Phía sau những dự án tỉ đô
Tư Giang
Ngày 24.06.2009 Giờ 09:13
http://www.sgtt.com.vn/Detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=53306&fld=HTMG/2009/0623/53306
SGTT - Với gần 72 tỉ USD vốn FDI cấp mới trong năm 2008, mà vỏn vẹn 4 tỉ USD giải ngân trong sáu tháng đầu năm nay, có vẻ Việt Nam còn đang say sưa với làn sóng những cam kết từ các nhà đầu tư nước ngoài, thay vì nhận diện bản chất của hiện tượng này.
Các quan chức trong hệ thống cấp phép của Thanh Hoá và Hà Tĩnh hẳn vẫn còn cảm thấy mất mặt bởi cú lừa ngoạn mục của đại diện “tập đoàn” Eminence hai năm trước. Họ đã đón tiếp, một cách trọng thị và khoa trương, ông chủ Yang Wu Sung, người hứa sẽ đầu tư một tổ hợp gang thép tới 30 tỉ USD vào khu Nghi Sơn, Thanh Hoá. Nhưng rốt cuộc, “ngài chủ tịch” đã lặng lẽ rời khỏi Việt Nam để lại những giấc mơ dang dở cho những quan chức đó.
Câu chuyện trên chỉ là “trò cười” với nhiều người, nhưng với ông Phạm Chí Cường, chủ tịch hiệp hội Thép Việt Nam nó thật sự nghiêm túc và đáng quan ngại. Ngành thép đang đón hàng chục các dự án mà quy mô của mỗi cái lên đến hàng tỉ USD với những tên tuổi như Tycoon Worldwide Group, TATA Steel, Lion Group, FRRO China,… Tổng công suất của tất cả những dự án mới cấp và đang xét lên tới 60 triệu tấn/năm, gấp khoảng ba lần so với nhu cầu của năm 2020.
Ông Cường nói, nhu cầu thép của năm nay khoảng 8 triệu tấn, trong khi sản lượng hiện có của các nhà máy đã gấp ba lần. “Cấp phép thế thì chết cả. Nhiều nhà máy đang chỉ chạy với 50% công suất”, ông Cường nói. Tình trạng thừa mứa trong ngành thép nghiêm trọng đến nỗi, theo ông Cường tháng 3 vừa rồi, Thủ tướng đã phải yêu cầu dừng xem xét việc cấp phép tới 32 dự án thép.
Kể từ khi xuất hiện làn sóng FDI thứ hai và phân cấp cấp phép triệt để cho chính quyền địa phương từ cuối năm 2006, nhiều dự án quy mô hàng tỉ USD chiếm dụng nhiều đất đai và năng lượng đã được cấp phép dễ dàng vào Việt Nam. Dù chưa có tổng kết chính thức, nhưng có thể nêu tên các khu resort, nhà máy thép, nhà máy lọc dầu, cảng biển, sân bay, nhà máy đóng tàu, sân golf,… mà số lượng và sự phân tán của chúng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển đất nước tổng thể.
Nhưng xử lý cũng khó. Sau khi bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc yêu cầu Quốc hội xem xét “rút” 50 trong tổng số 166 dự án sân golf mà hai phần ba trong đó được cấp trong hai năm qua, dường như bộ này đang chịu nhiều sức ép. Các nguồn tin cho biết, một số lãnh đạo các địa phương đã bắt đầu cuộc “vận động và đấu tranh” để giữ lại bằng được các dự án này. Những “nhóm lợi ích” đang cố phát huy thế mạnh.
Việc cấp phép dễ dàng, nhưng không giám sát cũng đang mang lại nhiều hậu quả. Nhà máy giấy Lee & Man với vốn đầu tư lên tới 1,2 tỉ đôla ở Hậu Giang khởi công hoành tráng cuối năm 2007. Nhưng cho đến nay, theo đồng nghiệp của chúng tôi, “mặt bằng xây dựng nhà máy vẫn còn ngổn ngang và chưa hề có nhà xưởng nào mọc lên. Chỉ có rải rác vài cây trụ điện, vài thanh sắt lớn”. Dự án Tây Hồ Tây trị giá hàng trăm triệu USD cấp phép năm 2006 đến nay cũng không thể triển khai được vì giải phóng mặt bằng, gây lo ngại cho người dân.
Rõ ràng, nhiều dự án đang được cấp phép “vô tội vạ” vào Việt Nam, kể cả trong những ngành đã có quy hoạch tổng thể, hay chưa. Mặc dù vậy, điều chỉnh việc này là điều không tưởng ở thời điểm hiện nay xét trên góc độ nhận thức. Cục trưởng Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng giải thích: “Bùng nổ FDI giúp tạo dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế,… Chúng ta cũng phải lựa chọn, nhưng chớ vội chê trách tại sao đầu tư vào ngành này ngành kia nhiều quá. Có thực tiễn là nhà đầu tư chỉ đầu tư vào ngành nào sinh lợi”.
Theo ông Thắng, bộ Kế hoạch và đầu tư chưa kiến nghị thu hồi bất kỳ dự án FDI nào trong đợt rà soát hiện tại nhằm phát hiện dự án nào quá chậm, không triển khai được thì phải thu hồi đất, giao lại cho nhà đầu tư mới. Ông Thắng thú nhận: “Nói rất thực, nó cũng vướng nhiều thủ tục liên quan. Dự án họ đã đầu tư vài triệu rồi, không phải dễ dàng gì để rút nhanh giấy phép… Nên cũng cần có những giải pháp dung hoà, tạo điều kiện cho người ta tiếp tục. Chúng tôi cũng rất kiên quyết, nhưng về quản lý vĩ mô cũng phải hài hoà”.
Gần đây, phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài đã đồng ý cùng với cục Đầu tư tổ chức một buổi đối thoại với đại diện của 38 chủ dự án FDI quy mô lớn đang “đặc biệt chậm trễ” vào cuối năm nay. Tuy vậy, với cách quản lý như vậy, khó mà quyết định số phận của những dự án này sau buổi đối thoại đó.
Ông Thắng thừa nhận, thật khó mà cưỡng lại được các dự án tỷ đô dù nền kinh tế chỉ có năng lực hấp thụ 10 tỉ USD/năm. Năng lực này chỉ tăng cùng lắm là 10 – 12%/năm. Ông nói: “Nếu cứ nhận tiếp nữa, lên gần 72 tỉ USD như năm ngoái cũng không để làm gì, vì khả năng chúng ta chỉ như vậy thôi”. Nhận xét này, rõ ràng, sẽ không được chính quyền địa phương tiếp thu khi cơ chế phân cấp tuyệt đối vẫn đang hiệu lực.
-----------------------------------------------
Sẽ rút bớt quyền cấp phép dự án FDI
Bộ Kế hoạch và đầu tư (MPI) đang xem xét đề án nhằm rút bớt lại quyền cấp phép các dự án FDI đã được trao triệt để cho chính quyền 63 tỉnh, thành phố từ cuối năm 2006. Cơ sở của đề án này dựa trên yêu cầu của Chính phủ sau khi xem xét một số mô hình nước ngoài, và thực tế ở Việt Nam trong gần ba năm qua. Cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng cho biết, MPI sẽ thu quyền về dựa trên hai yếu tố: quy mô dự án và diện tích đất. “Chúng tôi đang được yêu cầu xem lại nghị định mới bổ sung cho nghị đinh 108 để trình Thủ tướng. Ý chính là thu về bớt quyền để làm sao quản lý được”, ông Thắng nói. Đề án này sẽ phải lấy ý kiến của những đối tượng áp dụng là chính quyền địa phương và cộng đồng đầu tư nước ngoài, nên sẽ mất thời gian.
Trong năm 2008, Việt Nam nhận tổng vốn đăng ký mới là 71,726 tỉ USD, theo số liệu mới công bố của MPI, thay vì 64 tỉ USD công bố cuối năm ngoái.
T.G
No comments:
Post a Comment