Friday, October 23, 2009
TRUNG QUỐC : CHỦ NGHĨA ĐỘC TÀI DÀY DẠN , LỌC LÕI
Trung Quốc: chủ nghĩa độc tài dạn dày, lọc lõi
Joshua Kurlantzick – Perry Link
Bài này được đăng lúc 06:05 ngày Thứ Sáu, 23/10/2009
http://bauxitevietnam.info/c/14633.html
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc rõ ràng là đã vận dụng tư tưởng quyền lực mềm, và tư tưởng này đã trở thành trọng tâm diễn thuyết về vai trò của Trung Quốc trên trường quốc tế. Trong khi chỉ mới 5 năm trước, giới chức và học giả Trung Quốc còn chối đây đẩy rằng họ chẳng có bài học nào dành cho thế giới đang phát triển, thì ngày nay họ không những công khai thừa nhận mà còn áp dụng chương trình đào tạo của họ cho giới chức nước ngoài nhằm truyền bá mô hình phát triển Trung Quốc.
GIỚI THIỆU
Năm 1989, sự kiện đàn áp dã man người biểu tình ủng hộ dân chủ trên Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh khiến cho đánh giá về đạo đức và ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xuống thấp chưa từng thấy. Khắp nơi than phiền nạn tham nhũng và đặc quyền đặc lợi dành cho thành phần ưu tú. Hô hào về lý tưởng chủ nghĩa xã hội bị xem là những khẩu hiệu sáo rỗng. Thảm sát ở Thiên An Môn cho thấy “quân đội nhân dân” có thể bắn thẳng vào nhân dân. Kinh tế nông nghiệp Trung Quốc phần nào được tự do, nhưng kinh tế thành thị dường như vẫn bị khóa chặt trong khung thép của hệ thống chấm công vừa không hiệu quả lại vừa tham nhũng. Chẳng một ai bên trong hoặc bên ngoài Trung Quốc thấy rằng đây có thể là một mô hình cho các quốc gia khác.
Giờ đây, gần 20 năm sau, uy tín của ĐCSTQ đã tăng đáng kể nhờ hai chiếc nồi hơi: tình hình bùng nổ kinh tế lâu dài và chủ nghĩa Hán tộc. Kỳ vọng về một Trung Quốc giàu có hơn sẽ đem lại một nền dân chủ hơn (niềm hy vọng hão huyền của nhiều tư bản nước ngoài) đã bị chính sách cai trị độc đảng làm nản lòng. Phần lớn thịnh vượng đang nảy lộc đâm chồi vẫn thuộc thành phần ưu tú chính trị – kinh tế, họ thành công trong việc bám vào giới kinh doanh và trí thức; thay vì hình thành nên một tầng lớp trung lưu có khả năng phản biện chính quyền, nhóm này giờ đây lại có lý do toa rập với nhà cầm quyền nhằm kiềm chế “tình trạng bất ổn” trong nhân dân. Còn phải chờ xem hành động trấn áp đó có tồn tại được trong tình hình kinh tế suy thoái hiện nay hay không. Đồng thời, ĐCSTQ cố tình nung nấu và hình thành chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa, làm nhiều người Trung Quốc trong nước giờ đây cảm thấy tự hào về mô hình phát triển độc đoán của ĐCSTQ. Ngoài kiểm duyệt, “công tác tư tưởng” của Đảng còn kiêm thêm việc biên soạn giáo trình, phim tài liệu truyền hình, bảo tàng, và các phương tiện truyền thông khác nhằm truyền bá các phiên bản sai lệch nghiêm trọng về lịch sử Trung Quốc.
“Mô hình Trung Quốc” cũng bắt đầu trở nên phổ biến ở nước ngoài. Mô hình này có sức hấp dẫn tự nhiên đối với những phần tử ưu tú độc tài, đang tìm kiếm công thức hiện đại nhằm duy trì quyền lực kèm với phát triển kinh tế, và thậm chí nó bắt đầu lấy lòng người dân bình thường ở một số nước đang phát triển, nơi hàng thập niên cải cách thị trường tự do vẫn thất bại trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Nhà cầm quyền Trung Quốc, trong nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế và tạo ra nguồn lợi trong cạnh tranh tài nguyên thiên nhiên toàn cầu, đã tìm cách lôi kéo thành phần ưu tú và công chúng nước ngoài tham gia vào các dàn xếp “đôi bên cùng có lợi”. Bắc Kinh chào mời khoản viện trợ và đầu tư mà không cần kèm theo ràng buộc về nhân quyền, họ tổ chức đào tạo tại Trung Quốc cho giới chức và sinh viên nước ngoài, mở trung tâm văn hóa (Viện Khổng Tử) trong trường đại học nước ngoài, đồng thời sẵn sàng che chở về ngoại giao cho các chính quyền hà khắc trước Liên Hiệp Quốc cũng như những nơi khác. Rõ ràng trong những năm gần đây cả Bắc Kinh và các đồng minh độc tài trên toàn thế giới đều xem hệ thống Trung Quốc là một đối thủ ngang tài ngang sức với hệ thống dân chủ. Khái niệm về dân chủ và nhân quyền vẫn nằm trong ngôn từ của họ, song chúng đã được diễn giải lại nhằm phục vụ lợi ích độc tài. Ngay tại một số quốc gia dân chủ hoặc đang phát triển nền dân chủ gần đây, trong đó có Thái Lan, hấp lực của mô hình Trung Quốc đã bắt đầu tăng trưởng.
Tuy là mối đe dọa thật sự cho các giá trị dân chủ, mô hình Trung Quốc không có tính tàn phá. Hấp lực của nó phụ thuộc phần lớn vào khả năng vượt qua tình trạng suy thoái toàn cầu của nền kinh tế Trung Quốc, và nhận thức của thế giới đang phát triển về những va vấp mà nó có thể phải đương đầu. Hơn nữa, trên mặt trận đối nội, ĐCSTQ e ngại công dân của chính họ nhiều hơn cảm nhận của hầu hết nhà quan sát bên ngoài. Ngày nay “ý thức về quyền” đã được nâng cao trong nhận thức của người dân Trung Quốc, và hiện tượng này chẳng dễ tương hợp với chủ nghĩa độc tài. Hơn nữa, chiến lược hợp tác kinh doanh quốc tế của ĐCSTQ hầu như chỉ liên hệ đến thành phần ưu tú ở nước ngoài; thành công sau cùng đòi hỏi phải có hỗ trợ rất nhiều từ những tổ chức phi chính phủ địa phương, xã hội dân sự, và giới truyền thông. Tóm lại, thách thức của Bắc Kinh đối với nền dân chủ là một khủng hoảng theo đúng nghĩa nguyên thủy của từ này, song diễn tiến các sự kiện có thể xoay chuyển theo chiều ngược lại.
BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT TRONG NƯỚC
Thành công vật chất của Trung Quốc, minh chứng qua những tia sáng huyền ảo chiếu rọi trên một vài thành phố, khả năng nắm giữ nguồn ngoại tệ khổng lồ, và số liệu cải thiện việc hấp thụ calo của nhiều người dân, đã cho thấy ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là tăng trưởng kinh tế. Đồng thời sự đa dạng ngày càng tăng trong xã hội Trung Quốc so với 30 năm trước đây, đã chứng tỏ chính quyền đang tìm kiếm biện pháp mở rộng tự do.
Trung Quốc: Thương mại hoá công tác kiểm duyệt
Là một phần trong thử nghiệm đang tiến hành về chủ nghĩa tư bản độc tài, ĐCSTQ phát triển một mô hình truyền thông thế kỷ 21, đang cho thấy nó vừa dạn dày vừa đàn áp. Mô hình này là hình thức “kiểm duyệt dựa vào thị trường”, trong đó nhà chức trách tái tăng cường hành động kiểm soát, áp dụng cho giới truyền thông cũ cũng như mới, bằng biện pháp đe dọa chế tài kinh tế, cộng thêm hình phạt chính trị và pháp lý truyền thống, nếu họ đi lệch khỏi phần đường mà Đảng qui định. Biên tập viên và phóng viên Trung Quốc từ lâu đã chịu rủi ro bị nhà nước cách chức, miễn nhiệm, hoặc chịu sự trừng phạt nghiêm khắc hơn nếu họ cố gắng mở rộng phạm vi cho phép. Tuy nhiên, công nghiệp truyền thông Trung Quốc hiện nay đã được thương mại hóa, dựa vào doanh thu quảng cáo hơn là chỉ lệ thuộc vào trợ cấp Chính phủ, ấn phẩm cũng phải xem xét mức độ rủi ro tài chính nếu làm phật lòng các nhóm lợi ích kinh doanh hùng mạnh có quan hệ chính thức mật thiết với nhau. Tương tự như vậy, tình hình Internet đang trở thành thách thức chủ yếu trước sự lãnh đạo của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc, nhà chức trách nhanh chóng thực thi chiến lược dựa vào thị trường nhằm đàn áp tin tức và thông tin trực tuyến có tầm chính trị quan trọng. Những công cụ truyền thống như sự can thiệp của công an và án tù được sử dụng thường xuyên để buộc các nhà hoạt động Internet phải im lặng, và như được mô tả trong bản phúc trình Tự do Lướt Mạng, bản này đưa ra một chỉ số mới của tổ chức Ngôi nhà Tự do về tự do Internet, năng lực kỹ thuật kiểm duyệt và kiểm soát nội dung trực tuyến của nhà nước đã không theo kịp thế giới. Nhưng Trung Quốc cũng đã đi đầu trong việc phát triển theo hướng chuyển giao nhiệm vụ kiểm duyệt và giám sát cho công ty tư nhân. Các tổ chức cung cấp dịch vụ cổng thông tin Internet, blog, và những doanh nghiệp khác buộc phải duy trì đội ngũ nhân viên của mình nhằm thực hiện những nhiệm vụ này, họ có nguy cơ bị rút giấy phép kinh doanh nếu không tuân thủ chỉ thị kiểm duyệt của Chính phủ. Phát triển Trung Quốc theo mô hình truyền thông độc tài hiện đại đã thu hút mối quan tâm của nhiều chính phủ đang có tham vọng kiểm soát tin tức và thông tin. Các nước như Campuchia và Việt Nam đang xem xét áp dụng những biện pháp mà Trung Quốc đi tiên phong, người ta tin rằng nhà chức trách Trung Quốc cũng đã chia sẻ công nghệ kiểm duyệt và kinh nghiệm cho các chính phủ trong khu vực.
Cả hai đều là nhận thức sai lầm nguy hiểm. Ưu tiên hàng đầu của ĐCSTQ ngày nay vẫn trước sau như một, đó là duy trì quyền lực chính trị tuyệt đối. Chẳng có mục tiêu nào khác – cho dù đó là kinh tế, quân sự, ngoại giao, hay dân tộc – lấn át được mục tiêu này. Thật vậy, tình hình suy thoái kinh tế hiện nay chính là mối ưu tư to lớn của ĐCSTQ bởi vì nó đe dọa đến vị trí cầm quyền của Đảng.
Trong suốt thời kỳ cầm quyền của Mao Trạch Đông, một công cụ quan trọng khiến phần đông nghe theo là “công tác tư tưởng”. Nỗ lực ép buộc có tính ý thức hệ này đã được đeo đuổi công khai, minh bạch, chẳng cần rào trước đón sau. Ngày nay công tác tư tưởng vẫn còn vô cùng quan trọng trong việc duy trì quyền lực của ĐCSTQ, song lại được thực thi theo cách tinh tế hơn. Đó là bí mật thực hiện, chẳng hạn qua các cuộc điện thoại bí mật đến biên tập viên thay vì đưa khẩu hiệu lên trang nhất. Và mục tiêu rất rõ ràng: trong khi chiến dịch vào thời kỳ Mao nhằm biến cải hoàn toàn xã hội, thậm chí cả bản chất con người, thì công tác tư tưởng ngày nay tập trung vào những vấn đề chính trị có tầm quan trọng sống còn đối với sự lãnh đạo của ĐCSTQ, bỏ qua mọi vấn đề khác. Nhưng tác động của nó vẫn cần khả năng ứng dụng rộng rãi.
Theo cách hiểu thông thường, kiểm duyệt bao hàm nhiều hạn chế. Chính phủ hay nhà chức trách nhảy vào can thiệp nhằm ngăn chặn những phát biểu quan điểm phi chính thống. Xét theo tiêu chuẩn này, công tác tư tưởng của ĐCSTQ đương nhiên là kiểm duyệt, nhưng đó chỉ là một nửa vai trò. Nửa còn lại là tích cực nuôi dưỡng các quan điểm mà Chính phủ ưa thích. Phương diện công tác tư tưởng quyết đoán này, một bộ phận trong hệ thống ĐCSTQ ngay từ ban đầu, đã trở nên đặc biệt quan trọng trong những năm gần đây. Hành động phối hợp nhịp nhàng giữa xô đẩy và lôi kéo sẽ tác động mạnh lên công luận.
Xô đẩy
ĐCSTQ luôn lợi dụng sợ hãi để sinh ra hành vi tự kiểm duyệt, hơn là dựa vào biện pháp kiểm duyệt máy móc hành chính (đục bỏ lời lẽ công kích hoặc thu hồi sách xuất bản). Những năm trong thời kỳ Mao và ngay sau đó, hành vi tự kiểm duyệt được hun đúc qua hình thức công bố rộng rãi những ngăn cấm mơ hồ. Các chỉ thị như “Phê phán Khổng Tử” hoặc “Thủ tiêu Chủ nghĩa tự do kiểu Tư sản” khiến người dân tự hỏi phải hiểu thế nào cho đúng, tất nhiên ai cũng biết rõ là mọi vi phạm sẽ phải trả giá đắt. Người dân phải trông chừng cả trong lẫn ngoài để đoán xem điều gì Chính phủ có thể không muốn. Tâm thức tìm-sự-an-toàn-theo-số-đông đã ngăn cá nhân tự khẳng định mình. Ai dám mạo hiểm bước ra khỏi khu vực an toàn đều bị qui là đã “đột nhập vào vùng cấm.” Đôi khi được ngưỡng mộ, đôi khi họ bị cho là điên rồ.
Hiện nay hành vi tự kiểm duyệt vì lo sợ vẫn còn tiếp diễn, chỉ khác ở chỗ là theo một nghĩa nào đó, quan hệ giữa vùng an toàn và vùng cấm đã đảo ngược. Trong thời đại Mao, phát biểu phải trong giới hạn nhất định, mọi thứ bên ngoài đều bị cấm. Ngày nay, người ta có thể đề cập đến bất cứ điều gì ngoài một số chủ đề cấm kỵ như vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, phong trào Pháp Luân Công, Đảng Dân chủ Trung Quốc, độc lập của Đài Loan, tự trị cho người Tây Tạng hoặc Uyghur, nạn đói thời kỳ Đại Nhảy vọt, tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao (chủ đề này được thảo luận rất nhiều nhưng không phải ở nơi công cộng), và một số quan điểm “sai” về đối nội hoặc đối ngoại. Danh sách này giờ đây có thể bao gồm các ý kiến cho rằng Chính phủ phải có trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Mọi người đều nhận thức rõ là việc xâm phạm vùng cấm hay bất kỳ hành động nào đụng chạm đến lợi ích sống còn của chế độ vẫn còn hết sức nguy hiểm. Song phạm vi cấm đoán là khá hẹp, đặc biệt khi đem so với những lĩnh vực cởi mở như thời trang, thể thao, giải trí, du lịch, thương mại, và đại loại như thế, khiến phần lớn người dân dễ dàng né tránh và chấp nhận thân phận của mình. Nỗi sợ đã ít thường trực hơn và khó cảm nhận hơn nhiều so với các năm dưới chế độ Mao, đồng thời bình diện xã hội dường như không bị ảnh hưởng.
Vẻ tầm thường bên ngoài này che đậy một chế độ công an trị “mềm mỏng” song có sức lan tỏa rộng. Đây không phải là bộ máy kiểm soát đơn nhất mà là một mạng lưới lỏng lẻo hơn, trong đó chính quyền trung ương công bố mục tiêu chính sách để rồi đảng viên địa phương cùng tay sai làm thuê theo đuổi mục tiêu nào mà họ thấy hợp. Vì vậy tùy từng nơi sẽ có khác biệt đáng kể về mức độ và kỹ thuật đàn áp. Ngoài ra, nếu biết tự kiểm duyệt đúng cách, nhiều người hoàn toàn không phải chịu cảnh công an trị. Cá nhân nào gây trở ngại cho lãnh đạo hoặc dám bước vào vùng cấm thì đầu tiên sẽ nhận được lời chỉnh huấn. Nếu không xong, họ thường bị công an mặc thường phục sách nhiễu, kèm theo tình trạng điện thoại và e-mail bị theo dõi. Bước tiếp theo là bị mất việc và bị ghi vào sổ đen, sau đó nếu cần thì bị đưa vào trại lao động, bị bỏ tù, bị tra tấn, hoặc bị hành quyết. Không phải nhiều người đều trượt theo con dốc này xuống tận đáy, nhưng mọi người đều biết đáy là đâu. Điều đó không những lý giải tại sao chính sách tự kiểm duyệt phát huy được tác dụng mà còn lý giải được tại sao việc hình thành một xã hội dân sự thật sự là bất khả dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ. Có vô vàn tổ chức phi chính phủ (NGO) tại Trung Quốc, nhưng hầu như mọi tổ chức đều bị kiểm soát hoặc là đối tượng chịu sự kiểm soát của ĐCSTQ. Bất kỳ tổ chức nào có số thành viên tăng lên 10 hoặc 20 người đều bị đàn áp.
Điểm sáng nhất trong bức tranh này là internet, phương tiện truyền thông bất khả chế ngự đầu tiên trong lịch sử công tác tư tưởng của ĐCSTQ, ít ra là cho đến nay. Tuy đã từng có không ít nỗ lực. ĐCSTQ đã thành lập bộ máy công an nghe trộm internet, quân số ước tính lên đến 30.000 nhân viên hoặc hơn. Bằng cách sử dụng công nghệ mua lại từ quốc gia phát triển, họ thiết lập các bộ lọc nhằm chặn bình luận về những chủ đề nhạy cảm và thậm chí xóa đi các lời lẽ nguy hiểm. Họ ngăn cấm sử dụng biệt danh trên không gian mạng và áp đặt cơ chế trách nhiệm tập thể, theo đó toàn bộ website có thể bị đóng cửa, và người điều hành website phải chịu trách nhiệm nếu xuất hiện lời bình trái chiều trên website đó. Chính quyền còn thiết lập những hộp thư điện tử để bất kỳ công dân nào cũng có thể bí mật báo cáo khi ai đó có lời lẽ ương ngạnh. Họ thuê mướn an ninh mật vụ, sử dụng hacker để gài vi-rút máy tính. Bất chấp mọi biện pháp kể trên, cư dân mạng Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng biệt danh với số lượng vô cùng lớn; một số thảo luận các chủ đề cấm kỵ bằng cách thay đổi biệt danh; những người khác vạch trần các vụ bê bối trong đời sống thực bằng cách giả vờ đó là chuyện hư cấu. Trò mèo vờn chuột diễn tiến không ngừng như bản thân của internet vậy. Các dịch vụ truyền thông nước ngoài – đặc biệt là Đài Á Châu Tự do, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, và Đài BBC Anh Quốc – đã trở nên quan trọng không chỉ vì các buổi phát sóng thường lệ mà còn vì những bản tin không bị kiểm duyệt mà họ cung cấp trên internet.
Lôi kéo
Ban Tuyên giáo ĐCSTQ (hiện nay đã đổi thành Ban Tuyên truyền quảng bá) thường xuyên ban hành các văn bản bí mật nhằm hướng dẫn cho phóng viên và biên tập viên những tin tức và tư tưởng nào cần được “chú trọng.” Đầu thập niên 1990, trong nỗ lực trấn an người dân Hồng Kông về việc tiếp quản của Bắc Kinh sắp sửa diễn ra, Đặng Tiểu Bình cam kết “người Hong Kong sẽ cai quản Hong Kong” theo công thức “một quốc gia, hai hệ thống.” Sau này, giữa những lo ngại cho rằng cụm từ “người Hong Kong sẽ cai quản Hong Kong” có thể mở ra quá nhiều dân chủ, một văn bản hướng dẫn mới chỉ thị cho phóng viên phải giảm nhẹ tầm quan trọng của khẩu hiệu đó. Bản hướng dẫn chỉ thị cụm từ “một quốc gia, hai hệ thống” cần được chú trọng, nhưng phải nhấn vào phần “một quốc gia”.
Trong những năm gần đây, phần lớn dẫn dắt tư tưởng của Chính phủ đều nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước và đồng nhất nó với ĐCSTQ. Sách giáo khoa nhấn mạnh đến thời kỳ lịch sử Trung Quốc bị phương Tây làm nhục, đồng thời các phương tiện truền thông quả quyết rằng phương Tây muốn “kìm hãm Trung Quốc” và thảo luận về nhân quyền của họ chỉ là công cụ phục vụ cho mục đích này. Thính giả được bảo rằng Nhật Bản đã từ chối thừa nhận tội ác chiến tranh tại Trung Quốc, cảnh báo Đạt Lai Lạt Ma muốn “chia rẽ tổ quốc,” và một số người ở Đài Loan và Tân Cương. Thủ đoạn kiểu này đặc biệt hiệu quả đối với thành phần ưu tú trẻ thành thị, một bộ phận trong số họ được gọi là fenqing, nhóm thanh niên nóng nảy. Phát biểu say sưa và tinh thần yêu nước cuồng tín của fenqing trên internet là một trong những điềm xấu đáng lo ngại cho tương lai Trung Quốc. Nhiều tiếng nói khác ít cực đoan hơn nhưng vẫn thấy rõ dấu hiệu đã bị công tác tư tưởng của ĐCSTQ dẫn dắt.
Một thành tố quan trọng trong hoạt động dẫn dắt này là loại bỏ có chọn lọc dấu vết lịch sử. Thảm họa của chủ nghĩa Mao trong quá khứ – nạn đói thời kỳ Đại Nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa – đã để lại di sản mạnh mẽ, tiếp tục ảnh hưởng đến các giá trị và đạo đức công tại Trung Quốc. (Phần nhiều ảnh hưởng này dưới dạng đi lùi, chẳng hạn từ chủ nghĩa khổ hạnh cực đoan hay chủ nghĩa lý tưởng công, cho đến chủ nghĩa vật chất cực đoan và chủ nghĩa hoài nghi công cộng.) Song đến tận ngày nay vẫn còn khó khăn hay hoàn toàn không thể thảo luận thẳng thắn về thời đại Mao nơi công cộng. Trong tổng kết ngoạn mục về lịch sử Trung Quốc nhằm góp phần vào lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008, khán giả toàn thế giới được dẫn dắt qua nhiều triều đại cổ xưa đến chiến thắng của cuộc cách mạng Cộng sản năm 1949, để rồi bất ngờ chuyển sang thời kỳ “cải cách và mở cửa” vào cuối thập niên 1970. Lịch sử chân thực về kỷ nguyên Mao – cũng như lịch sử Tây Tạng, Đài Loan, Thế Chiến II, và bản thân ĐCSTQ – thường bị che khuất trong sách giáo khoa cũng như phương tiện truyền thông, chỉ được thay thế bằng tên tuổi, ngày tháng, và những khẩu hiệu lôi cuốn. Tuổi trẻ Trung Quốc ngày nay có thể được đào tạo bài bản về toán học, kỹ thuật, hoặc ngoại ngữ nhưng vẫn sống với nhận thức đã bị xuyên tạc nghiêm trọng về quá khứ của chính đất nước họ. Tệ hơn thế, họ có thể hoàn toàn không biết rằng họ đã bị lừa dối.
Công tác tư tưởng được thực thi thông qua ngôn ngữ, và ngôn ngữ mà nó sử dụng đã bị George Orwell nhận diện (tác giả tác phẩm Trại Súc Vật xuất bản năm 1945 – người dịch). Áp lực chính trị lên cá nhân được cho là hỗ trợ; hành vi vi phạm nhân quyền được mô tả là hành động bảo vệ nhân quyền; nhà nước kiểm soát công nhân thông qua công đoàn lao động; trấn áp người Uyghur thì được cho là chống khủng bố; cửa quyền được gọi là dân chủ; phong trào thật sự dân chủ bị tố cáo là nổi loạn phản cách mạng; còn hệ thống tòa án đê tiện lại được tung hô là thượng tôn pháp luật. Ngôn ngữ trong công tác tư tưởng của ĐCSTQ tuân theo khái niệm Đại Bịp, tức lời hoàn toàn dối trá được lặp đi lặp lại nhiều lần và không cho phép phản bác cho đến khi được chấp nhận đó là sự thật – hoặc điều gì đó, vì mục đích chính trị, được đoan chắc như đinh đóng cột là chân lý. Quyền lực chính trị ở Trung Quốc phụ thuộc vào việc duy trì một vị thế đạo đức nhất định, thậm chí khi mọi người tham gia đều biết ở một mức độ nào đó rằng vị thế này là đạo đức giả.
Kết quả
Công tác tư tưởng của ĐCSTQ đã rất thành công trong vài năm qua. Người dân Trung Quốc có nhu cầu thể hiện niềm tự hào dân tộc sâu sắc từng bị đè nén gần hai thế kỷ. Tăng trưởng của nền kinh tế, tăng tiến về tầm vóc quốc tế, thanh danh của huy chương Thế vận, nhiều đại lộ mới tràn ngập ánh đèn để giải phóng cảm xúc yêu nước đã được khai mở, đồng thời ĐCSTQ biết cách nhận lãnh lời ca tụng từ nhiều thành quả này. Chẳng hạn, họ tuyên bố rằng đã có công “đưa hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo.” Nhưng dân thường Trung Quốc biết đâu là sự thật. Họ còn nhớ rằng bắt đầu từ những năm 1980 và 1990, ĐCSTQ đã nhấc chân ra khỏi cổ của họ về mặt kinh tế, trong khi vẫn tiếp tục kìm kẹp chính trị. Suy cho cùng thì ít ra cũng được tự do ở một mặt nào đó của đời sống, nên dân thường dồn mọi nỗ lực vào kinh tế để rồi hàng trăm triệu người tự mình thoát khỏi đói nghèo. Bên cạnh đó, họ còn có công đưa lãnh đạo ĐCSTQ lên tầng lớp giàu sang. Song công tác tư tưởng của ĐCSTQ lại kể chuyện này theo hướng ngược lại: Đảng đã tạo ra tất cả, đạt được tất cả, và đại diện cho tất cả. Khi có cơ hội thì người nước ngoài bị qui chụp là nguyên nhân gây ra tình trạng yếu kém trong nước, chẳng hạn như tình trạng mất việc hiện nay ở Trung Quốc là do ngân hàng Hoa Kỳ chơi khăm.
Nhiều người Trung Quốc vẫn tiếp tục khiếu nại về các vấn đề bức xúc như nạn tham nhũng, chiếm đất, bóc lột công nhân, khoảng cách giàu nghèo, lương hưu teo tóp, thuế tùy tiện, ô nhiễm không khí cùng nguồn nước, và nạn đàn áp theo kiểu côn đồ. Hệ thống chính trị khép kín, thiếu tổ chức giám sát độc lập và cơ chế điều chỉnh của nền dân chủ, là khuyết điểm cố hữu để có thể giải quyết những khiếu nại như vậy. Công tác tư tưởng của ĐCSTQ giải quyết khiếu nại theo hai cách. Thứ nhất, thuyết phục người dân tin rằng lãnh đạo trung ương vẫn còn trong sạch, mọi chuyện đều do sai phạm ở địa phương. Rất nhiều người bám víu vào quan điểm đầy hy vọng này. Thứ hai, đơn giản là tìm cách phân tâm. Nhu cầu không khí sạch được trả lời bằng 52 huy chương vàng Thế vận, người dân tái định cư thì bị lóa mắt bởi chương trình không gian.
ĐCSTQ thỉnh thoảng bịa đặt hoặc phóng đại mối lo ở tầm quốc gia chỉ nhằm mục đích phân tâm. Hầu hết người dân Trung Quốc đều lo toan cho cuộc sống hàng ngày của chính họ hơn là về những miền xa xôi như Đài Loan hay Tây Tạng. Sáng ra thức dậy họ lo đối phó với quan chức địa phương tham nhũng hơn là Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng tuyên truyền của ĐCSTQ cứ thường xuyên bảo họ rằng Đạt Lai Lạt Ma lòng lang dạ thú đang chia rẽ tổ quốc, nên họ có xu hướng bám chặt quan điểm cho rằng chia rẽ tổ quốc là xấu xa và ĐCSTQ đang đi tiên phong chống lại âm mưu chia rẽ. Sự kích động nỗi sợ hãi chưa xảy đến chỉ nhằm củng cố hình ảnh của ĐCSTQ và làm người dân ít để ý đến những khiếu nại đang phổ biến. Trong những năm gần đây, ĐCSTQ sử dụng nhiều sự kiện liên quan đến Nhật Bản, Tây Tạng, Đài Loan, và Hoa Kỳ nhằm phục vụ cho mục đích này. Trong trường hợp của Tây Tạng, có bằng chứng cho thấy bản thân các vụ việc đã được bịa đặt vì đại nghĩa.
Sẽ là mối đe dọa cho Trung Quốc, thật ra là cho cả thế giới, nếu hành động xô đẩy và lôi kéo của công tác tư tưởng ĐCSTQ tiếp tục thành công. Cộng thêm nguy cơ có thể tiêm nhiễm cho thế hệ tương lai ý thức về chủ nghĩa bá quyền nước lớn, trong khi hiểu biết về vai trò lịch sử của họ vừa hẹp hòi lại vừa méo mó. Khả năng này tương tự với trường hợp của Nhật hoặc Đức trong thập niên 1930, hay trường hợp của Trung Quốc trong những năm 1960. Tuy nhiên, có lý do chính đáng để hy vọng rằng khuôn mẫu này sẽ không bén rễ. Nhận thức người dân về nhân quyền và luật pháp đang gia tăng trong những năm gần đây. Đã có những vụ kiện và kháng nghị trên danh nghĩa cá nhân cũng như tập thể. Phản ứng quá mẫn cảm của ĐCSTQ về xu thế này là bằng chứng cho thấy tiềm năng của nó. Mầm mống về một công đoàn, hội thánh, hoặc tổ chức thảo luận chính trị độc lập đã bị theo dõi, và nếu được, sẽ bị giải tán hay bị cài người nhằm phá hoại. 19 năm sau vụ thảm sát 1989 vẫn còn hết sức nhạy cảm, đến nỗi công an mặc thường phục vẫn được cử theo dõi Giáo sư Đinh Tử Lâm đã 72 tuổi, người sáng lập nhóm các bà mẹ Thiên An Môn, thậm chí lúc bà đi chợ mua rau. Nếu những trang nam nhi chỉ huy quân đội thường trực lớn nhất thế giới này vẫn còn phải ma mãnh rình rập một bà cụ già thì người ta có thể đoan chắc rằng họ chẳng cảm thấy an toàn với quyền lực của mình.
TẦM ẢNH HƯỞNG QUỐC TẾ
Trong quãng thời gian tương đối ngắn, Trung Quốc đã tạo lập được mối quan hệ ngoại giao và kinh tế gần gũi với nhiều quốc gia trong thế giới đang phát triển. Thật vậy, nhờ lối tấn công quyến rũ, hình ảnh Trung Quốc trước công chúng trong mắt của nhiều quốc gia đang phát triển hiện nay đã trở nên tích cực hơn nhiều so với các cường quốc khác, thậm chí họ còn nỗ lực lấy lòng ở Bắc Mỹ và Âu Châu, nơi đưa ra nhiều quan ngại về nhân quyền và tranh chấp thương mại. Lối tấn công quyến rũ này là một phần trong biểu hiện “quyền lực mềm” Trung Quốc. Nhiều học giả và giới chức Trung Quốc định nghĩa quyền lực mềm rộng rãi hơn so với Joseph Nye, người khởi xướng ra khái niệm này. Trong lúc Nye mô tả quyền lực mềm là các giá trị có sức thu hút của một quốc gia, định nghĩa của ĐCSTQ bao hàm hầu như mọi cơ chế ngoại trừ lĩnh vực an ninh và quân đội, kể cả những công cụ mà Nye cho là cưỡng bức như viện trợ và đầu tư. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và lãnh đạo Đảng rõ ràng là đã vận dụng tư tưởng quyền lực mềm, đồng thời tư tưởng này đã trở thành trọng tâm diễn thuyết về vai trò của Trung Quốc trên trường quốc tế. Trong khi chỉ mới 5 năm trước, giới chức và học giả Trung Quốc còn chối đây đẩy rằng họ chẳng có bài học nào dành cho thế giới đang phát triển, thì ngày nay họ không những công khai thừa nhận mà còn áp dụng chương trình đào tạo của họ cho giới chức nước ngoài nhằm truyền bá mô hình phát triển Trung Quốc.
Viện Khổng Tử: Quyền lực mềm độc tài
Một trong những công cụ mà Trung Quốc sử dụng nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế và truyền bá mô hình quản lý của họ là mạng lưới Viện Khổng Tử đang phát triển nhanh chóng. Viện Khổng Tử sẽ dạy tiếng Hoa và văn hóa Trung Quốc, thường hoạt động dưới hình thức hợp tác giữa đại học Trung Quốc và một trường đại học nước sở tại, trường sở tại cung cấp địa điểm và trang thiết bị, còn đại học Trung Quốc hỗ trợ nhân viên và tài liệu giảng dạy. Học viện chịu sự giám sát của Hội đồng Quốc tế Hoa Ngữ (Hanban), hội đồng này đề ra nguyên tắc hướng dẫn, ngân sách, và chương trình giảng dạy. Hội đồng gồm đại diện của 12 bộ ngành, trong đó có Bộ giáo dục, Ngoại giao, và Văn hóa. Mục đích của Viện Khổng Tử là “tăng cường hiểu biết liên văn hóa trên toàn thế giới qua việc tài trợ các khóa học tiếng Hoa và văn hóa Trung Quốc, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn về tiếng Hoa và văn hóa Trung Quốc cho nhân dân toàn thế giới.” Tuy nhiên, một số nhà quan sát đang quan ngại về tác động tiềm tàng của ảnh hưởng Trung Quốc lên tự do học thuật ở nước sở tại. Bản dự thảo nguyên tắc áp dụng cho học viện chứng tỏ nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu học viện phải tuân thủ chỉ thị về các vấn đề chính trị nhạy cảm, chẳng hạn tình hình quốc tế ở Đài Loan hay nghiên cứu lịch sử liên quan đến cộng đồng dân tộc thiểu số và tôn giáo bị ngược đãi: “Viện Khổng Tử ở nước ngoài phải tuân thủ chính sách Một-Trung-Quốc, bảo toàn sự độc lập và thống nhất của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,… tránh tham gia mọi hoạt động chính trị, tôn giáo hay dân tộc ở nước mà học viện mở ra.” Mạng lưới học viện đã nhanh chóng lan rộng kể từ thời điểm khai trương học viện đầu tiên ở Uzbekistan năm 2004. Hiện có hơn 295 trung tâm tại 78 quốc gia, trong mục tiêu thành lập tổng cộng 500 học viện trước năm 2010. Đông Nam Á có hơn 20 trung tâm, trên 40 tại Hoa Kỳ, và hơn 70 ở Âu Châu. Những học viện khác được thành lập tại các quốc gia Phi Châu, trong đó có Zimbabwe và Nam Phi. Dự án đã triển khai hơn 2.000 nhân viên, trên 300.000 bộ giáo trình và băng đĩa, trị giá hơn 26 triệu USD.
Trong thảo luận về quyền lực mềm, giới chức ĐCSTQ nhấn mạnh đến chương trình đào tạo, ngoại giao truyền thống hiệu quả, sự tăng trưởng của các dự án ngoại giao quần chúng như Viện Khổng Tử, và tính thu hút của mô hình kinh tế Trung Quốc, một mô hình đã tạo được mối quan tâm đặc biệt ở Châu Phi, Trung Á và Đông Nam Á. Tuy nhiên về lâu dài, nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ phải mở rộng sự thu hút của họ để đến được đại chúng ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, họ có thể phải mở rộng hoặc điều chỉnh sáng kiến quyền lực mềm nhằm đi vào thế giới phát triển, đặc biệt ở Âu Châu, nơi có thể cần nhiều cảm xúc hơn Hoa Kỳ.
Cơ sở lý luận của lãnh đạo ĐCSTQ nhằm theo đuổi quyền lực mềm là khá phức tạp. Một mặt, ĐCSTQ đã trở nên tự tin và thành thạo hơn trong những vấn đề toàn cầu. Thế hệ quan chức hiện nay nhận thức rõ rằng Bắc Kinh cần phải tích cực vun đắp quan hệ với các nước Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latin. Tình trạng lệ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng về kinh tế, chính trị, và an ninh của Trung Quốc với thế giới, cùng với nhu cầu tài nguyên thiên nhiên, đã buộc Trung Quốc phải đóng vai trò to lớn hơn trong các vấn đề quốc tế, trong lúc một loạt sự kiện gây phương hại đến hình ảnh của Hoa Kỳ trước công chúng, từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cho đến cuộc chiến Iraq, đã cung cấp nhiều cơ hội cho một thế lực đang lên để có thể xén bớt tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ và đồng minh. Mặt khác, chiến tranh Afghanistan và Iraq đã phô bày sức mạnh cùng công nghệ áp đảo của quân đội Mỹ, khiến cho ĐCSTQ nhận ra rằng họ có hạn chế về quyền-lực-cứng.
Sau cùng, nhờ Trung Quốc tăng trưởng kinh tế liên tục mà không bị tầng lớp tân trung lưu đòi hỏi dân chủ mạnh mẽ, đồng thời một số quốc gia độc tài khác như Nga đang tăng trưởng với tốc độ cao, cùng với tình trạng nền kinh tế của nhiều quốc gia dân chủ phải chịu chấn động liên tục trong vòng 5 năm qua, giới chức ĐCSTQ bắt đầu cho rằng mô hình phát triển của họ không chỉ là chiến thuật thỏa hiệp giữa chủ nghĩa cộng sản và doanh nghiệp tự do mà thực tế có thể trở thành một hệ thống chặt chẽ và có khả năng xuất khẩu, một hệ thống khách quan siêu việt hơn chủ nghĩa tư bản dân chủ tự do. Nhằm giới thiệu và quảng bá tư tưởng này, lãnh đạo ĐCSTQ đã diễn giải và áp dụng khái niệm dân chủ theo cách riêng. Giống như Kremlin dưới thời Vladimir Putin mô tả thủ đoạn độc tài của họ là “nền dân chủ có chỉ đạo,” ĐCSTQ đã xuyên tạc và lược bỏ các giá trị truyền thống định nghĩa nên khái niệm. Ngoài ra, giới chức, học giả, và truyền thông Trung Quốc trưng ra ngày càng nhiều về tình trạng bất ổn ở những nơi như Kenya và Kyrgyzstan nhằm chứng minh rằng nền dân chủ tự do phương Tây không thích hợp với nhiều nước đang phát triển.
Công cụ và chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc
Trong thập niên qua, Trung Quốc tập trung vươn ra toàn cầu bằng một triết lý cốt lõi. Khi phát biểu, lãnh đạo Trung Quốc luôn đề ra học thuyết quan hệ đôi bên cùng có lợi (shuangying), khuyến khích các quốc gia thuộc Mỹ Latinh, Châu Phi, Châu Á, và Ả-Rập tạo ra những dàn xếp đôi bên cùng có lợi với Trung Quốc. Quan hệ này còn tập trung vào nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ. Nguyên tắc này rất thích hợp với lãnh đạo trong thế giới phát triển bởi vì họ đã từng chứng kiến cảnh hàng chục năm can thiệp của đế quốc thực dân và các bên đối kháng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Lãnh đạo ĐCSTQ còn mở rộng tư tưởng đôi bên cùng có lợi sang nhiều lĩnh vực khác, khẳng định rằng họ luôn đứng về phe các nước đang phát triển trong đàm phán thương mại toàn cầu và phác họa chân dung Trung Quốc như một người bảo vệ nguyên tắc không can thiệp trước Liên Hiệp Quốc. Là một phần trong chiến lược này, triết lý đôi bên cùng có lợi đã tương phản ngầm với triết lý phương Tây, một triết lý mà Bắc Kinh mô tả đó là hành động thúc ép thực thi một “nghị trình dân chủ” đồng nhất cho các quốc gia đang phát triển. Song song với việc cải thiện ngoại giao đoàn và sử dụng phương pháp ngoại giao truyền thống cấp cao để chứng tỏ với các quốc gia đang phát triển rằng Trung Quốc đang ưu tiên cho quan hệ song phương, Chính phủ Trung Quốc còn đứng ra thành lập những tổ chức đa phương trong khu vực, chẳng hạn Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO: Shanghai Cooperation Organization) tại Trung Á, nhằm chống lại sự quảng bá của nền dân chủ. Nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc vào vị trí lãnh đạo quốc tế. “Các bạn là một ví dụ điển hình về chuyển hóa,” Marc Ravalomanana, Tổng thống Madagascar phát biểu trước giới chức Trung Quốc trong cuộc họp của Ngân hàng Phát triển Châu Phi vào tháng 05/2007 tại Thượng Hải. “Châu Phi chúng tôi phải học hỏi từ thành công của các bạn.”
ĐCSTQ dường như còn nhận ra rằng họ cần xây dựng một sức hút công chúng rộng lớn hơn, đồng thời cải thiện giao tế giữa người với người. Đây là một thay đổi quan trọng so với cách làm trước đây, lúc đó hầu như họ chỉ tập trung thúc đẩy quan hệ với lãnh đạo nước ngoài. Bắc Kinh đã phát triển Hội Thanh niên Tình nguyện Trung Quốc, một chương trình giống như Đoàn Quân Hòa bình nhằm đưa thanh niên đến những quốc gia như Ethiopia để làm việc trong các dự án nông nghiệp và ngoại ngữ. Họ còn tiến hành dự án Viện Khổng Tử để hỗ trợ tiếng Hoa và nghiên cứu văn hóa Trung Quốc tại các trường đại học trên toàn cầu. Họ gia tăng tài trợ những trường tiểu học dạy tiếng Hoa ở các nước đang phát triển như Campuchia, học sinh tốt nghiệp những trường này thường nhận được học bổng học đại học bên Trung Quốc.
Tương tự, chương trình đào tạo lãnh đạo chủ chốt nước ngoài đã trở thành một công cụ quyền lực mềm quan trọng. Chính phủ Trung Quốc còn bắt đầu tổ chức chương trình đào tạo nhân viên truyền thông và công chức thực thi pháp luật cho Trung Á, Châu Phi, Đông Nam Á, và các khu vực khác. Những chương trình này được thiết kế một phần là để giới thiệu thành tựu chiến lược kinh tế Trung Quốc, bao gồm tự do hoá một phần, bảo hộ một số ngành công nghiệp, và duy trì sự can thiệp của nhà nước ở một mức nhất định.
Hỗ trợ phát triển có thể là công cụ quan trọng nhất của Trung Quốc. Có bằng chứng cho thấy họ đặc biệt sẵn sàng nhảy vào viện trợ các quốc gia như Uzbekistan và Campuchia sau khi các nhà tài trợ khác bày tỏ quan ngại về nhân quyền. Họ đẩy mạnh đầu tư và giao thương với các nước đang phát triển, trong đó đầu tư thường được hỗ trợ bằng những khoản vay ưu đãi. Trong các bài phát biểu, lãnh đạo ĐCSTQ cho rằng Bắc Kinh sẽ là đối tác thương mại công bằng hơn so với các quốc gia dân chủ, sẵn sàng hỗ trợ nước nghèo tiếp nhận công nghệ và kỹ năng cần thiết để tự phát triển và làm giàu cho bản thân. Đối với những nước phát triển, Trung Quốc cố gắng nhấn mạnh vai trò của một đối tác thương mại có tầm ảnh hưởng nhằm giành được các nhượng bộ khác; trước tình hình khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc nhấn mạnh rằng họ đang có nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, đồng thời còn đóng vai trò chủ động trong kiểm soát và chiến đấu chống nạn suy thoái. Tuy nhiên, hành động thâm nhập này đã bị phức tạp hóa do nhận thức phổ biến tại các nước công nghiệp hóa cho rằng Trung Quốc là nguyên nhân đưa đến nạn thất nghiệp trong nước.
Các kiểu đối tác với Trung Quốc và mức độ đe dọa nền dân chủ từ kế hoạch vươn xa của Trung Quốc
Công cụ quyền lực mềm của ĐCSTQ được những đối tác quốc tế với Trung Quốc hiểu theo nghĩa khác nhau. Ta cần phân biệt các kiểu quan hệ với chính quyền Bắc Kinh, và xem xét những phương diện gây nguy hiểm cho nền dân chủ. Một mặt, có một nhóm gồm nhiều chính thể hà khắc là Sudan, Miến Điện, Uzbekistan, Bắc Hàn, và Zimbabwe – lãnh đạo các chính quyền này đang tìm cách nhận được hỗ trợ tài chính và được bảo vệ trước Liên Hiệp Quốc cũng như trước những tổ chức quốc tế khác. Các công cụ quyền lực mềm khác hầu như không thích hợp đối với những chính quyền này, họ chẳng mấy quan tâm đến việc học phương pháp theo đuổi cải cách kinh tế ở Trung Quốc. Mặt khác, có một nhóm gồm rất nhiều nước đang phát triển ở Châu Á, Mỹ Latin, và Châu Phi sẵn sàng tiếp nhận mọi yếu tố thuộc quyền lực mềm Trung Quốc. Họ đang cố công xây dựng quan hệ kinh tế, chính trị và văn hóa với Trung Quốc, và vì họ không phải là những quốc gia hoàn toàn độc đoán, sức quyến rũ của Trung Quốc có thể lan ra công chúng. Quan hệ này quan trọng hơn dạng liên minh đơn giản với nhà độc tài hay với chính quyền độc tài.
Bước đầu xây dựng chiến lược quyền lực mềm, Bắc Kinh không đe dọa trực tiếp tiến trình dân chủ hóa toàn cầu ở mức độ chẳng hạn như chiến lược của Nga dưới thời Putin, được thiết kế ngay từ đầu nhằm đẩy lùi phong trào cải cách dân chủ ở những nước láng giềng. Tuy nhiên, “cách mạng màu” tại Liên Xô cũ đã làm ĐCSTQ lo sợ, cùng với sự trỗi dậy của các thế lực độc tài đã khiến Bắc Kinh mạnh dạn tin tưởng rằng họ có thể đưa ra một mô hình chuyển hóa khả dĩ. Hơn nữa, chủ nghĩa dân tộc đã bắt đầu hình thành bên trong Trung Quốc, đồng thời toàn bộ phong trào ủng hộ dân chủ đã phải đối mặt với tình hình thoái trào toàn cầu. Kết quả là ĐCSTQ đã đề ra chiến lược quảng bá nền dân chủ mạnh mẽ hơn. Trong thập niên qua, Trung Quốc đã cải tiến chương trình đào tạo để mời chào mạnh mẽ hơn mô hình Trung Quốc và áp dụng nhiều biện pháp để hạ thấp nền dân chủ tự do. Ngày nay, đa phần những chương trình này hầu như chỉ tập trung nghiên cứu mô hình Trung Quốc, bất chấp đó là việc hình thành định chế kinh tế, quản lý địa phương, hay xây dựng hệ thống tư pháp.
Chương trình đào tạo thường bao gồm các thảo luận về cách thức ĐCSTQ kiểm soát việc mở cửa nền kinh tế, giữ cho tầng lớp trung lưu đứng về phe Chính phủ, tránh hỗn loạn chính trị xã hội như đã diễn ra trong giai đoạn chuyển hóa tại Nga và nhiều nền kinh tế đang phát triển khác. Đặc biệt, Trung Quốc đã khởi động chương trình đào tạo quy mô lớn dành cho công an, thẩm phán, và nhân viên an ninh cho các nước láng giềng. Vì biện pháp lọc và kiểm soát internet là một yếu tố quan trọng nhằm duy trì chế độ ở Trung Quốc, những phương pháp này cũng đã được đưa vào đào tạo cho giới chức nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp thông tin cùng chiến lược lọc và sử dụng tường lửa cho Miến Điện, Việt Nam, Saudi Arabia, Uzbekistan, và nhiều quốc gia khác.
Quy mô của nỗ lực này không dễ tính được, nhưng hàng năm Chính phủ Trung Quốc huấn luyện cho Trung Á tối thiểu 1.000 nhân viên tư pháp và công an, phần lớn những người trong số này đang làm việc trong các doanh nghiệp phản dân chủ. Về lâu dài, Bắc Kinh có kế hoạch đẩy mạnh chương trình đào tạo giới chức Châu Phi với chỉ tiêu từ 7.000 đến 10.000 học viên mỗi năm. Phạm vi của các chương trình viện trợ Trung Quốc cũng không dễ định lượng, song Ngân hàng Thế giới ước đoán hiện nay Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất châu Phi. Tại một cuộc họp ở Thượng Hải năm 2007, lãnh đạo Trung Quốc loan báo rằng họ sẽ cấp thêm cho Châu Phi 20 tỉ USD trong chương trình tài trợ mới.
Hiện nay viện trợ Trung Quốc đã vượt qua các quốc gia dân chủ tài trợ cho nhiều nước ở Đông Nam Á và Trung Á. Campuchia, một trong những quốc gia tiếp nhận nguồn viện trợ lớn từ Bắc Kinh, là một ví dụ điển hình. Chính phủ Trung Quốc là nhà viện trợ quân sự lớn nhất Campuchia, phần lớn dành cho lực lượng an ninh được Thủ tướng Hun Sen dùng làm vũ khí chính trị. Trung Quốc cam kết tài trợ cho Campuchia tổng cộng 600 triệu USD. Trong khi Hoa Kỳ hiện chỉ viện trợ cho Campuchia khoảng 55 triệu USD mỗi năm. Trường hợp Miến Điện cho thấy xu hướng tương tự. Chính phủ Trung Quốc hiện là nhà tài trợ lớn nhất, chủ yếu cũng dùng vào những hoạt động phản dân chủ. Bắc Kinh cho Miến Điện vay 200 triệu USD trong vòng 5 năm qua, và các khoản vay “mềm” này thường không bao giờ phải hoàn trả, về cơ bản thì chúng là khoản viện trợ không hoàn lại. Trong khi đó Hoa Kỳ chỉ viện trợ cho Miến Điện khoảng 12 triệu USD hàng năm, chủ yếu dùng để hỗ trợ nhân đạo và người tị nạn.
Quan hệ đào tạo và viện trợ cho phép Bắc Kinh và chính phủ đối tác có thể hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề đối nội. Chẳng hạn, chương trình huấn luyện an ninh cho giới chức Trung Á đã trao cho ĐCSTQ cơ hội truyền bá tư tưởng rằng người Uyghur là những kẻ khủng bố và đòi ly khai, đồng thời đe doạ đến sự ổn định trong khu vực. Quá trình này đã được đền đáp trong một thập niên qua, khi một số nước Trung Á đã bắt đầu buộc người Uyghur Trung Quốc hồi hương, thường chẳng vì lý do gì cả. Cũng như Nga, Bắc Kinh bắt đầu phát triển các tổ chức phi chính phủ (NGO) cho chính mình, một số được thiết kế bắt chước theo những tổ chức quảng bá dân chủ truyền thống. Tuy nhiên, thay vì xây dựng thể chế dân chủ, họ khuyên các quốc gia Đông Nam Á và Trung Á phát triển chính trị và kinh tế như một phần trong nỗ lực đẩy lùi tiến trình dân chủ hóa.
Có lẽ khía cạnh nguy hiểm nhất về sự hiện diện toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc là Chính phủ của họ giờ đây có thể bảo hộ ngoại giao và hỗ trợ to lớn hơn cho những nhà cai trị độc tài ở các quốc gia như Miến Điện, Sudan, Uzbekistan, và Zimbabwe. SCO, do Bắc Kinh tạo ra như một đối trọng với tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Âu Châu tại Trung Á, đóng vai trò then chốt trong chiến lược này. Cả Trung Quốc lẫn Nga đều sử dụng diễn đàn SCO để chỉ trích tiến trình thúc đẩy dân chủ, đồng thời hỗ trợ các nhà độc tài Trung Á đàn áp những lời kêu gọi trong nước đòi hỏi cải cách và thay đổi dân chủ.
Tại Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh đã ngăn chặn áp lực quốc tế lên các chính quyền vi phạm nhân quyền như Miến Điện và tận dụng thời điểm đó để cải thiện quan hệ song phương với chính quyền liên quan. Ngay sau vụ thảm sát Andijon vào năm 2005 khiến Hoa Kỳ và Châu Âu gia tăng trừng phạt Uzbekistan, Trung Quốc đã tiếp lãnh đạo Uzbekistan tại Bắc Kinh và lợi dụng cơ hội này để gia tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên Uzbekistan. Tất nhiên công thức này không được áp dụng mọi lúc mọi nơi; Trung Quốc đã tích cực hợp tác với cộng đồng quốc tế trong việc kiểm soát thái độ ngoan cố của Bắc Hàn. Nhưng hành động này chủ yếu là do Bắc Kinh xem bất ổn Bắc Hàn là mối đe dọa trực tiếp cho Trung Quốc, ngoài ra chương trình nghị sự của Trung Quốc trên vấn đề Bắc Hàn chắc chắn không có nội dung quảng bá nhân quyền.
Những thách thức cho Bắc Kinh
Vẫn còn phải chờ xem liệu lối tấn công bằng quyền lực mềm của Trung Quốc về lâu dài có thể thành công hay không. Nhiều quốc gia đang phát triển lo ngại rằng đặc trưng liên kết thương mại với Bắc Kinh, thường tập trung vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của họ, sẽ ngăn cản họ leo lên bậc thang giá trị gia tăng. Cảm giác này xuất hiện ở những chính trị gia theo chủ nghĩa dân tuý như Michael Sata của Zambia, ông sử dụng thái độ chống Trung Quốc để tìm ủng hộ trong cuộc chạy đua vào vị trí tổng thống năm 2006, nhưng cuối cùng không thành. Thực tế là các công ty xây dựng và năng lượng lớn, có liên hệ với nhà nước Trung Quốc, thường xuyên đưa công nhân Trung Quốc vào làm việc trong những dự án ở nước ngoài, đều không làm dân chúng địa phương quý mến họ được.
Hơn nữa, khi Bắc Kinh tích cực hơn trong việc quảng bá mô hình phản dân chủ Trung Quốc, họ có nguy cơ biến thành hình ảnh phản chiếu các cường quốc phương Tây mà họ đang chỉ trích; họ sẽ “can thiệp” vào công việc nội bộ của nước khác, nhưng để đè bẹp thay vì xúc tiến dân chủ. Mặc dù lời tuyên thệ không can thiệp của Bắc Kinh có vẻ được hoan nghênh, một số lãnh đạo trong thế giới đang phát triển đã tự hỏi liệu Trung Quốc có thật sự tuân thủ nguyên tắc này hay không. Đại sứ Trung Quốc ở Zambia vào năm 2006 đã cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao nếu cử tri bầu Sata làm tổng thống. Khi giai đoạn trăng mật với Bắc Kinh đến hồi kết thúc, các tổ chức xã hội dân sự ở những quốc gia tiếp nhận viện trợ Trung Quốc sẽ bắt đầu lên tiếng nhiều hơn. Nhiều nhà hoạt động dần dà nhận ra rằng hỗ trợ Trung Quốc có thể góp phần tàn phá môi trường, tiêu chuẩn lao động tồi tệ, tham nhũng lan tràn, và xa rời mục tiêu củng cố dân chủ. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh chứng minh được rằng họ đủ linh hoạt trong việc áp dụng quyền lực mềm cho cả lãnh đạo lẫn quần chúng trong thế giới đang phát triển, họ có thể trở thành một thách thức nghiêm trọng cho những giá trị, tư tưởng, và mô hình dân chủ hiện có.
TỔNG KẾT
Nhà chức trách Trung Quốc đã chế tác một tập hợp chính sách phong phú và ngày càng tinh vi nhằm làm xói mòn tiến trình dân chủ. Các chính sách này rất toàn diện, bao quát mọi lĩnh vực chính trị, pháp luật, xã hội, và truyền thông.
ĐCSTQ cố tình nung nấu và hình thành chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa, khiến nhiều người dân giờ đây cảm thấy tự hào về mô hình phát triển độc đoán của ĐCSTQ. Ngoài kiểm duyệt, “công tác tư tưởng” của Đảng còn kiêm thêm việc biên soạn giáo trình, phim tài liệu truyền hình, bảo tàng, và các phương tiện truyền thông khác nhằm truyền bá những phiên bản sai lệch nghiêm trọng về lịch sử Trung Quốc. Trong nỗ lực hướng dẫn công luận, khái niệm dân chủ đã bị xuyên tạc và bị lược bỏ các giá trị truyền thống định nghĩa nên khái niệm đó.
Trong lúc những công cụ kiểm soát truyền thông như sách nhiễu, đe dọa, và bắt giam vẫn được sử dụng, nhà chức trách Trung Quốc còn phát triển các phương pháp tinh tế hơn nhằm kiểm soát nội dung và phát sinh hành vi tự kiểm duyệt. Những phương pháp này bao gồm việc thương mại hóa kiểm duyệt, qua đó nhà chức trách chuyển giao một cách hiệu quả nhiệm vụ kiểm duyệt cho nhà cung cấp dịch vụ internet và các tổ chức tư nhân khác. Chính quyền tăng cường kiểm soát truyền thông trong nước bằng một kế hoạch đầy tham vọng, trị giá nhiều tỉ USD nhằm nâng cấp chương trình phát sóng của họ ở nước ngoài.
Nỗ lực tạo ảnh hưởng quốc tế của Chính phủ Trung Quốc tự thể hiện qua nhiều cách khác nhau. Một nhóm nhiều chính thể hà khắc gồm chính quyền Sudan, Miến Điện, Uzbekistan, Bắc Hàn, và Zimbabwe – lãnh đạo những chính quyền này đang tìm cách nhận được hỗ trợ tài chính và được bảo vệ trước Liên Hiệp Quốc cũng như trước các tổ chức quốc tế khác. Mặt khác, có một nhóm gồm rất nhiều nước đang phát triển ở Châu Á, Mỹ Latin, và Châu Phi sẵn sàng tiếp nhận mọi yếu tố thuộc quyền lực mềm Trung Quốc. Họ đang cố công xây dựng quan hệ kinh tế, chính trị và văn hóa với Trung Quốc, và vì họ không phải là những quốc gia hoàn toàn độc đoán, sức quyến rũ của Trung Quốc có thể lan ra công chúng. Quan hệ này quan trọng hơn dạng liên minh đơn giản với nhà độc tài hay với chính quyền độc tài.
Hoa Kỳ và những nền dân chủ khác cần ý thức hơn về hoạt động trên toàn thế giới của sáng kiến quyền lực mềm của ĐCSTQ, đặc biệt là cách họ bảo hộ và quảng bá chính thể độc tài. Các quốc gia dân chủ phải đảm bảo rằng những nhà ngoại giao khi đến làm việc ở Trung Quốc, nước láng giềng với Trung Quốc, và các nước khác thuộc thế giới đang phát triển, đã được trang bị kiến thức cần thiết để hiểu được mục tiêu và chiến thuật của những chương trình quyền lực mềm. Nơi nào doanh nghiệp Trung Quốc truyền bá chủ nghĩa độc tài, nhân viên ngoại giao thuộc quốc gia dân chủ phải có phương tiện hiệu quả để đối phó với chúng. Công tác này không những cần tập trung vào Trung Quốc và dự án Trung Quốc, mà còn cần phải nhắc nhở giới chức nước sở tại và xã hội dân sự về đức hạnh của nền dân chủ, cạm bẫy của mô hình phát triển độc tài, và mối nguy hiểm có thể phát sinh nếu mô hình như thế thực sự “thành công.”
BVN dịch
Nguồn: Undermining Democracy. 21st Century Authoritarians. Freedom House, tháng 06/2009. Trang 13-28.
http://www.underminingdemocracy.org/files/UnderminingDemocracy_Full.pdf
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment