Tuesday, October 6, 2009

DỰNG TƯỜNG và ĐỐT SÁCH


Dựng tường và đốt sách
Hoàng Ngọc Tuấn
http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid=CB6699A3557C71BE4F8A7EEA86043DF3?action=viewArtwork&artworkId=9289

1.
Trong tiểu luận “Bức tường và những cuốn sách”,
[1] Jorge Luis Borges cho rằng việc dựng tường và đốt sách là việc thông thường của các quân vương. Tần Thuỷ Hoàng dựng tường, bởi “tường là để phòng vệ”. Tần Thuỷ Hoàng đốt sách, bởi ông không muốn “những kẻ chống đối ông sẽ dựa vào sách để ca tụng các hoàng đế thời xưa”. Theo Borges, việc dựng tường và đốt sách của Tần Thuỷ Hoàng chỉ nổi bật vì tầm mức quá lớn so với tất cả những quân vương khác.

2.
Borges viết tiểu luận “Bức tường và những cuốn sách” vào năm 1950. Ông không thể tiên đoán rằng 11 năm sau đó sẽ có một bức tường mới được dựng lên, không bởi một đấng quân vương, mà bởi một chế độ độc tài hiện đại: bức tường Berlin, năm 1961. Borges cũng không thể tiên đoán đặc tính mới mẻ của bức tường hiện đại này. Nó không phải được dựng lên chỉ để ngăn chặn sự xâm nhập của kẻ thù từ bên ngoài như bức tường của Tần Thuỷ Hoàng, mà nó được dựng lên chủ yếu là để ngăn chặn sự thoát ly của nhân dân từ bên trong.

3.
Việc đốt sách trong thời hiện đại cũng có khác so với thời xưa. Các chế độ độc tài hiện đại chủ trương đốt sách không phải chỉ vì sợ rằng nhân dân đọc sách mà biết đến những chế độ tốt đẹp hơn trong quá khứ. Họ còn sợ rằng nhân dân đọc sách mà biết đến những chế độ tự do hơn, công bình hơn trong hiện tại, hay mơ tưởng đến những chế độ tự do hơn, công bình hơn trong tương lai. Do đó, các chế độ độc tài hiện đại không chỉ đốt những cuốn sách của quá khứ, mà còn đốt và cấm phát hành cả những cuốn sách được viết trong hiện tại, thậm chí tìm mọi cách để ngăn chặn cả những ý tưởng có thể làm sinh ra những cuốn sách ở tương lai.

4.
Nói tóm lại, các chế độ độc tài hiện đại đốt sách là để huỷ diệt lịch sử của quá khứ và huỷ diệt những ước mơ về hiện tại và tương lai; và dựng tường là để nhân dân không còn lối thoát, đành cam chịu tiếp tục sống và phục vụ cho chế độ, trong vòng vây của chế độ.

5.
Thật ra, các chế độ độc tài hiện đại không cần phải dựng một bức tường bằng bê-tông cốt sắt cụ thể như bức tường Berlin. Bằng một hệ thống công an và quân đội được tổ chức hết sức chặt chẽ và tinh vi, họ có thể dựng những bức tường kiên cố hơn, mà người ta thường gọi là những “bức màn sắt”. Thế nhưng, dù những bức màn sắt ấy kiên cố đến cách nào đi nữa, ước mơ của những con người yêu tự do vẫn không thể bị huỷ diệt. Như Ilya Ehrenburg chẳng hạn, sau bức màn sắt của Stalin, nhà thơ vẫn có thể thốt lên câu nói này: “Nếu cả thế giới bị phủ lấp bởi dầu hắc, một ngày nào đó sẽ có một vết nứt trong lớp dầu hắc ấy, và từ vết nứt ấy, cỏ sẽ mọc lên.”
[2]

6.
Xưa nay, tất cả các chế độ độc tài đều chủ trương dựng tường và đốt sách; nhưng tường và sách là hai thứ rất lạ lùng. Tường thì vô cùng kiên cố, nhưng rốt cuộc mọi bức tường đều phải sụp đổ. Sách thì vô cùng mong manh, dễ cháy, nhưng nó có sức sống vô hạn: giấy và mực in có thể tan trong ngọn lửa, nhưng những ý tưởng làm sinh ra chữ trong sách thì mãi mãi được tái sinh và bất khả huỷ diệt. Thậm chí bất cần đến giấy mực, sách vẫn không ngừng nẩy mầm và đơm hoa kết trái trong tim óc của con người.

---------------------------------------

[1]Nguyên tác tiếng Tây-ban-nha, “La muralla y los libros”, in trên tờ La Nacion ngày 22/10/1950, in lại trong Jorge Luis Borges, Otras inquisiciones (Buenos Aires: Emecé, 1950), bản in gần đây nhất trong Jorge Luis Borges, Obras completas II (Buenos Aires: Emecé, 1996) 11-13. Bản dịch Anh ngữ của James E. Irby, “The Wall and the Books”, in trong Jorge Luis Borges, Everything and Nothing (New York: New Directions Books, 1999) 66-69.
[2]Trích lại từ William F. Buckley, Jr., “The Last Years of Whittaker Chambers”, trong Rumbles Left and Right (New York: G.P. Putnam's Sons, 1963) 197.

-----------------------

Bấm vào đây để đọc
tất cả những tác phẩm của Hoàng Ngọc-Tuấn đã đăng trên Tiền Vệ



No comments: