Tuesday, October 6, 2009

Giới Thiệu HỒI KÝ "SỐNG CÒN VỚI DÂN TỘC" của HÀ THÚC KÝ


Nhân đọc Hồi Ký “Sống Còn Với Dân Tộc”
HÀ THÚC KÝ: MỘT TÂM SỰ KHÔN NGUÔI … TRƯỚC HIỆN TÌNH DÂN TỘC VIỆT
NGUYỄN CHÂU
October 5, 2009
http://www.haingoaingaynay.com/2009/10/05/nhan-d%e1%bb%8dc-h%e1%bb%93i-ky-s%e1%bb%91ng-con-v%e1%bb%9bi-dan-t%e1%bb%99c-ha-thuc-ky-m%e1%bb%99t-tam-s%e1%bb%b1-khon-nguoi-tr%c6%b0%e1%bb%9bc-hi%e1%bb%87n-tinh-dan-t%e1%bb%99c-vi%e1%bb%87t/
Ông Hà Thúc Ký hiện thân là một nhà chính trị, một lãnh tụ cao cấp của Đại Việt Quốc Dân Đảng, nhưng bản thân ông lại là một con người dạt dào tình cảm với một “tấm lòng son sắt yêu nước thương nòi”.
Thế hệ của ông, ở thập niên 1940, hầu hết thanh niên thao thức vì niềm đau quê hương bị đô hộ và nỗi tủi nhục của giống nòi, đều “lên đường tranh đấu với tâm hồn trong sáng, không vướng mắc định kiến chính trị, không bận bịu gia đình, không tơ tưởng bả lợi danh“
Cùng thế hệ với ông, có nhiều người chỉ ngồi gào thét bóng tối, không biết tìm cách thắp lên một ngọn nến. Họ cũng thấy xót xa cho đất nước và dân tộc bị nô lệ, nhưng không chịu dấn thân, nên cảm thấy “lạc loài dăm bảy đứa, bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh”(VHC).
Xuất thân từ một gia đình quan lại triều đình nhà Nguyễn, lấy vợ thuộc hoàng phái, nhưng trong khi “đất nước đang chờ gót lãng du, khắp nơi rờn rập bước chinh phu, khiến ông không thể trong an tỉnh, bình thản ngồi yên chuốc rượu tình.” ông đã lên đường tranh đấu, đã bôn ba khắp Đông Dương Việt-Miên-Lào nhờ cái may mắn của nghề nghiệp mà ông lựa chọn, đó là “Kỹ Sư ngành Thủy Lâm”.
Đi và sống, ông đã thân chứng được niềm đau và “nỗi uất ức của dân bị trị”, đã nhìn thấy cảnh dân tình khốn khó trên những vùng đất quê hương mầu mỡ cũng như khô cằn.
Ông trở thành một công chức chuyên ngành năm 24 tuổi (1944). Với chức vụ Phó Quận Trưởng Thủy Lâm, lương tiền sung túc, nhưng ông không an nhàn hưởng thụ mà lại cứ thao thức trách nhiệm trước cảnh điêu linh của dân tộc, nhất là trong giai đoạn chiến tranh Mỹ-Nhật. Khi đại chiến ào ào sấm dậy, quân Nhật chiếm lấy Đông Dương, quân Pháp yếu thế phải nhượng bộ, thế là dân Việt Nam rơi vào cảnh bom rơi đạn lạc do phi cơ Mỹ oanh tạc quân Nhật trên khắp lãnh thổ. Chính bản thân Hà Thúc Ký cũng đã có lần suýt chết khi đi kinh lý bằng thuyền máy (Sà-lúp) trong vùng Năm Căn, Cà Mâu, bị phi cơ Mỹ bắn. (trg 70).
Sau ngày Nhật đảo chánh Pháp 9-3-1945, ông đã náo nức theo dõi tình hình diễn biến thời cuộc và quyết định rời nhiệm sở… Ông tâm sự:
“Sáu mươi năm về trước, lứa tuổi thanh niên thuộc thế hệ chúng tôi, ngày đó ai có thể bình tâm trước vận nước biến chuyển? Lòng yêu nước tiềm tàng trong mọi người dân Việt trỗi dậy trước cuộc diện đất nước biến thiên… Tính sao làm vậy, tôi khăn gói lên đường.”(trg 76)
Về đến Huế, trước cao trào ái quốc, ông đã cùng với bạn bè sinh viên Huế tình nguyện gia nhập Giải Phóng Quân với niềm tin son sắt vào vận hội mới của đất nước.
Ông được giao ngay trọng trách “Trưởng Ban Đặc Vụ Quân Sự Mặt Trận Lào” và hăng say lên đường làm nhiệm vụ. Ông đã tham gia kháng chiến đánh thực dân Pháp. Ông thành thật với chính mình, biết rõ là mình chưa có bao nhiêu kinh nghiệm tranh đấu cũng như chiến trường, nhưng vẫn hăng hái dấn thân với một tấm lòng vì độc lập và tự do của đất nước.

Trong thời gian hoạt động với Mặt Trận Việt Minh, ông đã có nhiều nhận định về bản chất của những người cộng sản: độc tài, độc đoán “kỳ thị giai cấp, tị hiềm cá nhân”, và nhất là tàn ác đối với những người dân bị nghi là Việt gian, bị quy là phản động. Ông đã cảm “thấy xót xa cho bao nhiêu người dân đã bị chết oan ức bởi cái gọi là tòa án nhân dân của Việt Minh trong giai đoạn hỗn quân, hỗn quan sau ngày 18 tháng 8-1945. (trg. 82). Qua các vụ Ôn Như Hầu ở Hà Nội và Chiêm Sơn ở Quảng Nam, ông đã thấy rõ “Người Cộng sản mang dã tâm sát hại các lực lượng cách mạng có xu hướng Quốc Gia để giành độc quyền yêu nước.” (trg 118)
Nhờ “số mạng có cung nô bộc tốt” và nhờ “quý nhân” (viên Trung Tá người Nhật). ông đã may mắn thoát khỏi sự rắc rối của một viên chính ủy trong Ủy Ban Hành Chánh và Kháng Chiến Trung Bộ, vì tính tình thẳng thắn của ông.
Sau khi Việt Minh cướp chính quyền và thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, do Hồ Chí Minh làm chủ tịch, chủ trương thân Cộng lộ ra, anh rời hàng ngũ Việt Minh, ra Hà Nội ghi tên làm sinh viên ban Dược Khoa để tránh sự nhòm ngó của nhóm Sinh Viên Cứu Quốc đang theo dõi những người có tinh thần quốc gia.
Trong lúc các đảng phái Quốc Gia chống thực dân Pháp có từ thập niên 1930, đang bị chính quyền Việt Minh tìm bắt, thủ tiêu hoặc giam tù (trg.109) thì Hà Thúc Ký dấn thân gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng vì tâm đắc với chủ thuyết “Dân Tộc Sinh Tồn” của Trưởng Tử Anh, người sáng lập Đảng. Ông tuyên thệ vào tháng 2-1946 và bốn năm sau được cử làm Trưởng Xứ Bộ Miền Trung; năm 1953 được bầu vào Hội Đồng Chủ Tịch Trung Ương Đảng Bộ Đại Việt. Từ đây, ông trở thành một chính trị gia có tầm cỡ và đã tham gia vào phong trào Đại Đoàn Kết và Hòa Bình cùng với ông Ngô Đình Nhu ở Trung Việt với mục đích tranh thủ Độc Lập thực sự cho Việt Nam sau Hiệp định Auriol - Bảo Đại ký năm 1949. Pháp trao trả Độc Lập và Thống Nhất cho Việt Nam.

Từ năm 1955 trở đi, lãnh tụ Hà Thúc Ký bắt đầu bước vào giai đoạn gian nan, vì đảng Đại Việt bị chính quyền Ngô Đình Diệm “dồn ép vào tình thế bất lợi”.
Trước đó, tại Quảng Trị, đảng Đại Việt đã góp phần vào việc bình định, giúp cho Tỉnh Trưởng Trần Điền thành công tốt đẹp trong tình hình an ninh ở địa đầu giới tuyến, nhưng theo Hà Thúc Ký, “ít lâu sau, do tinh thần bè phái, sự tham quyền cố vị của một số người có ảnh hưởng tại địa phương, nên xảy ra vụ Đảng Đại Việt Miền Trung ‘đối nghịch với chính quyền địa phương’ rồi rút lên vùng núi Ba Lòng lập chiến khu đối đầu với chính phủ Ngô Đình Diệm”. Hà Thúc Ký bị tuyên án khiếm diện mức chung thân khổ sai. Ông phải trốn tránh từ năm 1956 cho đến giữa tháng 10-1958 thì bị bắt tại Sài Gòn (do sự phản bội của một đồng chí tên Đặng Ngọc Xuân làm điểm chỉ viên cho Mật Vụ Miền Trung của Ngô Đình Cẩn (trg. 221).
Ông bị giam trong tù chứ không được “lao động khổ sai” như bản án. Ông đã nếm đủ các mùi vị và thưởng thức đủ các cung bậc của giam cầm, đói, lạnh, ốm đau trong tù và cách đối xử của chế độ Ngô Đình Diệm với tù nhân (trg. 226). Nhưng trong lòng không chút oán hờn cá nhân ai. Ông nhắc lại những khổ nhục của tù nhân chỉ với mục đích “nhắn nhủ các thế hệ mai sau có người nào ở địa vị lãnh đạo đất nước xem đây là kinh nghiệm… phải có nhân đạo vì người ta đã mất tự do, đừng cướp mất luôn lẽ sống của họ.” (tr. 226).

Sau cuộc đảo chánh 1-11-1963, chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, ông được tự do và sau đó bắt đầu giai đoạn tham chính.
Năm 1964, ông làm Tổng Trưởng Nội Vụ trong chính phủ Nguyễn Khánh, được 2 tháng thì từ chức vì bất đồng chính kiến. Tháng 5- 1965 ông công bố Tuyên Ngôn 9 điểm đòi thực hiện Đại Đoàn Kết quốc gia để cải cách kinh tế, chính trị và xã hội. Tháng 12-1965, đảng Đại Việt Cách Mạng được thành lập, ông được tôn lên làm Tổng Bí Thư. Tháng 9-1967, ông lập liên danh ứng cử Tổng Thống với ông Nguyễn Văn Định, dấu hiệu Bông Lúa. Sau Biến cố Tết Mậu Thân 1968, ông Hà Thúc Ký vận động 6 đảng quốc gia có thực lực lập Mặt trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội để tạo sức mạnh chống cộng sản Bắc Việt. Cùng với giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và Trần Quốc Bửu lập Mặt Trận Tự Quyết.
Từ thời kỳ hoạt động công khai (1964-1972) đến khi trở lại Hoạt Động Bí Mật (1973-1975) ông Hà Thúc Ký lúc nào cũng thao thức trách nhiệm đối với quê hương, dân tộc, lo lắng cho các đồng chí Đại Việt, nhớ thương các đồng chí không may mắn, ghi nhớ những tấm lòng đã cảm thông, giúp đỡ mình trong cơn hoạn nạn. Có thể nói, ông Hà Thúc Ký là người “ơn ai một chút chẳng quên, nghĩa ai một chút để bên dạ này”. Dường như trong lòng ông chỉ có ân tình và nhân nghĩa chứ không có oán hận. Ông là một lãnh tụ có đức khiêm cung, ông thú nhận là mình có số “phát ngang” nên được lên chức một cách nhanh chóng, chứ không tự nhận là mình có tài, có năng lực. Những lần thoát hiểm, thoát nguy, ông đều nghĩ là được may mắn.
Mà ông may mắn thật. Ông có được một “nội tướng” hết lòng vì hoài bão lớn của chồng, không bao giờ biểu lộ bịn rịn làm chùn bước chinh nhân. (trg. 149). Tuy bà không nói ra, nhưng có thể ngầm hiểu là “Anh cứ đi theo mộng nước non, đừng lo gì đến chuyện vợ con”. Bà Hà Thúc Ký đã đóng một vai khá quan trọng trong cuộc đời tranh đấu của ông. Đọc đoạn ông Hà Thúc Ký hồi ức về vợ con trong “Sống Còn Với Dân Tộc”, tôi mang máng nhớ lại mấy câu thơ:
“Xin anh cứ nghĩ bạn anh, tuy
Giam hãm thân trong cảnh ngục tù
Vẫn để hồn theo người lận đận
Vẫn hằng trông, đếm bước anh đi!”

Và chàng trai hào kiệt họ Hà, có một lúc nào đó, đã bâng khuâng khi tạm dừng chân trên đường bôn ba vì đất nước đã mường tượng ra hình ảnh người chinh phụ:
“Nhạc ngựa đang reo với gió chiều
Đèn ai leo lét chốn cô lieu
Phải chăng hình ảnh niềm mong nhớ
Của kẻ xa vời… đốm lửa yêu”


Nói tóm lại, qua hồi ký chính trị “Sống Còn Với Dân Tộc”, ông Hà Thúc Ký đã bộc lộ niềm thao thức khôn nguôi của một người suốt đời ôm ấp hoài bão Độc Lập cho quê hương, hạnh phúc cho dân tộc.
Ông là một nhà ái quốc dạt dào tình cảm, trọng nhân nghĩa, yêu quê hương qua từng ruộng lúa, lũy tre, núi sông, đầm phá… và các lăng miếu đền đài cổ kính thâm nghiêm. Ông tham chính chỉ vì ước vọng cứu lấy quê hương và bảo toàn sự sinh tồn của dân tộc, chứ ông không làm chính trị theo nghĩa “tranh bá đồ vương” để thỏa lòng tham danh vọng, bất chấp mọi thủ đoạn, lấy cứu cánh biên minh cho phương tiện như nhiều nhà chính trị đã làm.

Sau 30 tháng Tư, 1975, ông lại được may mắn ra khỏi nước trước khi quân Cộng Sản Bắc Việt chiếm trọn miền Nam Tự Do. Nhưng từ ngày rời xa quê hương, lòng ông vẫn thổn thức không nguôi vì không thể quên “những cảnh tượng tủi nhục mà thân nhân, bạn bè và đồng chí phải chịu đựng trong những trại cải tạo tại nơi quê nhà” (tr. 362).
Ông viết hồi ký, không phải để tự biện hộ cho sự bất lực của mình trước thời cuộc và vận nước, như một số người khác. Do đó, hồi ký “Sống Còn Với Dân Tộc” của Hà Thúc Ký là một “Tự Phán” trước lịch sử.
“Tôi nghĩ đã đến lúc cần phải kiểm điểm lại những gì mình đã làm suốt một đời người cho việc đóng góp vào công cuộc chung có ảnh hưởng đến vận mệnh của đất nước. Những việc làm của tôi, nếu có thể cho đó là một sự nghiệp cách mạng và chính trị thì sự nghiệp này có đem lại lợi ích cho Tổ Quốc và Dân Tộc hay không, cũng như hành động của tôi, phải hay trái, đúng hay sai…”
Năm năm trước khi rời bỏ trần gian, tuổi đời đã 83, ông vẫn thao thức, băn khoăn đã “Làm được gì cho đất nước?” “Còn có hy vọng nào để đóng góp cho xứ sở nữa không?” (trg 362).

Hồi ký ông để lại có thể xem như một tài liệu lịch sử cận đại, giai đoạn 1930 -1975 về Đảng Đại Việt và về một số biến cố chính trị tại miền Nam Việt Nam. Nhưng theo tôi, điều mà tác giả mong ước hơn hết có lẽ là những lời nhắn nhủ và nhắc nhở các thế hệ tương lai về trách nhiệm đối với quốc gia và dân tộc. Ông đã gửi gắm nỗi lòng mình và hy vọng các đồng chí của ông “mạnh dạn cố gắng tiếp nối trên con đường chông gai mà chúng ta đã đi từ mấy chục năm qua cho đến ngày đất nước thực sự có tự do dân chủ” (369).
NGUYỄN CHÂU, San José, CA
------------

THIỆP MỜI -Tham dự Ra Mắt Sách Hồi Ký “Sống Còn Với Dân Tộc”


No comments: