Friday, October 16, 2009

MỘT GIẢI NOBEL VI HIẾN


Một Giải Nobel vi hiến
Ronald D. Rotunda, J. Peter Pham
Đinh Từ Thức dịch
17/10/2009 3:55 sáng
http://www.talawas.org/?p=11771
Chắc chắn là người ta có thể, và sẽ còn bàn cãi về việc liệu Tổng thống Obama có xứng đáng với Giải Nobel Hòa bình không. Nhưng trong khi đó, có một câu hởi giản dị và cấp bách hơn: Liệu Hiến pháp có cho phép ông chấp nhận giải thưởng không?
Điều I, Khoản 9 của Hiến pháp, điều khoản nói về thù lao, đã trình bầy rõ ràng: “Và không Người nào giữ bất cứ Chức vụ có Lợi lộc hay Tin cẩn nào, nếu không có sự thỏa thuận của Quốc hội, được nhận bất cứ món quà, Thù lao, Chức vụ hay Tước hiệu bất cứ thuộc loại nào, từ bất cứ nhà Vua, ông Hoàng hay Nước ngoài nào”.
Giải thưởng Hòa bình cho một Tổng thống tại chức không phải là điều chưa từng có. Nhưng Theodore Roosevelt và Woodrow Wilson đã nhận danh dự này cho những việc làm trong quá khứ: Nỗ lực của Roosevelt trong việc chấm dứt Chiến tranh Nga – Nhật, và việc làm của Wilson trong việc thành lập Hội Quốc Liên. Giải thưởng của Obama thì khác. Nó được chủ ý tạo ảnh hưởng cho việc làm trong tương lai. Như một thành viên của Ủy ban Nobel đã giải thích, giải thưởng nhằm khuyến khích Obama đạt mục tiêu của ông trong việc loại bỏ võ khí hạt nhân. Nó nêu ra câu hỏi quan trọng về pháp lý lần thứ nhì trong vòng dưới 10 tháng – những câu hỏi không được thảo luận, chưa nói tới việc không được đề cập đúng mức tại bất cứ đâu.
Ủy ban Nobel gồm năm thành viên được bầu bởi Storting, là Quốc hội Na Uy. Như vậy, Giải thưởng Hòa bình đã được tạo thành bởi một cơ chế đại diện ngành lập pháp của một chính quyền nước ngoài. Không còn phải nghi ngờ gì nữa rằng Giải Nobel Hòa bình là một khoản “thù lao” (“được hưởng từ một công việc hay địa vị”, theo Webster)
Một quan điểm của Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ vào năm 1902 đã nói rằng “một kỷ vật giản dị”, ngay cả “nếu chỉ là một tấm hình, cũng rơi vào phạm vi của ‘bất cứ món quà thuộc bất cứ loại nào’.” Văn phòng Cố vấn Pháp luật của Tổng thống Clinton vào năm 1993 đã tái xác nhận quan điểm 1902, và giải thích rằng văn bản với điều khoản đó không giới hạn “chỉ áp dụng nó cho các chính quyền nước ngoài hành động như là chính quyền”. Quan điểm này giải thích thêm rằng điều khoản thù lao áp dụng ngay cả khi chính quyền nước ngoài hành động qua các phương tiện khác. Như vậy Giải Nobel là một thứ thù lao, và được trả từ nước ngoài.
Thứ đến, Tổng thống cho biết rằng ông sẽ tặng khoản tiền của giải thưởng cho từ thiện, nhưng điều này không giải quyết được vấn đề pháp lý. Tặng 1.4 triệu đô la cho từ thiện giúp ông được trừ thuế, và giảm khoản thuế lợi tức tới nửa triệu – không phải là một khoản không đáng kể. Hơn nữa, tiền này không phải của ông để đem cho. Nó thuộc về Hoa Kỳ: Một quy chế liên bang quy định rằng nếu Tổng thống nhận một “món quà cụ thể hay không cụ thể” giá trị hơn mức tối thiểu từ bất cứ chính quyền nước ngoài nào, món quà “sẽ trở thành tài sản của Hoa Kỳ”.
Ít nhất đây là lần thứ nhì Obama đã làm trái với điều khoản thù lao. Vào ngày 3 tháng Sáu, 2009, trước hôm ông diễn thuyết tại Cairo về liên hệ với thế giới Hồi giáo, ông đã nhận từ tay vua Abdullah (và ngay cả đeo) một dây quàng cổ trang sức, là Huân chương Vua Abdul Aziz, danh dự cao nhất của Saudi Arabia. (Tổng thống Bush đã được tặng Huân chương này vào tháng Giêng năm ngoái.)
Ngoài việc liệu Tổng thống tỏ ra có vấn đề trong suy xét hay không khi chấp nhận bất cứ ân huệ nào từ nhà sáng lập dòng họ Saud hiện đại đã nổi tiếng kỳ thị Do Thái, còn một vấn đề khác: Huân chương đeo cổ rõ ràng là một “ngôi thứ” hiệp sĩ của triều đại Saudi ban phát một cấp bậc trong chế độ tước hiệu hoàng gia và quý tộc. Nó không phải chỉ là vật trang trí hay ruy băng vận động. Hình như không hề có dấu tích nào về việc yêu cầu Quốc hội cho phép, chưa nói tới việc đã được phép, để Tổng thống nhận huy chương này. Washington, Madison và Hamilton có lẽ đã hiểu rõ rằng Huân chương Abdul Aziz nằm cùng trong điều cấm kỵ họ đã có trong đầu đối với bất cứ viên chức công nào thèm thuồng những giải thưởng được tạo ra trong hệ thống danh dự của đế chế Anh.
Căn cứ vào chính lời của Tổng thống Obama rằng Giải Nobel là “một khẳng định về sự lãnh đạo của Mỹ”, Quốc hội nên cho phép ông nhận giải thưởng. Về số tiền của giải thưởng, theo pháp lý, nó thuộc về Hoa Kỳ, phải được Quốc hội sử dụng vào việc công ích, như giảm thiếu hụt ngân sách.
Về Huân chương Abdul Aziz, Quốc hội nên giữ lại việc chấp thuận và trả lại dây đeo cổ – cho đến khi Saudis chứng tỏ họ hậu thuẫn hòa bình thế giới bằng cách thừa nhận quyền của Do Thái được sống hòa bình trong phạm vi biên giới chắc chắn. Điều này sẽ vinh danh ý muốn của Alfred Nobel là thăng tiến “tình huynh đệ giữa các dân tộc” và thực hiện chủ tâm của các nhà soạn thảo hiến pháp (Framers) rằng việc Quốc hội chấp thuận sẽ đề phòng các chính quyền nước ngoài xía vào chính trị Hoa Kỳ bằng cách nhử quà, chức tước hay bất cứ loại thù lao nào khác trước mắt các quan chức của chúng ta.
Ronald D. Rotunda là một giáo sư luật học lỗi lạc tại trường Luật Đại học Chapman. J. Peter Pham là một nghiên cứu sinh thâm niên tại Foundation for Defense of Democracies.

—————-

Nguồn:
An Unconstitutional Nobel”, Washington Post, Oct. 16, 2009

Bản tiếng Việt © 2009 Đinh Từ Thức
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog




Tổng Thống Mỹ Barack Obama với Chiến Lược 'Diễn Biến Hòa Bình'
Lý Đại Nguyên
Đăng ngày 16-10-2009
http://danchimviet.com/articles/1574/1/Tng-Thng-M-Barack-Obama-vi-Chin-Lc-Din-Bin-Hoa-Binh/Page1.html
Sáng sớm thứ Sáu ngày 09/10/2009, tin tổng thống Mỹ, Barack Obama được trao giải Nobel Hòa Bình 2009 làm cho mọi người ngạc nhiên, đến ngay đích thân ông Obama cũng phải thốt lên: “Tôi không nhận thấy mình là xứng đáng đứng trong hàng ngũ của rất nhiều nhân vật có tài chuyển hóa đã được vinh danh bởi giải này”. Giới trí thức và truyền thông, báo chí, khắp thế giới đều lên tiếng bày tỏ quan điểm, cho đây là “một cuộc tấn phong non yểu, trong việc lưạ chọn và chỉ định một vị khôi nguyên”, vì ông Obama mới nhận chức tổng thống Mỹ chỉ được tám tháng tuổi. Mọi việc vừa mới bắt đầu. “Chưa đâu vào đâu cả!”. Ông Fred Greenstein, giáo sư danh dự môn chính trị học tại Đại Học Princeton cho rằng: “Obama sẽ không được thêm một lợi thế chính trị nào khi được giải Nobel Hòa Bình này, và không chắc nó sẽ dẫn tới bất cứ một thay đổi lớn lao nào”. Giáo sư Lichman nói: “Biết đâu giải thưởng này lại trở thành bệnh ‘nhức đầu chính trị’ cho ông Obama”. Tờ London Times: “Quyết định phi lý về Obama tạo nên một sự nhạo báng Giải Nobel Hòa Bình”. Riêng về một số người Việtnam tại Mỹ thì hài hước hóa cho rằng: “Chú bé ‘quàng khăn đỏ’ được ‘ đội mũ xanh’. Thật ngộ nghĩnh! Rõ đẹp mặt!’

Nhưng theo lời phát biểu của Ủy Ban Nobel trong khi loan báo giải thưởng thì: “Obama khi làm tổng thống đã tạo ra không khí mới trong chính trị quốc tế”… “Ông được tặng thưởng vì nỗ lực phi thường, nhằm củng cố ngoại giao quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc”… “Đối thoại và thương thuyết được ưa chuộng như công cụ để giải quyết những xung đột quốc tế khó khăn nhất”… “Viễn cảnh một thế giới không có vũ khí hạt nhân đã mạnh mẽ kích thích thương lượng kiểm soát vũ khí và giải pháp”… “Nhờ động thái Obama, Hoakỳ nay đóng vai trò xây dựng hơn để đối phó với các thách thức khí hậu mà thế giới đang đối mặt”. Thông cáo của Ủy Ban Nobel Hòa Bình viết: “Dân chủ và nhân quyền sẽ được củng cố”… “Rất hiếm khi lại có một nhân vật như Obama thu hút chú ý của thế giới và cho người dân hy vọng có tương lai tốt đẹp hơn”… “Ngoại giao của ông được dựa trên quan niệm rằng, những ai lãnh đạo thế giới phải lãnh đạo trên căn bản những giá trị và thái độ mà đa số nhân dân thế giới chia sẻ”. Phóng viên BBC, Paul Reynolds bình luận. “Giải thưởng rõ ràng là bất ngờ và có thể được xem là sự khuyến khích các dự tính hơn là phần thưởng cho thành quả”.

Với thành phần quyết định trao giải của Ủy Ban Nobel Hòa Bình gồm 5 học giả và chính trị gia, trong đó có 4 bà và chỉ 1 ông, do Quốc Hội Na Uy bầu với nhiệm kỳ sáu năm, mà từ nhiều năm nay Quốc Hội Na Uy do đảng Dân Chủ Xã Hội tả khuynh kiểm soát, thì việc họ chọn ông Obama vốn có khuynh hướng xã hội, rồi trói ông vào vai trò sứ giả hòa bình là điều dễ hiểu. Nhưng ở vị thế của một Tổng Thống Siêu Cường đã từng lãnh đạo thế giới thành công trong các giai đoạn thực hiện“chiến lược toàn cầu” như : “Diệt Phát Xít”, “Giải Thực Dân”, “Đánh Cộng Sản”, “Chống Khủng Bố”, đến nay đang vận dụng và sử dụng sức mạnh kinh tế tài chánh siêu việt, phối hợp với sức mạnh kỹ thuật quân sự khổng lồ, thực hiện giai đoạn chiến lược toàn cầu “Diễn Biến Hòa Bình”, uyển chuyển ứng xử để vượt qua những chướng ngại do các thế lực tôn giáo quá khích đang thực hiện cuộc chiến tranh ôm bom tự sát ớ Iraq, ở Afghanistan, ở Pakistan, các chế độ độc tài tham nhũng ở nhiều nước lạc hậu, và nhất là làm cùn nhụt tham vọng bành trướng của Đế Quốc Đại Hán Bắckinh, nhằm hoàn chỉnh “Nền Kinh Tế Thị Trường Toàn Cầu Hoá”, mở ra thời đại Nhân Chủ Nhân Văn với tiến trình “Dân Chủ Hóa Toàn Cầu”, tránh cho Đại Chiến Thế Giới khỏi nổ ra.

Hiện nay, tổng thống Obama đang được thừa hưởng cái gia tài vô giá, đó là một bài học cho các nưóc thù địch của Mỹ, và là cái giá phải trả của các khuynh hướng muốn đối nghịch với Mỹ. Cái mà cả thế giới lên án, nhất là giới thủ cựu Âu châu thù ghét, đó là thái độ cứng cựa, hành động răn đe và đánh phủ đầu, bất cần dư luận của ông tổng thống Cộng Hòa, George W. Bush. Ông Bush đã làm xong sứ mạng của một tổng thống Mỹ phải làm, trong giai đoạn nhất định là biểu dương sức mạnh Hoakỳ, và giới thiệu đợt vũ khí cực kỳ tối tân vượt trội các đối thủ, để cho ông Obama rộng đường bước vào giai đoạn mới là “Diễn Biến Hoà Bình” trên toàn thế giới. Đúng ra nhóm chữ “Diễn Biến Hòa Bình” đã xuất hiện từ khoảng năm 1999, khi tổng thống Bill Clinton quyết định cho Việtnam được hưởng quy chế “Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn” - PNTR- . Chính vì chủ trương diễn biến hoà bình của Mỹ đi kèm với quy chế PNTR, nên Việtcộng run sợ không dám ký ngay Thương Ước với Mỹ, phải nhường để cho Tầucộng ký trước một năm, thành ra ‘trâu chậm uống nước đục’.

Thế nhưng, cuối cùng Việtcộng vẫn phải mở cửa để cho Mỹ nhập nội Việtnam và “diễn biến hòa bình” cứ đương nhiên triển khai một cách tự nhiên và tự nguyện nơi cán bộ đảng viên Việtcộng, còn toàn dân thì hân hoan được hưởng sái. Dù trên mặt tuyên truyền Việtcộng vẫn lớn giọng chống “diễn biến hòa bình”, nhưng trong thực tế, diễn biến hoà bình đã đánh bại tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong đầu mỗi người, thay đổi luôn nội dung của chế độ từ ‘cộng sản bao cấp’ sang ‘tư bản man rợ’ diễn ra ở Việt cũng như ở Tầu. Đảng viên Việtcộng được quyền tư hữu, kinh doanh, thi nhau tham nhũng, bóc lột dân chúng, chiếm công vi tư, làm giầu bất chính, khiến toàn dân oán giận, thù ghét. Nên phải bám lấy đàn anh Trungcộng để duy trì chính quyền. Nhưng không may cho Việtcộng đã gặp phải thứ quan thầy hống hách tham tàn vô độ. Buộc Việtcộng phải thi hành chủ trương ‘tàm thực’ Việtnam của chúng, làm cho tinh thần Độc Lập Dân Tộc, Chống Ngoại Xâm của quân, cán, chính và của toàn dân trong, ngoài nước bùng lên kết án tay sai và ngọai xâm mãnh liệt. Trong khi đó, Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ, Hillary Clinton chính thức tuyên bố: “Hoakỳ đã trở lại Á châu”. Đồng thời giới chức Mỹ còn cho biết đại ý rằng, các công ty Mỹ có mặt khai thác ở đâu thì Mỹ có trách nhiệm bảo vệ an ninh ở đó.

Hiện nay Mỹ là nước đầu tư lớn nhất ở Việtnam. Nghĩa là Mỹ bằng các ký kết chính thức đã nhập nội Việtnam, để mặc nhiên thực hiện “Diễn Biến Hòa Bình” trước sự cố gắng vùng vằng của đảng và nhà cầm quyền Việtcộng, có sự hậu thuẫn của Tầucộng. Cuộc chạy đua trong diễn biến hoà bình ở Việtnam hiện nay rất gay gắt và cam go, không kém gì những điểm nóng ở Iraq, Iran, Afghanistan, Pakistan, Bắc Hàn, Miến Điện. Mà người phải đưa ra quyết sách khôn ngoan, chính xác, hữu hiệu nhất trong chiến lược “Diễn Biến Hoà Bình” trên toàn thế giới, không ai khác hơn là Tổng Thống Mỹ. Chỉ non tay một chút, chỉ sai một ly là từ “Diễn Biến Hòa Bình” trở thành “Diễn Biến Chiến Tranh” ngay lập tức. Liệu, tổng thống Mỹ, Barack Obama có đủ tài đức, khôn khéo và có được một bộ tham mưu siêu việt để thực hiện giai đoạn “Diễn Biến Hòa Bình” tinh tế này hay không đây? Chờ xem!


Little Saigon ngày 13/10/2009.

Bài do tác giả gởi Đăng


No comments: