyền của nhân dân được lựa chọn những người đại diện của mình để làm việc theo nguyện vọng của họ và vì quyền lợi của họ. Hơn nữa, nhân dân phải có quyền thay những người đại diện bất cứ lúc nào sao cho những người đại diện không thể làm chuyện lừa bịp nhân danh nhân dân. Nhân dân các nước châu Âu và châu Mĩ đã được hưởng nền dân chủ như thế. Họ có thể cách chức những người như Nixon, de Gaulle và Tanaka
[6]. Nếu muốn, họ có thể phục chức cho những người đó, không ai có thể can thiệp vào quyền dân chủ của họ. Thế mà ở Trung Quốc, chỉ cần nhận xét về Mao Trạch Đông, Người Cầm lái Vĩ đại hay con người vĩ đại không ai sánh bằng, là cánh cửa nhà tù đã rộng mở và biết bao tai hoạ không thể nói trước được có thể giáng xuống đầu người đó rồi. Nếu so sánh hệ thống xã hội chủ nghĩa tập trung dân chủ với hệ thống tư bản “bóc lộc giai cấp” thì sẽ thấy khác nhau một trời một vực.
Khi nhân dân được hưởng nền dân chủ thì có loạn lớn và có hiện tượng vi phạm luật của Trời và của người hay không? Những giai đoạn lịch sử gần đây không chứng tỏ rằng chính vì thiếu dân chủ mà những tên độc tài, cả lớn lẫn nhỏ, mới coi thường luật của Trời và của người hay sao? Giữ gìn trật tự dân chủ là vấn đề nội bộ do nhân dân tự giải quyết, không cần những lãnh chúa đặc quyền đặc lợi phải lo lắng. Nhưng điều làm họ lo lắng không phải là chế độ dân chủ của nhân dân mà là khó tìm được lời biện hộ cho việc phá hoại quyền dân chủ của nhân dân. Những vấn đề đối nội không thể giải quyết ngay một lúc được. Cần phải có thời gian, trong quá trình đó sai lầm và khiếm khuyết là không thể tránh khỏi. Nhưng tất cả những hậu quả như thế, tức là những hậu quả chỉ liên quan đến chúng ta, còn tốt hơn nhiều lần những vụ đàn áp của các lãnh chúa mà chúng ta không có cách nào đòi hỏi công lí cho được. Những người lo lắng về việc chế độ dân chủ sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật của Trời và của người cũng giống như những người đã từng lo lắng khi nhà vua bị lật đổ trong cuộc Cách mạng năm 1911. Họ cam chịu với cách lập luận: Hãy qui thuận và chấp nhận đàn áp. Không có đàn áp thì mái nhà của chúng ta sẽ bay lên trời mất!
Xin được nhắc nhở những kẻ đó: Chúng tôi muốn làm chủ vận mệnh của mình. Chúng tôi không cần vua chúa hay thần linh. Chúng tôi không tin vào bất kì chúa cứu thế nào. Chúng tôi muốn trở thành chủ nhân ông của thế giới chứ không muốn làm công cụ để những nhà độc tài sử dụng cho những tham vọng điên rồ của họ. Chúng tôi muốn một cách sống hiện đại và chế độ dân chủ cho nhân dân. Không thực hiện được điều đó thì công cuộc hiện đại hoá lần thứ năm cũng chỉ là một lời hứa nữa mà thôi.
Tôi xin kêu gọi các đồng chí: Hãy tập hợp lại dưới ngọn cờ dân chủ và đừng có tin câu chuyện của những nhà độc tài về “ổn định và đoàn kết”. Chủ nghĩa toàn trị phát xít chỉ đem lại thảm hoạ. Tôi không còn ảo tưởng nữa. Chế độ dân chủ là hi vọng duy nhất của chúng ta. Từ bỏ các quyền dân chủ là chúng ta sẽ lại bị gông cùm. Hãy tin vào sức mạnh của chúng ta! Lịch sử loài người là do chúng ta sáng tạo ra. Những thày đồ và lãnh tụ tự phong hãy cút đi. Bọn chúng đã lừa bịp nhân dân suốt hàng chục năm rồi. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng dưới sự quản lí của nhân dân sản xuất sẽ phát triển nhanh hơn. Vì người lao động sẽ sản xuất vì lợi ích của họ, điều kiện sống của họ sẽ được cải thiện. Xã hội vì thế sẽ hợp lí hơn, vì trong chế độ dân chủ tất cả quyền lực xã hội đều do dân, nhằm cải thiện cuộc sống của nhân dân.
Tôi luôn luôn tin rằng nếu tự mình không cố gắng thì chúa cứu thế cũng sẽ chẳng mang đến cho nhân dân bất cứ thứ gì. Tôi cũng không tin rằng nhân dân Trung Quốc sẽ từ bỏ mục đích của mình chỉ vì khó khăn. Một khi nhân dân có thể xác định được mục tiêu cũng như những trở ngại thì chắc chắn họ sẽ đạp bằng mọi trở lực.

Tiến đến hiện đại hoá – Thực hành dân chủ
Để hoàn thành hiện đại hoá, trước hết nhân dân Trung Quốc cần thực hành dân chủ và hiện đại hoá hệ thống xã hội. Dân chủ hoàn toàn không phải là kết quả của sự phát triển xã hội, như Lenin tuyên bố. Ngoài việc là kết quả không thể tránh được của sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong một giai đoạn cụ thể nào đó, nó còn là điều kiện cho sự tồn tại của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, không chỉ cho giai đoạn cụ thể đó mà còn cho những giai đoạn phát triển cao hơn nhiều lần. Thiếu những điều kiện như thế, xã hội sẽ trở thành trì trệ và sự phát triển kinh tế sẽ gặp phải những trở ngại không thể nào vượt qua được. Xem xét lại lịch sử, ta thấy rằng hệ thống dân chủ là tiền đề quan trọng hay điều kiện tiên quyết cho sự phát triển và hiện đại hoá. Không có tiền đề quan trọng hay điều kiện tiên quyết đó thì không những không thể tiếp tục phát triển được mà còn không giữ được thành quả của giai đoạn phát triển hiện nay. Kinh nghiệm của tổ quốc vĩ đại của chúng ta trong ba mươi năm qua là bằng chứng rõ nhất cho điều đó.
Tại sao lịch sử loài người phải đi theo con đường dẫn đến thịnh vượng và hiện đại hoá? Vì nhân dân cần thịnh vượng để có nhiều hàng hoá hơn, và để có đấy đủ cơ hội theo đuổi mục đích đầu tiên của hạnh phúc, đấy là tự do. Dân chủ nghĩa là tự do cao nhất có thể đạt được mà con người từng biết cho đến nay. Rõ ràng là dân chủ đã trở thành mục tiêu trong cuộc đấu tranh của loài người hiện nay.
Tại sao tất cả bè lũ phản động trong lịch sử hiện đại lại tập hợp dưới ngọn cờ phản dân chủ? Vì dân chủ cung cấp cho quần chúng nhân dân – tức là kẻ thù của chúng – mọi thứ; còn chúng – những kẻ áp bức – thì chẳng được gì. Những tên phản động đầu sỏ bao giờ cũng là những kẻ phản đối dân chủ hung hăng nhất. Lịch sử nước Đức, nước Liên Xô và nước “Trung Hoa Mới” đã cho thấy rõ rằng những kẻ phản đối dân chủ mạnh mẽ nhất chính là kẻ thù lớn nhất và nguy hiểm nhất của hoà bình và thịnh vượng. Từ lịch sử các nước này, chúng ta có thể thấy rõ rằng mũi nhọn của cuộc đấu tranh của nhân dân vì hạnh phúc và của các xã hội vì thịnh vượng luôn luôn hướng vào kẻ thù của dân chủ, hướng vào bọn phát xít độc tài. Từ lịch sử của chính các nước đó, chúng ta thấy một lần nữa rằng chiến thắng của dân chủ bao giờ cũng mang lại những điều kiện tối ưu nhất và tốc độ phát triển cao nhất. Về điểm này, lịch sử nước Mĩ cung cấp cho ta bằng chứng mạnh mẽ nhất.
Tất cả mọi cuộc đấu tranh, trong đó có việc tìm kiếm hạnh phúc và thịnh vượng của nhân dân, đều dựa trên đòi hỏi dân chủ. Vì vậy, kết quả của tất cả các cuộc đấu tranh, trong đó có cuộc đấu tranh của nhân dân chống lại áp bức và bóc lột, đều được quyết định bởi sự kiện là nó có dẫn tới chế độ dân chủ hay là không. Vì vậy, chúng ta phải hiến dâng toàn bộ sức mạnh cho cuộc đấu tranh vì dân chủ! Thông qua con đường dân chủ, nhân dân có thể nhận được tất cả những thứ họ muốn. Các phương tiện phi dân chủ và viển vông sẽ chẳng đem lại cho nhân dân điều gì vì tất cả các hình thức độc tài và toàn trị đều là những kẻ thù công khai và nguy hiểm nhất của nhân dân.
Kẻ thù có muốn cho chúng ta thực hành dân chủ hay không? Dĩ nhiên là không. Chúng sẽ không từ bất cứ phương tiện nào nhằm ngăn chặn sự tiến bộ của dân chủ, nhằm lừa dối và che mắt nhân dân. Giống như tất cả những tên phát xít độc tài khác, phương tiện hữu hiệu nhất mà chúng có thể dựa vào là nói với nhân dân rằng điều kiện sống của họ là tốt nhất thế giới. Nền dân chủ đã đạt được mức độ phát triển mà nó đáng lẽ phải có hay không? Hoàn toàn không! Mọi thắng lợi của dân chủ, dù nhỏ, cũng đều phải trả giá cao, học phí của dân chủ là máu và biết bao hi sinh khác. Kẻ thù của dân chủ luôn luôn lừa dối nhân dân bằng cách nói rằng chế độ, ngay cả chế độ dân chủ đã đạt được, nhất định rồi sẽ cáo chung; vậy thì bỏ công sức đấu tranh cho nó để làm gì?
Nhưng xin hãy nhìn vào lịch sử, lịch sử thật chứ không phải cái lịch sử do các học giả viết thuê của “chính phủ xã hội chủ nghĩa” vẽ vời ra. Mọi giá trị của dân chủ, dù là nhỏ nhất, đều thấm máu các anh hùng liệt sĩ và những tên bạo chúa, và bất cứ bước tiến nào cũng gặp phải những cuộc tấn công hung bạo của các lực lượng phản động. Dân chủ đủ sức vượt qua được tất cả các trở ngại đó vì nó được nhân dân khao khát tìm kiếm và đánh giá cao. Vì vậy dòng thác dân chủ là không thể đảo ngược được. Nhân dân Trung Quốc chưa bao giờ sợ bất cứ chuyện gì. Khi nhân dân có định hướng rõ ràng thì lực lượng độc tài sẽ bị đánh bại.
Cuộc đấu tranh vì dân chủ có phải là điều nhân dân Trung Quốc mong muốn hay không? Cuộc Cách mạng Văn hoá là cơ hội đầu tiên để họ khẳng định sức mạnh của mình, và tất cả các lực lượng phản động đã run lên. Vì lúc đó nhân dân chưa có định hướng tõ ràng và các lực lượng dân chủ chưa đóng vai trò chủ đạo trong cuộc đấu tranh, đa số đã bị bạo chúa lèo lái, đưa vào con đường sai lầm, chia rẽ, vu cáo và cuối cùng là bị đàn áp một cách thô bạo. Lúc đó nhân dân đã tin tưởng một cách mù quáng vào các nhà lãnh đạo, nhưng thực ra đấy chỉ là những tên độc tài và những kẻ háo danh, vì vậy mà họ đã trở thành phương tiện và con dê tế thần cho những tên bạo chúa và những kẻ có thể trở thành bạo chúa mà thôi.

Hôm nay, hai mươi năm sau các sự kiện vừa nói, cuối cùng nhân dân đã biết đâu là mục tiêu của mình. Họ đã có định hướng rõ ràng và đã có lãnh tụ thực sự của mình. Lãnh tụ chính là ngọn cờ dân chủ, ngọn cờ đó hôm nay đã có ý nghĩa mới. Bức tường Dân chủ ở Tây Đan đã trở thành chiến trường đầu tiên cho cuộc chiến đấu của nhân dân chống lại bọn phản động. Cuộc chiến đấu nhất định sẽ thắng lợi dù rằng còn phải đổ máu và đau khổ. Giải phóng (người ta đã nói quá nhiều về chuyện này rồi) nhất định sẽ tới. Dù chúng ta có bị chống đối ngấm ngầm như thế nào đi nữa, mây mù đầy chướng khí cũng không thể nào che khuất được ngọn cờ dân chủ. Hãy cùng nhau tập hợp dưới ngọn cờ vĩ đại này và tiến lên hiện đại hoá vì hoà bình, hạnh phúc, nhân quyền và tự do cho nhân dân.

Nguồn:
http://weijingsheng.org/doc/en/THE%20FIFTH%20MODERNIZATION.html
Bản tiếng Việt © 2009 Phan Đằng Giang
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog


-------------------------------------------------

[1] Hoa Quốc Phong
[2] Đặng Tiểu Bình
[3] Sự kiện Thiên An Môn ngày 05/4/1976: Hàng chục ngàn người tập trung tại Quảng trường này để tưởng niệm Chu Ân Lai vừa qua đời, sau đó chuyển thành biểu tình phản kháng, chống lại cảnh sát và đập phá nhiều công sở.
[4] Trong bản tiếng Anh: “the April Fifth Academy”. Chúng tôi không rõ khái niệm này (có thể liên quan đến sự kiện ngày 05/4/1976 tại Quảng trường Thiên An Môn, xem chú thích 3), nên xin để theo nguyên văn bản tiếng Trung “Tứ Ngũ Học Xã”, mong được độc giả chỉ giáo.
[5] Chúng tôi không thực sự hiểu rõ hai câu này, mong được chỉ giáo.
[6] Không rõ tác giả muốn nói đến nhân vật nào mang tên Tanaka.




No comments: