Tuesday, October 13, 2009

CƯỜNG HÀO hay LÃNH CHÚA ?


Cường hào hay lãnh chúa?
Nguyễn Văn Huy
Đăng ngày 13/10/2009 lúc 03:34:44 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4221

"Nhân dân bất mãn" cùng với công an
Dư luận người Việt trong và ngoài nước đã rất phẫn nộ trước những biện pháp đàn áp thô bạo của chính quyền cộng sản Việt Nam đối với 400 tu sĩ và tu sinh tại Tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng, hồi đầu tháng 10-2009 vừa qua.
Hình ảnh những vị tu sĩ và giáo, dân, bất kể nam nữ, già trẻ bị đánh đập, máu me đầm đìa, có người phải đưa vào bệnh viện cấp cứu, buộc dư luận phải đặt một câu hỏi: những người này đã làm gì để bị đối xử tàn tệ đến thế ? Xây dựng nơi thờ phượng là một hành vi phạm tội ? Hơn thế nữa, chính quyền còn đưa người đến đập phá nơi thờ phượng, chửi bới tục tằng, đả thương và ném cứt vào giáo dân và những bậc tu hành, bất chấp dư luận. Một câu hỏi khác lại được đặt ra là chính quyền hiện nay có còn là một chính quyền đúng nghĩa nữa hay không khi nhờ những thành phần bất hảo từ những địa phương khác đến tiếp cứu ? Hành động này có khác gì những băng đảng mafia, buôn lậu khi dùng những biện pháp hạ cấp này để cảnh cáo, hoặc thủ tiêu những ai đe dọa hay xâm phạm quyền lợi của chúng.

Đây không phải là lần đầu và chắc chắn sẽ không phải là lần cuối chính quyền cộng sản đưa người tới đánh đập và chửi bới những ai chống đối lại họ. Mọi người đều biết chế độ cầm quyền hiện nay là một chế độ chuyên chính, điều 4 hiến pháp qui định đảng cộng sản là đảng cầm quyền, tại sao lại sợ sử dụng vũ lực để đàn áp những tiếng nói đối kháng?

Hiện tượng đưa những thành phần bất hảo (du đãng hay đầu gấu), mà báo chí quốc doanh gọi là "nhân dân bất mãn", đến chửi bới và đánh đập những người bất đồng chính kiến chỉ bắt đầu từ gần đây, năm 2001 khi tổ chức đại hội đảng lần thứ 9, một đại hội đầy tranh chấp nội bộ. Để tránh mọi xáo trộn, tất cả những người dân chủ có tên tuổi như Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Hà Sĩ Phu, v.v. đều bị "nhân dân bất mãn" đến cảnh cáo bằng cách chửi bới, ném đá và ném cả cứt và nước đái vào nhà. Những năm sau đó, sự cảnh cáo được nâng lên một mức độ mới: đánh đập những người chống lại chính quyền bất kể tuổi tác, nam nữ như trường hợp các ông Hoàng Minh Chính, Nguyễn Phương Anh, bà Trần Khải Thanh Thủy và rất nhiều người khác. Trong những năm 2005 và 2006, những "nhân dân bất mãn" này đã nhiều lần thay mặt công an xông vào những buổi họp mặt tôn giáo của người thiểu số trên Tây Nguyên đập phá bàn thờ, đánh đập các vị mục sư. Gần đây hơn, từ năm 2008 đến nay, "nhân dân bất mãn" được tới với số lượng đông đảo hơn để hợp cùng với lực lượng an ninh giải tán những buổi họp mặt của những tín đồ Phật giáo Hoà Hảo tại An Giang, Công giáo tại Thái Hà (5-2008) và Toà Khâm Sứ Hà Nội (9-2008), sau đó là giáo xứ Tam Toà (9-2009) tại Quảng Bình và mới đây là Bát Nhã tại Lâm Đồng mà dư luận cho là đàn áp tôn giáo.

Cũng nên biết các lực lượng công an và "nhân dân bất mãn" chỉ trấn áp những người dân hiền lành: những người đấu tranh cho dân chủ, những sắc tộc ít người, các tín đồ tôn giáo vì biết chắc chắn họ không dám chống trả lại và "ngoan ngoãn" bước lên xe thùng để vào tù. Trái lại, công an rất sợ các băng đảng xã hội đen, đặc biệt là các băng đảng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, vì chúng dám tấn công vào các lực lượng an ninh và đồn bót công an khi quyền lợi bị xâm phạm. Điển hình là vụ băng đảng Năm Cam mà các giới chức chính quyền từ Sài Gòn đến Hà Nội đã có nhiều quan hệ hợp tác. Chính vì thế trong xã hội Việt Nam đã xảy ra hiện tượng công an hợp tác với băng đảng xã hội đen để cùng tồn tại: băng đảng xã hội đen thu thập tin tức và nộp hụi chết cho công an, đổi lại công an làm ngơ để chúng được tự do tung hoành trong những lãnh vực đã được thỏa thuận (buôn dâm, cờ bạc, ma túy, vũ trường, khách sạn...). Khi cần, công an nhờ những băng đảng xã hội đen này ra tay trấn áp, chửi bới và đánh đập những người mà công an muốn cảnh cáo.

Hiện tượng hợp tác này rất đáng chú ý vì chỉ xảy ra tại Việt Nam. Tại những quốc gia độc tài khác như Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Cuba, các quốc gia Ả Rập và châu Phi da đen, những thành phần bất hảo xã hội đen là kẻ thù của xã hội, chỗ đứng của chúng là nhà tù và trại khổ sai, có khi là dây treo cổ. Sự cứng rắn này đã không xảy ra tại Việt Nam, điều này cho thấy có một cái gì đó không bình thường trong cách lãnh đạo của chính quyền cộng sản Việt Nam.


Ai thực sự cầm quyền tại Việt Nam?
Hợp tác với các băng đảng xã hội đen là điều chẳng đặng đừng, vì thiếu người, thiếu phương tiện hay thiếu cơ hội xâm nhập vào đối tượng muốn theo dõi. Các cơ quan an ninh và tình báo của các quốc gia khác thỉnh thoảng cũng sử dụng lá bài xã hội đen cho những mục tiêu cố định, khi xong công tác những thỏa thuận cũng chấm dứt theo.

Tại Việt Nam thì ngược lại, hợp tác với băng đảng xã hội đen là một lẽ sống. Mặc dù không phải là chủ trương hay đường lối của đảng cầm quyền, nhưng đó là một thông lệ trong sinh hoạt chính trị địa phương, có thể gọi đó là một chính sách cầm quyền. Lý do là, như mọi người đều biết, các chức vụ trong chính quyền từ cấp trên xuống cấp dưới đều có giá, nghĩa là phải mua. Giá các chức vụ tùy theo tầm quan trọng của cơ quan và địa phương: càng béo bỡ (hải quan, ngoại thương, ngoại giao, giao thông, vận tải, vật tư, xây dựng, nhà đất, công an...), càng ở khu đông dân thì giá càng cao. Do đó, khi đã bỏ tiền ra mua một chức vụ, người mua sẽ bằng mọi cách thu hồi nguồn vốn thật nhanh, vì không có gì bảo đảm họ được ở lại lâu trong chức vị. Muốn thu hồi nhanh, người bỏ tiền mua chức vụ phải hành xử như những cường hào hay lãnh chúa để chiếm đoạt. Trong cơ quan họ là lãnh chúa, ngoài địa phương họ là cường hào, tất cả chỉ vì một mục tiêu duy nhất: kiếm tiền thật nhanh và thật nhiều cho mình và để trả nợ. Để thực hiện, họ chỉ có thể lạm dụng chức quyền để tham nhũng tiền viện trợ và chiếm hữu những nơi có tiềm năng kinh tế cao, bất kể nơi đó đã thuộc về ai.

Hiện tượng các lực lượng an ninh và công an hợp tác với thành phần bất hảo để duy trì trật tự an ninh trong khu vực cai quản nằm trong lô-gích đó. Bất cứ lãnh đạo địa phương nào cũng muốn khu vực mình quản trị không xảy ra một sự cố nào, vì nếu xảy ra họ không có đủ người để duy trì trật tự an ninh. Lý do là vì các chức vụ đều phải mua, kể cả chức vụ gìn giữ an ninh, toàn bộ thời gian làm việc mỗi cán bộ công an là kiếm tiền. Họ rất ghét bị mất thì giờ vào những việc bảo vệ chính trị, vừa không sinh lợi vừa bị dân ghét nhưng phải làm vì sợ cấp trên đưa người thay thế. Để gia tăng hiệu quả, cách hay nhất là hợp tác với xã hội đen để thực hiện, vừa không tốn tiền vừa mang lại hiệu quả cao, vì chúng dám làm. Những thành phần xã hội đen cũng không mong gì hơn, chúng sẽ được làm ngơ trong những hoạt động bất chính khác. Thêm vào đó, khi biết đối tượng là những người hiền hoà, chúng càng làm dữ để lấy điểm: đánh cho thật đau, chửi cho thật tục, phá cho tan nát..., bất kể nạn nhân là ai, kẻ tu hành, người già cả hay phụ nữ, trẻ em. Vì thiếu trình độ, các cấp chính quyền địa phương chỉ nhìn thấy quyền lợi trước mắt: lấy lòng cấp trên để giữ địa vị, bất chấp dư luận và hậu quả.

Dư luận trong và ngoài nước, vì chỉ chú ý đến những lý tưởng cao xa như các quyền tự do chính trị và tôn giáo nên chỉ tố cáo đàn áp chính trị và tôn giáo. Thật ra, nếu quan sát kỹ, người ta sẽ thấy những vụ đàn áp tôn giáo và người sắc tộc thật ra chỉ là những tranh chấp quyền lợi: các cấp chính quyền địa phương muốn chiếm đoạt những khu đất béo bỡ (Toà Khâm Sứ, nhà thờ Thái Hà vì nằm giữa trung tâm Hà Nội, giáo xứ Tam Toà vì tiềm năng du lịch vùng biển) hoặc giá trị địa ốc cao (tu viện Bát Nhã trị giá hơn một triệu USD, có thể biến thành khách sạn hay nhà dưỡng trí cao cấp). Trong thực tế, hiện tượng cường hào và lãnh chúa xảy ra khắp nơi, từ Bắc xuống Nam, từ đồng bằng lên cao nguyên, từ thôn quê ra thành thị. Mỗi năm hàng chục ngàn người ra Hà Nội và Sài Gòn khiếu kiện vì mất nhà mất đất nhưng ít được dư luận chú ý vì không phải là những tín đồ tôn giáo hay người sắc tộc. Vụ Bát Nhã vừa qua chỉ giản dị là một vụ cướp nhà của chính quyền địa phương, chứ không phải là sự trở mặt hay chủ trương đàn áp tôn giáo của chính quyền trung ương.

Những hành vi chiếm đoạt vô trách nhiệm vì quyền lợi riêng tư này rất tai hại cho uy tín của đất nước và cho đảng cầm quyền. Một câu hỏi sẽ được đặt ra là ai là người cầm quyền thật sự tại Việt Nam ? Trung ương hay địa phương ? Đảng cộng sản hay các lãnh chúa và cường hào địa phương?

Sự lộng hành của các lãnh chúa và cường hào địa phương cho thấy chính quyền trung ương hiện nay đang rất suy yếu, nếu không muốn nói là bất lực trước sự vươn lên của các phe phái địa phương. Các lãnh chúa địa phương muốn làm gì thì làm, trung ương phải uốn nắn lại chính sách để thích hợp theo. Việc chọn nhân sự vào ban lãnh đạo trung ương nửa nhiệm kỳ tới (2009-2011) là một thí dụ, phe nào có tiền là phe đó có quyền. Người được đưa lên làm lãnh tụ phải được sự đồng ý các các cấp lãnh đạo địa phương, đây là cả một tiến trình thương lượng và hối mại quyền thế. Giới bình luận chính trị chỉ nhìn thấy tranh chấp quyền lợi giữa phe bảo thủ thân Trung Quốc và phe cấp tiến thân phương Tây. Trong thực tế không có phe nào thân Trung Quốc và cũng không có phe nào thân phương Tây, chỉ có phe thân quyền lợi này (Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Cục II) chống lại phe thân quyền lợi kia (Trương Tấn Sang, Tổng Cục I). Tương lai và quyền lợi của đất nước không phải Ià ưu tiên hàng đầu của các cấp lãnh đạo chính quyền.

Nạn sứ quân tuy chưa xảy ra nhưng nếu tranh chấp quyền lợi từ trung ương không ngã ngũ, không có gì bảo đảm là nó sẽ không xảy ra. Hiện nay bốn lãnh địa có khả năng tách khỏi tầm kiểm soát của trung ương là vùng trung du Bắc Việt, nơi có đông người sắc tộc gần gũi với văn hoá và ngôn ngữ Trung Quốc sinh sống; khu vực Tây Nguyên, nơi sinh sống của nhiều cộng đồng sắc tộc trên một vùng đất nghèo nàn, đang được Trung Quốc ve vãn; khu vực thành phố Sài Gòn và Vũng Tàu, trung tâm kinh tế của đất nước, đang có khuynh hướng muốn được tự trị về kinh tế; khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của đất nước cũng đang có khuynh hướng muốn được tự trị về kinh tế. Các lực lượng công an và quân đội lo làm kinh tế nhiều hơn là bảo vệ an ninh và sự vẹn toàn của lãnh thổ. Nguy cơ tan rã có thể đến từ bất cứ lúc nào.

Trước thách đố mới này, Đảng Cộng Sản Việt Nam không có chọn lựa nào khác là hợp tác với những tổ chức có đường lối đúng đắn để đưa đất nước đi lên. Tiếp tục đi một mình, đảng cộng sản chỉ lún sâu thêm vào bế tắc.

Nguyễn Văn Huy
© Thông Luận 2009



No comments: