Friday, October 23, 2009

CHÂU Á CHUYỂN HƯỚNG


Châu Á chuyển hướng
Nguyễn Giang
BBCVietnamese.com
Cập nhật: 15:01 GMT - thứ sáu, 23 tháng 10, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/10/091022_asia_new_trends.shtml
Tổng thống Barack Obama sẽ sang bốn nước Á châu từ 12/11 trong lúc châu lục như đang chuẩn bị chuyển biến, thể hiện qua các chính sách mới của Nhật, Ấn Độ trước Trung Quốc.

Các nước châu Á, gồm cả Việt Nam cũng điều chỉnh thái độ với Trung Quốc để né tránh căng thẳng nhưng đồng thời tỏ ra tự tin hơn, nhất là vì dù phục hồi kinh tế tốt, Trung Quốc cũng không đủ khả năng bẻ ngoặt xu hướng hợp tác nhưng cương quyết, thậm chí cảnh giác.

Trước hết là những bước đi của Nhật Bản ngay khi Thủ tướng Hatoyama lên cầm quyền.
Trước chuyến thăm của Tổng thống Obama tới đây, Đảng Dân Chủ Nhật Bản của Thủ tướng Yukio Hatoyama đã tỏ ý muốn giảm số quân Mỹ đồn trú xuống chừng 40 nghìn.
Đây là một tín hiệu, như Wall Street Journal nhận định rằng Tokyo muốn rút bước ra ngoài cái bóng của lá chắn an ninh Hoa Kỳ duy trì.
Thủ tướng Nhật cũng nói đến một Cộng đồng Đông Á, tự chủ hơn với Mỹ, và dựa trên mô hình EU khiến nhiều giới tại Hoa Kỳ lo ngại vì liên minh Mỹ-Nhật là xương sống cho tuyến phòng thủ hàng đầu bao quanhTrung Quốc.
"Vòng xích sắt', khái niệm có từ Thế Chiến 2, kéo từ Nhật qua Hàn Quốc, xuống Đài Loan và Philippines, khống chế Trung Quốc không cho vươn ra Tây Thái Bình Dương.
Nhưng cũng có ý kiến nói ông Hatoyama muốn tách dần khỏi Mỹ không phải để ngả về Trung Quốc.
Vì nếu Nhật Bản thực sự muốn đóng một vai trò lớn, có uy thế để thuyết phục các nước châu Á thì phải bỏ vị trí "bám càng" Mỹ.
Điều này có thể thấy trong các chi tiết khác biểu lộ đường lối ngoại giao của Nhật.
Nếu như Tổng thống Obama vì sắp đi Trung Quốc mà phải hoãn lại cuộc gặp với Đức Đạt Lai Lạt Ma thì chính Nhật Bản lại cho vị lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng đến giảng đạo một tuần liền.
Nhật cũng cho bà Rebya Kadeer, nhân vật lãnh đạo người Tây Cương lưu vong đến thăm.

Điều đáng chú ý hơn nữa, sau chuyến giảng về "Giác Ngộ" ở Nhật, bắt đầu cũng cuối tháng 10 này Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ về Ấn Độ trong tháng 11.
Chuyện tưởng không có gì lạ vì Ngài vẫn ở Dhahramsala, Đông Bắc Ấn Độ từ xưa tới nay.
Nhưng không hẳn thế, lần này, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ đến hành hương ở bang Arunachal Pradesh mà Trung Quốc coi là của họ.
Bắc Kinh đã giận dữ phản đối chuyến vận động cử tri gần đây của chính Thủ tướng Ấn, Manmohan Singh đến bang này.
Nhưng chính giới Ấn Độ, vốn ý thức được thái độ dân tộc chủ nghĩa, thậm chí bài Hoa của một phần báo chí Ấn, đã hoàn toàn bác bỏ ý kiến của Trung Quốc.
Chính phủ Ấn nói bang Arunachal Pradesh là lãnh thổ không tách rời của họ.
Một số nhà bình luận Ấn còn nói việc Thủ tướng Singh đến thăm tiểu bang này còn rất cần thiết để người dân Ấn "cảm thấy an toàn hơn trước chính sách bành trướng của Trung Quốc."
Hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ phản ứng tiếp như thế nào trước chuyến thăm tới của Đức Đạt Lai Mạt Ma nhưng toàn bộ câu chuyện cho thấy chính sách "phản đối kịch liệt" của Trung Quốc với nhiều đối tác đã giảm tính hiệu quả.
Các nước láng giềng châu Á của Trung Quốc không chống lại nước cộng sản đông dân nhưng cũng thấy họ vẫn có thể tiếp tục chính sách đối ngoại, đối nội không nhượng bộ mà Trung Quốc cũng chẳng thể "trừng phạt".
Trong quan hệ kinh tế cùng phụ thuộc lẫn nhau, Trung Quốc dù có tăng trưởng cao và dự trữ ngoại tệ lớn, cũng sẽ phải điều chỉnh thái độ.

Đông Nam Á

Tại Đông Nam Á, Bộ Quốc phòng Đài Loan mới tuần này tuyên bố công khai rằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc lớn hơn nhu cầu tự vệ và là đe dọa cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chính phủ của Quốc Dân Đảng, sau khi có nhiều cử chỉ để tỏ ra mềm mỏng với Trung Quốc, nay muốn Bắc Kinh cũng phải có động tác "xây dựng niềm tin" như bỏ các dàn hỏa tiễn bên bờ biển, hướng sang Đài Loan.
Thậm chí, theo báo Apple từ Đài Loan, Tổng thống Mã Anh Cửu vừa phát biểu rằng bà Rebya Kadeer "không phải là khủng bố" như lời Bắc Kinh.
Sự thay đổi thái độ này của Đài Loan như không ảnh hưởng gì đến quan hệ thương mại.
Năm tới, Đài Loan sẽ vẫn mở văn phòng đại diện du lịch tại Bắc Kinh.
Theo Victor Chen, biên tập viên BBC Tiếng Trung thì cần nhìn chính sách "gần lại qua eo biển" c̉ủa Tổng thống Mã Anh Cửu như như một chiến thuật để Trung Quốc không còn cớ tấn công Đài Loan.
Nay họ cần được một đảm bảo từ Trung Quốc.
Nếu không, Đài Loan sẽ vẫn tiếp tục thắt chặt quan hệ với các đồng minh truyền thống Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Vì nếu bị lâm nguy, chắc chắn chỉ có Hoa Kỳ, trên cơ sở luật Taiwan Act, là ra tay bảo vệ đảo quốc.

Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Việt Nam gần đây cũng có thái độ cương quyết hơn với Trung Quốc, thể hiện qua công hàm phản đối vụ "ngược đãi ngư dân" Quảng Ngãi.
Điều này khiến Việt Nam gần lại với xu hướng chung trong vùng là hợp tác với Trung Quốc không nhất thiết phải đi kèm nhượng bộ về ngoại giao.
Là nước sống bằng xuất khẩu, Trung Quốc cũng cần các thị trường bên ngoài không kém họ cần Trung Quốc.

Về quân sự, các đánh giá chung đều nói công nghệ của Trung Quốc chưa thể nào bằng các nước xung quanh từ Nhật, Đài Loan, Nam Hàn, chưa tính tới Úc và Hoa Kỳ, nên dù giới quân sự có muốn cứng rắn thì lãnh đạo Đảng ở Bắc Kinh cũng chưa thể làm mạnh.
Cũng không nên hiểu nhầm rằng có nước nào đó, kể cả Hoa Kỳ, muốn gây chiến với Trung Quốc.
Theo viễn kiến của Robert Kagan, hợp tác để tạo thế cân bằng và tác động mang tính uốn nắn với Trung Quốc trong các năm tới là kịch bản khả dĩ nhất Washington cần làm.
Ngay vào lúc này thì sự quay trở lại của Mỹ đang tạo ra các chuyển biến trong vùng nhất là khi Hoa Kỳ được thừa nhận có vai trò định hướng và đảm bảo an ninh.
Thậm chí với Miến Điện, qua sự quan tâm trở lại của Hoa Kỳ bằng các chuyến thăm cao cấp vừa qua và sắp tới của quan chức Mỹ, tình hình có thể sẽ thay đổi.
Mặt khác, một Asean đoàn kết lại sẽ thách thức mọi nỗ lực gây sức ép từ Trung Quốc.
Theo bình luận của trên báo Thái, tờ The Nation thì "Bắc Kinh hiểu rõ rằng các chiến lược mới hướng tới Asean phải có nhiều tầng và vượt lên khỏi địa hạt kinh tế thông thường, và không thể né tránh vấn đề Biển Đông."
Ngoài ra, Trung Quốc cũng phải cân nhắc tới các cường quốc Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc và "mức độ sẵn sàng của các nước này gắn bó với Asean" ở mức mà Trung Quốc đã đạt được với các nước Đông Nam Á.
Vị thế của các nước trong Asean chắc chắn sẽ tăng lên với chuyến thăm tới Singapore tới đây của Tổng thống Barack Obama, trước khi ông đến Nam Hàn, Nhật Bản và Trung Quốc.

-----------------------

Trung Cộng Từ Chối Bàn Thảo Với Các Nước Asean Về Biển Ðông (10/22/2009) (SBTN)

Nhật Bản - Trung Quốc, bất đồng về vùng tự do mậu dịch Châu Á Thái Bình Dương (RFI)

Mỹ: Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ khó mà điều hòa nổi. (vitinfo)

Giải mã tình trạng leo thang căng thẳng Trung – Ấn (kỳ 1) (dat viet)

Obama công du châu Á tháng 11 - Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama công du châu Á lần đầu tiên vào tháng tới với các điểm đến Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Hàn Quốc. (BBC)


----------------------------

Mỹ: Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ khó mà điều hòa nổi.
Thứ sáu, 23/10/2009, 08:41(GMT+7)
http://vitinfo.com.vn/Muctin/Kinhte/LA67906/default.htm

VIT - Một tờ báo của Mỹ có đăng một bài báo với tiêu đề: “Cuộc đối đầu giữa hai đối thủ Trung Quốc và Ấn Độ đang leo thang”. Mới đây, Trung Quốc và Ấn Độ lại mở ra một “cuộc đấu khẩu” trên các mặt báo, khiến cho không khí căng thẳng đang nâng cấp trên mức bình thường. Điều này đã khiến Mỹ lo lắng về sự mất kiểm soát đối với hai đối thủ châu Á này.

“Kiểm soát khủng hoảng là nhiệm vụ cấp bách nhất của hai bên hiện nay”, chuyên gia các vấn đề Nam Á của trường Đại học Bắc Kinh Hàn Hoa cho biết, “tôi không cho rằng, bất kỳ bên nào cũng đều muốn tình hình lại rơi xuống vực thẳm”. Tranh chấp biên giới kéo dài mấy chục năm của hai nước là nguyên nhân khiến hai bên đều tức giận trong thời gian vừa qua. Hậu quả mà nó gây ra chính là, sự oán hận ngày càng sâu hơn. Mà vấn đề cốt lõi là quyền lãnh đạo, mấu chốt của vấn đề trành giành quyền lãnh đạo châu Á?”.

Tuần trước, các quan chức Trung Quốc đã có những cuộc đả kích Ấn Độ trên báo chí, chỉ trích Ấn Độ ngạo mạn, tự ôm mộng bá quyền châu Á. Trước đó, Trung Quốc cũng rất bất mãn trước việc thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh viếng thăm Arunachal Pradesh. Còn Ấn Độ đã đáp trả Trung Quốc bằng cách biểu tình việc Trung Quộc viện trợ xây dựng trạm thủy điện cho vùng Kashmir mà Pakistan đang kiểm soát.

Tuy nhiên, theo quan điểm của một vài chuyên gia các vấn đề quốc tế, biên giới chính là “biểu đồ thời tiết” cho mối quan hệ hai nước Trung - Ấn”, những sự kích động to lớn trong quan hệ Trung - Ấn bao gồm cả thỏa thuận hợp tác hạt nhân giữa Ấn Độ - Mỹ. Bắc Kinh lo lắng, thỏa thuận này không chỉ là tín hiệu quan hệ Ấn Độ - Mỹ đang ấm dần lên, mà sẽ giúp cho các dự án hạt nhân quân sự của Ấn Độ giành nhiều bước tiến hơn nữa. Ngoài ra, New Delhi còn có thể tiến hành diễn tập quân sự với Nhật Bản và Úc với một động thái chính sách ngoại giao tự tin hơn, chủ động hơn”. “Vì thế Trung Quốc càng quan ngại hơn trước đối thủ của mình”.

Nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Nam Á của các quan chức Ấn Độ được ấp ủ từ lâu. Mối lo điển hình nhất của Ấn Độ chính là việc Trung Quốc kết đồng minh với đối thủ cũ của Ấn Độ - Pakistan. New Delhi cũng lo lắng quân đội Trung Quốc sẽ viện trợ cho các nước khác. Trong khi đó, Trung Quốc cũng luôn cảnh giác với Ấn Độ, họ cho rằng, “Chúng tôi không thể chia tách sự phát triển hiện tại với sự cân bằng sức mạnh chiến lược. Chiến lược của Mỹ chính là muốn thuyết phục Ấn Độ trở thành sức mạnh kiềm chế sự trỗi giậy của Trung Quốc, còn thỏa thuận hạt nhân chỉ mang ý nghĩa tượng trưng.

Hai nước Trung Quốc và Ấn Độ từ trước tới nay luôn có sự nghi ngờ lẫn nhau. Mặc dù hai nước cũng thường xuyên trao đổi bàn luận về mối quan hệ hữu hảo, nhưng với những nỗ lực hàn gắn mâu thuẫn, chủ nghĩa dân tộc của hai nước luôn xảy ra xung đột, khó mà không chế nổi. Chưa ai có thể biết được khi nào mới có thể chấm dứt.
Thu Hà (Theo CE)
Tin dịch

Nguồn tin:
nguồn 1




No comments: