Tuesday, October 6, 2009

CHỦ QUYỀN VIỆT NAM v à LUẬT PHÁP QUỐC TẾ (vấn đề BIỂN ĐÔNG)


Chủ quyền Việt Nam và luật pháp quốc tế
Lê Vĩnh Trương
(Quỹ Nghiên cứu biển Đông)

06/10/2009 05:58 (GMT + 7)
http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/8092/index.aspx
(TuanVietNam)- Là nước nhỏ và nghèo, Việt Nam cần tạo tiếng nói ở những diễn đàn phù hợp, dựa vào những điều luật quốc tế chính danh hiện có để giữ chủ quyền. Nhưng như vậy đã đủ chưa?

>>
Dấu hiệu hy vọng của Biển Đông yên bình?
>> "Không thể bành trướng 80% diện tích Biển Đông"
>> Biển Đông và vấn đề chủ quyền lãnh thổ đất nước
>> Tranh chấp Biển Đông: Cần hợp tác và đúng luật quốc tế

Luật quốc tế
Kể từ hiệp ước Westphalia (1648), Utrecht (1713) đến hiệp ước Paris 1814 chấm dứt chiến tranh Napoleon rồi Hòa ước Versailles (1919)
[2], nhân loại đương đại đã chứng kiến sự ra đời của hai văn kiện lớn có tính chất hiến pháp cho thế giới đó là Hiến chương Liên Hiệp Quốc (1945) và Công ước về Trao quyền độc lập cho các nước thuộc địa và nhân dân các nước thuộc địa (1960)[3].
Khi viết nên những văn kiện vừa nêu, các nước ký kết vừa bước ra khỏi những cuộc chiến đầy thương tích, mang trong lòng những ưu tư và cả niềm tin về một thế giới hòa bình và thịnh vượng. Các hiệp ước trên thể hiện khát vọng ngàn đời của con người là hướng thiện và mưu cầu hạnh phúc cho mình và mọi người. Khuynh hướng giải quyết quan hệ quốc tế trong các ký kết trên định hình quan điểm chủ đạo của trường phái tự do (liberalism).
Song song với cách tiếp cận nhân quần trên là quan điểm cho rằng từng quốc gia cụ thể phải được đặt ở vị trí trung tâm hành động (statism). Chính nhà nước của quốc gia đó, chứ không ai khác, phải đảm bảo mục đích sống còn cho đất nước (survival) bằng khả năng tự chuyển xoay tình thế (self-help) của mình. Cách nhìn này tạo nên quan điểm chủ đạo của trường phái thực tế (realism) trong quan hệ quốc tế.
Các tác giả Barry Buzan, Hans Morgenthau còn đi xa hơn: nghi ngờ khả năng bảo vệ công bình thế giới bằng luật quốc tế và nhấn mạnh thực tế chua chát của chính trị thực dụng (realpolitik), chính trị cường quyền (power politics). Khi đó, các quốc gia phải tìm cho mình một lợi thế so sánh nào đó trên phương diện chính sách để mưu cầu sống còn.

Và thực tế đời sống chính trị thế giới

Cho đến nay, những cường quốc có khả năng cầm trịch trong sân khấu thế giới lại thường mưu tìm những liên minh co giãn nhằm gia tăng ảnh hưởng để đạt đến những vị trí quyền uy hơn trong cộng đồng thế giới.
Trong khi đó, những nhà nước và dân tộc nhỏ bé luôn tìm cách nhờ cậy vào sự tôn trọng các văn kiện luật có tính hiến pháp ký kết những năm 1945, 1960 và dựa vào những liên minh hữu nghị để có thể tự vệ và phát triển trong hòa bình.
Tuy nhiên khi những thế cân bằng của các liên minh lớn bị phá vỡ và tái thiết lập, các điều luật quốc tế với những nội dung và lý lẽ hướng thượng thường phải nhường bước cho các thỏa thuận thực tế. Khi ấy, các quốc gia này phải tự tìm cách thích ứng với trật tự mới trước khi viện dẫn những điều khoản nhằm bảo vệ sự bình đẳng của cộng đồng thế giới.
Thực tế đáng buồn cho thấy quốc gia nào làm sai trình tự thường sẽ khó có cơ hội để lên tiếng nữa!
Trong cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, chủ nghĩa nghi ngờ được Barry Buzan, Hans Morgenthau đề ra lại càng có cơ hội sống lại khi các cuộc xuất quân mang danh nghĩa Liên Hiệp Quốc thường nhận được các phản kháng chiếu lệ từ quốc tế. Vì lẽ, có nhiều lần những tiếng nói của các nước nhỏ ngay cả tại Liên Hiệp Quốc cũng không được trả lời.
Diễn đàn quốc tế lớn nhất này bàn những chuyện ít hiện thực hơn những diễn đàn bên lề, có khi song phương hay đa phương như WTO, G7, G8, G8+1. Các hội nghị nhỏ hơn này nhận được hoa cờ chúc mừng cũng như biểu tình phản kháng khắp nơi, minh chứng cho sức sống của chúng.
Gần đây là G2 SAED không che giấu tham vọng rạch đôi thiên hạ của hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc.
Những nước lớn có khuynh hướng ứng xử thực dụng (realpolitik) về đối ngoại nhưng lại đồng thời vận dụng các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do (liberalism) để cổ vũ cho việc tuân thủ luật pháp quốc tế nhằm nắm thế thượng phong đối với các nước nhỏ.
Pháp tiến hành 210 cuộc thử hạt nhân từ 1960 đến 1996, Mỹ tấn công Iraq, Afganistan gần đây, Nga tấn công Grudia năm 2008, Trung Quốc bành trướng thế lực năm 1974, 1988 là những ví dụ rõ ràng và đau đớn nhất của khuynh hướng chính trị thực dụng realpolitik.
Theo các nhà quan sát, chủ nghĩa thực dụng đã khiến các lãnh đạo Mỹ tập trung nhiều hơn vào quyền lợi hơn là ý thức hệ, mưu tìm hòa bình bằng sức mạnh và nhận thức rõ rằng các siêu cường có thể cộng sinh kể cả khi giữa họ có thể tồn tại những giá trị và niềm tin trái ngược nhau
[1].

Bài học cho Việt Nam
Với vị thế một nước nhỏ và chưa giàu, Việt Nam cần tạo tiếng nói ở những diễn đàn phù hợp với tình hình, trong khi vẫn luôn dưa vào những điều luật quốc tế chính danh hiện có. Có thể không đồng quan điểm với các nhà hoài nghi, song các nhà làm chính sách Việt Nam chắc chắn không xa lạ với chủ nghĩa thực dụng chính trị.
Với chủ nghĩa đó, luật quốc tế chỉ đảm bảo cho thế giới nhược tiểu quyền…phát biểu, còn quyền hành xử sẽ do các nước lớn sử dụng tùy thuộc vào cân bằng lực lượng và lợi ích của họ mà thôi…
Có thể nhận thấy một cách hiển nhiên rằng khuynh hướng áp dụng pháp lý quốc tế của trường phái tự do (liberalism) chưa đủ uy thế đối chọi lại với khuynh hướng chính trị thực dụng (realpolitik). Từ thực tế đó, người Việt có lẽ nên tự hỏi nước ta đã được hưởng những gì từ thành tựu của năm thế kỷ luật quốc tế.
Hòa Ước Westphalia chấm dứt chiến tranh 30 năm tàn phá châu Âu (1618-1648) được tạm cho là cột mốc khởi đầu của nền pháp lý quốc tế hiện đại. Từ đó đến nay, dường như những gì Việt Nam - một nước nhỏ - có được hoàn toàn không đến từ các đạo luật hướng thượng mà là kết quả của sự tự vùng dậy, tự tìm tòi và lựa thế trong bàn cờ chính trị thế giới.
Nên chăng Việt Nam cần một cái nhìn rộng hơn để tránh phải vấp ngã vì lòng tin thiếu cảnh giác vào một nền luật pháp quốc tế hoàn thiện? Có lẽ, hiện nay chưa phải lúc có thể đặt quá nhiều tin tưởng và trông cậy rằng luật pháp quốc tế sẽ bảo vệ Việt Nam trước nguy cơ chủ quyền có thể bị xâm phạm.
“Tận tín thư bất như vô thư” (Tin vào sách quá thì chẳng thà đừng đọc sách làm chi!) Nếu cứ hiền lành tin rằng các điều luật quốc tế có khả năng giải trừ những nguy cơ đến từ các nền chính trị cường quyền theo chủ nghĩa thực tế, sẽ có những khó khăn lớn trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cha ông.
Trong bối cảnh biển Đông chưa yên bình, người dân Việt Nam có lẽ phải vừa phát biểu về những điều luật về mặt danh nghĩa có thể bảo vệ mình, vừa chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống luật quốc tế có mà như không, hoặc kể cả luật quốc tế bị thay đổi.
Người Việt hy vọng những nhà làm chính sách một mặt tranh thủ sức mạnh của luật quốc tế, truyền bá các bộ luật Liên Hiệp Quốc, ví dụ như Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc 1986 UNCLOS, khắp trong và ngoài nước, để chống lại lý luận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Mặt khác, một khi những luật lệ này có nguy cơ bị bỏ qua hay được vận dụng thiếu thiện chí ở một nơi nào đó của thế giới, chúng ta phải tự tìm cách tự trang bị những vũ khí phù hợp để tìm công lý và bảo toàn chủ quyền của mình.
Một nền ngoại giao toàn dân, toàn quân và một nền quốc phòng toàn dân, toàn quân cũng như những liên minh thực tế hơn nữa có thể là một phần câu trả lời hiện nay.
Lê Vĩnh Trương (Quỹ Nghiên cứu biển Đông)

-----------------------------------


[1] Realism taught American leaders to focus on interests rather than ideology, to seek peace through strength, and to recognize that great powers can coexist even if they have antithetical values and beliefs. Tim Dunne and Brian Schmidt (trang 162 The globalization of world politics by John Baylis & Steve Schmidt, 2006)
[2] Tại Hòa Hội Versailles, Nguyễn Ái Quốc đã gởi bản kiến nghị tám điểm yêu cầu Pháp trả tự do dân chủ cho Việt Nam
[3] http://www.un.org/Depts/dpi/decolonization/declaration.htm



No comments: