Tuesday, October 13, 2009

6 NHÀ DÂN CHỦ VN được trao GIẢI NHÂN QUYỀN HELLMAN/HAMMETT


6 NHÀ DÂN CHỦ VN ĐƯỢC TRAO GIẢI NHÂN QUYỀN HELLMAN/HAMMETT
Đổ Hiếu
RFA 13-10-2009

Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, trụ sở tại New York (Hoa Kỳ) vừa công bố quyết định tặng thưởng giải Hellman/Hammett cho 37 người cầm bút thuộc 19 quốc gia, để vinh danh công lao của họ trong việc đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận và lòng can đảm phi thường, khi phải đối mặt thường xuyên với các thế lực cầm quyền độc đoán.
Trong số những người đoạt giải thưởng năm nay có 6 nhà hoạt động dân chủ và bất đồng chính kiến người Việt.
Mời quý vị nghe thêm chi tiết do Đỗ Hiếu tổng hợp.

Những cây bút độc lập, nhân vật đấu tranh cho dân chủ - tự do - nhân quyền sinh sống dưới các chế độ độc tài, toàn trị xưa nay vẫn bị chánh phủ nước họ áp dụng đủ mọi loại hình thức để đàn áp, sách nhiễu, trù dập, khiến họ phải im tiếng hay cuối cùng phải bỏ cuộc.
Các hình thức khóa miệng đó bao gồm những hành động bắt bớ, giam cầm, tra tấn, hành hung, bỏ tù, sát hại, ép buộc lao động khổ sai, tịch thu phương tiện thông tin liên lạc, quản chế tại gia.
Giải thưởng mang tên Hellman/Hammett là của hai nhà văn nam- nữ, một đôi uyên ương từng gặp khó khăn, mất việc, bị giam cầm ngay trên đất Mỹ, vào thập niên 1950 vì lập trường chính trị của họ không phù hợp với chánh quyền thời đó.
Trong vòng 20 năm qua, đã có 700 nhà văn, nhàn báo, nhân vật hoạt động dân chủ, nhân vật bất đồng chính kiến, thuộc 91 quốc gia được trao tặng giải thưởng này với số hiện kim trao cho mỗi cá nhân là 10 ngàn đô la.
Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch cũng dành ngân khoảng trợ giúp khẩn cấp cho những người cầm bút đang đau yếu, bị hành hạ sau khi mãn án tù, hoặc trốn thoát khỏi xứ sở họ.

Sáu nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền Việt Nam đoạt giải Hellman/Hammett năm nay là Thượng tọa Thích Thiện Minh, các ông Nguyễn Hoàng Hải tự blogger Điếu Cày, nhà gíao Nguyễn Thượng Long, cựu trung tá Trần Anh Kim, cựu đảng viên cộng sản Vi Đức Hồicô Phạm Thanh Nghiên, người thường lên tiếng bênh vực cho dân oan.

Một trong 6 nhân vật hoạt động dân chủ tại Việt Nam, được trao tặng giải thưởng năm nay, từng bị đưa ra đấu tố trước công chúng, hiện còn bị quản chế, ông Vi Đức Hồi nói lên cảm tưởng của mình và khẳng định sẽ còn tiếp tục dấn thân cho lý tưởng mà mình đã chọn :
Ông Vi Đức Hồi : Thưa anh, tôi rất là vui mừng khi được tin là mấy anh em ở bên ngoài báo cho tôi và cùng với một số anh em nhà dân chủ được chia giải thưởng nhân quyền. Đó là điều rất là vinh dự, rất là cổ vũ, động viên cho anh em chúng tôi. Tôi nhận thức rằng đây là một niềm vinh hạnh đối với chúng tôi, và đi đôi với việc đó thì chúng tôi thấy rằng là cái trách nhiệm của mình cần phải tiếp tục phấn đấu và vươn lên để mà nó ngang tầm, để có dịp nào đó thôi chứ không phải lúc nào cũng ngang tầm được mà dịp nào đó để ngang tầm với phần thưởng cao quý mà các bạn bè, mà tổ chức nhân quyền dành cho chúng tôi.

Bà Nguyễn Thị Lợi, mẹ cô Phạm Thanh Nghiên còn bị giam cầm, không được xét xử từ hơn một năm nay, nói rằng con bà chỉ muốn nói lên tất cả sự thật, chứ không làm điều gì sai trái:
Mẹ của cô Phạm Thanh Nghiên : Có nghe thế thôi ạ. Đồng đội báo cho tôi biết ạ. Vâng ạ, thưa ông, tôi cũng cảm thấy phấn khởi và tự hào ạ, bởi vì con tôi nó tham gia đấu tranh cho nhân quyền của mọi người dân, cho tổ quốc chúng tôi vì ai cũng có quyền hưởng những cái đó. Con tôi nó chỉ nói sự thật thôi cho nên cái đó là cái mà tôi cũng tự hào. Tôi mà được gặp mặt thì cũng báo cho cháu biết, nhưng mà từ ngày cháu bị bắt thì tôi chưa được gặp mặt. Xã hội có cái gì thì nó nói sự thật, thí dụ cháu nó bảo Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam thì đúng là của Viêt Nam chứ còn của ai nữa! Sự thật, cháu nói sự thật!
Có, tôi có biết đấy ạ, bởi vì cháu nó nói thật thì ủng hộ, nó nói sai thì không ủng hộ, nhưng mà đây nó nói sự thật. Cháu Nghiên sinh năm 1977, tôi thì được 7 cháu ạ. Vâng ạ, cháu Nghiên là út ạ.

Kỹ sư Đỗ Nam Hải, thành viên Khối 8406, người từng đoạt giải Hellman/Hammett năm 2006, ghi nhận thành tích đóng góp kiên trì của 6 nhà vận động dân chủ được tặng thưởng năm nay:
Ông Đỗ Nam Hải : Trước hết tôi xin được chúc mừng 6 vị được Human Rights Watch trao giải nhân quyền năm nay, năm 2009. Việc trao giải nhân quyền năm nay cho 6 vị đó nó nói lên rằng Huamn Ríght Watch nhiều năm qua và kể cả hôm nay nữa vẫn đang rất là quan tâm đến cái tình hình đấu tranh cho tự do-dân chủ-nhân quyền cho Việt Nam. Và tôi cho rằng Human Rights Watch cũng đã thấy được một phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ cho Việt Nam ngày càng phát triển trong những năm qua, và họ đã trao giải cho những người đó. Và tôi cũng là một trong những người cũng đã được trao giải của Human Rights Watch trước đây thì tôi cũng mong rằng những vị được trao giải năm nay hãy làm việc xứng đáng với những gì mà Human Rights Watch đã tin tưởng và trao cho họ cái giải thưởng đó.

Dịp này, anh cũng nói lên những khó khăn chung mà hầu hết những tiếng nói dân chủ hàng ngày phải đối phó:
Ông Đỗ Nam Hải : Cũng có thể nói rằng là từ tháng 8-2004 cho tới nay thì tôi luôn luôn bị công an sách nhiễu, mời đi làm việc, chận bắt dọc đường rồi đưa về đồn công an khi mà Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ được phát ra vào ngày 8-4-2006 và sau đó là Khối 8406 được hình thành, thì nhà tôi luôn luôn có công an rình rập 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần và 365 ngày trong năm. Tôi đi đâu thì họ cũng đi theo đó. Nhà tôi ở 441 Nguyễn kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, thì những chỗ chốt của họ thường là ở hai chỗ: thứ nhất là ở đầu hẽm 429 Nguyễn kiệm, và thứ hai nữa là ở số nhà 430 đường Nguyễn Kiệm, tức là ngay đối diện với nhà tôi, chỉ cách trước cửa nhà tôi khoảng 15 mét ở phía bên kia đường thôi, tức là họ vẫn ngồi đấy đọc báo, tôi đi đâu thì họ cũng đi theo. Và tất cả hàng xóm ở hai bên đường thì đều biết được cái chuyện này. Họ theo dõi một cách rất là công khai chứ không có gì gọi là giấu giếm gì ai cả. Nói tóm lại là tôi tuy không phải nhà tù nhỏ nhưng mà cũng là ở trong cái nhà tù lớn. Cái nhà tù lớn đó mang tên là nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Trong số 37 cây bút được trao tặng giải Hellman/Hammett năm nay có 6 người Việt Nam, 6 người Trung Quốc, 6 người Iran. Có 18 người không được công khai nêu tên, vì có thể gây nguy hiểm cho bản thân và gia đình họ.
Các quốc gia có công dân nhận lãnh giải thưởng năm nay bao gồm: Miến Điện, Trung Quốc, Ai Cập, Iran, Iraq, Nga, Rwanda, Sri Lanka, Syria, Tunisia, Việt Nam và Zimbabwe.

Đỗ Hiếu, phóng viên Đài Á Châu Tự Do.
tường trình từ Bangkok, Thái Lan.


No comments: