Tuesday, October 6, 2009

VIỆT NAM TRƯỚC KỲ ĐẠI HỘI ĐẢNG


Việt Nam trước kỳ Đại hội Đảng
Cập nhật: 15:40 GMT - thứ ba, 6 tháng 10, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/10/091005_viet_congress.shtml
Ban chấp hành Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam đang có cuộc họp kéo dài đến hết tuần này ở Hà Nội.
Cuộc họp kín này không công bố nhiều thông tin, nhưng giới quan sát nhận định đây là một bước chuẩn bị cho Đại hội 11, dự kiến tổ chức trong năm 2011.
Nói chuyện với BBC, chuyên gia lâu năm về Việt Nam, Carl Thayer, từ Học viện quốc phòng Úc, cho rằng quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ là đề tài gây tranh cãi trong đảng.


BBC : Nhưng câu hỏi đầu tiên của BBC là trước mỗi kỳ đại hội người ta hay nói tới tình trạng tê liệt đối với các quyết định chính sách, liệu điều này còn đúng không?
Giáo sư Carl Thayer: Đó là những điều người ta nói tới trong quá khứ. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam càng phát triển thì các quyết định về hòa nhập vào thị trường quốc tế đã được đưa ra rồi và những quyết định tiếp theo đó bị trói buộc bởi Tổ chức Thương mại Thế giới.
Chỉ trong một năm gần đây khi người ta biết có một số bộ trưởng sẽ nghỉ hưu, một số người sẽ lên thay và người ta có thể miễn cưỡng khi phải thực hiện một số chính sách nhất định.

BBC : Về chuyện bám lấy quyền lực thì ngay ở Anh Thủ tướng Gordon Brown cũng không được coi là mang lại lợi thế cho Đảng Lao Động, ông có thấy có sự khác nhau nào giữa các chính trị gia phương Tây và Việt Nam?
Giáo sư Carl Thayer: Về phía Việt Nam, họ có hạn chế về tuổi tác và cũng có luật bất thành văn về số nhiệm kỳ mà người ta có thể cầm quyền. Kể từ khi thống nhất tới nay, nếu nhìn vào các đại hội đảng và sự thay đổi lãnh đạo, chúng ta có thể thấy từ 1/4 tới 1/3 ủy viên trung ương hay ủy viên Bộ Chính trị nghỉ hưu.
Chẳng hạn ông Nông Đức Mạnh, khi nhiệm kỳ này của ông kết thúc thì đó cũng là dấu chấm hết, tôi không nghĩ là ông ấy có thể tiếp tục. Và Việt Nam cũng không giống như Trung Quốc nơi các cựu lãnh đạo có ảnh hưởng lớn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông còn sống cũng có những ảnh hưởng nhưng không giống như ở Trung Quốc.
Còn ở phương Tây nếu theo hệ thống nghị viện thì người ta có thể cầm quyền cho tới khi nào họ còn làm việc được. Chẳng hạn ông John Howard (cựu Thủ tướng Úc) có thể phải về hưu sớm hơn nhiều nếu ông ở Việt Nam.
Điểm bất lợi của hệ thống ở Việt Nam là một chính trị gia phải có nhiệm kỳ năm năm ở ban chấp hành trung ương và thêm năm năm nữa ở bộ chính trị mới có thể trở thành tổng bí thư nên những người trẻ tuổi có tài năng khó vào vị trí này.
Tôi biết là phía Việt Nam đã nhìn vào cựu Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush và thấy rằng trong hệ thống của họ một lãnh đạo cao cấp nhất của một tỉnh không thể ngay lập tức trở thành tổng bí thư. Hội nghị hiện nay của Ban chấp hành Trung ương mới chỉ bàn về báo cáo chính trị chứ chưa bàn đến vấn đề nhân sự.

BBC : Các báo cáo trước những kỳ đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam thường nói tới thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, ông có biết họ hình dung ra được chủ nghĩa xã hội là gì không?
Giáo sư Carl Thayer: Nếu chúng ta quay trở lại năm 1991 và theo dõi các sự kiện từ đó tới nay thì sẽ thấy những tranh luận gay gắt về chuyện thời kỳ quá độ sẽ là bao lâu.
Ông Lê Khả Phiêu từng nói với Tổng thống Bill Clinton về chuyện chủ nghĩa xã hội sẽ hồi phục và ông Clinton đã nói với ông ấy về điều ngược lại. Tôi thấy đó chỉ là biểu tượng của cách mạng Việt Nam.
Thực tế chủ nghĩa xã hội đã mất ý nghĩa tâm lý của nó và khi các đảng xã hội ở những nước khác nói về chủ nghĩa xã hội, họ nói về chuyện không để cho khoảng cách giàu nghèo lớn. Ở Việt Nam họ cũng đã cố gắng để xóa đói giảm nghèo và đạt các mục tiêu Thiên Niên kỷ. Tôi nghĩ đó là điều mà người ta muốn nói tới khi đề cập tới chủ nghĩa xã hội.

BBC : Với tư cách là một quan tâm nghiên cứu Việt Nam, ông lạc quan, bi quan hay trung hòa về triển vọng trở thành một nước giàu có với một xã hội phát triển?
Giáo sư Carl Thayer: Chính Việt Nam đã tự đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 và mục tiêu này được đặt ra từ năm 1994 khi có đại hội giữa kỳ. Kể từ đó tới nay tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, họ tích cực xóa đói giảm nghèo và đang đạt hoặc gần đạt các mục tiêu Thiên Niên Kỷ.
Nhưng về tham nhũng, độ minh bạch, mức độ của nền kinh tế và nhân quyền, Việt Nam có thứ hạng thấp trong các bảng xếp hạng và vẫn đang phát triển. Rõ ràng là Việt Nam ngày càng giàu có hơn nhưng chế độ một đảng và thiếu cơ chế kiểm tra chéo đối với chính quyền đã làm chậm sự phát triển.
Ngoài ra còn có việc kiểm soát thông tin và hạn chế sự tham gia của công dân vào các quyết định chính sách mà chúng ta có thể thấy qua những đợt trấn áp gần đây.
Điều vô lý là bên trong đảng người ta cũng đề cập tới những vấn đề như thế nhưng lại không được nói công khai. Vì vậy mà các nhà báo và blogger đã gặp vấn đề với bên an ninh khi nói tới những chuyện mà người ta bàn tới ở bên trong đảng.
Trong các đại hội trước họ đã từng bàn tới việc có nên bỏ cụm từ ''chuyên chính vô sản'' đi không. Một nhóm nhỏ hơn muốn bỏ những chữ ''Cộng sản'' và quay trở lại với tên ''Lao động'' nhưng những tiếng nói cấp tiến có vẻ đã yếu đi sau khủng hoảng kinh tế. Mỗi khi có khủng hoảng phản ứng của Đảng Cộng sản bao giờ cũng là giật lùi.

BBC : Về chính sách ngoại giao đối với Trung Quốc, liệu có lãnh đạo Việt Nam nào có thể có thái độ cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh không?
Giáo sư Carl Thayer: Tôi nghĩ rằng quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ là đề tài gây tranh cãi nhất trong thảo luận về chính sách ngoại giao trong đại hội tới. Qua đợt trấn áp gần đây cộng thêm với bình luận Hoa Kỳ vẫn theo đuổi diễn biến hòa bình đã khiến đại sứ Hoa Kỳ phải có phản ứng, điều có thể thấy là người ta có xu hướng quay trở lại thời chiến tranh lạnh.
Có một số người vẫn sợ mở cửa thêm với Hoa Kỳ và muốn giữ quan hệ liên đảng với Trung Quốc để tiếp tục nắm quyền. Các nhà lãnh đạo của Việt Nam sẽ ở vào thế vô cùng khó xử. Họ không thể công khai chỉ trích Trung Quốc mà vẫn hy vọng quan hệ song phương không bị ảnh hưởng.
Trong khi đó lợi ích của Việt Nam bị ảnh hưởng. Họ không thể kiểm soát được những gì Trung Quốc thực hiện ở Biển Nam Trung Hoa. Một trong những điểm mà đảng cộng sản dựa vào để có tính chính danh là họ đã bảo vệ được đất nước nhưng nay lại bị chỉ trích từ cả ngoài và trong là họ không làm đúng mức.
Trong khi đó cũng có nhóm trong đảng nói họ không thể phát triển và hòa nhập được nếu không có thị trường Mỹ, công nghệ Mỹ và giáo dục Mỹ. Đây là những vấn đề họ cần giải quyết.

BBC : Ông đã tới Việt Nam nhiều lần và ông có thấy có sự thay đổi trong cách họ tiếp đón ông không?
Giáo sư Carl Thayer: Cá nhân tôi không có quan hệ gì với đại sứ quán Việt Nam ở Úc vào thời điểm hiện nay. Điều này trái ngược với trước đây khi ông Nguyễn Di Niên tới khai trương đại sứ quán và chúng tôi đã trở thành bạn kể từ đó.
Khi ông Nguyễn Cơ Thạch ở trong Bộ Chính trị, gần như lần nào tôi tới ông cũng tiếp tôi và qua đó tôi tiếp xúc với nhiều người khác. Bây giờ tôi đã ở tuổi 60, những người tôi biết không còn ở trong chính quyền và mặc dù họ vẫn rất thạo tin nhưng không còn ở trung tâm của bộ máy đưa ra quyết định nữa.
Việt Nam đã mở cửa nhiều chứ không còn như hồi những năm 80 khi các chuyến thăm của những vị khách nước ngoài vẫn còn hiếm và những nhân vật có ảnh hưởng muốn nói chuyện với khách tới thăm. Hồi hội nghị Việt học lần thứ III mới đây, tôi không được mời dự phiên họp toàn thể.
Khi đó có người bình luận là những người được mời không chỉ trích Việt Nam mạnh như tôi. Mọi người nói Việt Nam thấy những phỏng vấn của tôi với BBC và các đài báo khác và tôi có những ảnh hưởng. Những chuyện thế này lúc xảy ra, lúc không. Tôi vừa nhận được lời mời tới tham dự hội nghị về Biển Nam Trung Hoa vào cuối năm nay và ít nhất về mặt chính sách đối ngoại tôi vẫn được nhìn nhận theo cách khác hơn là những bình luận về chính trị nội bộ

--------------------------------------------------------

Trung ương Đảng CSVN họp chuẩn bị Đại hội 11 (nguoi viet)

Đánh giá đúng thực chất tình hình tư tưởng trong Đảng - Sáng 5-10, Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội và sẽ kết thúc ngày 10-10. (tuoitre)



No comments: